Những cựu binh lấy sức già đọ ’sưa tặc’
Khi gỗ sưa trở nên giá trị thì cũng là lúc những người cựu chiến binh bảo vệ núi Cấm ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, lại mất ăn mất ngủ, ngày đêm chống chọi với kẻ gian để bảo vệ những cây gỗ quý.
Núi Cấm thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, được nhiều người biết đến bởi nơi đây có đền Trúc, có ngũ động Thi Sơn, là nơi thờ vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Không những thế đây được coi là “thánh địa” nhiều cây gỗ sưa nhất tỉnh Hà Nam nên từ lâu ngọn núi này luôn trong tầm ngắm của giới buôn gỗ và bọn săn gỗ lậu.
Theo ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Thi Sơn năm nay đã ngoài 60 tuổi, núi Cấm do 5 cựu binh đã ở tuổi thất thập thay phiên canh gác từ nhiều năm nay.
Theo ông Đặng Quang Tý, trước chỗ này có cây sưa rất to bị trộm đào cả gốc. Ảnh: Văn Định.
Cựu chiến binh Đặng Quang Tý (70 tuổi) đã có thâm niên gần 10 năm bảo vệ khu di tích này cho biết: “Trước đây, núi Cấm là nơi có nhiều cây gỗ sưa to, cứ đến dịp đầu năm một màu trắng muốt phủ trên những tảng đá tai mèo nhọn hoắt vốn chỉ có loài cây này mọc được. Từ khi có cơn sốt gỗ sưa, nhiều kẻ gian đã bất chấp thủ đoạn để trộm cây”.
Ông Tý kể trước năm 2008 ở núi Cấm có nhiều cây sưa đỏ to bán kính 30-40 cm, thậm chí còn có cả những cây to hơn. “Tuy nhiên khi nghe nhiều người dân truyền tai nhau là mấy triệu đồng một cân gỗ sưa, lúc chúng tôi biết được giá trị của cây thì đa phần đã bị trộm chặt mất”.
Cũng từ ngày ấy, những người cựu binh này mất ăn, mất ngủ, ngày đêm thay phiên nhau đi tuần tra xung quanh ngọn núi. Nhưng các biện pháp trên không ngăn nổi thủ đoạn ngày càng tinh vi của bọn trộm gỗ.
Một cành sưa các cựu chiến binh lấy lại được trong một lần đuổi trộm. Ảnh: Văn Định.
Chỉ vào mép của một tảng đá to, ông Tý cho biết trước ở đây có một cây sưa to lắm, gần mép sông nên bọn trộm đã cắt cụt và đào cả gốc, sau đó chúng vận chuyển men theo dòng sông Đáy nên họ không phát hiện được.
Video đang HOT
“Có hôm nghe thấy tiếng động lớn, sức khỏe yếu nhưng chúng tôi cố vác gậy đuổi sưa tặc khiến chúng giật mình vứt cành cây bỏ chạy. Cũng may là nó chạy, nếu nó quay lại đánh chắc tính mạng già chúng tôi khó giữ. Hay có hôm thấy bọn trộm rất đông, mà chúng tôi thì già cả rồi liền gọi điện ngay cho công an xã và dân quân tự vệ nhanh chóng đến ứng cứu, thế là bọn trộm vứt cả cưa bỏ chạy”, ông Nguyễn Văn Dư (74 tuổi) tổ trưởng tổ bảo vệ nói.
Ông cũng cho biết thêm không ít kẻ trộm sưa là người làng bên, thấy mấy ông già canh gác đã thách thức dọa nạt, nhưng “còn người thì còn sưa, mất người thì mất sưa nên chúng tôi vẫn sẽ bảo vệ cho đến hơi thở cuối cùng”, ông quả quyết.
Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Thi Sơn thì bộc bạch: “Nhiều hôm trong làng có công việc như đám cưới, ma chay chúng tôi cũng không dám lơ là một bước, kể cả những hôm trái gió trở trời đau ốm cũng vẫn ở lại để trông nom. Nhiều đêm tối leo lên núi kiểm tra sưa khiến không ít lần chúng tôi trượt chân ngã”.
Một phần vì được bảo vệ tốt, một phần vì nhiều cây sưa nằm ở nơi cheo leo, nhiều vách đá dựng đứng nên 2 năm qua không có cây nào bị đốn hạ ở núi Cấm nữa. Xã cũng đã trích mỗi tháng 700 nghìn đồng cho mỗi người để động viên các ông trong việc bảo vệ sưa.
Giờ đây khi tuổi đã cao, những người cựu chiến binh già với tình yêu cây sưa vẫn quyết tâm gìn giữ, bảo vệ nguồn tài sản quý do thiên nhiên ban tặng, để mỗi dịp xuân về cả ngọn núi lại được phủ trắng màu hoa như vốn có.
Theo VNExpress
Hà Nam: Những cựu chiến binh thầm lặng bảo vệ sưa đỏ trên núi Cấm
Nằm ở vùng đất chiêm trũng Hà Nam, cách thành phố Phủ Lý khoảng 6km, núi Cấm có hàng chục cây sưa đỏ đáng giá tiền tỷ. Nhưng "kho báu" này đang bị đe dọa bởi những tên "sưa tặc".
Núi Cấm, xưa kia còn gọi là núi Cuốn Sơn, nằm ngay cạnh dòng sông Đáy, thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng. Núi Cấm không chỉ nổi tiếng là Khu di tích lịch sử với nhiều cảnh đẹp, mà nơi đây còn là nơi thờ cũng người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.
Một khúc sưa bị kẻ gian bỏ lại.
