Những điểm mới khi viết hoa theo Nghị định 30/2020/ NĐ-CP vừa có hiệu lực
Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2020/ NĐ-CP là rất cần thiết để mọi người nắm chắc được các quy định viết hoa khi sử dụng tiếng Việt hàng ngày.
Ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta rất phong phú, đa dạng và có phần phức tạp về từ vựng, ngữ pháp. Chính vì thế, người học tiếng Việt mà nắm được các quy định cơ bản trong hành văn thường phải mất một khoảng thời gian rất lâu.
Bởi vì chỉ cần nắm được các quy định viết hoa như thế nào cho đúng quy định cũng khiến cho nhiều người phải mất rất nhiều thời gian mà vẫn có những lúc viết không đúng, còn nhầm lẫn.
Chính vì thế mà ngay cả những thầy cô giáo dạy Ngữ văn hay những người thường xuyên viết lách cũng có những lúc lẫn lộn về vấn đề này. Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2020/ NĐ-CP là rất cần thiết để mọi người nắm chắc được các quy định viết hoa khi sử dụng tiếng Việt hàng ngày.
Viết đúng tiếng Việt sẽ làm giàu và đẹp thêm cho ngôn ngữ của dân tộc (Ảnh minh họa: VTV.vn)
Nghị định 30/2020/ NĐ-CP vừa ban hành có nhiều quy định viết hoa khác với Thông tư số 01/2011/TT-BNV trước đây.
So sánh Nghị định 30/2020/ NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 5/3/2020 thì chúng ta thấy nhiều điểm khác so với Thông tư số 01/2011/TT-BNV trước đây về những trường hợp bắt buộc phải viết hoa.
Nếu như trước đây, theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV quy định phải viết hoa vì phép đặt câu trong các trường hợp sau dấu chấm lửng (…); sau dấu hai chấm (:); sau dấu hai chấm trong ngoặc kép (: “…”) và viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của mệnh đề sau dấu chấm phẩy (;) và dấu phẩy (,) khi xuống dòng).
Giờ đây, Nghị định 30/2020/ NĐ-CP chỉ bắt buộc viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh, đó là: Sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!) và khi xuống dòng.
Như vậy, chỉ khi dùng 4 loại dấu câu này thì người viết mới phải viết hoa, còn các dấu khác thì viết chữ cái đầu bình thường.
Đối với việc viết hoa tên địa lý cũng có một trường hợp khác so với trước. Nếu như trước đây, ở Thông tư số 01/2011/TT-BNV chỉ có một trường hợp viết hoa đặc biệt là Thủ đô Hà Nội thì giờ đây thêm cả Thành phố Hồ Chí Minh vào trường hợp viết hoa đặc biệt.
Như vậy, cũng đều chỉ một đơn vị hành chính nhưng Thủ đô Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh thì dù cụm từ này đứng ở cuối câu nhưng bắt buộc phải viết hoa chữ cái đầu của danh từ chung.
Nhưng, cũng chỉ một đơn vị hành chính khác thì ta lại không phải viết hoa chữ cái đầu danh từ chung như: thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang (nếu cụm từ này đứng ở giữa hay cuối câu văn).
Vì thế, để tạo một thói quen trong khi viết hoa về các đơn vị hành chính ở nước ta thì người viết chú ý khi nhắc đến Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì phải viết hoa chữ cái đầu danh từ chung.
Trong thực tế, việc viết hoa tên địa lý thường khiến cho người viết hay bị nhầm lẫn nhất.
Chẳng hạn, khi chúng ta viết về một địa danh của một thành phố, tỉnh, huyện nào đó vẫn thường kết hợp giữa một danh từ chung và một danh từ riêng thì chỉ cần viết hoa danh từ riêng mà thôi.
Ví dụ: thành phố Đà Nẵng, tỉnh Hòa Bình, quận Ngũ Hành Sơn…
Video đang HOT
Nhưng khi chúng ta cũng viết về một đơn vị hành chính mà nó được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với “chữ số, tên người, tên sự kiện lịch sử” thì cũng phải viết hoa chữ cái đầu danh từ chung.
