Những điểm yếu của cử nhân khi đi xin việc
Đơn vị tuyển dụng yêu cầu cao về chuyên môn, kỹ năng làm việc nhưng nhiều ứng viên thiếu kiến thức, yếu ngoại ngữ, doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Nghịch lý của thị trường lao động
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong quý II/2018, số lao động thất nghiệp ở trình độ đại học khoảng 126.000 người, mặc dù trên thực tế, thị trường lao động đã và vẫn có nhu cầu sử dụng nhóm lao động này. Cổng thông tin điện tử của Bộ ghi nhận có 171.000 vị trí tuyển dụng mới, tăng 24.900 (14,7%) so với quý I/2018.
Vì sao có nghịch lý này? Tại diễn đàn khoa học “ Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0″ vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia nhấn mạnh, lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ “vàng” về số lượng chứ chưa có chất lượng cao. Bởi nhiều lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, chủ yếu là lao động kỹ năng thấp, giá rẻ.
Báo cáo thị trường quý II/2018 của ManpowerGroup thống kê, với lực lượng lao động gần 56 triệu người, chỉ 11% có kỹ năng tay nghề cao. Thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã giải phóng sức lao động của con người. Công việc nặng nhọc dần chuyển giao cho máy móc nên nhu cầu tuyển dụng hiện thiên về tư duy trí tuệ, chuyên môn kỹ thuật cao hơn. Vì vậy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn tìm kiếm nhân tài.
Một nguyên nhân khác, theo bà Manuela Spiga, Giám đốc khu vực mảng hướng nghiệp và quan hệ doanh nghiệp Đại học RMIT Việt Nam, công tác dự báo cung – cầu lao động còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên chưa thực sự chính xác. Một bộ phận thiếu kiến thức, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc, tìm việc. Phần lớn cử nhân sau tốt nghiệp cần được đào tạo lại mới có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Làm việc nhóm là một trong những kỹ năng tối quan trọng để thành công trong công việc.
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện một công ty chuyên về vận tải hàng hóa logistic ở Hà Nội chia sẻ, nhiều ứng viên muốn làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhưng lại mù mờ về địa lý, không thể kể tên một số cảng biển ở Việt Nam, nhầm lẫn quốc gia ở châu Á sang tận châu Mỹ. Việc không biết đến những khái niệm phổ biến như thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp, cách soạn thảo văn bản, diễn đạt lủng củng, sai ngữ pháp… cũng không hiếm gặp ở các nhân sự trẻ.
Một số doanh nghiệp đau đầu khi không tuyển được ứng viên đủ trình độ theo yêu cầu. Chẳng hạn, trong đợt tuyển dụng kỹ sư ở một công ty chuyên về công nghệ tại TP HCM, qua đánh giá tiêu chuẩn chỉ có 4,5% sinh viên vượt qua bài kiểm tra, trong số đó chỉ có 2% đủ trình độ tiếng Anh.
Báo cáo của ManpowerGroup nhìn nhận, trong tương lai, các kỹ năng cần thiết cho cả ứng viên lẫn doanh nghiệp là: kỹ năng mềm, chuyên môn và hiểu biết về số hóa.
Video đang HOT
Hiểu biết về kỹ năng số hóa góp phần tạo thành công cho cá nhân và doanh nghiệp trong tương lai.
Xây dựng chiến lược đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng yêu cầu kỹ năng đa dạng, bà Manuela Spiga cho rằng, các đại học – nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội – cần xây dựng chương trình dạy phù hợp.
Lấy ví dụ tại Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang và Đại học Quốc gia Singapore đã trở thành những ngôi trường hàng đầu thông qua việc kết hợp với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để tạo thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP HCM, đã qua rồi thời kỳ đại học chỉ đào tạo cái trường có, mà hiện phải chuyển hướng sang đào tạo cái thị trường cần.
Lãnh đạo một đại học tại Hà Nội cũng nhận định nếu không muốn sinh viên thất nghiệp, các trường phải có tầm nhìn trong việc dự đoán nhu cầu của thị trường lao động, từ đó xây dựng được chiến lược phát triển đào tạo riêng và người học cũng có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Sinh viên RMIT thường xuyên được kết nối trực tiếp với doanh nghiệp thông qua sự kiện ngày hội việc làm.
