Những điều bất ngờ gây rối tung bộ nhớ
Thiếu ngủ, tác dụng phụ của một số loại thuốc, và thậm chí căng thẳng đều có thể ảnh hưởng đến bộ nhớ, theoMsn.
Trầm cảm khiến các chức năng nhận thức bị ảnh hưởng – Ảnh: Shutterstock
Bạn thường xuyên lục tung mọi ngóc ngách trong nhà để tìm kiếm chìa khóa? hay đột nhiên không thể nhớ tên giáo viên của con bạn? Bạn cũng quên lịch hẹn bác sĩ hay bất chợt không nhớ nỗi âm thanh quen thuộc… Đừng sợ, bởi không phải mọi sự lãng quên đều nghiêm trọng. Tiến sĩ Majid Fotuhi, người sáng lập và là Giám đốc y tế của Trung tâm Não NeurExpand ở Luterville (Mỹ) khẳng định bộ não tương đối dễ điều chỉnh, nên có thể thay đổi và cải thiện nếu biết cách.
Dưới đây là những yếu tố góp phần làm ảnh hưởng đến bộ nhớ của con người.
Rối loạn chức năng tuyến giáp. Khi tuyến giáp có vấn đề, bạn có thể cảm thấy quá nóng, quá lạnh, lo lắng, trầm cảm và bộ nhớ cũng có thể bị ảnh hưởng. Mặc dù tuyến giáp không đóng một vai trò cụ thể nào trong não, nhưng hiện tượng mất trí nhớ là một trong những hệ quả khi tuyến giáp hoạt động không được bình thường, tiến sĩ Fotuhi nói. Tuyến giáp cai quản gần như tất cả các quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, những người bị suy giáp hay cường giáp thường gặp khó khăn trong việc ghi nhớ và tập trung, phổ biến nhất là ở phụ nữ. Hãy kiểm tra tuyến giáp để xác định xem nó có phải là thủ phạm giấu mặt gây trục trặc cho bộ nhớ của bạn hay không trước khi tìm hiểu các nguyên nhân khác.
Mãn kinh. Mỗi khi cơn nóng bừng – triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, tấn công, bạn chỉ muốn đưa đầu vào tủ lạnh để hạ hỏa và thời điểm đó bạn cũng có thể cảm thấy đầu óc không còn minh mẫn. Theo các chuyên gia sức khỏe, nóng hừng hực trong thời kỳ mãn kinh làm tệ hơn khả năng ghi nhớ ở phụ nữ. Tuy nhiên, cơn nóng bừng không gây tổn thương não trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và bộ nhớ sẽ được cải thiện khi các cơn nóng bừng dịu bớt. Bên cạnh hiện tượng nóng bừng, các triệu chứng mãn kinh khác cũng đóng góp cho việc mất trí nhớ, bao gồm mất ngủ và ngưng thở khi ngủ.
Thiếu ngủ. Ngủ không đủ giấc cũng là thủ phạm gây mất trí nhớ. Tiến sĩ Allen Towfigh, Giám đốc y tế của Khoa Thần kinh học và Ngủ tại New York (Mỹ) cho biết trong não có một khu vực liên quan đến bộ nhớ và phản ứng cảm xúc. Vì vậy, những người bị rối loạn giấc ngủ không chỉ bị suy giảm trí nhớ mà còn mệt mỏi vào ban ngày, giảm sự chú ý và giảm thời gian phản ứng. Một số người mặc dù ngủ đủ 8 giờ một đêm, nhưng nếu thức dậy vẫn còn mệt mỏi thì có thể cần ngủ nhiều hơn, tiến sĩ Towfigh khuyến cáo.
