Những điều đặc biệt dưới mái trường ở Trường Sa
Tôi đã từng đặt chân tới hầu khắp nẻo đường trên cả nước, đã chứng kiến nhiều điều đặc biệt trong các trường học, nhất là ở những ngôi trường vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Nhưng quả thực, ngôi trường ở đảo Trường Sa Lớn để lại cho tôi nhiều ấn tượng hơn cả.
Kỹ năng giao tiếp như học sinh thành phố
Vừa bước chân lên đảo Trường Sa Lớn, hình ảnh những em bé nhí nhảnh, hồn nhiên đã có sức cuốn hút đặc biệt với cánh phóng viên, nhà báo chúng tôi. Hầu như ngay lập tức, các ống kính máy ảnh, máy quay phim đổ dồn về nơi các em đang nô đùa. Có vẻ như tình yêu với hòn đảo nơi các em sinh sống đã hòa cùng với tình yêu dành cho các chú bộ đội hải quân đang ngày đêm canh giữ sự yên bình cho các em, cho bố mẹ, anh chị, bạn bè của các em. Bởi thế nên các em đều bận trên mình những chiếc áo nhỏ xíu được may theo kiểu mẫu áo bộ đội hải quân.
Như vô thức, bước chân đưa tôi tới nơi phát ra những âm thanh và hình ảnh đáng yêu ấy. Là học sinh ở vùng hải đảo xa xôi, nhưng các em lại tỏ rõ sự nhanh nhẹn, hoạt bát, có kỹ năng giao tiếp khá tốt với những người lạ. Đây là điều hoàn toàn khác biệt so với học sinh ở những vùng sâu, vùng xa khác.
Chúng tôi vào thăm Trường Tiểu học Trường Sa vào đúng giờ ra chơi giữa buổi học. Như bầy chim non, tíu tít, các em túa cả ra sân và hành lang trường, nơi có những món đồ chơi được trang bị có phần còn nhỉnh hơn không ít trường học ở các thành phố trong đất liền. Đó là những chiếc đu quay, thú nhún, thú quay cỡ lớn đầy màu sắc rực rỡ. Đây chính là những món quà thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân cả nước với lứa tuổi mầm non của Trường Sa thân yêu.
Lãnh đạo huyên Trường Sa (Khánh Hòa) tặng giấy khen cho các học sinh đạt thành tích cao trong năm học 2011 – 2012.
Hầu như không nghỉ học
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Bùi Thị Nhung cười tươi:
- Các anh thấy không? Lũ trẻ ở đây khỏe khoắn lắm. Có lẽ do môi trường trong lành, thời tiết thuận lợi nên các em hầu như không bị đau ốm. Thế nên lớp học của tôi lúc nào cũng đủ học sinh, bất kể trời nắng hay mưa.
Cô giáo Bùi Thị Nhung trong một tiết dạy trên đảo Trường Sa Lớn.
Video đang HOT
Bằng quan sát, tôi nhanh chóng xác nhận sự đồng tình với nhận định ấy của cô giáo Nhung. Qua các trò chơi mà các em đang thể hiện, qua điệu cười nắc nẻ và qua cả làn da khỏe khoắn, sự dẻo dai của các em được thể hiện rõ ràng, như những chú cá nhỏ kiên cường tung tăng bơi lội giữa biển khơi ầm ào sóng vỗ ngoài kia.
- Con tên gì, học lớp mấy? Đi học như vậy, con có thích không?
Tôi lân la làm quen với cô bé đang chăm chú ngồi đọc sách. Sau khi tự giới thiệu tên là Nguyễn Thị Quỳnh Hương, 9 tuổi, là học sinh Lớp 3, Trường Tiểu học Trường Sa, cô bé cười ỏn ẻn:
- Dạ, con thích lắm, chú à! Đi học như vầy vừa được gặp bạn bè, được chơi vui, lại còn được học thêm nhiều điều. Cô giáo Nhung dạy tụi con hay lắm, dễ hiểu lắm, chú à!
Con trẻ thường nói thật. Vậy nên tôi cũng thấy dễ hiểu vì sao lớp học của cô giáo Nhung không mấy khi bị thiếu sĩ số như thế.
Đây cũng là điều rất đặc biệt, khác hoàn toàn với các lớp học ở vùng sâu, vùng xa khác, những nơi giáo viên phải thường xuyên đi vận động học sinh không bỏ học và vận động phụ huynh đưa con em trở lại trường.
Chuyển bài thi bằng tàu thủy
Ở trong đất liền, sau các kỳ thi đánh giá chất lượng năm học, bài thi của học sinh thường được niêm phong chặt chẽ và gửi về nơi chấm tập trung bằng các phương tiện đường bộ, chủ yếu là ô tô. Việc vận chuyển bài thi luôn được bảo đảm an toàn, nhanh chóng.
