Những đề luận tuyển sinh oái oăm của đại học danh tiếng
Những đề luận khác lạ buộc thí sinh phải tư duy phá cách. Qua đó, các trường đại học lựa chọn được những ứng viên hài hước, sáng tạo, phù hợp tiêu chí tuyển sinh của trường.
Các trường đại học danh tiếng trên thế giới thường có tiêu chí tuyển sinh riêng bên cạnh các yêu cầu về học thuật. Vì thế, những bài luận thông thường rõ ràng không thể giúp cán bộ tuyển sinh phát hiện hết tính cách, mức độ sáng tạo, lối tư duy của thí sinh.
Đây là lý do nhiều trường đưa ra các đề luận oái oăm, khác thường nhằm tìm kiếm ứng viên hội tụ những tố chất mà họ mong muốn.
Đại học Chicago
Đại học Chicago là một trong những trường nổi tiếng thế giới vì những đề luận kỳ lạ, oái oăm, đảm bảo có thể tuyển được học sinh sáng tạo, hài hước, tư duy phá cách.
Đại học Chicago thường xuyên đánh đố thí sinh bằng những đề luận tuyển sinh độc đáo. Ảnh: Flickr.
“Bạn nghĩ gì về thứ tư?”
“Tìm x”.
“Chó và mèo. Cà phê và trà. Đại gia Gatsby và Bắt trẻ đồng xanh. Mọi người đều biết thế giới có hai loại người. Đó là loại người nào?”.
“Muối, chính phủ, những cặp đôi nổi tiếng, … là một vài ví dụ về những thứ không thể phân hủy. Bạn được trao quyền năng có thể làm tan rã mọi thứ: vật chất, ẩn dụ, trừu tượng, cụ thể … Bạn sẽ phân hủy cái nào và dùng loại dung môi nào?”
“Hãy thiết kết một thí nghiệm để tìm hiểu xem cóc có thể nghe hay không. Trình bày những yếu tố cơ bản trong thiết kế của bạn và giải thích lý do bạn lựa chọn loại thí nghiệm này. Cố gắng khiến nó thật đơn giản và rõ ràng”.
“Bạn từng bước qua lối đi trong nhà kho của cửa hàng như chuỗi siêu thị Club của Costco hay Sam và băn khoăn liệu có ai sẽ mua một chai mù tạt cao gần 0,5 m chưa?
Chúng ta đã từng mua nó nhưng việc đó không khiến chúng ta ngừng suy nghĩ về những điều khác như những cuộc thi ăn ngớ ngẩn, động lực mua sắm, mức độ thừa thãi, công dụng không thể tưởng tượng nổi của mù tạt, kho hàng, sự dự trữ, khái niệm của sự to lớn cùng hàng chục ý kiến nghiêm túc hay ngớ ngẩn khác. Hãy viết một bài luận về điều gì đó được lấy cảm hứng từ một chai mù tạt quá khổ”.
“Đừng chơi những thứ có sẵn, hãy chơi những thứ chưa xuất hiện”.
Đại học Tufts
Đại học Tufts cũng thường thử thách thí sinh qua những đề luận độc đáo. Các ứng viên khó được chọn nếu sử dụng lối tư duy thông thường trong quá trình viết bài luận theo chủ đề cho sẵn của trường.
“Chúng ta đang cô đơn sao?”.
Video đang HOT
“Người ta cho rằng một thứ nhỏ bé như chuyển động vỗ cánh của con bướm cũng có thể gây ra cơn bão quét qua nửa vòng Trái đất. Lịch sử nhiều lần chứng minh điều này qua những sự kiện nhỏ hoặc các quyết định ảnh hưởng lớn đến tương lai. Hãy đưa ra thay đổi nhỏ cho một sự kiện, quyết định nào đó trong lịch sử và trình bày tầm ảnh hưởng của nó đến thế giới”.