Theo một số cụ già trong làng kể lại, vào năm 1089 đoàn quân của Thái úy Lý Thường Kiệt khi đi chinh phạt dẹp yên quân champa ở phía Nam đã dừng chân nghỉ ở đỉnh núi này. Trong lúc nghỉ ngơi thì có một trận gió mạnh thổi tới, làm gãy cột buồm rồi cuốn lá cờ lớn của đoàn thuyền chiến lên đỉnh núi.
Lý Thường Kiệt nghĩ có điềm lạ, nên cùng quân sĩ lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu thắng trận. Sau khi thắng trận trở về, lúc đi qua đỉnh núi này, Lý Thường Kiệt đã hạ trại làm lễ tạ ơn, khao thưởng ba quân và mở hội cho dân làng mừng đại thắng. Lý Thường Kiệt đã đặt tên cho núi là núi Cuốn Sơn, tên làng là làng Cuốn Sơn. Lúc ông mất đi, dân làng liền lập đền thờ ngay dưới chân núi.
Cũng từ đó đến nay, người dân ở đây rất coi trọng khu núi Cấm này và coi nơi đây như là khu bất khả xâm phạm. Nên những năm trước khu vực núi Cấm, tình hình an ninh trật tự rất đảm bảo.
Ông Đặng Quang Tý cho biết chỗ này ngày trước có cây sưa rất to đã bị đào mất cả gốc.
Vào năm 2006, gỗ sưa trên núi Cấm mới được phát hiện. Ngay sau đó, UBND xã Thi Sơn đã báo cáo lên cấp trên và giữ kín nhằm bảo vệ những cây sưa quý này. Những biện pháp cụ thể như núi Cấm được cắm mốc chỉ giới cấm mọi tổ chức, cá nhân xâm phạm. Núi Cấm cũng được kiến nghị Chi cục Kiểm lâm Hà Nam đưa vào danh sách rừng phòng hộ đầu nguồn cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Nhưng những biện pháp trên vẫn bị bọn sưa tặc đánh hơi thấy, vào năm 2008 một số cây sưa đã bị chặt trộm, một số cây to thì bị kẻ gian đánh dấu.
Ngay sau khi phát hiện sưa bị chặt trộm, UBND xã Thi Sơn cũng như Ban quản lý Khu di tích chủ yếu là những cựu chiến binh liên tục túc trực, tuần tra để canh gác sưa trên núi. Nhưng những biện pháp trên vẫn không ngăn nổi nhưng thủ đoạn của "sưa tặc".
Ông Nguyễn Văn Dư, Tổ trưởng tổ bảo vệ Khu di tích này cho biết: "Hầu như những cây bị chặt trộm đều nằm ở chân núi, bọn chặt trộm nó chăng dây thép lên cành cây giữ lấy cây sưa lúc cưa đứt gốc thì không bị đổ gây ra tiếng động. Thủ đoạn chúng rất tinh vi, lực lượng chúng tôi thì mỏng nên rất khó".
Sưa mọc ngay trên vách núi.
Trên lưng chừng núi sưa mọc chen chúc nhau.
Những cây sưa bị trộm đều nằm ở phía ven sông Đáy, lúc trộm được sưa, chúng sẽ vận chuyển qua đường sông, cùng với đó đoạn phía sông Đáy có sườn dốc thoai thoải dễ di chuyển hơn các phía khác có dốc đứng. Nên gần như sưa các phía còn lại gần như không bị trộm.
Theo các cựu chiến binh đang quản lý Khu di tích này cho biết, trong 2 năm trở lại đây thì sưa không còn bị trộm, một phần do sưa còn nhỏ, một phần các phía còn sưa thì rất khó trèo lên, mà có lên chặt được sưa thì cũng sẽ rất khó vận chuyển.
Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Thi Sơn - cho biết: "Thực ra, hội CCB chúng tôi ai nấy cũng đều đã có tuổi, chỉ quản lý và tuần tra cùng với các đồng chí Công an xã, lực lượng thì khá mỏng, cũng mong các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa để bảo vệ những cây sưa trên núi".
Dẫn chúng tôi đi xem những đoạn sưa bị chặt trộm còn sót lại, ông Đặng Quang Tý, người đã làm bảo vệ ở khu di tích này đã gần 10 năm nay tâm sự: "Bọn tôi vẫn phân công nhau đi trực cùng với lực lượng Công an xã, nhưng nếu thực sự mà bọn trộm vào thì chúng tôi cũng chịu, trộm thì nó trộm vào ban đêm, lúc nó trộm thì thủ đoạn tinh vi, không biết chúng nó dùng cái gì để đốn hạ cây mà lại không hề nghe tiếng động".
Một cây sưa đỏ bị cưa trộm một nhánh.
Nhiều câu chuyện tâm linh, li kỳ huyền bí, truyền nhau về khu núi Cấm là khu thánh địa, nếu ai lên đấy phá phách thì sẽ bị trời phạt. Nhưng những câu chuyện tâm linh dường như không hề có tác dụng với kẻ gian.
Ngày ngày, nhóm Cựu chiến binh thay nhau đi tuần tra lấy sức già chống "sưa tặc". Nhưng giá trị, lợi nhuận của gỗ sưa quá lớn, nó khiến những kẻ hám lợi bất chấp tất cả để đạt được mục đích. Những người bảo vệ nơi đây lo lắng, không biết rồi một ngày sưa trên núi Cấm có bị biến mất bởi những tên "sưa tặc" liều lĩnh.
Theo Dân Trí
Trắng đêm mắc võng canh sưa! Có thể nói, cơn sốt gỗ sưa như một "đại dịch" lan tràn khắp cả nước. Tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị và môi trường Dak Lak đã "trót dại" trồng loại cây được cho là "cân gỗ, cân vàng" ấy tại nhiều tuyến đường, để rồi... báo hại phải cắt cử công nhân...