Ví dụ: Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, Phường Điện Biên Phủ…
Ngoài sự khác biệt khi viết hoa vì phép đặt câu và viết hoa tên địa lý thì còn có thêm một số quy định khác ở Nghị định 30/2020/ NĐ-CP so với Thông tư số 01/2011/TT-BNV trước đây.
Theo Nghị định 30/2020/ NĐ-CP thì những danh từ thuộc trường hợp đặc biệt như: Nhân dân, Nhà nước thì phải viết hoa chữ “N”.
Khi viết tên các loại văn bản, trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục.
Ví dụ: Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 103 Mục 5 Chương XII Phần I của Bộ luật Hình sự (các từ “điểm, khoản” thì không viết hoa chữ cái đầu).
Trước đây, theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV, trường hợp viện dẫn các điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của điều, khoản, điểm.
Ví dụ: Căn cứ vào Điểm a Khoản 2 Điều 103 Mục 5 Chương XII Phần I của Bộ luật Hình sự).
Bên cạnh những thay đổi đã được thể hiện phần trên, quy định mới tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP cũng đã bỏ quy tắc bắt buộc viết hoa trong tên gọi các tôn giáo, giáo phái, ngày lễ tôn giáo trong các văn bản hành chính.
Còn các quy định viết hoa viết hoa tên người, tên địa lí nước ngoài, các cơ quan, tổ chức, các danh hiệu, giải thưởng, huân chương…thì cơ bản vẫn như hướng dẫn của Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ trước đây.
Tài liệu tham khảo:
- Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ
- Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ
KHÁNH VĂN
Theo giaoduc.net
10 nguyên tắc học ngoại ngữ
Thông thạo 4 thứ tiếng, Bjorn (quốc tịch Na Uy) chia sẻ 10 nguyên tắc học ngoại ngữ đúc rút từ quá trình trau dồi của bản thân.
Tôi cho rằng học ngoại ngữ giống như việc leo lên ngọn núi lớn. Đứng từ chân núi nhìn lên, bạn có thể thấy hành trình tương đối khó khăn. Nhưng sau khi thực hiện bước đi đầu tiên, một ngày nào đó bạn sẽ thấy mình đã đứng trên đỉnh núi.
Trước đó, hãy nhìn tổng quan về ngọn núi này. Để vượt qua nó, bạn cần trang bị cho mình bao gồm từ vựng, phát âm và ngữ pháp. Từ đầu, bạn phải tập trung vào việc học bảng chữ cái, cách phát âm sau đó hãy học 500 từ thông dụng đầu tiên.
Để học một ngôn ngữ còn bao gồm bốn kỹ năng thực tế là nghe, nói, đọc và viết. Trong đó nói và viết được coi là kỹ năng sản xuất, lấy từ những kiến thức bạn đã hấp thụ trước đó qua việc trau dồi hai kỹ năng nghe và đọc.
Sau màn trình bày tổng quan này, hãy để tôi giới thiệu đến bạn 10 nguyên tắc tốt nhất để học ngoại ngữ.
1. Học mỗi ngày
Sự nhất quán là chìa khóa dẫn đến thành công trong việc học ngôn ngữ. Thay vì học liên tục 2 tiếng vào cuối tuần, việc học 10-15 phút mỗi ngày sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Mỗi ngày, bạn nên dành ra từ 30 phút đến một tiếng.
Hãy coi việc học ngôn ngữ là việc làm nhất định mỗi ngày, thêm nó vào lịch trình sinh hoạt thường nhật của bạn và cố gắng duy trì tạo thành thói quen. Nếu có thời gian, tôi khuyên bạn nên học ngoại ngữ vào buổi sáng vì đó là quãng thời gian sau khi bạn đã nghỉ ngơi đủ dài và có thể tập trung nhanh chóng hơn.