Lo âu và trầm cảm. Lo lắng về một kế hoạch sắp tới có thể gây cản trở bộ nhớ. Mặc dù các nhà khoa học không biết chính xác sự liên kết giữa 2 vấn đề này, nhưng có bằng chứng cho thấy trầm cảm, lo âu và bệnh lưỡng cực phá vỡ các mạch thần kinh liên quan đến sự phát triển và ghi nhớ ký ức, tiến sĩ Towfigh nói. Mức độ nghiêm trọng của chứng mất trí nhớ thường phản ánh mức độ nghiêm trọng của rối loạn tâm trạng hoặc trầm cảm nặng. Căng thẳng trong thời gian dài làm tăng nồng độ cortisol trong não, khiến các khớp thần kinh (được ví như những cây cầu kết nối các tế bào não lại với nhau) trong tế bào não bị mất đi, gây khó cho việc tạo ra và lấy lại ký ức.
Tác dụng phụ của thuốc. Một số loại thuốc theo toa thông thường có thể gây mất trí nhớ từ ngắn hạn đến dài hạn, điển hình như thuốc chống rối loạn lo âu: Xanax, Valium và Ativan (benzodiazepines); thuốc chữa bệnh tim bao gồm statin; thuốc giảm đau có chất gây mê, thuốc hỗ trợ giấc ngủ và thậm chí cả thuốc kháng histamine như Benadryl.
Hút thuốc. Rất dễ giải thích lý do tại sao những người có thói quen hút thuốc lá thường hay đãng trí. Những hóa chất độc hại trong thuốc lá gây thiệt hại nghiêm trọng cho não bộ, mà cụ thể là gây cản trở dòng máu lưu thông đến não. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Archives of General Psychiatry sau khi thu thập dữ liệu từ hơn 7.000 đàn ông lẫn phụ nữ hút thuốc lá, và các nhà khoa học tìm thấy có sự suy giảm nhanh hơn các chức năng não (đặc biệt là bộ nhớ) ở những người này so với những người không hút thuốc. Hơn nữa, hút thuốc lá còn thúc đẩy sự tích tụ các protein bất thường làm giảm khả năng của não bộ trong việc xử lý và chuyển tiếp thông tin, tiến sĩ Towfigh cho biết thêm.
Video đang HOT
Chế độ ăn nhiều chất béo. Bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên có thể gây hại cho tim, đồng thời cũng gây hại cho bộ nhớ. Một nghiên cứu ở chuột phát hiện những con chuột khỏe mạnh ít có khả năng tập trung và trí nhớ thường kém hơn sau khi được cho ăn một chế độ ăn nhiều chất béo trong 8 tuần. Một nghiên cứu khác cũng được tiến hành ở những con chuột trưởng thành và cho thấy vùng hippocampus (một phần của não chịu trách nhiệm về trí nhớ ngắn hạn) rất dễ bị tổn thương trước tác động của chế độ ăn giàu chất béo. Các nhà khoa học tin rằng, calo trong chế độ ăn đặc thúc đẩy bệnh tiểu đường tuýp 2, cao huyết áp và bệnh tim mạch, tất cả những yếu tố có thể làm thiệt hại đến não.
Chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả giúp ngăn ngừa nhiều bệnh – Ảnh: Shutterstock
Căng thẳng. Một nghiên cứu được tiến hành trên chuột cho thấy kích thích tố căng thẳng gây ảnh hưởng đến một khu vực của não, nơi điều khiển bộ nhớ làm việc. Các nhà khoa học phát hiện rằng căng thẳng lặp đi lặp lại làm giảm một phần các thụ thể trong bộ não được kết nối đến quá trình suy nghĩ. Mặc dù nghiên cứu này liên quan đến động vật, nhưng bộ não con người cũng hoạt động tương tự, tiến sĩ Towfigh cho biết. Tiếp xúc thường xuyên với nồng độ glucocorticoid cao (một hormon do tuyến thượng thận tiết ra khi bị stress) khiến các thụ thể trong tế bào não giảm đi, dẫn đến khả năng đáp ứng các tín hiệu cũng sụt giảm. Tìm cách giảm bớt căng thẳng bằng cách thực hành thiền định có thể giúp cải thiện trí nhớ, theo một nghiên cứu của Trường đại học California (Mỹ). Sinh viên đại học ngồi thiền 45 phút/ngày trong suốt 2 tuần tìm thấy sự cải thiện đáng kể của bộ nhớ sau khi làm các bài kiểm tra.