Trường học ở Trường Sa không có điều kiện tổ chức được như vậy. Bài thi của các em, sau khi được niêm phong, bao gói cẩn thận, được gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa qua những chuyến tàu lênh đênh trên biển. Chỉ riêng điều này cũng đã rất đặc biệt – tôi tin rằng không ở đâu trên đất nước Việt Nam của chúng ta, bài thi đánh giá chất lượng học sinh phải vượt quãng đường dài như thế.
Các em học sinh ở đảo Trường Sa lớn. (Ảnh: Báo Biên Phòng)
“Trồng người” nơi đầu sóng
Cảm thông với trẻ em trên vùng hải đảo, cô giáo Bùi Thị Nhung tình nguyện xin ra đảo Trường Sa dạy học, dù biết rõ con đường mình chọn sẽ nhọc nhằn hơn nhiều việc xin nhận công tác trong đất liền. Trên con đường mà mình đã chọn, cô giáo Nhung đã rất may mắn khi có được người chồng hiểu và cảm thông với mình.
Trong đất liền, mặc dù đã có công việc ổn định, nhưng chồng cô giáo Nhung, anh Đặng Thanh Chương, vẫn quyết định bỏ việc, tình nguyện cùng vợ ra đảo phục vụ công tác “trồng người” nơi đầu sóng, ngọn gió. Không phải ai cũng có đủ can đảm và nghị lực làm được điều mà anh đã làm.
Ra đảo, trong lúc chị đi dạy học, anh không ngại khó, ngại khổ ở nhà tăng gia sản xuất. Nhờ tấm lòng biết cảm thông, biết sẻ chia nên anh chị đang có được một gia đình hạnh phúc, vợ chồng trên thuận dưới hòa, con cái ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ.
Còn nhiều, rất nhiều điều đặc biệt khác dưới mái trường giữa trùng khơi này. Xin được dẫn lại lời tâm sự cũng rất đặc biệt của cô giáo Bùi Thị Nhung: Tôi luôn cố gắng truyền đạt cho các em đầy đủ kiến thức ở mức cao nhất có thể, giáo dục đạo đức và nhắc nhở các em noi gương, tiếp bước cha ông bám biển, bám đảo, góp phần tích cực xây dựng huyện đảo Trường Sa vững mạnh.
Chia tay cô giáo Nhung, tôi luôn thầm cảm phục tấm lòng và tình yêu của cô dành cho học trò nơi đảo xa. Khi nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Định Phương (sinh năm 1964, một người dân sinh sống trên đảo Trường Sa Lớn) rất tự hào khi kể về cậu con út Nguyễn Xuân An (sinh năm 1999) của mình. Ông Phương nói, An thường xuyên bày tỏ mong muốn sẽ tiếp nối cha ông bám biển, bám đảo. Nhắc lại câu chuyện của chúng tôi với ông Phương, tôi mong cô giáo Nhung có thể yên tâm rằng, lũ học trò nhỏ đã thấm nhuần những lời giảng của cô giáo, yêu biển, đảo quê hương như yêu chính bản thân mình…
Theo Quân Đội Nhân Dân
Cô hiệu trưởng và sáng kiến giáo viên giúp học trò nghèo
Với sáng kiến "Mỗi thầy cô giáo giúp đỡ 1 học sinh nghèo" của cô Minh Huyền, tình trạng HS bỏ học đã giảm hắn. Cũng nhờ vậy, phong trào thi đua học tốt, dạy tốt được khơi dậy, góp phần xây dựng thành công trường chuẩn quốc gia ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An).
Sinh ra ở miền núi cao Quỳ Châu (Nghệ An), từ nhỏ Nguyễn Thị Minh Huyền đã nuôi ước mơ trở thành cô giáo, đưa con chữ đến với trẻ em ở những bản làng heo hút của vùng cao này. Năm 1989, tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm Miền núi Nghệ An, cô Huyền được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Châu Bình 1 ở xã Châu Bình, một trong những xã nghèo và khó khăn nhất của huyện Quỳ Châu. Với những đóng góp nổi trội của mình, sau 2 năm công tác, cô Minh Huyền được đề bạt làm phó hiệu trưởng nhà trường.
Nhận thấy tố chất gây dựng phong trào nơi cô giáo trẻ này, năm 2003, Phòng GD-ĐT Quỳ Châu đã bổ nhiệm cô giữ chức vụ hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Bình 4 - ngôi trường vùng sâu, vùng xa thuộc hiện khó khăn nhất của huyện. Đứng trước nhiều thử thách, không ít người lo lắng bởi người giáo viên (GV) trẻ, sức vóc nhỏ nhắn ấy bám trụ thế nào giữa bộn bề khó khăn. Đáp lại tình cảm của mọi người, cô chỉ cười: "Càng khó khăn, càng có cơ hội để rèn luyện ý chí, bản lĩnh và tâm huyết của GV vùng cao".
Cô Nguyễn Thị Minh Huyền (bên trái) trao đổi với đồng nghiệp.
Về trường mới, điều đầu tiên vị hiệu trưởng này xác định phải làm ngay là khơi dậy niềm đam mê, tâm huyết với nghề của đội ngũ GV. Cô cùng tập thể lãnh đạo nhà trường phối hợp với tổ chức công đoàn phát động các phong trào thi đua; xây dựng các cơ chế kích cầu trong hoạt động giáo dục. Một trong những khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dạy và học ở đây là tình trạng học sinh (HS) bỏ học. Một phần vì đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, phần vì hoàn cảnh gia đình các em đều nghèo, và quan trọng hơn là nhận thức chưa đúng của các bậc phụ huynh đối với việc học tập của con em mình.
Bởi vậy, với cương vị hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh thay đổi cơ chế, phương pháp giáo dục để kéo các em tới lớp, cô Huyền đến từng bản, vào từng nhà vận động HS quay trở lại lớp học. Với việc xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa nhà trường và các tổ chức chính trị, xã hội địa phương, sự nghiệp giáo dục tại xã khó khăn này nhận được nhiều hơn sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần của các cấp chính quyền và Hội cha mẹ HS... Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của trường đã có những chuyển biến vượt bậc, tình trạng HS bỏ học giảm dần qua từng năm.
Với phong trào "Mỗi thầy cô giáo giúp đỡ 1 học sinh nghèo", tình trạng học sinh bỏ học đã giảm đáng kể, góp phần đưa Trường Tiểu học Châu Hội 1 vươn lên đạt chuẩn quốc gia.
Công tác dạy và học ở Trường Tiểu học Châu Bình 4 dần đi vào quỹ đạo thì cô Nguyễn Thị Minh Huyền nhận được quyết định điều chuyển tới Trưởng Tiểu học Châu Hội 1. Đây là ngôi trường có cơ sở vật chất thiếu thốn vào bậc nhất huyện. Trường có nhiều điểm lẻ nằm rải rác, có khi cách xa cả buổi đường rừng. Tỷ lệ HS bỏ học luôn ở mức cao và chất lượng giáo dục luôn ở tốp "đội sổ".
Lần này, đọc được nỗi lo lắng hiện trên khuôn mặt người thân và những đồng nghiệp, cô lại tự động viên mình: "Cấp trên có tin tưởng mới giao cho mình". Cô Minh Huyền tâm sự: "90% HS của trường thuộc diện hộ nghèo. 4 năm trước, năm nào cũng có HS bỏ học vì nghèo đói. Nhìn các em đi học trong đói rách và thiếu thốn đủ bề, thương lắm".
Tình yêu nghề và tình cảm của một người mẹ đã thôi thúc cô phải làm gì đó để giúp các em, để con đường đến với con chữ của học trò nghèo nơi đây bởi gian nan, gập ghềnh hơn. Được sự nhất trí cao từ tập thể, giáo viên nhà trường, một cuộc vận động lớn đã diễn ra ngay tại ngôi trường khó khăn, thiếu thốn nhất nhì huyện này.
Cứ vào đầu năm học, mỗi cán bộ, GV trong trường lại đăng ký giúp đỡ một vài em HS có hoàn cảnh khó khăn nhất. Sự giúp đỡ của các thầy cô giáo có thể tùy theo khả năng, có thể là phụ đạo cho các em ngoài giờ lên lớp, mua sách vở, quần áo khi năm học mới bắt đầu, đưa đón học sinh tới trường hay nấu cơm trưa cho các em...
"Dù cuộc sống của GV vùng cao chưa hết khó khăn, nhưng bằng cái tâm với nghề, cái tâm của một người mẹ, người cha, các thầy cô giáo nơi đây đang làm đủ mọi cách để kéo các em tới lớp. Sau 4 năm thực hiện, có thể nói là cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo giúp đỡ một em học sinh nghèo" của trường đã có những thành công lớn. Tình trạng HS bỏ học giảm hẳn, năm 2010, Trường Tiểu học Châu Hội 1 được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể cán bộ, GV của trường", cô Huyền tâm sự.
Không những có nhiều sáng kiến trong việc xây dựng phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, kinh nghiệm giải quyết tình trạng HS bỏ học, hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền còn có 2 sáng kiến về "Nâng cao chất lượng đội ngũ trong xây dựng trường chuẩn quốc gia" và "Huy động xã hội hóa giáo dục ở địa phương vùng khó" được các cơ quan quản lý giáo dục xếp hạng. Những sáng kiến, kinh nghiệm này đã được phổ biến rộng rãi tại các trường khó khăn trên địa bàn toàn huyện.
Hoàng Lam
Theo dân trí
Đà Nẵng sẽ có Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Ngày 29-9, Đoàn công tác liên bộ có buổi làm việc với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế II (CĐKTYTII) về việc thẩm định đề án phát triển Trường CĐKTYTII thành Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng (ĐHKTYDĐN). Đây là niềm vui không chỉ đối với thầy và trò Trường CĐKTYTII mà còn là tín hiệu tích cực trong...