Những điểm mới quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BYT ngày 18/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thay thế Thông tư số 06/2016/TT-BYT ngày 08/03/2016 của Bộ Y tế về nội dung này trước đó.
Theo đó đã sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ mới được điều chỉnh trong Luật dược như: thuốc cổ truyền thay cho thuốc đông y, thuốc dược liệu thay cho thuốc từ dược liệu; bổ sung và quy định nội dung ghi nhãn của thuốc pha chế theo đơn và bán tại nhà thuốc, thuốc bào chế và sản xuất trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thống nhất các nội dung ghi nhãn đối với các thuốc lưu hành trên thị trường mà không yêu cầu phải cấp giấy đăng ký lưu hành.
Cục Quản lý Dược cho rằng quy định ghi nhãn đối với các thuốc sản xuất, pha chế trong bệnh viện góp phần tích cực trong việc cung cấp đầy đủ thông tin sử dụng thuốc cho cán bộ y tế và giúp cho người bệnh hiểu rõ lợi ích và tác hại của thuốc, tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý và an toàn.
Ghi một số dấu hiệu nhận biết trên nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đối với một số loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc như: thuốc độc, thuốc phóng xạ, nguyên liệu độc, nguyên liệu phóng xạ, dược liệu độc. Các lưu ý về nguyên liệu phải kiểm soát đặc biệt phải được in đậm trong khung và được in trên mặt chính của nhãn có ghi tên nguyên liệu; các lưu ý về thuốc độc, thuốc phóng xạ phải được in đậm theo kiểu chữ in hoa trên nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Việc quy định phải in các dấu hiệu lưu ý đối với nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc độc, thuốc phóng xạ nhằm mục đích cảnh báo nguy cơ dùng nhầm thuốc, nguyên liệu làm thuốc, lưu ý đặc biệt khi bảo quản, vận chuyển và sử dụng thuốc cho người bệnh, cung cấp đầy đủ thông tin cho cho nhân viên y tế trong quá trình kê đơn, hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân được an toàn, hiệu quả.
Trước đây các quy định về nguyên tắc đặt tên thương mại của thuốc được quy định trong thông tư đăng ký thuốc. Tuy nhiên nội dung quy định này đã được bổ sung và quy định trong thông tư ghi nhãn, trong đó đã sửa đổi quy định “không được đặt tên thuốc khác nhau trong trường hợp thuốc có cùng tất cả các tiêu chí sau: hoạt chất, dược liệu, dạng bào chế, đường dùng, nồng độ, hàm lượng và nhà sản xuất”.
Video đang HOT
Nội dung quy định mới này đã khắc phục được tình trạng doanh nghiệp đặt nhiều tên thuốc khác nhau mặc dù thuốc có cùng các tiêu chí về dạng bào chế, đường dùng, nồng độ, hàm lượng và nhà sản xuất nhưng có công thức bào chế khác nhau, chỉ khác nhau thành phần tá dược.
Nhằm phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh dược đối với hoạt động thay thế, bổ sung tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt tại Việt Nam, thông tư đã bổ sung quy định cụ thể hơn các trường hợp được bổ sung nhãn phụ, thay thế, bổ sung tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt tại Việt Nam và có yêu cầu cơ sở phải báo cáo về Bộ Y tế trong thời hạn một tháng kể từ thời điểm kết thúc thực hiện việc bổ sung hoặc thay thế tờ hướng dẫn sử dụng thuốc tại Việt Nam.
Hiện nay, thuốc lưu hành trên thị trường trong bao bì thương phẩm phải có tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bằng tiếng Việt trong đó được trình bày thành 2 phần, là hướng dẫn sử dụng thuốc cho cán bộ y tế và hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh. Hai phần hướng dẫn sử dụng thuốc này có nhiều nội dung trùng lắp với nhau, hơn nữa việc quy định 2 phần hướng dẫn trong bao bì thuốc sẽ làm tăng kích thước của hộp thuốc và tăng chi phí sản xuất do phải in thêm nội dung tờ hướng dẫn sử dụng. Để khắc phục tồn tại và khó khăn trên cho doanh nghiệp, Thông tư mới đã bổ sung và bỏ quy định tờ hướng dẫn sử dụng thuốc gồm hai phần nêu trên và bỏ phần hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh.
Thông tư đã bổ sung quy định về thời gian công bố tờ hướng dẫn sử dụng thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam trên Website của Cục Quản lý Dược. Đồng thời quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất, đăng ký thuốc generic, sinh phẩm tương tự phải tham khảo trong quá trình chuẩn bị tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc cập nhật nội dung tờ hướng dẫn sử dụng thuốc generic, sinh phẩm tương tự phù hợp với tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu tương ứng với nồng độ, hàm lượng, hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng của thuốc trong quá trình lưu hành.
