Những đảng viên về hưu nhưng không “nghỉ hưu”
Với phương châm về hưu nhưng không “nghỉ hưu”, những đảng viên tuổi “xế chiều” vẫn luôn nhiệt huyết, hết mình vì công việc “vác tù và hàng tổng”, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương…
Mô hình bưởi Diễn Bắc Lương của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, xã Bắc Lương (Thọ Xuân). Ảnh: Lê Phượng
Trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, xã Bắc Lương (Thọ Xuân) thời điểm này đã ngập tràn sắc trắng của hoa bưởi, hoa cam và màu nâu vàng của những trái mít trĩu cành. Với diện tích hơn 1.600m2 trồng cây ăn quả các loại như bưởi, cam, mít, mỗi năm gia đình ông Tiến thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Tiến cho biết, để có được thành quả đó, ông đã phải tìm tòi, học hỏi những kỹ thuật, kinh nghiệm hay trong quá trình trồng, chăm sóc các loại cây trồng. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sau hơn 10 năm, ông đã phát triển được trang trại theo hướng hàng hóa. Hiện nay, ông chú trọng sản xuất cây trồng theo hướng hữu cơ, để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, ông cũng mong muốn xây dựng, phát triển mạnh HTX liên kết sản xuất cây có múi, kinh doanh tổng hợp Bắc Lương nhằm tập hợp những người trồng cây ăn quả tại địa phương, tạo không gian sinh hoạt, chia sẻ những cách làm hay trong sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Là đảng viên từ năm 1982, từng tham gia công tác trên nhiều cương vị như cán bộ Công ty Lâm sản Thanh Hóa, Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh, công an viên, thành viên hội cựu chiến binh xã… nên tôi luôn tâm niệm bản thân phải thực sự gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động”. Hiện nay, với vai trò là giám đốc HTX liên kết sản xuất cây có múi, kinh doanh tổng hợp xã Bắc Lương, ông Tiến luôn có những ý kiến đóng góp thiết thực, sâu sắc đối với mỗi vấn đề tại thôn, xóm và được bà con Nhân dân tin tưởng nghe theo. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, ông Tiến đã có nhiều ý kiến về việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo từng lĩnh vực, trong đó chú trọng chuyển đổi một số diện tích cấy lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế cao. HTX liên kết sản xuất cây có múi, kinh doanh tổng hợp xã Bắc Lương do ông Tiến đứng đầu đã tập trung quảng bá, xây dựng thương hiệu bưởi Diễn Bắc Lương để khẳng định vị trí trên thị trường. Đồng chí Lê Văn Hoàn, chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, xã đã xây dựng được vùng bưởi Diễn tập trung tại thôn Mỹ Thượng 3 theo quy hoạch đã được huyện phê duyệt với diện tích trên 13 ha. Theo đánh giá của thương lái trong và ngoài tỉnh, dù không trồng ở vùng đất Diễn (Hà Nội), nhưng bưởi Diễn Bắc Lương vẫn cho những quả bưởi thơm ngon, vị đậm mát và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Từng tham gia công tác tại Trường Đại học Hồng Đức và đã về hưu được hơn 10 năm, nhưng ông Lê Hữu Châu, phố Khang Thái, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) vẫn không ngừng nỗ lực, gương mẫu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Với sự chăm chỉ, chịu khó, mạnh dạn trong đầu tư chăn nuôi, đến nay, ông Châu đã thành công với mô hình chăn nuôi thỏ, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Hữu Châu cho biết: Năm 2019, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu từ các phương tiện truyền thông và tham quan những mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao tại một số địa phương, ông nhận thấy điều kiện của gia đình phù hợp để nuôi thỏ, nên đã bàn với vợ cải tạo mảnh đất vườn của gia đình để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi thỏ và chọn nguồn giống thỏ chất lượng để đầu tư xây dựng mô hình. Trên diện tích chuồng trại 200m2, ban đầu, gia đình ông Châu đầu tư nuôi 30 đôi thỏ giống. Qua một thời gian nuôi, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình, ông tiếp tục mở rộng quy mô đàn. Theo ông Châu, thỏ là loài vật dễ nuôi và mang lại lợi nhuận cao. Từ nhiều năm nay, thịt thỏ đã trở thành món ăn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên giá thỏ thương phẩm ổn định từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/kg. Người nuôi thỏ yên tâm về khâu tiêu thụ. Vì vậy, mô hình của gia đình ông thường xuyên có 400 con thỏ các lứa tuổi. Mỗi năm ông xuất bán 7 tạ thỏ thương phẩm và hàng trăm con giống. Cùng với chăn nuôi thỏ, ông Châu còn trồng trên 100 gốc thanh long, na, bưởi; nuôi hàng trăm con gà, ngan, từ đó mang lại nguồn thu đáng kể.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, ông Châu còn là hội viên người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động của hội; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông luôn cởi mở, giúp đỡ nhiều hội viên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; hướng dẫn về kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, để mọi người có phương pháp tốt nhất phát triển kinh tế phù hợp với gia đình. Mô hình nuôi thỏ của gia đình ông Châu đã được bà con ở nhiều địa phương trong tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm, qua đó, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho hội viên, người cao tuổi vươn lên làm giàu chính đáng.
