Những công trình ‘làm nghèo’ đất nước: Dang dở tuyến đường 195 tỉ đồng
Khởi công từ năm 2011, dự án tuyến đường vào bản Cà Moong (xã Lượng Minh, H.Tương Dương, Nghệ An) đã phải dừng lại giữa chừng sau khi đã đầu tư 72 tỉ đồng vì không có vốn và hiệu quả kinh tế mang lại quá ít.
Tuyến đường nối từ bản Côi đến bản tái định cư Cà Moong (xã Lượng Minh) dài hơn 18 km, được khởi công từ năm 2011 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước với kinh phí đầu tư khoảng 195 tỉ đồng. 167 hộ dân ở bản Cà Moong từng hy vọng con đường này sẽ giúp họ thoát khỏi cảnh bị cô lập giữa núi rừng và lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sau khi thủy điện này tích nước. Thế nhưng, sau 11 năm khởi công, tuyến đường mới chỉ thi công nền đường và một vài hạng mục khác thì bỏ dở và “đắp chiếu” cho đến nay.
Nền của tuyến đường đã mở đoạn qua bản Côi (xã Lượng Minh) bị thu hẹp, rất khó qua lại bằng xe máy. Ảnh K.HOAN
Không có đường bộ để đi, người dân bản Cà Moong muốn ra trung tâm xã phải mất 3 chặng, gồm khoảng 40 phút đi bộ ra bến đò, 30 phút chạy thuyền máy và thêm 10 phút chạy xe máy. Một người dân ở bản Cà Moong cho biết, khi chưa có thủy điện Bản Vẽ, người dân của bản có đường bộ để đi lại. Nhưng, sau khi đến khu tái định cư để nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ làm lòng hồ chứa nước, người dân chỉ còn cách đi thuyền để ra trung tâm xã do đường đi trước đó đã bị chìm dưới lòng hồ.
Trong khi đó, con đường từ bản Côi vào bản Cà Moong làm dở dang rồi dừng nhiều năm nay nên người dân cũng không sử dụng được. Riêng vào mùa nắng có thể chạy xe máy hoặc đi bộ nhưng cũng rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian, vì mặt đường quá xấu và nhiều điểm đã bị sạt lở. Do lâu ngày bỏ không, nền đường nhiều điểm đã bị mưa lũ làm xói lở, bị thu hẹp, cây cối mọc trở lại um tùm.
“Kinh phí đã bỏ ra để làm đường nếu dùng để mua thuyền cho người dân đi lại thì hiệu quả hơn nhiều”, một người dân ở bản Cà Moong nói.
Kiến nghị “khai tử”
Ông Vi Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Lượng Minh, cho biết do dự án làm dở dang, địa hình núi dốc nên hiện nay nhiều đoạn đường đã mở vào bản Cà Moong cũng đã bị sạt lở, hỏng nền đường. Chạy xe máy cũng rất khó khăn và nguy hiểm nên người dân phải chọn phương án đi lại bằng thuyền. Người dân ở đây đều là người dân tộc Khơ Mú và Thái nên cuộc sống rất khó khăn.
“Xã đã nhiều lần kiến nghị huyện, tỉnh bố trí nguồn vốn để thi công tiếp, nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa thể thi công tiếp do kinh phí quá lớn. Chúng tôi cũng mong muốn nếu không có kinh phí để thi công đường, thì cho cải tạo lại nền đường đất để người dân có thể chạy xe máy, nhưng đến nay vẫn chưa thể bố trí được kinh phí”, ông Hùng nói.
Video đang HOT
Theo ông La Văn Thái, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng H.Tương Dương, dự án này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 6 miền núi với tổng chiều dài hơn 18 km. Công trình mới chỉ bố trí, giải ngân hơn 72 tỉ đồng. Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành trong vòng 30 tháng nhưng do không bố trí được nguồn vốn, công trình phải dừng thi công. Đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành xong hạng mục nền đường và một số công trình trên tuyến, các hạng mục còn lại như mặt đường, cống, hệ thống an toàn giao thông… chưa thi công. Do không bố trí được vốn, năm 2021, UBND H.Tương Dương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và Sở KH-ĐT Nghệ An xem xét cho dừng thực hiện dự án.
Ai chịu trách nhiệm ?
Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương, cho biết dự án phải dừng do kinh phí quá lớn và thuộc trường hợp phải cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11/2011 của Chính phủ. Hiện H.Tương Dương đang chờ bố trí lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình khác để làm nhưng cũng rất khó khăn vì nguồn vốn quá hạn hẹp.
Ông Hải cũng thừa nhận dự án này kinh phí quá lớn, rất tốt về mặt xã hội nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao vì chỉ phục vụ cho người dân 1 bản, trong khi người dân đang có đường sông để đi lại. Ông Hải cũng cho rằng, chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ cũng phải chịu trách nhiệm trong dự án này, do sau khi di dời dân theo hình thức di vén (di dân từ vùng thấp lên cao), chủ đầu tư gần như bỏ mặc, nhà nước đã phải bỏ tiền để làm con đường này cho dân đi, nhưng dự án đã phải dừng vì thiếu vốn.
Khơi dòng chảy vốn cho thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển mạnh cả về phạm vi, quy mô và có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó, cần nguồn vốn lớn để vực dậy; trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực này đang bị siết chặt khiến khó càng thêm khó. Hơn bao giờ hết, khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản là bài toán đang cần lời giải.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển mạnh cả về phạm vi, quy mô và có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Thanh lọc thị trường
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Trên thực tế, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, thị trường chứng khoán bấp bênh, e ngại lạm phát... nên bất động sản được xem như kênh trú ẩn an toàn dẫn đến giá bị đẩy lên cao; thậm chí, tình trạng "sốt đất" diễn ra tại nhiều nơi.
Để hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản, từ 1/10/2022 các tổ chức tín dụng sẽ phải tuân theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30%.
Điều này khiến những tổ chức tín dụng còn tỷ lệ giới hạn thì cho vay trung, dài hạn; trong đó có bất động sản. Còn tổ chức tín dụng nào sử dụng hết tỷ lệ giới hạn sẽ hạn chế, thậm chí siết cho vay bất động sản để tập trung cho các dự án sản xuất, kinh doanh.
Nhận xét về động thái này, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, siết tín dụng bất động sản là phù hợp. Bởi nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay sân sau, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản để đảo nợ... thì đến một lúc nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm tay của cơ quan thanh tra giám sát. Hơn nữa, việc tăng giá bất động sản sẽ càng hút dòng vốn của các nhà đầu tư và nhà đầu cơ vào thị trường này.
Cùng với nguồn cung hạn chế, lượng cung tiền trên thị trường lớn sẽ tiếp tục đẩy giá bất động sản tiếp tục tăng giá. Khi đó, các nhà đầu cơ chộp giật sẽ càng đẩy mạnh vay tiền và chuyển vào đầu cơ bất động sản. Như vậy, giá bất động sản sẽ tiếp tục vòng xoáy tăng mới.
Động thái siết chặt việc cho vay vào lĩnh vực bất động sản là biện pháp cần thiết, quan trọng để tránh tạo ra bong bóng khi lượng vốn đổ vào thị trường này tương đối lớn dễ tạo ra khủng hoảng liên đới đến cả thị trường tài chính - tiền tệ.
Mặt khác siết chặt việc cho vay vào lĩnh vực bất động động sẽ giúp thanh lọc các nhà đầu tư chộp giật, doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tín dụng lớn để kinh doanh; thậm chí cả những doanh nghiệp đầu tư tràn lan vào dự án hoặc có nguồn lực tài chính không đảm bảo và khả năng vay nợ, trả nợ khó khăn...
Mở thêm cánh cửa
Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản là bài toán đang cần lời giải. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Trước những khó khăn trong huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng, thị trường trái phiếu đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng và là đòn bẩy đắc lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt nguồn vốn dài hạn. Điều này đang diễn ra tại nhiều thị trường tiên tiến trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế - tài chính, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, lâu nay, các doanh nghiệp vẫn "sống tạm" và phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Trong khi, về nguyên lý, ngân hàng chỉ nên đáp ứng vốn vay ngắn hạn.
Khi tiêu chuẩn cho vay đang bị thắt chặt, đặc biệt với các ngành bị hạn chế cấp tín dụng như bất động sản, thì trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh huy động vốn thay thế. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi, tài trợ cho hoạt động đầu tư kinh doanh dài hạn, giúp doanh nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng - chuyên gia này khẳng định.
Trong 4 năm qua, trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ với giá trị phát hành đạt hơn 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 16,7% GDP, chiếm gần 12% dư nợ tín dụng cả nước. Những năm trở lại đây, thị trường trái phiếu phát triển rõ nét.
Phân tích của Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho thấy, các ngân hàng cho vay chủ yếu ngắn hạn, không có nhiều nguồn vốn trung và dài hạn. Các ngân hàng thương mại cũng bị khống chế bởi các quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn để đề phòng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bởi vậy, các doanh nghiệp bất động sản tìm đến thị trường trái phiếu để huy động vốn vay trung - dài hạn và được các nhà đầu tư cá nhân nhanh chóng đón nhận. Kênh huy động mới này hấp dẫn và làm nhẹ bớt gánh nặng cho vay của các ngân hàng.
Tuy nhiên, từ những vụ việc thao túng thị trường trong thời gian qua đã khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Đã đến lúc các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và chính doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải nhìn nhận lại vai trò của trái phiếu doanh nghiệp trong hệ thống tài chính Việt Nam để có giải pháp quản lý và phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, hiện cán cân giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn (trái phiếu) đang có sự chênh lệch lớn. Thị trường tiền tệ với dòng vốn ngắn hạn cho đến 12 tháng vẫn lớn hơn nhiều so với thị trường vốn gồm dòng vốn trung và dài hạn.
Muốn phát triển thị trường vốn lành mạnh, bền vững, chính sách kiểm soát thị trường bất động sản cần mạnh mẽ hơn bởi những vấn đề đang xảy ra và xử lý mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm - ông Hiếu nhận định.
Cụ thể, để lấy niềm tin từ nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối như ngân hàng, công ty chứng khoán cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, mục đích phát hành hoặc tài sản đảm bảo, đặc điểm của trái phiếu cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu. Cùng đó là các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối đối với trái phiếu...
Bên cạnh đó, các công ty kiểm toán độc lập là những đơn vị kiểm tra, xác minh tính trung thực của báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nếu các công ty kiểm toán không làm đúng, con số không chính xác sẽ dẫn tới sự thẩm định sai từ phía các nhà đầu tư.
Hiện các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục khai thác thị trường cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn nhưng cả hai thị trường này cần phải có sự cải tổ và điều chỉnh tận gốc. Đó là các quy định luật pháp về phát hành và giao dịch cổ phiếu và trái phiếu cần phải được chỉnh sửa và hoàn thiện; các cơ quan quản lý thị trường bao gồm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà Nước cần kiểm tra thị trường gắt gao và hiệu quả hơn.
Mặt khác, các thành phần thị trường bao gồm nhà phát hành, nhà đầu tư cần phải có tính tuân thủ cao. Những hành vi lách luật, vi phạm luật phải bị xử lý nghiêm để giảm bớt rủi ro trên thị trường và hòa nhập với sân chơi thế giới.
Ngoài ra, Chính phủ cần lên kế hoạch cải cách thị trường chứng khoán một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, cần đưa ra quy định bắt buộc về xếp hạng tín nhiệm cho tất cả các loại phát hành trái phiếu vào năm 2023 - Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu hiến kế.
Đầu tư ra sao trong giai đoạn thị trường BĐS khó khăn? Doanh nghiệp bất động sản trải qua giai đoạn khó khăn kép ở cả 3 khía cạnh: nguồn cung, thị trường, nguồn vốn. Khó khăn chồng chất Thị trường bất động sản (BĐS) giai đoạn này được đánh giá trải qua thật nhiều khó khăn. Nguồn cung các dự án căn hộ tiếp tục khan hiếm. Theo ghi nhận từ CBRE Việt Nam,...