Vi trùng. Thời tiết lạnh, gây khó chịu có thể khiến bộ nhớ rối tung, theo một nghiên cứu năm 2013. Các nhà nghiên cứu phát hiện những người tiếp xúc với nhiều vi trùng, như herpes simplex type 1 (virus cảm lạnh) có nhiều khả năng rối loạn bộ nhớ hơn so với những người ít tiếp xúc với vi trùng. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, mặc dù không có vắc-xin chống lại virus cảm lạnh, nhưng tiêm chủng để chống lại các virus khác có thể giúp ngăn ngừa vấn đề này trong cuộc sống về sau. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng lặp đi lặp lại – thủ phạm có thể làm hỏng các mạch máu, được liên kết với nguy cơ đột quỵ và đau tim.
Trà xanh. Hóa chất có trong trà xanh có thể giúp cải thiện trí nhớ, theo một nghiên cứu của Đại học Basel (Thụy Sĩ). Một số hợp chất như: EGCG và L-theanine trong trà xanh có tác dụng làm tăng tế bào thần kinh mới trong vùng hippocampus – một phần của não được sử dụng cho bộ nhớ ngắn hạn và học hỏi những điều mới.
Tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên giúp não sắc nét hơn. Theo tiến sĩ Towfigh, tập thể dục giúp cải thiện tâm trạng, giấc ngủ và các yếu tố này góp phần cải thiện khả năng nhận thức và trí nhớ. Một nghiên cứu cho biết 45 phút tập thể dục mỗi ngày có thể làm tăng sự phát triển tế bào não, giúp cải thiện bộ nhớ.
Thiếu hụt vitamin B12. Những người ăn chay có nguy cơ cao bị thiếu vitamin B12 – thành phần giúp dây thần kinh và các tế bào máu trong cơ thể khỏe mạnh. Vitamin B12 có mặt tự nhiên trong các loại thực phẩm: động vật có vỏ, thịt, gia cầm, trứng và sữa. Ngoài mệt mỏi, chán ăn, táo bón và giảm cân, thiếu hụt B12 có thể dẫn đến các vấn đề về bộ nhớ. Phụ nữ mang thai, người già, và những ai thiếu máu ác tính (không có khả năng hấp thụ vitamin B12 từ thức ăn) hoặc rối loạn tiêu hóa như bệnh celiac và bệnh Crohn có thể cần phải bổ sung bằng đường uống.
Ngọc Khuê
Theo TNO
Bí quyết cải thiện trí nhớ
Ngoài các biện pháp phổ biến như ăn ít hơn, tập luyện nhiều hơn, tham gia các hoạt động cộng đồng..., một số bước đơn giản sau có thể giúp tăng cường trí nhớ mỗi ngày.
Khiêu vũ rất tốt cho não - Ảnh: Shutterstock
Thay đổi phông chữ
Theo một nghiên cứu, làm văn bản trở nên khó đọc hơn thực sự rất tốt cho não. Bằng cách thay đổi phông chữ trên máy tính như chuyển sang dạng in nghiêng hoặc đậm hay đổi cỡ chữ nhỏ hơn hoặc lớn hơn có tác dụng giúp não hoạt động hiệu quả. Tiến sĩ, giáo sư tâm lý Daniel Oppenheimer tại Đại học Princeton (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu cho biết trong thực tế có rất nhiều cách để cải thiện trí nhớ, nhưng đừng làm những nhiệm vụ quá khó khăn, nếu không sẽ bị phản tác dụng.
Khiêu vũ
Học một môn nghệ thuật mới, như: nấu ăn, cắm hoa hay tham gia lớp học khiêu vũ rất tốt cho não. Tiến sĩ Dawn Buse, nhà tâm lý học tại Trung tâm Y tế Montefiore ở New York (Mỹ) cho biết những cặp đôi có sở thích nhảy múa, khiêu vũ không những tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn cho cả trí não. Theo Health, trong lúc dìu nhau nhảy, bạn phải suy nghĩ đến những bước đi và sự thay đổi linh hoạt để cả hai hòa hợp.
