Những điểm chính trong phát biểu của Tổng thống Putin tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông
Tổng thống Vladimir Putin đã đề cập đến những vấn đề quan trọng tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ( EEF) lần thứ 9 diễn ra tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở vùng Vladivostok, Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 9 (EEF 2024). Ảnh: TTXVN phát
Theo đài Sputnik (Nga), trong bài phát biểu tại phiên toàn thể của EEF hôm 5/9, Tổng thống Putin nhấn mạnh Viễn Đông đã trở thành “thành trì” của Nga trong thực tế kinh tế toàn cầu mới.
Tại phiên họp này, ông Putin đã đề cập đến một loạt các vấn đề quan trọng trong nước và quốc tế, làm rõ lập trường của Nga đối với các vấn đề này.
Xung đột Ukraine
Tại sự kiện hôm 5/9, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Moskva chưa từng từ chối đàm phán với Ukraine, nhưng phương Tây đã phá hoại thỏa thuận hòa bình tiềm năng vào đầu năm 2022, ông ám chỉ cuộc gặp giữa các phái đoàn Nga và Ukraine tại Istanbul hồi tháng 3/2022.
“Thực tế, chúng tôi đã đạt được tất cả các điều kiện của một thỏa thuận hòa bình có thể ký kết với các đại diện của Chính phủ Ukraine. Nhưng sau đó, ông Boris Johnson, khi đó là thủ tướng Anh, đã đến và chỉ thị cho Kiev ‘chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng’. Đó cũng là những gì chúng ta chứng kiến hiện nay trong nỗ lực nhằm đạt được thất bại chiến lược của Nga. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra”, ông Putin tuyên bố.
Thỏa thuận này bao gồm các điều khoản – từ nghĩa vụ của Ukraine về vị thế trung lập, không liên kết cho đến từ chối triển khai vũ khí nước ngoài, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, trên lãnh thổ nước này.
Cuối tháng 11/2023, ông Davyd Arakhamia – lãnh đạo đảng Người phụng sự của Nhân dân cầm quyền Ukraine trong quốc hội, và là cựu trưởng đoàn đàm phán với Nga – cho biết ông Johnson là người đã thuyết phục Kiev không ký thỏa thuận với Moskva để chấm dứt cuộc xung đột vào mùa xuân năm 2022.
Ông Putin cho biết Nga tôn trọng và hoan nghênh sự quan tâm chân thành của bạn bè và đối tác trong việc giải quyết mọi vấn đề liên quan đến xung đột Ukraine – trước hết là Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.
Ông nhấn mạnh Lực lượng vũ trang Nga phải đẩy lực lượng Ukraine khỏi lãnh thổ của đất nước, và việc kiểm soát Donbass là ưu tiên hàng đầu.
Tên lửa được phóng thử từ Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Ảnh: AFP/TTXVN
Liên quan đến những diễn biến ở khu vực biên giới Kursk của Nga, nơi diễn ra cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào ngày 6/8, Tổng thống Putin cho biết quân đội Nga đã đẩy nhanh các hoạt động tấn công và đã đạt được những thành quả đáng kể, trong khi Kiev đang suy yếu ở những khu vực trọng điểm.
Ông nhấn mạnh Nga sẽ luôn bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân Ukraine, những người sẵn sàng bảo vệ quyền được nói tiếng Nga và tôn trọng truyền thống dân tộc của họ.
Video đang HOT
Nhà lãnh đạo Nga cũng lên án các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy điện hạt nhân là “các cuộc tấn công khủng bố rất nguy hiểm”. Ông cảnh báo hãy tưởng tượng điều gì có thể xảy ra nếu Nga đáp trả vụ pháo kích vào các nhà máy điện hạt nhân Kursk và Zaporozhye.
Vai trò của Saudi Arabia trong cuộc trao đổi tù nhân lịch sử
Tổng thống Nga đã cảm ơn Thái tử Saudi Arabia vì đã hỗ trợ việc trao đổi công dân Nga diễn ra vào tháng 8.
“Ở giai đoạn đầu, Thái tử Saudi Arabia đã tham gia tích cực vào nỗ lực này. Chúng tôi rất biết ơn ông ấy, vì nỗ lực đó cuối cùng đã giúp công dân của chúng tôi trở về quê hương”, ông Putin cho biết.
