Những điểm nóng định hình chiến lược của Biden với Trung Quốc
Biển Đông, Đài Loan hay luật hải cảnh Trung Quốc đều là những vấn đề nóng ảnh hưởng tới quyết sách của chính quyền Biden với Bắc Kinh.
Trung Quốc đang dần tan “ảo mộng” rằng với việc Donald Trump rời Nhà Trắng, căng thẳng với Mỹ dưới thời chính quyền mới sẽ nhanh chóng hạ nhiệt. Trên thực tế, mọi thứ đang tiếp tục leo thang ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi Biden tuyên thệ nhậm chức, Trung Quốc dường như tìm cách “dằn mặt” Mỹ bằng cách điều hơn 20 máy bay chiến đấu áp sát đảo Đài Loan. Để đáp lại, hải quân Mỹ thông báo đã điều một nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông.
Trung Quốc còn thông qua một luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này nổ súng vào các tàu nước ngoài, điều có thể khiến căng thẳng trên các vùng biển tranh chấp leo thang thành xung đột. Giới phân tích nhận định những động thái trên có thể chỉ là khởi đầu cho một mối quan hệ không dễ dàng giữa chính quyền Biden và Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Joe Biden khi là phó tổng thống Mỹ năm 2015. Ảnh: AP.
“Trung Quốc thường sử dụng hàng loạt ‘phép thử’ để thăm dò ý định của đối thủ hay xác định xem đối phương sẵn sàng đáp trả những hành động của họ đến đâu”, Carl Schuster, cựu quan chức Trung tâm Tình báo Chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ, nhận xét.
Các bước tiếp theo của Bắc Kinh có thể bao gồm tổ chức những cuộc tập trận quy mô lớn gần Đài Loan hoặc trên Biển Đông, hay ngăn chặn tàu nước ngoài với danh nghĩa thực thi luật hàng hải mới, Schuster nói. Bắc Kinh sẽ cố xác định xem đâu là “lằn ranh đỏ” của chính quyền Biden, ông cho biết thêm.
Nhưng các bộ trưởng trong nội các của Tổng thống Biden đã nêu rõ chính quyền Mỹ sẽ kiên quyết đối đầu với những yêu sách chủ quyền phi lý mà Trung Quốc đưa ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Tôi nghĩ Trung Quốc là thách thức lớn nhất của chúng ta, thách thức quan trọng nhất trong tương lai”, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tuần trước tuyên bố. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tập trung vào việc thuyết phục Trung Quốc, hay bất cứ đối thủ nào, rằng đối đầu với quân đội Mỹ “là một ý tồi”, ông nhấn mạnh.
Giới phân tích cho rằng chiến lược đối phó Trung Quốc của chính quyền Biden sẽ tập trung vào ba điểm nóng quan trọng.
Biển Đông
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông. Từ năm 2014, Bắc Kinh đã ráo riết cải tạo trái phép các rạn san hô, bãi cạn trong khu vực thành đảo nhân tạo, bố trí tên lửa, xây dựng đường băng và các hệ thống khí tài trong kế hoạch quân sự hóa quy mô lớn.
Washington không công nhận những tuyên bố chủ quyền trái luật pháp quốc tế này và thường xuyên điều tàu chiến, máy bay quân sự tuần tra tự do hàng hải, hàng không (FONOPS) qua khu vực. Hải quân Mỹ đã thực hiện 10 chiến dịch FONOPS vào năm 2020 và 10 lần vào năm 2019.
Tuy nhiên, cam kết của Mỹ đối với tự do hàng hải trên Biển Đông không chỉ dừng lại ở hoạt động tuần tra gần các đảo, mà còn là sự hiện diện quân sự thường xuyên ở khu vực. Điều này đã được thể hiện bằng việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực.
Năm 2020, chính quyền Trump cũng từng triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay diễn tập ở Biển Đông cùng lúc. Mỹ cũng thường xuyên tiến hành diễn tập với các đồng minh và đối tác trên Biển Đông.
Trung Quốc lâu nay cho rằng sự hiện diện của tàu chiến Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và coi các cuộc tuần tra của hải quân Mỹ là hành động can thiệp vào công việc nội bộ nước này.