2. Học trong môi trường yên tĩnh
Khi quyết tâm ngồi vào bàn học, điều quan trọng nhất là tránh bị gián đoạn hoặc mất tập trung. Hãy chuyển điện thoại của bạn về chế độ im lặng để không có thông báo hay tin nhắn gây gián đoạn sự tập trung và ngồi học trên bàn, trong phòng yên tĩnh.
3. Học cụm từ
Một trong những phương pháp học ngôn ngữ phổ biến nhất là học từ mới qua flashcard nhưng đây không phải cách làm hiệu quả. Thay vì học từng từ riêng lẻ, bạn hãy học theo cụm từ hoặc câu hoàn chỉnh có chứa từ mới cần học. Bằng cách này bạn sẽ biết cách sử dụng từ ngữ theo bối cảnh cụ thể và ghi nhớ dễ dàng hơn việc cố gắng học thuộc một từ duy nhất.
Khi học theo câu, bạn nên xây dựng câu có ý nghĩa, mang giá trị thực tế để làm phong phú thêm kho tàng câu sử dụng trong giao tiếp.
4. Không học nhiều tài liệu cùng lúc
Nhiều người học ngoại ngữ cảm thấy choáng ngợp bởi số lượng tài liệu có sẵn trên Internet. Chẳng hạn sử dụng phần mềm Anki, Memawn hay Quizlet cho việc học từ vựng, sử dụng phần mềm Michel Thomas hay Pimsleur để luyện nói và phát âm.
Điều quan trọng không nằm ở số ứng dụng, tài liệu học bạn có mà phải linh hoạt, tìm ra những công cụ thực sự hữu ích đối với bạn. Khi mới bắt đầu học ngôn ngữ, bạn hãy chọn ra 1-2 tài liệu uy tín như sách giáo trình, khóa học trực tuyến hay ứng dụng trên điện thoại nhưng phải đảm bảo học hết chúng trước khi tìm nguồn tài nguyên mới.
Ảnh: Shutterstock.
5. Không dồn hết tập trung vào ngữ pháp
Việc học ngữ pháp không phải câu chuyện đơn giản, thú vị nên nếu dồn hết tâm trí cho nó, bạn sẽ sớm cảm thấy chán nản, bực bội và không thể khám phá nhiều khía cạnh quan trọng hơn của ngôn ngữ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc ngồi một chỗ, học thuộc bảng động từ là phương pháp kém hiệu quả.
Một trong những chiến lược học ngôn ngữ thành công là không tập trung quá nhiều vào ngữ pháp. Xuất phát điểm, bạn chỉ nên học những kiến thức cơ bản, đặt trọng tâm vào việc học từ vựng và kỹ năng đọc.
6. Luyện nghe và phát âm
Khi học từ hay cụm từ mới, điều quan trọng là bạn phải phát âm chính xác. Bạn hãy làm quen với âm thanh của ngôn ngữ bằng cách nói to để học cách phát âm.
Nếu học một ngôn ngữ mới, sẽ mất khoảng thời gian để não bộ và lưỡi của bạn làm quen với việc nói, sử dụng từ vựng mới. Khi tìm kiếm tài liệu âm thanh, hãy chọn đầu vào dễ hiểu, tức những nguồn tư liệu bạn có thể nghe hiểu 70-80%.
Điều quan trọng khác là hãy nghe đi nghe lại nguồn tài liệu nhiều lần. Thay vì 2-3 lần, hãy kiên trì nghe 20-30 lần. Điều này sẽ giúp bạn phân biệt những từ riêng lẻ và ghi nhớ cách phát âm.
Người bản ngữ thường nói khá nhanh nên việc nghe một tài liệu ở nhiều tốc độ khác nhau cũng rất hữu ích. Hiện nay, trên ứng dụng Youtube hoặc nhiều ứng dụng xem nghe khác có thể cài đặt tốc độ nghe nên bạn có thể chỉnh chậm tốc độ khi mới nghe lần đầu.