“Chú ếch Kermit nổi tiếng với lời than khóc Việc mang màu xanh đâu dễ dàng. Bạn có đồng ý với ý kiến này không?”.
“Sáng tác một truyện ngắn theo một trong các chủ đề sau: Kết thúc của MTV; Lời thú tội của côn đồ trường trung học; Giáo sư biến mất; Phòng thí nghiệm huyền bí”.
“Chuẩn bị một đoạn video dài một phút, kể điều gì đó về bạn rồi đăng tải nó lên một trang Web dễ truy cập và đưa chúng tôi URL, mã truy cập của nó. Việc bạn nói hay làm gì đều tùy thuộc vào bạn”.
“Tại sao bạn làm điều đó?”.
“Điều gì khiến bạn hạnh phúc?”.
Cán bộ tuyển sinh Đại học George Washington xem xét bảng điểm và bài luận của thí sinh. Ảnh: Washington Post.
Đại học Virginia
“Bạn yêu thích từ nào? Tại sao?
“Năm 2006, sinh viên Robert Stilling phát hiện bài thơ chưa được công bố của Robert Frost trong khi làm nghiên cứu tại thư viện. Bạn sẽ trải qua khoảnh khắc Stilling nào trong trường đại học?”.
“Đăng Twitter hay không?”.
“Hãy đưa ra lời dự đoán cho năm 2020 và đảm bảo chưa ai từng đưa ra lời dự đoán tương tự”.
Những đề luận có một không hai của trường khác
“Bạn vừa hoàn thành cuốn tự truyện dài 300 trang. Hãy trình bày nội dung trang 217″ (Đại học Pennsylvania).
“Lời khuyên hay nhất bạn nhận được tại trường trung học” (Đại học Yale).
“Hãy lựa chọn một tác phẩm nghệ thuật – cuốn tiểu thuyết, bộ phim, bài thơ, đoạn nhạc – ảnh hưởng cách bạn nhìn nhận thế giới và bản thân rồi thảo luận về nó cũng như những ảnh hưởng của nó đối với bạn” (Đại học New York).
“Nếu phải dùng một trích dẫn để miêu tả bản thân, bạn sẽ lựa chọn câu nào? Giải thích sự lựa chọn đó?” (Đại học Dartmouth).
“Nhớ lại lời khen có ý nghĩa mà bạn từng nhận được. Lời khen đó là gì và đến từ ai?” (Đại học Yale).
“Bạn có 150 từ, hãy mạo hiểm” (Đại học Notre Dame).
“Sử dụng câu trích dẫn từ cuốn The Moral Obligations of Living in a Democratic Society, hãy kể về một sự kiện hoặc trải nghiệm khiến bạn định nghĩa được một trong những giá trị của bản thân hoặc thay đổi cách bạn tiếp cận thế giới: Lòng đồng cảm không đơn giản chỉ là vấn đề cố tưởng tượng ra những gì mà người khác phải trải qua mà là sẵn lòng gom góp sự dũng cảm để làm điều gì đó cho họ. Theo cách đó, lòng đồng cảm được đặt trên niềm hy vọng. (Đại học Princeton).
Theo Zing
Đại học Mỹ tuyển sinh bằng thư giới thiệu, bài luận thế nào?
Cán bộ tuyển sinh các đại học Mỹ tìm hiểu năng lực học tập của thí sinh qua kết quả điểm thi và xem xét bài luận, thư giới thiệu để đánh giá liệu họ có phù hợp với trường không.
Bài luận và thư giới thiệu là hai phần không thể thiếu trong hồ sơ ứng tuyển vào các đại học ở Mỹ. Nó ảnh hưởng lớn tới khả năng trúng tuyển của thí sinh.
Các trường có tiêu chí tuyển sinh riêng nhưng trước hết, họ đều dựa vào kết quả từ bài thi đánh giá năng lực SAT (Scholastic Aptitude Test) hoặc ACT (American College Testing) do College Board tổ chức. Hai kỳ thi này diễn ra nhiều lần trong năm. Học sinh có thể chọn thời gian thi và thi lại để đạt kết quả tốt nhất trong thời gian học trung học phổ thông.
Sau khi tốt nghiệp, thí sinh gửi hồ sơ ứng tuyển tới 5 - 6 trường. Hồ sơ thường bao gồm kết quả trung bình học tập (GPA), kết quả bài thi SAT hoặc ACT, bài luận theo yêu cầu và thư giới thiệu từ giáo viên, hiệu trưởng, thậm chí từ bạn học.
Cán bộ tuyển sinh Đại học George Washington xem xét bảng điểm và bài luận của thí sinh. Ảnh: Washington Post.
Bài luận là yếu tố quyết định
Thông thường, cán bộ tuyển sinh sẽ xem xét điểm GPA, SAT và số lượng khóa học nâng cao của thí sinh. Họ đánh giá thấp những thí sinh né tránh các khóa nâng cao quan trọng.
Tuy nhiên, họ cho rằng, điểm số không thể mang lại sự đánh giá khách quan và toàn diện về năng lực của người ứng tuyển. Vì thế, bài luận được coi là yếu tố quyết định.
Nó giúp họ hiểu rõ hơn những yếu tố khác như năng lực lãnh đạo, mức độ tham gia hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm bản thân, tính cách, cách tư duy của thí sinh.
Ellie Yang, Giám đốc điều hành i-IVY, công ty chiến lược tuyển sinh đại học của Liên đoàn Ivy (nhóm 8 trường đại học danh tiếng ở Mỹ), giải thích, môi trường đại học cũng như cụm dân cư nên cần tuyển những thí sinh phù hợp nhất.
Bài luận là cơ hội để thí sinh bộc lộ suy nghĩ, cá tính, ý tưởng, niềm tin, kinh nghiệm thành công hay thất bại, khát vọng và hướng phát triển của bản thân.
Các trường thường có yêu cầu cụ thể cho bài luận. Chúng có thể kỳ lạ như đề "Bạn nghĩ gì về thứ tư" của Đại học Chicago, "Bạn vừa hoàn thành cuốn tự truyện dài 300 trang, hãy trình bày nội dung trang 217" của Đại học Pennsylvania hay: "Chúng ta đang cô đơn sao?" của Đại học Tufts.
Chúng cũng có thể chỉ là những câu hỏi thông thường về trải nghiệm bản thân hoặc những vấn đề gây tranh cãi về xã hội hay chính trị.
Jonathan Reider, Giám đốc Hội đồng tư vấn tuyển sinh Đại học San Francisco đưa ra một số lời khuyên về kinh nghiệm viết luận cho học sinh muốn ứng tuyển vào các trường đại học ở Mỹ.
Theo ông, bài luận cần ngắn gọn, súc tích. Mỗi ngày, cán bộ tuyển sinh phải xử lý hàng trăm hồ sơ. Họ chỉ có thể dành vài phút để đọc một bài luận. Vì thế, bài luận dài sẽ gây phiền phức cho cán bộ tuyển sinh, ảnh hưởng cơ hội trúng tuyển của thí sinh.
Ông Reider cho rằng, ứng viên cần trung thực, không đánh bóng thành tích. Tuy nhiên, bài luận cần thể hiện được yếu tố cá nhân, cá tính. Trong quá trình viết luận, học sinh suy xét đến cách khiến họ khác biệt so với hàng nghìn ứng viên khác.
Bài luận phải mạch lạc, nhất quán. Để làm được điều này, thí sinh không nên cố gắng đưa hết những vấn đề họ cho là quan trọng. Thay vào đó, họ nên tập trung một chi tiết nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng lớn đến sự trưởng thành, lối tư duy của họ.
Thí sinh cần trình bày thông tin chính xác, đặc biệt trong các ví dụ liên quan chính trị, lịch sử, xã hội, văn học. Một bài luận tốt thường được so sánh với một câu chuyện. Những bài luận đề cập nhiều nhân vật liên quan cuộc sống hàng ngày của thí sinh luôn được đánh giá cao. Việc thí sinh đặt bản thân vào các mối quan hệ cộng đồng giúp họ ghi điểm trong mắt cán bộ tuyển sinh.
Những bài luận mang tính tranh cãi sẽ vượt trội hơn các bài trình bày kết luận. Vì thế, ứng viên nên đưa lý do và biện hộ cho quan điểm của bản thân bên cạnh việc trình bày ý kiến của những người khác. Đại học là môi trường dành cho các cuộc tranh luận. Cán bộ tuyển sinh luôn tìm kiếm sinh viên suy nghĩ khách quan, đa dạng.
Tìm hiểu rõ về trường họ ứng tuyển sẽ giúp thí sinh viết bài luận phù hợp.
Viện Công nghệ Massachusetts đánh giá cao tính sáng tạo. Ứng viên có thể trình bày về những phát minh thú vị của bản thân hoặc họ dự định phát minh cái gì và bằng cách nào.
Đại học George Washington chú trọng tính cộng đồng. Vì thế, họ đánh giá cao học sinh viết về trường thay vì về bản thân hoặc xã hội. Những ứng viên từng tham quan trường trước khi quyết định ứng tuyển và đề cập chuyến tham quan đó trong bài luận sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn.
Năm 2016, Đại học Harvard thay đổi tiêu chí tuyển sinh, đề cao tính xã hội và đạo đức. Ứng viên nên đưa những chi tiết hoạt động từ thiện, đóng góp cho xã hội của họ vào bài luận.
Cán bộ tuyển sinh Đại học George Washington đọc thư giới thiệu trong hồ sơ ứng tuyển của thí sinh. Ảnh: Washington Post.
Thư giới thiệu tăng cơ hội trúng tuyển
Bài luận giúp cán bộ tuyển sinh hiểu rõ hơn về từng thí sinh. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được các quan điểm chủ quan. Vì thế, họ cần đến những nhận xét khách quan hơn từ những người thân cận với ứng viên.
Phần lớn trường đại học ở Mỹ yêu cầu thí sinh có ít nhất hai thư từ giáo viên. Với một số trường, ứng viên cần có thêm thư giới thiệu từ tư vấn viên.
Tại những trường không có phần phỏng vấn trực tiếp, xem xét thư giới thiệu là bước cuối cùng trong quá trình xét tuyển. Nó giúp cán bộ tuyển sinh đưa ra quyết định cuối cùng, nhất là với các trường hợp họ còn phân vân.
Nhằm tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên chọn giáo viên có mối quan hệ tốt, hiểu rõ sở trường, điểm mạnh của mình để có được những lời nhận xét khách quan, tích cực. Ngoài ra, người viết thư giới thiệu cần liên quan ngành thí sinh ứng tuyển.
Cán bộ tuyển sinh đánh giá cao thư giới thiệu từ những người tiếp xúc lâu với thí sinh, chứng kiến họ gặp khó khăn và vượt qua khó khăn ấy.
Trên thực tế, ứng viên không biết nội dung của thư giới thiệu. Vì thế, họ cần chắc chắn người viết thư có ấn tượng tốt và sẵn sàng đề cử mình.
Theo Zing
Tuyển sinh bằng thư giới thiệu, bài luận: Thử nghiệm táo bạo "Đại học Quốc gia TP HCM xét tuyển thẳng học sinh từ 82 trường chuyên, năng khiếu dựa trên thư giới thiệu, bài luận cá nhân là thử nghiệm được mong chờ", tác giả Nguyễn Hải viết. Vài năm gần đây, cứ trước và sau Tết nguyên đán, chính sách và phương án triển khai tuyển sinh đại học lại là chủ đề...