Ngày 2/8 đã chứng kiến cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Nga và các nước phương Tây. Tám công dân Nga đã được trở về quê hương.
Nhiều quốc gia Arab khác cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này, ông Putin nói thêm.
“Cuối cùng, vì lợi ích của tất cả những bên tham gia vào quá trình này, chúng tôi đã đạt được kết quả tích cực cuối cùng, quan trọng nhất trong số đó là công dân của chúng tôi được trở về quê hương, bao gồm cả những người đã thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt cho quê hương ở nước ngoài”, Tổng thống Nga nói.
Xung đột Palestine – Israel
Xe quân sự Israel được triển khai gần biên giới với Dải Gaza, ở miền nam Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine.
“Lập trường của Nga không phải là chủ nghĩa cơ hội. Thay vào đó, lập trường của chúng tôi dựa trên các quyết định lâu dài mà theo quan điểm của tôi, nên đóng vai trò là nền tảng cho một nghị quyết – cụ thể là thành lập hai nhà nước”, Tổng thống Nga phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông.
Ông lưu ý rằng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết và là cốt lõi của sự leo thang tình hình hiện nay.
Tổng thống Nga cũng làm rõ rằng Moskva cam kết sẽ thực hiện mọi thứ trong khả năng để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài và sâu sắc ở Trung Đông. Ngoài ra, ông cho hay Mỹ không thể được coi là trung lập trong cuộc xung đột ở Gaza và sự thiếu trung lập này đặt ra những thách thức đáng kể. Cuối cùng, Nga đã đạt được tiến bộ trong việc tạo điều kiện thả các con tin do Hamas bắt giữ và có ý định tiếp tục những nỗ lực này.
Bầu cử Mỹ
Tại phiên họp hôm 5/9, Tổng thống Putin đã nhận được câu hỏi rằng ông có yêu thích ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 khi người đồng cấp Joe Biden đã rút khỏi cuộc đua hay không. Người đứng đầu Điện Kremlin lưu ý Nga không liên quan đến việc chọn “ứng viên yêu thích” trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vì đó là quyền và nghĩa vụ của các cử tri ở “xứ sở cờ hoa”.
Tuy nhiên, ông Putin nhắc lại việc trước đây ông đã bày tỏ ủng hộ ông Biden tái tranh cử. Theo Tổng thống Nga, khi ông Biden rút khỏi cuộc đua và kêu gọi những người ủng hộ mình hãy chuyển sang ủng hộ “nữ phó tướng” Harris vào ngày tổng tuyển cử 5/11, Moskva sẽ làm như vậy.
Ông Putin nói thêm rằng bà Harris có nụ cười “rất dễ lan truyền”, ám chỉ “mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp với bà ấy”. Tổng thống Nga tin thái độ tích cực của nữ ứng viên Dân chủ này có thể cho thấy bà sẽ không áp đặt nhiều lệnh trừng phạt Moskva như cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ông Putin cáo buộc ông Trump đã triển khai nhiều lệnh hạn chế đối với Nga hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác trong lịch sử.
“Rốt cuộc, quyền lựa chọn thuộc về người dân Mỹ và chúng tôi sẽ tôn trọng quyết định cuối cùng của họ”, ông Putin nhấn mạnh.
Tương lai của nước Nga gắn liền với sự phát triển của vùng Viễn Đông
Quang cảnh phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ IX (EEF 2024). Ảnh: TTXVN phát
Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể, ông Putin nhấn mạnh khi các mối quan hệ kinh doanh và tuyến thương mại toàn cầu ngày càng chuyển dịch sang phía Đông và Nam Bán cầu, sự phát triển trong tương lai của Nga phần lớn phụ thuộc vào sự phát triển của vùng Viễn Đông.
Người đứng đầu Điện Kremlin ca ngợi tiềm năng to lớn của khu vực này trong việc thúc đẩy thăm dò địa chất và gắn nó với nhu cầu đảm bảo chủ quyền tài nguyên của Nga.
“Chúng ta cần đảm bảo chủ quyền tài nguyên của đất nước. Chúng ta cần cung cấp nguồn hàng hóa và nguyên liệu thô cho các khu định cư, cung cấp nhiên liệu và hàng hóa để không gây gián đoạn nền kinh tế. Chúng ta cần sử dụng các công nghệ và khám phá khoa học hiệu quả nhất của Nga trong lĩnh vực môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên”, nhà lãnh đạo Nga nói.
Khi mời các quốc gia khác tham gia phát triển các tuyến đường vận tải trong khu vực, ông Putin đã chỉ ra tầm quan trọng chính của việc tăng cường năng lực của Tuyến đường biển phía Bắc.
“Tuyến đường biển phía Bắc như một tuyến hậu cần quốc tế. Chúng tôi sẽ thúc đẩy tiềm năng của tuyến đường này, đặc biệt là bằng cách khai thác các mỏ khoáng sản ở Bắc Cực, định hướng lại hàng hóa và tăng cường quá cảnh. Chúng tôi có các kế hoạch đầy tham vọng để phát triển Tuyến đường biển phía Bắc”, nhà lãnh đạo Nga nói.
Ông Putin cũng đã đề cập đến kế hoạch xây dựng một cảng nước sâu mới với sự tham gia của các công ty Belarus và Trung Quốc, cũng như đề xuất xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở vùng Viễn Đông của Nga. Song ông lưu ý việc thực hiện thành công tất cả các kế hoạch đầy tham vọng này và toàn bộ nền kinh tế trong tương lai trước hết phụ thuộc vào con người.
Ông Putin cũng bày tỏ niềm tự hào về sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ông lưu ý tốc độ tăng trưởng của Nga vượt quá mức trung bình toàn cầu.
Theo Tổng thống Nga, tăng trưởng GDP của Nga vào cuối năm 2023 là 3,6% và trong quý đầu tiên của năm nay, con số này đạt 5,4%. Ông lưu ý tốc độ tăng trưởng này đã vượt mức trung bình toàn cầu. Khoảng 45% tăng trưởng GDP được tạo ra bởi các ngành công nghiệp cơ bản như sản xuất, xây dựng, hậu cần, nông nghiệp, truyền thông, nhà ở và dịch vụ cộng đồng.
Về vấn đề nguồn cung năng lượng, ông Putin nhấn mạnh những nỗ lực “đoạn tuyệt” với khí đốt của Nga sẽ phản tác dụng rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi tập trung vào nền kinh tế và các tuyến đường thương mại đang được tái định hướng về Nam bán cầu, ông Putin cũng đề cập đến xu hướng phi đô la hóa toàn cầu đang gia tăng. Theo nhà lãnh đạo Nga, Moskva chưa từng từ chối thực hiện các giao dịch tài chính bằng đồng USD, nhưng đã phải sử dụng các loại tiền tệ khác trong các sàn giao dịch thương mại trong nước sau khi lựa chọn đó bị từ chối.
“Chúng tôi không theo đuổi chính sách phi đô la hóa. Trên thực tế, chúng tôi không từ chối thanh toán bằng đồng USD, chúng tôi đã bị từ chối thanh toán và chúng tôi chỉ đơn giản là buộc phải tìm kiếm các lựa chọn khác”, ông Putin nói.
Vùng Viễn Đông ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ của Nga với thế giới
Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, ngày 5/9 đã diễn ra phiên toàn thể - phiên được chú ý nhiều nhất của Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ IX (EEF 2024).
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ IX (EEF 2024). Ảnh: TTXVN phát
Tổng thống LB Nga Vladimir Putin đã có những phát biểu quan trọng liên quan đến kế hoạch phát triển vùng Viễn Đông của Nga để tăng cường kết nối, hợp tác với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong lời mở đầu của mình, Tổng thống Putin chào mừng các vị khách và những người tham dự diễn đàn. Ông khẳng định các hoạt động thương mại và kinh doanh ngày càng chuyển hướng sang châu Á và vùng Viễn Đông của LB Nga đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động thương mại, kinh doanh của Nga với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Diễn đàn Kinh tế phương Đông đã trở thành địa điểm cho việc thiết lập các quan hệ kinh doanh bền vững, thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Tổng thống Putin khẳng định sẽ cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư tại LB Nga cũng như ở Viễn Đông, hiện đại hóa tuyến đường sắt chính Baikal-Amur (BAM) hiện nay lên đường đôi trên toàn tuyến với qui mô lớn hơn thời Liên Xô trước kia. Điều này sẽ nâng cao năng lực và hiệu quả của hành lang giao thông và đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của khu vực và nước Nga nói chung, đồng thời hành lang giao thông đường bộ từ St. Petersburg đến Vladivostok là huyết mạch giao thông mới đang được phát triển theo từng giai đoạn.
Ông Putin thông báo Nga sẽ tiếp tục tăng lưu lượng hàng hóa trên Tuyến đường Biển Bắc (đi qua Bắc Băng Dương). Với mục tiêu như vậy, Nga sẽ đẩy mạnh đóng các tàu phá băng, xây dựng hệ thống vệ tinh để tăng cường khai thác tuyến đường này. Theo ông Putin, so với thời Liên Xô trước đây, khối lượng vận chuyển hàng hóa dọc tuyến đường Biển Bắc đã tăng gấp 5 lần. Năm 2014, chỉ 4 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường biển này, đến năm 2023 tổng khối lượng vận chuyển là hơn 36 triệu tấn. Ông cho biết thêm, công suất của các cảng trên Tuyến đường Biển Bắc đã vượt 40 triệu tấn.
Tổng thống Nga cũng cho biết vùng Viễn Đông nước này có tiềm năng khai thác titan, lithium, niobi, kim loại đất hiếm và các tài nguyên khác cần thiết cho nền kinh tế trong tương lai. Và Nga phải đảm bảo tiềm năng tài nguyên và chủ quyền của mình để cung cấp liên tục cho nền kinh tế nhiên liệu và nguyên liệu thô với giá phải chăng, đồng thời tạo cơ sở sản xuất các nguồn nguyên liệu và năng lượng mới.
Ông Putin nhấn mạnh vì những mục đích này, điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả hơn các công nghệ trong nước và sự phát triển khoa học trong lĩnh vực quản lý sinh thái và môi trường. Ông cũng cho biết hoạt động khai thác ở Viễn Đông, chiếm 100% sản lượng khai thác vonfram, thiếc, fluorit, quặng boron, 80% kim cương và uranium, hơn 70% bạc và 60% vàng và nhu cầu về hóa thạch ngày càng tăng. Ông cũng thông báo xây dựng các cơ sở đại học và nghiên cứu mới để phát triển khoa học và đào tạo của khu vực, thúc đẩy các dự án an sinh xã hội nhằm chú trọng vào việc phát triển và quan tâm tới con người.
Tổng thống Putin khẳng định vùng Viễn Đông của Nga luôn mở cửa với các đối tác nước ngoài quan tâm hợp tác phát triển với khu vực này.
Về đối ngoại, Tổng thống Putin cho biết Nga không khởi xướng quá trình từ bỏ đồng USD trong thanh toán quốc tế mà buộc phải thực hiện các biện pháp đó bởi hoàn cảnh. Ông chỉ ra rằng sức mạnh kinh tế của một nước được phản ánh qua đồng nội tệ và nhấn mạnh Nga và các nước khác trong nhóm BRICS đang tích cực sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán.
Theo ông, hiện khoảng 65% giao dịch thanh toán của Nga với các đối tác BRICS được thực hiện bằng tiền tệ quốc gia. Ông Putin cũng cho biết Nga và Ukraine đã tiến rất gần đến việc đạt được thỏa thuận hòa bình vào năm 2022 ở Istanbul, hầu hết các điều khoản đều được hai bên thống nhất. Tuy nhiên phương Tây và Kiev đã từ bỏ thỏa thuận này nhằm đạt được mục tiêu đánh bại Nga về mặt chiến lược, nhưng những nỗ lực của họ không mang lại kết quả như mong đợi.
Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế giải quyết thách thức mới trong lĩnh vực giáo dục Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Vladivostok, ngày 4/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề "Thách thức của thế kỷ 21 đối với hệ thống giáo dục truyền thống ở các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)". Quang cảnh Phiên thảo...