Đội ngũ đảng viên hưu trí là những người đã trải qua nhiều lĩnh vực, môi trường làm việc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm công tác trong cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Khi trở về địa phương, bằng kinh nghiệm, uy tín, sự gương mẫu, các đảng viên hưu trí luôn tích cực tham gia giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Từ đó phát huy vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức đảng ở cơ sở, lãnh đạo thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương… Đặc biệt, trong các hoạt động của địa phương, các đảng viên hưu trí luôn tiên phong, gương mẫu, đi đầu tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đông đảo quần chúng Nhân dân. Mặc dù tuổi đã cao nhưng nhiều đảng viên hưu trí vẫn tích cực với công việc “vác tù và hàng tổng”, trở thành những “đầu tàu” gương mẫu ở các thôn xóm, tiếp tục cống hiến trí tuệ, kinh nghiệm cho dân, cho Đảng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Những đóng góp tích cực của đội ngũ đảng viên hưu trí trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã khẳng định: Họ chính là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, là lực lượng quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh. Đồng thời, từ tinh thần trách nhiệm, sự nêu gương của đội ngũ đảng viên hưu trí đã tạo niềm tin, sức lan tỏa để quần chúng Nhân dân học tập.
Huyện Như Xuân triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp
Là địa phương có tiềm năng lợi thế về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, những năm qua huyện Như Xuân đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trồng cây ăn quả đang được người dân xã Xuân Hòa thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế.
Một trong những giải pháp được huyện triển khai đó là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 30-3-2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chú trọng và duy trì tốt phong trào cải tạo vườn tạp, gắn với chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, tạo cảnh quan sanh, sạch, đẹp, kinh tế vườn hiệu quả; Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 31-12-2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đến năm 2020, trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò và một số con đặc sản khác như: lợn cỏ, vịt bầu Thanh Quân, gà thả vườn; nghiên cứu du nhập một số giống bò phù hợp với điều kiện của huyện như bò đực sữa HF, bò BBB để phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu...
Ngoài ra, huyện Như Xuân còn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất và tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tăng cường cơ giới hóa và chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo trong khu vực nông thôn. Chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác... Từ giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đến nay huyện Như Xuân đã hình thành được 6 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích đạt trên 300 ha; trong đó, diện tích gieo trồng áp dụng quy trình VietGAP là trên 60 ha. Bên cạnh đó, nhờ sản xuất theo hướng an toàn nên huyện có trên 10% diện tích rau, quả được tiêu thụ thông qua chuỗi cung ứng an toàn. Tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 105 tỷ đồng, chiếm 5% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, lợi nhuận bình quân khoảng trên 100 triệu đồng/ha/vụ.
Đối với lĩnh vực trồng trọt thể hiện rõ nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ tưới nhỏ giọt, áp dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, nhất là tăng cường liên kết, hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp. Tại các xã: Bình Lương, Hóa Quỳ, thị trấn Yên Cát và Bãi Trành người dân đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao để mở rộng phát triển sản xuất rau an toàn (RAT). Tính đến cuối tháng 11-2020, trên địa bàn huyện phát triển được hơn 10 ha RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 13.000m2 sản xuất rau trong nhà lưới với những sản phẩm như: cải, su hào, cà chua, dưa chuột... Ngoài ra, người dân địa phương cũng được chính quyền hướng dẫn, hỗ trợ để phát triển diện tích RAT tập trung theo quy trình VietGAP; từ khâu làm đất, chọn giống, sử dụng phân bón,... đến kỹ thuật sơ chế, đóng gói, dán tem mác sản phẩm...
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, huyện Như Xuân sẽ chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với quảng bá, duy trì và xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp với sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu đặc trưng. Tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị trong nông nghiệp...
Góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống Qua 20 năm triển khai thực hiện, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không ngừng được nâng cao chất lượng. Với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, phong trào này đã khơi dậy được tiềm năng, sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân...