Những điều cần làm khi đi hiến máu
Tôi 42 tuổi, sức khoẻ bình thường. Cơ quan tôi có phát động đi hiến máu nhưng nhiều người vẫn ngại đi. Xin quý báo tư vấn ai có thể đi hiến máu? Trước và trong khi hiến máu phải làm gì?
Hoài An (Hưng Yên)
Ảnh minh họa
Tất cả mọi người từ 18 – 55 tuổi đối với nữ, 18 – 60 tuổi đối với nam, có mang đầy đủ giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác có thể tham gia hiến máu nhân đạo. Với người đã hiến máu an toàn hoặc cân nặng trên 50kg, có thể hiến 350ml máu/lần. Với người hiến máu nhắc lại thì phải đảm bảo khoảng thời gian cách lần hiến máu trước tối thiểu là 84 ngày. Đặc biệt người hiến máu không nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác.
Video đang HOT
Ngày hôm trước khi hiến máu nên ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ; tránh làm việc quá sức, thức đêm, bỏ ăn, say rượu,… gây mệt mỏi, căng thẳng trước khi hiến máu. Ngày hiến máu nên ăn nhẹ trước khi hiến máu 1 – 2 giờ, không ăn nhiều thịt, cá, không uống rượu; đem theo chứng minh nhân dân.
Tại địa điểm hiến máu cần thực hiện đúng hướng dẫn của Ban tổ chức và nhân viên y tế, chỉ rời khỏi điểm hiến máu khi cảm thấy mình hoàn toàn bình thường. Sau khi hiến máu: trong 3 ngày đầu, cần giữ sạch nơi chọc ven, không làm việc quá sức, tránh làm những việc đặc biệt nguy hiểm, không say rượu; cần ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ, liên hệ với cơ sở truyền máu khi thấy có những bất thường về sức khỏe.
""Hiến máu cứu người - Hãy hiến thường xuyên"
Đó là chủ đề của ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4-2021) mà Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương mong muốn gửi đến cộng đồng và người dân cả nước.
Những năm qua, các chiến dịch, sự kiện hiến máu lớn cũng được tổ chức thường xuyên, tạo dấu ấn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hiến máu của cả nước, được nhiều địa phương hưởng ứng và tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, bài bản vào các thời điểm khan hiếm máu như: Lễ hội Xuân hồng, Những giọt máu hồng hè, Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ, Ngày Quốc tế người hiến máu 14-6...
TS, BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: Công Thắng
Nói về ý nghĩa của việc hiến máu thường xuyên, TS, BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương khẳng định, máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, hiến máu thường xuyên.
Việc đảm bảo tuyển chọn, duy trì được nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên và ổn định, đáp ứng được nhu cầu máu cho điều trị là một trong những yêu cầu cơ bản đối với các cơ sở truyền máu, là giải pháp quyết định để giảm thiểu tối đa những rủi ro cho người bệnh do lây nhiễm các mầm bệnh.
"Hiến máu tình nguyện nói chung, hiến máu tình nguyện thường xuyên nói riêng là một điều cao quý. Những người hiến máu thường xuyên luôn có ý thức giữ sức khỏe, đồng thời tự sàng lọc các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân người hiến máu và cả người bệnh được nhận máu. Máu hiến từ những người hiến tặng thường xuyên có chất lượng nhất và an toàn nhất", TS, BS Bạch Quốc Khánh nhấn mạnh.
Ngày càng có nhiều người dân tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Công Thắng
Còn theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia, sự mất cân đối giữa lượng máu tiếp nhận và nhu cầu sử dụng máu tùy từng nhóm máu vào một số thời điểm có thể ảnh hưởng đến chất lượng lưu trữ và sử dụng của máu.
Trong khi các chế phẩm máu chỉ có thời hạn bảo quản, lưu trữ nhất định tối đa là 42 ngày với khối hồng cầu được bảo quản ở nhiệt độ 4-8 độ C hay khối tiểu cầu chỉ bảo quản được tối đa 5 ngày ở nhiệt độ phòng 20-24 độ C, kèm lắc liên tục.
Theo Bí thư Quận đoàn Ba Đình (Hà Nội) Nguyễn Ngọc Thắng, người có 32 lần hiến máu liên tục, người dân hãy tham gia hiến máu thường xuyên trong năm khi nào có cơ hội, bởi hằng ngày, hằng giờ luôn có những bệnh nhân đang mỏi mòn chờ đợi máu của người tình nguyện để duy trì sự sống.
Ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện" đang dần từng bước trở thành một nét văn hóa, mang tính nhân văn, nhân ái của mỗi cơ quan, tổ chức và mỗi người dân Việt Nam. Hưởng ứng ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4) năm nay, nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước tổ chức ngày hội hiến máu và lễ mít tinh hưởng ứng.
Ngày 7-4-2000, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 43/QĐ-TT, quyết định lấy ngày 7-4 hàng năm là ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện". Kể từ đó, ngày 7-4 đã trở thành ngày hội để mỗi người dân Việt Nam thực hiện việc hiến máu cứu người, vận động mọi người cùng hiến máu.
Bổ sung dinh dưỡng trước và sau khi hiến máu Hiến máu có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như thiếu máu và mệt mỏi. Ăn, uống đúng loại thực phẩm trước và sau khi hiến máu có thể làm giảm nguy cơ tác dụng phụ.