Video đang HOT
Trong lúc đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục củng cố những tuyên bố chủ quyền phi lý của mình, triển khai chiến đấu cơ tới các đường băng mà họ đã xây dựng trái phép trên đảo nhân tạo, cũng như tăng tần suất những cuộc tập trận hải quân.
Việc hai bên gia tăng hoạt động quân sự trên Biển Đông gây lo lắng cho giới phân tích. Họ đã cảnh báo về những nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến làm bùng nổ xung đột.
Dù vậy, việc Mỹ gia tăng hiện diện ở Biển Đông khó có thể thay đổi trong thời Biden, giới chuyên gia đánh giá. Trong thời gian vận động tranh cử hồi năm ngoái, Biden đã nhắc lại lời ông từng nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi còn giữ chức phó tổng thống về cách mà quân đội Mỹ sẽ đối phó với vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc tự tuyên bố. “Tôi bảo rằng chúng tôi sẽ bay qua chúng… Chúng tôi sẽ không quan tâm”.
Đài Loan và eo biển Đài Loan
Đài Loan trở lại vị trí dẫn đầu trong căng thẳng Mỹ – Trung hồi tuần trước, khi Bắc Kinh điều hơn 20 máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo trong hai ngày liên tục.
Dù tần suất diễn ra những động thái như vậy đang gia tăng những năm gần đây, thời điểm và thành phần của đội hình tác chiến mới nhất, bao gồm chủ yếu là chiến đấu cơ và máy bay ném bom, dường như nhằm gửi một thông điệp tới chính quyền mới ở Washington.
Mỹ vẫn coi Đài Loan là đồng minh không chính thức trong nhiều thập kỷ qua, song các nhà hoạch định chính sách Mỹ hạn chế công khai thể hiện ủng hộ đối với hòn đảo kể từ khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh năm 1979.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, tuyên bố có thể sử dụng vũ lực để chiếm lại hòn đảo nếu cần thiết.
Trong suốt nhiều thập kỷ, tình thế khó xử luôn chi phối các mối quan hệ xuyên eo biển. Nhưng những năm gần đây, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã khẳng định lại các tuyên bố chủ quyền của mình đối với hòn đảo, đe dọa hành động quân sự, thậm chí là “chiến tranh” để đáp lại những gì họ coi là lời kêu gọi đòi độc lập ngày càng tăng từ Đài Loan.
Bắc Kinh giờ đây tuyên bố máy bay quân sự của họ có thể hoạt động tự do xung quanh hòn đảo vì đó là “không phận của Trung Quốc”.
Một cách hải quân Mỹ thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Đài Bắc là điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, vùng nước rộng 180 km ngăn cách hòn đảo và Trung Quốc đại lục.
Các chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan 13 lần trong năm 2020, nhiều hơn một lần so với mức cao trước đó hồi năm 2016, dưới thời chính quyền Barack Obama, khi Biden là phó tổng thống.
Mỹ đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đảo Đài Loan dưới thời chính quyền Trump bằng cách chấp thuận bán khí tài quân sự hiện đại cho Đài Bắc, bao gồm tiêm kích F-16, các tên lửa hiện đại và xe tăng chiến đấu chủ lực, đồng thời cử phái viên cấp cao tới hòn đảo.
Những tuyên bố gần đây từ chính quyền Biden cho thấy họ sẽ không thoái lui.
“Luôn có một cam kết mạnh mẽ và lâu dài của lưỡng đảng đối với Đài Loan”, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước nói. “Một phần của cam kết đó là đảm bảo Đài Loan có khả năng tự vệ trước hành vi tấn công. Và cam kết đó chắc chắn sẽ được giữ vững dưới chính quyền Biden”.
Sau khi Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu tới Đài Loan hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục tái khẳng định thông điệp này.
“Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế lên Đài Loan mà thay vào đó, hãy tham gia vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa với đại diện được bầu ở Đài Loan”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, thêm rằng mối quan hệ giữa Mỹ và hòn đảo đang ngày càng trở nên sâu sắc.
Luật hải cảnh Trung Quốc
Tàu tuần tra lớn nhất thế giới Hải cảnh 3901 của Trung Quốc. Ảnh: CGC .