7. Đọc là chìa khóa để lưu loát
Đọc là kỹ năng giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ tốt nhất vì nó cung cấp cho bạn kiến thức về câu, từ vựng, cấu trúc ngữ pháp. Đó là lý do tại sao những người học đọc sách ngoại văn lại tiến bộ nhanh hơn những người học không làm điều này, dù họ tham gia cùng một lớp. Nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn hình thành thói quen đọc sách ngoại văn, bạn sẽ phát triển vốn ngôn ngữ phong phú, đa dạng hơn những phương pháp khác.
Giống như nghe, thời gian đầu nên lựa chọn nguồn tài liệu mà bạn có thể đọc hiểu 70-80%. Các tài liệu này phải sử dụng từ vựng, ngữ pháp phù hợp với trình độ đọc của bạn. Bạn nên bắt đầu với những câu chuyện ngắn, sau đó chuyển sang đọc tiểu thuyết. Hãy đọc về chủ đề bạn quan tâm để phát triển thói quen.
8. Sử dụng thời gian rảnh để thực hành
Như tôi đã đề cập ở nguyên tắc thứ nhất, bạn nên học 30 phút đến một tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những khoảng thời gian trống trong ngày để thực hành vận dụng kiến thức đã học.
Mỗi ngày, bạn có rất nhiều thời gian trống, chẳng hạn khi đi xe bus. Hãy tận dụng quãng thời gian này để luyện nghe thông qua khóa học trực tuyến hoặc podcasts hoặc luyện nói. Tranh thủ thời gian để học và luyện tập mỗi ngày sẽ giúp cải thiện trình độ ngôn ngữ nhanh chóng hơn.
9. Tìm người luyện nói
Nếu có những người bạn cũng đang học ngôn ngữ giống như bạn, hãy cùng họ luyện tập nói thông qua việc thực hành trò chuyện. Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm những cộng đồng trao đổi ngôn ngữ trên Internet. Theo ý kiến riêng của tôi, trước khi luyện nói, bạn nên giắt túi khoảng 500 từ mới.
10. Giữ động lực cho bản thân
Khi vật lộn trên ngọn núi ngôn ngữ, sẽ có những lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, muốn từ bỏ và mất động lực. Đây là trạng thái hoàn toàn bình thường mà những người học ngôn ngữ đều trải qua. Người thành công là có thể vượt qua những cảm xúc tiêu cực này, giữ cho mình động lực để tiếp tục chinh phục ngoại ngữ.
Nếu bạn đã học được kha khá kiến thức và muốn nâng cấp trình độ của mình, chắc chắn bạn sẽ thấy nản vì trình độ cao hơn đồng nghĩa với nhiều kiến thức nặng và khó học hơn. Giải pháp hữu hiệu trong hoàn cảnh này là thay đổi công cụ và phương pháp học.
Bạn cũng nên tự thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành mục tiêu hoặc biết thêm kiến thức mới. Một cách để làm điều này là tạo sổ nhật ký học tập, nơi bạn viết ra những kiến thức đã học, cách bạn vượt qua kiến thức khó hoặc cập nhật trình độ của bản thân theo ngày.
Hãy tự nhắc nhở bản thân rằng miễn là mình tiếp tục leo, một ngày nào đó, mình sẽ đến được đỉnh núi. Tôi chúc bạn sớm đạt thành công trong hành trình chinh phục ngoại ngữ.
Tú Anh
Theo Become A Polyglot/VNE
Bí quyết chinh phục bài thi IELTS Là một trong 5 người Việt đầu tiên đạt điểm 9.0 tuyệt đối kỳ thi IELTS, thầy Đặng Trần Tùng không chỉ là gương mặt quen thuộc của các chương trình truyền hình về IELTS, mà còn là người truyền bí quyết chinh phục kết quả tuyệt đối kỳ thi IELTS. Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với thầy Đặng Trần Tùng về...