Việc quy định này nhằm đảm bảo và từng bước thống nhất, đồng bộ các thông tin sử dụng thuốc của các thuốc generic, sinh phẩm tương tự đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam theo các thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc của thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu tương ứng trên cơ sở hồ sơ lâm sàng và tờ hướng dẫn sử dụng của các thuốc này đã được chuẩn hóa, phê duyệt và cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, thông tư còn quy định cụ thể một số trường hợp, cơ sở sản xuất, đăng ký, nhập khẩu thuốc được phép ghi thêm một số nội dung khác trên nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc ngoài các nội dung bắt buộc theo quy định của Thông tư, các nội dung ghi thêm này, cơ sở không phải thông báo và không cần có sự phê duyệt của Bộ Y tế, tuy cơ sở phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin ghi thêm.
Tú Anh
Theo Dân trí
Sẽ tăng cường hậu kiểm trong lĩnh vực trang thiết bị y tế
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết hiện cơ quan này đang đề xuất bãi bỏ, sửa đổi nhiều điều kiện liên quan tới việc sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó đẩy mạnh hậu kiểm để giải phóng thời gian lưu khó máy móc của các đơn vị.
Tại Hội nghị đánh giá sau 2 năm thực hiện, triển khai Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và lấy ý kiến về các nội dung của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, ông Tuấn cho biết thời gian qua việc giải quyết đối với các thủ tục hành chính được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi cho công tác xử lý, theo dõi và quản lý thông tin hồ sơ, các DN do toàn bộ công việc được xử lý trên phần mềm hệ thống trực tuyến và theo mức độ 4 về công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, do số lượng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến trang thiết bị y tế lớn, nhiều nội dung khó mang đậm tính đặc thù, phức tạp, thường xuyên được thay đổi và có nhiều nội dung giáp ranh, liên quan đến nhiều lĩnh vực của các Bộ, ngành khác... trong khi nhân lực còn thiếu cũng ảnh hưởng đến tiến độ công việc.
Ông Tuấn chia sẻ, nhân lực theo dõi lĩnh vực thiết bị y tế của Vụ chỉ có 11 người, bao gồm cả lãnh đạo phụ trách nhưng mỗi năm phải thụ lý từ 4.500 - 7.000 hồ sơ về quản lý nhập khẩu thiết bị y tế.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai 6 nhóm thủ tục công bố, đăng ký, đề nghị cấp phép trực tuyến tại Bộ Y tế (giai đoạn 1 từ ngày 1/1/2017: công bố đủ điều kiện phân loại thiết bị y tế và giai đoạn 2 từ ngày 1/7/2017 với 5 nhóm thủ tục theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp.
Đến nay, theo báo cáo của các Sở Y tế và theo dõi trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến quản lý thiết bị y tế, các cơ sở đã tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả 10.462 hồ sơ của doanh nghiệp, trong đó số lượng hồ sơ đã thực hiện công bố là 10.327.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi nghị định 36 theo hướng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Theo đó bãi bỏ 11 điều kiện sản xuất, kinh doanh và sửa đổi 24 điều kiện sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục trang thiết bị y tế kém theo mã số HS theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế.
"Khi đã thoáng về thủ tục cho doanh nghiệp, việc hậu kiểm sẽ được trung tâm kiểm chuẩn giám sát thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống này còn yếu phải tiếp tục được đẩy mạnh. Bản thân bệnh viên khi đấu thầu, mua sắm cũng cần có trách nhiệm kiểm tra và hậu kiểm khi đã lắp đặt, sử dụng", ông Tuấn nói.
Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng cho biết thời gian qua cũng có những doanh nghiệp lợi dụng nhằm qua mặt các cơ quan chức năng để kinh doanh thiết bị y tế chưa đảm bảo chất lượng, Ví như các hình thức tạm xuất tái nhập, phá niêm phong, đánh tráo hàng ngay trên đường vận chuyển, thẩm lậu vào nội địa để tiêu thụ hoặc hàng vận chuyển đến Campuchia rồi tìm cách quay ngược Việt Nam... là những thủ đoạn gian lận thương mại mới trong lĩnh vực thiết bị y tế, đòi hỏi sự vào cuộc ráo riết hơn của cơ quan Hải quan để ngăn chặn những nguy cơ này.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Bạn gái đòi chia tay sau nhiều lần cho tôi cơ hội sửa đổi Tôi phải làm sao để hình ảnh của mình tốt lên trong mắt em? 4 năm biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, tôi vẫn muốn đi tiếp cùng em. Tôi và bạn gái yêu nhau được 4 năm, từ năm học chung cấp 3. Giờ em học đại học năm thứ 3, còn tôi đi nghĩa vụ 2 năm, về em vẫn...