Mối liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản được cho là quan trọng nhất đối với cả hai nước. Căn cứ Yokosuka, gần Tokyo, là nơi đặt trụ sở của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, đơn vị nhận nhiệm vụ tuần tra Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong khi đảo Okinawa là nơi đặt căn cứ không quân Kadena, địa điểm tập kết các khí tài chiến đấu chủ chốt của Mỹ, như tiêm kích F-15 hay máy bay tuần thám săn ngầm P-8A.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là một trong những lực lượng quân sự hiện đại, chuyên nghiệp nhất thế giới và các binh sĩ Nhật Bản thường xuyên được huấn luyện cùng quân đội Mỹ.
Một phần của khóa huấn luyện năm ngoái tập trung vào việc bảo vệ một số hòn đảo xa xôi của Nhật, trong đó quan trọng hơn cả là nhóm đảo Senkaku, chuỗi đảo đá không người ở cách Tokyo 1.900 km về phía tây nam mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Bắc Kinh năm 2020 triển khai tàu hải cảnh đến vùng biển xung quanh quần đảo trong quãng thời gian dài kỷ lục.
Tuy nhiên, Washington đã nhiều lần khẳng định ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Tokyo đối với Senkaku/Điếu Ngư, nhóm đảo đang do Nhật Bản kiểm soát. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 27/1, Tổng thống Biden đã cam kết tiếp tục bảo vệ nhóm đảo này theo Hiệp ước Phòng thủ Chung Mỹ – Nhật.
Tầm quan trọng của những bình luận mà Tổng thống Biden đưa ra càng được đề cao trong bối cảnh Bắc Kinh vừa thông qua một đạo luật mới, về lý thuyết cho phép hải cảnh Trung Quốc bắn tàu nước ngoài mà họ coi là mối đe dọa đối với vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Luật trên còn trao quyền cho hải cảnh Trung Quốc lên và kiểm tra tàu nước ngoài trong vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền cũng như phá hủy các cấu trúc trên thực thể trong những vùng biển này. Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc gọi luật hải cảnh mới là biện pháp để Bắc Kinh bảo vệ lợi ích ở nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Luật hải cảnh mới của Bắc Kinh còn tác động tới những khu vực khác. Tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên ở gần các đảo do Philippines kiểm soát ở Biển Đông mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền. Hôm 27/1, Philippines gửi công hàm ngoại giao phản đối Bắc Kinh vì thông qua luật hải cảnh mới. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. gọi đạo luật này “như lời đe dọa gây chiến với bất kỳ quốc gia nào không tuân theo”.
Giống Nhật Bản, Mỹ cũng có hiệp ước phòng thủ chung với đồng minh Philipines. Việc Tokyo và Malina cùng là đồng minh với Mỹ và cùng phải đối diện với những mối đe dọa từ Bắc Kinh là minh họa rõ nét cho thấy mạng lưới liên minh và đối tác mà Mỹ đã thiết lập xung quanh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Những hành động của Trung Quốc “đã đẩy hai đồng minh của Mỹ lại gần nhau hơn bao giờ hết”, nhà phân tích Richard Javad Heydarian viết cho Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á hồi năm 2019.
Mỹ, Nhật và Philippines đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập chung. Philippines năm ngoái trở thành khách hàng mua khí tài quân sự lớn của Nhật, khi ký một thỏa thuận mua radar giám sát không phận tân tiến.
Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang có xu hướng ngả về phía Mỹ và Nhật Bản ở một mức độ nào đó trong những năm qua và năm 2021, chính quyền Biden được dự đoán sẽ dựa nhiều vào hệ thống liên minh, đối tác này.
“Trump hành động và quyết định nhanh chóng, sau đó mới tìm đến đối tác. Biden trước tiên sẽ tìm đối tác rồi mới hành động”, Schuster nhận xét.
Mặt khác, hỗ trợ đối với hệ thống đối tác do Mỹ – Nhật dẫn dắt còn có thể đến từ các đồng minh châu Âu.
Anh từng tuyên bố sẽ điều nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực trong năm nay. Pháp cũng có kế hoạch tham gia các cuộc tập trận đổ bộ Mỹ – Nhật năm 2021.
Thậm chí Đức cũng có thể tham gia. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer từng cho biết Berlin sẽ điều tàu khu trục nhỏ tuần tra khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong vài tháng tới.