Với chiến lược giúp viên sẵn sàng cho cuộc sống và công việc, RMIT – đại học quốc tế đầu tiên thành lập tại Việt Nam năm 2001 liên tục cập nhật kiến thức, giúp sinh viên tiếp cận sát với thực tế thị trường lao động. Giáo trình có nhiều môn kỹ năng mềm, giúp cử nhân sau tốt nghiệp có thể đáp ứng điều kiện doanh nghiệp mà không cần đào tạo lại.
Trong quá trình học, sinh viên được tham gia các khóa Hoàn thiện kỹ năng cá nhân (Personal Edge). Đây là chương trình miễn phí với các kỹ năng mềm cần có từ nhà tuyển dụng, gồm: tư duy sáng tạo, giao tiếp tự tin, làm việc trong môi trường đa văn hóa, lãnh đạo có nhân cách, sử dụng công nghệ số và hoạch định sự nghiệp. Mỗi bộ kỹ năng được dạy thông qua các lớp học chuyên đề, hội thảo do các nhà lãnh đạo đầu ngành, giảng viên và cựu sinh viên hướng dẫn.
“Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, sinh viên nếu có thể sớm phát triển các kỹ năng mềm và không ngừng rèn luyện sẽ dễ đạt thành công dù ở vị trí nhân viên, doanh nhân hay chuyên gia”, bà Manuela Spiga khẳng định.
Hoài Nhơn
Theo VNE
Sinh viên chỉ ra thực trạng buồn về học tiếng Anh
Trâm Anh khẳng định nhiều cử nhân có trình độ ngoại ngữ thấp một phần do sức ỳ nặng và tư tưởng "đứng núi này trông núi nọ".
Trong tham luận trình bày trước Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam hôm 11/12, Nguyễn Trâm Anh, sinh viên năm hai ngành Giáo dục tiểu học của Đại học Vinh (Nghệ An), khẳng định ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công cho bất kỳ ai. Thế nhưng, năng lực ngoại ngữ của sinh viên hiện nay quá thấp.
Nữ sinh Đại học Vinh dẫn số liệu khảo sát từng được công bố, điểm bình quân sinh viên năm nhất dao động 220-245/900 điểm TOEIC. Với mức này, sinh viên cần khoảng 480 tiết để đạt được 450-500 điểm, mức mà rất nhiều doanh nghiệp coi là tối thiểu để chấp nhận hồ sơ xin việc.
Còn theo khảo sát của câu lạc bộ tiếng Anh thuộc Đại học Vinh, chỉ 48,3% sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh. "Vậy 51,7% còn lại không đạt yêu cầu làm sao có thể đạt hiệu quả trong công việc mà xã hội cần", Trâm Anh đặt câu hỏi.
Một thực trạng khác cũng phổ biến ở tất cả đại học, cao đẳng là trình độ, năng lực tiếng Anh của sinh viên không đồng đều, có sự khác biệt khá lớn.
Nguyễn Trâm Anh trình bày tham luận tại đại hội hôm 11/12. Ảnh: Trung ương Đoàn
Nhiều lý do khiến sinh viên không thể nâng cao trình độ tiếng Anh
Được học tiếng Anh từ bậc tiểu học cho tới khi lên đại học, chưa kể việc học thêm ở các trung tâm Anh ngữ, nhưng nhiều sinh viên khi xin việc không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, khả năng giao tiếp tiếng Anh. Nữ sinh Đại học Vinh đưa ra bốn lý do cho thực trạng trên.
Thứ nhất, chương trình học ngoại ngữ quá nặng về ngữ pháp và văn phạm, trong khi việc luyện phản xạ và giao tiếp không được chú trọng. Sinh viên Việt Nam nắm chắc ngữ pháp tiếng Anh nhưng lại không thể biến chúng thành công cụ để giao tiếp được. "Ngữ pháp chỉ là nền tảng để luyện những kỹ năng khác như nghe, nói, đọc, viết giống như học đi đôi với hành", Trâm Anh nhận định.
Thứ hai, sự không đồng đều về năng lực sử dụng tiếng Anh giữa các sinh viên trong cùng lớp dẫn đến tình trạng sinh viên ở trình độ sơ cấp theo không kịp, còn ở trình độ cao hơn lại cảm thấy nhàm chán. Điều này gây khó khăn cho cả giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học.
Thứ ba, sinh viên thiếu tự tin và không vượt qua được sức ỳ của bản thân. Theo Trâm Anh, đây chính là "hòn đá tảng" trong nhận thức của mỗi sinh viên. Nhiều bạn ngại nói vì sợ sai, sợ bị chê cười, dần dần trở nên khép mình trong các giờ học tiếng Anh. Nhiều bạn còn chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ.
Một số khác lại có tư tưởng "đứng núi này trông núi nọ", cảm thấy bản thân yếu môn tiếng Anh nên chuyển sang học ngôn ngữ khác "dễ hơn" mà không nhận thức được rằng không ngôn ngữ nào dễ học khi bản thân không chăm chỉ và không có phương pháp học phù hợp.
Cuối cùng, Trâm Anh cho rằng môi trường học tập cũng là nhân tố ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp tiếng Anh. Hiện sinh viên chỉ sử dụng tiếng Anh trong giờ học bắt buộc, còn hầu như bị bỏ quên trong các hoạt động khác. Trong khi việc học ngoại ngữ chỉ cần một thời gian không sử dụng là có thể bị quên.
Cần có sự thay đổi từ cả nhà trường, giảng viên và sinh viên
Thấu hiểu được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, Trâm Anh cho rằng sinh viên phải có ý thức tự nâng cao năng lực của bản thân, từ đó xây dựng động cơ, phương pháp học tập thích hợp.
Nhà trường cần nghiên cứu xem việc dạy và học ngoại ngữ là môn học chính, tăng số lượng tín chỉ; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giao lưu giữa sinh viên trong, ngoài trường và với sinh viên quốc tế nếu có điều kiện. Giảng viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo cho sinh viên động lực học tập.
"Dạy và học với mục đích phục vụ cho công việc thực tế chứ không phải chỉ để thi cử và điểm số", Trâm Anh nhấn mạnh.
Nữ sinh này cũng cho rằng nhà trường cùng tổ chức Đoàn, hội các cấp cần tạo môi trường giao tiếp thường xuyên cho sinh viên, tránh để xảy ra việc kiến thức chỉ nằm lại trên bài thi, không sử dụng thực tế, như: tổ chức nhiều chương trình, nhiều cuộc thi liên quan đến ngoại ngữ, thành lập câu lạc bộ tiếng Anh...
Là sinh viên ngành Giáo dục tiểu học, Trâm Anh vẫn dành ba buổi một tuần tham gia lớp học ở câu lạc bộ của trường và dành thời gian tự học tiếng Anh. Em cho biết đang chú trọng phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, trau dồi khả năng đọc, viết văn bản tiếng Anh để bổ trợ cho ngành học và công việc trong tương lai.
Không có tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ thứ hai, thứ ba
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hương Giang (Hải Phòng) về ý kiến công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Hiến pháp năm 2013 quy định ngôn ngữ chính của Việt Nam là tiếng Việt và các dân tộc ít người có quyền dùng ngôn ngữ của mình. Do vậy ngôn ngữ chính thức của Việt Nam là tiếng Việt, không có tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ thứ hai, thứ ba.
Phó thủ tướng cho rằng việc biết ngoại ngữ là rất quan trọng cho học tập và công việc, đặc biệt trong thời đại cách mạng 4.0. Tùy vào điều kiện, niềm đam mê, mỗi bạn trẻ có thể lựa chọn ngoại ngữ khác nhau chứ không chỉ là tiếng Anh.
Dương Tâm
Theo VNE
Sinh viên phàn nàn thực tập ít, học lý thuyết nhiều Bộ trưởng Giáo dục cho rằng chương trình học ở nhiều trường chưa bám sát nhu cầu doanh nghiệp, sinh viên chưa chủ động nên việc thực tập khó khăn. Chiều 11/12, trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam khóa X, gần 700 sinh viên đã đối thoại với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và...