Tập chuyển tay
Nhiều người sống sót sau trận đột quỵ thường bị liệt và phải học cách sử dụng những phần cơ thể còn lại cho công việc hằng ngày. Điều này giúp tạo ra mạng lưới thần kinh mới. Theo nhiều nghiên cứu, ngay cả những người không đột quỵ vẫn có thể hưởng được những lợi ích khi thực hành các công việc không thuận tay; chẳng hạn như: ăn bằng tay trái, đánh răng bằng tay trái, khóa nịt bằng tay trái. Những hoạt động mới này kích thích các bộ phận mới của não bộ.
Nghỉ giải lao
Có một cách để không bao giờ nhồi nhét kiến thức và ghi nhớ những gì đã học là cần nghỉ xả hơi. Các nhà nghiên cứu xác định rằng những người dành thời gian nghỉ ngơi thực sự học tốt hơn so với những người học liên tục trong nhiều giờ liền tại một thời điểm nhất định. Theo Haley Vlach, tiến sĩ, phó giáo sư về tâm lý giáo dục tại Đại học Wisconsin (Mỹ), cho phép thời gian nghỉ ngơi ở giữa buổi học có thể thúc đẩy khả năng ghi nhớ thông tin và thúc đẩy khả năng tìm hiểu các khái niệm.
Viết bằng tay
Bút và giấy thực sự tốt cho não, theo một nghiên cứu trên Tạp chí Khoa học thần kinh (Mỹ). Mọi người có xu hướng nhớ tốt hơn khi viết các ký tự bằng tay chứ không phải gõ trên bàn phím máy tính. Và một nghiên cứu được tiến hành ở trẻ em chỉ ra rằng văn bản với bút và giấy kích hoạt nhiều khu vực của não bộ hơn là gõ bàn phím.
Chơi trò chơi máy tính
Trong một nghiên cứu, bé gái vị thành niên thường xuyên chơi các trò chơi trên máy tính có những thay đổi trong các bộ phận của não liên quan đến tư duy phê phán, lý luận, ngôn ngữ, và phân tích so những bé không chơi. Trò chơi đòi hỏi người chơi phải vận dụng hình dạng, màu sắc sao cho tương thích, chẳng hạn như trò chơi xếp gạch, bắn kim cương
Phân tâm mình
Một nghiên cứu của Đại học Amsterdam (Hà Lan) phát hiện những người được tiếp xúc với tiếng ồn xung quanh (âm thanh của lời nói ngẫu nhiên) có khả năng giải quyết vấn đề thấu đáo hơn so với những người không bị phân tâm.
Thiền
Bằng chứng mới cho thấy những người thường xuyên ngồi thiền có thể làm thay đổi sự sản xuất vật lý trong não. Thiền cho phép hình thành mạng lưới thần kinh mới trong não, theo Simon A.Rego, Giám đốc đào tạo tâm lý học tại Trung tâm Y tế Montefiore ở New York (Mỹ). Thiền không chỉ khiến con người chú tâm vào sự tập trung mà còn giúp việc tự nhận thức và đồng cảm diễn ra tốt hơn.
Đọc to
Đọc một cuốn sách hoặc tờ báo lớn tiếng kích thích các bộ phận khác nhau của não hoạt động tốt hơn so với đọc âm thầm. Đó chính là chìa khóa để giữ cho các phần khác nhau của não bộ khỏe mạnh và giữ cho máu chảy đến não trơn tru mà không phá vỡ các kết nối.
Ngọc Khuê
Theo TNO
Vitamin D thấp hại não Chế độ ăn ít vitamin D có thể gây tổn hại cho não bộ, theo nghiên cứu mới của Đại học Kentucky tại Mỹ. Nên chú ý bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D - Ảnh: Shutterstock Trưởng nhóm nghiên cứu Allan Butterfield của Đại học Kentucky cho hay, bên cạnh công dụng giúp xương chắc khỏe, vitamin D còn được phát...