Giới phân tích lưu ý dù ngả về phía Washington, các nước trong khu vực sẽ không đóng cửa hoàn toàn trước Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn là cường quốc quân sự đứng thứ hai thế giới và sẽ luôn ở đó, ngay trước ngưỡng cửa của họ.
“Một trong các thách thức lớn mà chính sách Mỹ phải đối mặt những năm gần đây là làm thế nào để chứng minh sự hiện diện của họ trong khu vực không phải là nhất thời và lực lượng của họ có thể hỗ trợ các đồng minh ở mức độ phù hợp”, Sidharth Kaushal từ Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh đánh giá.
“Thông điệp xuyên suốt trong chính sách của Trung Quốc đối với các nước ở khu vực là hải quân Mỹ có thể đến và đi nhưng Trung Quốc là yếu tố luôn tồn tại trong môi trường an ninh của họ”, ông nói thêm.
Theo Kaushal, việc Trung Quốc giảm các hành động gây hấn, khiêu khích khi các lực lượng Mỹ tới khu vực và gia tăng khi họ rời đi “về cơ bản nhằm truyền thông điệp rằng người Mỹ sẽ không hiện diện mãi mãi nhưng Trung Quốc thì có”.
“Các lãnh đạo khu vực hài lòng với sự hiện diện của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Nhưng họ không muốn phải chọn phe giữa hai cường quốc này”, Schuster nhận định.
Vậy nên, nguy cơ căng thẳng leo thang trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương năm nay chưa thực sự quá nghiêm trọng. Bản thân Trung Quốc cũng có lý do để kiềm chế.
Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và dự kiến ưu tiên các mục tiêu chính sách trong nước. Vì thế, những cạnh tranh về chính sách đối ngoại có thể làm chệch hướng dư luận và lãng phí nguồn lực, Timothy Heath, chuyên gia về quốc phòng tại Viện nghiên cứu RAND Corp ở Virginia, Mỹ, đánh giá. “Điều này tạo động lực mạnh mẽ để Trung Quốc tránh thực hiện các hành động gây hấn hay kích động xung đột”, ông cho biết.
Trung Quốc khuyên Mỹ không 'tự bắn vào chân'
Bắc Kinh cảnh báo chính quyền Biden "tự bắn vào chân" nếu thực thi chính sách kiềm chế "bất khả thi" đối với Trung Quốc.
"Thực tế cho thấy kiềm tỏa Trung Quốc là nhiệm vụ bất khả thi. Điều này chỉ dẫn đến kết cục tự bắn vào chân mình mà thôi", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 28/1.
Ông Ngô cho rằng quan hệ quân sự Trung - Mỹ đang đứng trước "điểm khởi đầu lịch sử mới" dưới thời tân Tổng thống Joe Biden, đồng thời hối thúc Mỹ theo đuổi chính sách "không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, trên tinh thần đôi bên cùng có lợi".
Thông điệp từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh quan hệ quốc phòng Mỹ - Trung dưới thời tổng thống Donald Trump leo thang căng thẳng tại nhiều điểm nóng, như vấn đề Đài Loan và Biển Đông.
Tiêm kích Mỹ chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động trên Biển Đông ngày 23/1. Ảnh: US Navy .
Trong những năm qua, Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD đầu tư cho quốc phòng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai tham vọng cải tổ quân đội nước này thành lực lượng tác chiến "đẳng cấp thế giới" trước năm 2050.
Bắc Kinh đồng thời duy trì cách hành xử quyết liệt với các nước láng giềng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tiến hành các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp trên các thực thể tại Biển Đông.
Trung Quốc từng kỳ vọng tân Tổng thống Biden sẽ có lập trường mềm mỏng hơn so với người tiền nhiệm Trump. Tuy nhiên, chính quyền Biden ngay trong tuần đầu của nhiệm kỳ đã có những hành động cứng rắn như điều nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông và tuyên bố sẵn sàng bảo vệ đồng minh Nhật Bản trong tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 27/1 cũng điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin, cam kết hỗ trợ Philippines trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang ở Biển Đông.
Mỹ cam kết hỗ trợ Philippines trên Biển Đông Chính quyền Biden cam kết hỗ trợ đồng minh Philippines trong tranh chấp ở Biển Đông, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 27/1 điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin, cam kết hỗ trợ Philippines trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang ở Biển Đông. "Ngoại trưởng Blinken...