Những dịch vụ Internet ngày xưa
20 năm trước, mạng dial-up, Yahoo, Google hay game online… gắn liền với người dùng Internet tại Việt Nam.
Mạng Dial-up
Tiếng quay “tít-tè” là điểm đặc trưng của mạng Dial-up, công nghệ kết nối Internet dùng chính đường truyền của điện thoại. Kết nối với tốc độ rất chậm chỉ 56 Kb mỗi giây, mạng Dial-up còn được coi là đắt đỏ khi có giá vài chục nghìn đồng mỗi giờ. Những dịch vụ nổi tiếng ngày ấy có thể kể đến VNN 1260, 1268 hay 1269. Sau này, kết nối Internet được nâng cấp lên với mạng ADSL, công nghệ cáp đồng trục rồi tiến tới cáp quang trong vài năm gần đây.
IRC là một dạng liên lạc trên Internet, cho phép các người trong một nhóm có thể trò chuyện với nhau. Hình thức chat sơ khai này thâm nhập vào Việt Nam những năm 1997 thông qua trình Vietchat hay FPT mIRC. Dĩ nhiên, do phải dùng mạng dial-up nên chi phí để chat ngày đó khá đắt đỏ.
Yahoo! Messenger
Đây được coi là phần mềm không thể thiếu trên máy tính những năm 2000. Yahoo! Messenger bùng nổ cùng thời điểm mạng ADSL trở nên phổ biến tại Việt Nam, được gần như toàn bộ người dùng Internet sử dụng. Nhắc đến Yahoo, nhiều người sẽ nhớ lại một thời “oanh liệt” của mình với những nick “độc”, những tiếng Buzz hay cảm giác thú vị khi mỗi lần “online” nhận được hàng chục tin nhắn. Mạng tốc độ cao hơn cũng cho phép mọi người dùng Yahoo để chia sẻ video qua webcam.
Yahoo! 360
Thay cho mạng xã hội Facebook, Twitter ngày nay… những người dùng Internet tại Việt Nam thời trước sử dụng nền tảng blog của Yahoo. Đây được ví như “ngôi nhà” của chủ nhân, nơi chia sẻ tâm tư tình cảm, những “entry” xúc động hay các comment từ mọi người… Trước sự phát triển của mạng xã hội mới, Yahoo! 360 đã có một vài chuyển mình song không đủ giúp dịch vụ này cạnh tranh. Nền tảng blog này chính thức bị “khai tử” vào 2013.
Video đang HOT
Dịch vụ của Google
Khác số phận của Yahoo, nhiều dịch vụ của Google vẫn “sống” suốt những năm tháng dùng Internet của người Việt. Trình tìm kiếm Google Search, dịch vụ email Gmail đến nay vẫn được sử dụng và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với người dùng.
Trang nghe nhạc online
Hoangclub.go.to, Sonhai.info hay Nhacso.net… là những trang nghe nhạc trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam. Giao diện có phần màu sắc nhưng hợp với thời đó, chất lượng nhạc khá thấp để đảm bảo tốc độ “load” hay chèn cả quảng cáo vào trong bài hát… nhưng người dùng Internet lúc đó vẫn đón nhận và hạnh phúc với những dịch vụ này.
Game online
Những năm 2000, chất lượng Internet tốt lên, giá rẻ đi giúp game online có thể xâm nhập vào Việt Nam. Những game đình đám một thời có thể kể đến Võ Lâm Truyền Kỳ, MU (với nhiều bên cung cấp khác nhau), Gunbound… sau này có Audition, Boom… Thời điểm đó, các quán Internet “mọc lên như nấm” và phần đông phụ huynh cấm con mình tiếp cận các dịch vụ này.
Dịch vụ xem video
Là một dịch vụ của Google, YouTube trở thành kênh chia sẻ video gắn liền với việc sử dụng Internet của người Việt. Những năm 2000, một dịch vụ khác là Clip.vn cũng là nơi nhiều thành viên truy cập để xem video. Tuy nhiên, trước sức cạnh tranh, Clip.vn dần trở nên yếu thế so với YouTube.
Các diễn đàn
Diễn đàn trực tuyến là một trong những sân chơi người dùng Internet thời kỳ đầu dành nhiều thời gian. Những tên tuổi đáng nhớ như TTVNOL, truongton.net, sau này là VOZ Forum, Vn-Zoom, DTTH hay Webtretho… thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Diễn đàn thời ấy được một số người dùng kỳ cựu nhận xét là “chất” hơn bây giờ. Ngoài ra, xu hướng trang tin điện tử hay mạng xã hội cũng khiến forum không còn “rôm rả” như trước.
Bảo Anh
Theo VNE
'Đế chế' Yahoo đã bị diệt vong
Thương vụ bán mình cho nhà mạng Verizon đã đánh dấu chấm hết cho tượng đài Internet đình đám một thời - Yahoo.
Trong những ngày qua, sự sụp đổ của công ty danh tiếng một thời Yahoo được giới tài chính và công nghệ đặt lên bàn cân so sánh với thành công của Google ở nhiều lĩnh vực.
Nếu Google không ngừng lớn mạnh, vươn xúc tu chạm tới các lĩnh vực khác ngoài tìm kiếm như xây dựng hệ điều hành di động, sản xuất ôtô, nghiên cứu y khoa, phát triển trí tuệ nhân tạo... thì Yahoo lại bị nhà mạng Verizon (Mỹ) mua lại với giá 4,8 tỷ USD hôm thứ hai vừa qua (25/7), đánh dấu sự chấm dứt của ánh hào quang một thời.
Từ công ty sở hữu trang web có lượt truy cập nhiều nhất ở Mỹ, Yahoo dần đánh mất thị phần vào tay Google. Ảnh: Bloomberg News.
Từng là công ty hàng đầu về dịch vụ Internet với các dịch vụ đình đám một thời như Yahoo! Messenger, Yahoo! Mail, Yahoo! 360..., nhưng giờ đây Yahoo chỉ còn là hoài niệm của thế hệ 8x đầu 9x.
Lý do nào khiến hai công ty, cùng tiên phong trong lĩnh vực phát triển web, cùng có dịch vụ tìm kiếm hiệu quả, nhưng lại có kết cục trái ngược nhau? Dưới đây là lý giải của cây viết Gil Press tạp chí Forbes về thất bại của Yahoo.
Khả năng nắm bắt tinh thần phát triển web
Gã khổng lồ Google đã sớm nắm bắt được tinh thần của Tim Berners Lee - cha đẻ của World Wide Web (www). Trong cuốn sách của mình, Tim Berners-Lee từng viết:
"Tôi vui mừng xiết bao khi thoát khỏi sự kìm kẹp của những khuôn khổ, quy định trước kia... Bằng việc tiếp cận thông tin một cách đồng đều, các trang web có thể liên kết một cách hợp lý những sự việc tưởng chừng không liên quan. Trước đây, chúng ta bị bó buộc bởi thứ trình tự có tên mục lục, chỉ mục, danh sách tham khảo,...Với World Wide Web, các nhà khoa học có thể tự do lựa chọn con đường nghiên cứu riêng, phù hợp với từng cá nhân."
Với bước nhảy vọt giàu trí tưởng tượng trên, Berners Lee đã vượt qua trở ngại thường thấy trong các hệ thống tìm kiếm thông tin trước đó. Bằng chứng là người đàn ông nằm trong top 100 người thông minh nhất thế giới này chỉ dành những năm đầu tiên để phân loại thông tin trên Web.
Những nhà sáng lập của Google đã nhìn thấu được điều này và bắt tay vào xây dựng cỗ máy tìm kiếm thông tin bằng việc tham chiếu chéo (ví dụ, liên kết giữa các trang) và tương quan phù hợp với số lượng tham khảo chéo (mức độ phổ biến của trang được đánh giá bởi số lượng trang liên kết với nó).
Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa Google và các đối thủ. Để miêu tả sự thành công của Google, Danny Sullivan - biên tập viên kiêm đồng sáng lập, chuyên gia SEO của chuyên trang Search Engine Land cho biết:
"Nếu Yahoo chỉ cho phép người dùng tìm các cuốn sách dựa trên tiêu đề có sẵn thì hệ thống của Google sẽ giúp bạn tìm kiếm thông qua nội dung tất cả các trang của toàn bộ sách trong thư viện. Rõ ràng, Google hoàn thiện và toàn diện hơn rất nhiều".
Chiến lược chậm mà chắc
Trong khi Yahoo cố gắng phát triển thêm nhiều bộ lọc NetApp để theo kịp với nhu cầu cung cấp dịch vụ ngay tức khắc thì Google phải mất tới bốn năm, tiêu tốn cả về kinh phí và nhân lực để phát triển các tập tin hệ thống nhằm đạt yêu cầu để sử dụng cho những hoạt động quan trọng.
Tuy nhiên, "dục tốc bất đạt". Việc tiếp cận thị trường nhanh chóng của Yahoo là con dao hai lưỡi khi để xuất hiện nhiều lỗ hổng. Nhu cầu mở rộng tăng tỷ lệ thuận với nhược điểm về đồng bộ hạ tầng. Nó gây ra sự tốn kém tài nguyên để tái thiết NetApp khi Yahoo muốn cung cấp các dịch vụ mới.
Kết cục, Yahoo phải đối mặt với cùng một khó khăn trên tất cả các mảng dịch vụ. Đó là sự thiếu hụt chi phí, dẫn đến kìm hãm sự tăng trưởng của công ty. Ngược lại, các dịch vụ được Google mua lại, tích hợp vào file hệ thống giúp xây dựng linh hoạt, tận dụng tối đa khả năng xử lí đa nhiệm. Qua đó, vừa giảm chi phí mà độ hiệu quả lại nâng cao.
Biết người biết mình
Cuối cùng, điểm yếu chết người của Yahoo chính là việc ngồi trên đỉnh thành công quá lâu. Điều này khiến công ty trở nên lười nhác trong việc thay đổi và đặt ra các mục tiêu mới.
Với các doanh nghiệp như Amazon hay Facebook đang dần tự xây dựng cơ sở hạ tầng cho riêng mình, luôn có những sáng kiến, để tự làm mới chính mình.
Google luôn đề cao tính sáng tạo và thay đổi không ngừng theo chiều hướng tích cực. Kết quả hiện tại, Yahoo đành ngậm ngùi chia tay người dùng trong niềm nuối tiếc một quá khứ huyền thoại.
Trần Tiến
Theo Zing
Sự ra đi lặng lẽ của Yahoo - cựu vương Internet 13/6 là ngày Yahoo hoàn tất việc "bán mình", bị đổi tên và trở thành bằng chứng cho thấy những tên tuổi lớn trên Internet cũng có lúc lụi tàn. Cuối tuần trước, hãng Internet Mỹ lừng danh một thời tuyên bố chính thức về tay nhà mạng Verizon với giá 4,48 tỷ USD sau nhiều trì hoãn. Khi thương vụ hoàn tất...