Những con số “thừa – thiếu” và kỳ vọng thay đổi tuyển sinh sư phạm năm 2018
Chuyện thừa – thiếu của ngành sư phạm về nhân lực vẫn chưa giải quyết được, dù đã được đề cập đến từ nhiều năm trước. Vì thế, quy hoạch mạng lưới, đào tạo theo nhu cầu, thậm chí tăng tiêu chí để tuyển sinh đầu vào sư phạm chọn người giỏi… là những điều được đặt ra trong tuyển sinh ngành này năm 2018.
Trong khi cử nhân sư phạm dư thừa thì giáo viên mầm non theo nhu cầu thực tế lại quá thiếu. Ảnh: P.T
Bài toán “thừa- thiếu” chưa thể cân bằng
Hiện nay, cả nước có 73 trường ĐH, 59 trường CĐ, 33 trường trung cấp đào tạo sư phạm. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 của các trường sư phạm là 54.702. Và tỷ lệ tuyển sinh của các trường vào khoảng 88%. Theo dự báo, đến năm 2020 cả nước thừa 70.000 cử nhân sư phạm, đây là một sự lãng phí rất lớn cho toàn xã hội.
Nhưng, cử nhân sư phạm thì thừa, giáo viên mầm non đang cần để đáp ứng nhu cầu thực tế lại quá thiếu. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, về đội ngũ mầm non, toàn ngành hiện có 474.396 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, có 37.361 cán bộ quản lý; 316.616 giáo viên; 108.259 nhân viên. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong biên chế đạt 62,5%; tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,76. Hiện nay cả nước còn thiếu 32.641 giáo viên mầm non.
Về đội ngũ tiểu học: Số lượng giáo viên tiểu học: 397.098, Số giáo viên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn 395.987, đạt 99,72%, (trên ĐH 0,2%; ĐH: 55,9%, CĐ: 32,0%, Trung cấp: 12,0%); Tỉ lệ trung bình giáo viên/lớp đạt 1,43. Tuy nhiên, tỉ lệ này không đồng đều ở các địa phương và vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ, trong đó có giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học.
Video đang HOT
Thực tế này đã đặt ra những yêu cầu mới đối với đào tạo và tuyển sinh sư phạm: Thêm ngành thiếu, bớt ngành thừa, tính toán lại đầu vào, đẩy mạnh đào tạo chất lượng… nhưng liệu những yêu cầu này có kịp thực hiện từ năm 2018?
Năm 2018 có kịp “đào tạo theo nhu cầu”?
Theo GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì những bất cập đang tồn tại ở các trường sư phạm lâu nay bao gồm: Bộ GD&ĐT chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm, các trường sư phạm đang tồn tại nhiều trình độ đào tạo khác nhau.
Bộ cần phải tập trung nghiên cứu về dân số, về quy mô, về độ tuổi, về phân bố địa lý, về dự báo số lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu mô hình, cách thức có trọng tâm trọng điểm, đánh giá năng lực của từng trường để có nguồn lực đầu tư phù hợp.
Theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, sắp tới, việc đào tạo sư phạm phải gắn với cơ chế “đặt hàng”. Nghĩa là đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn “cần người” của địa phương, thay vì đào tạo tràn lan như hiện nay. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có một số trường ĐH vùng công bố chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm.
Trong khi hạn cuối yêu cầu các cơ sở đào tạo công bố chỉ tiêu tuyển sinh là ngày 20-3. Có không ít băn khoăn cho rằng: Liệu việc đào tạo theo “đơn đặt hàng” của ngành sư phạm có kịp triển khai năm 2018?
Một thay đổi đổi quan trọng nữa trong tuyển sinh sư phạm là: Tại Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH; CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố để xin ý kiến dư luận, cụ thể Điều 17, khoản 3, Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25-1-2017 sẽ được sửa đổi, bổ sung: “Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau: Đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ CĐ, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên”.
Đại diện các trường ĐH khẳng định, hút người giỏi vào sư phạm sẽ giúp chất lượng đầu vào sư phạm tốt hơn nhiều nhưng không dễ để tuyển sinh, thậm chí nhìn thấy trước viễn cảnh có thể phải đóng cửa một số ngành đào tạo bởi nhiều lý do. Nhiều trường đã dự báo tuyển sinh sư phạm năm nay sẽ khó khăn hơn những năm trước đó.
Tuy nhiên, cũng hi vọng với những điều chỉnh này, đầu vào và chất lượng đào tạo ngành sư phạm sẽ được nâng cao, quan trọng hơn là những thay đổi này được thực hiện càng sớm càng tốt để bài toán thừa cử nhân nhưng thiếu giáo viên cục bộ sẽ nhanh chóng có được lời giải.
Theo Phapluatxahoi.vn
Tương lai nào cho ngành sư phạm?
Đề xuất tăng lương giáo viên không được chấp nhận, câu chuyện thừa, thiếu giáo viên cục bộ, sinh viên sư phạm không có việc làm, những lùm xùm chuyện "chạy trường" để có suất dạy hợp đồng làm nóng dư luận thời gian qua... khiến cho bức tranh tuyển sinh sư phạm ngày càng trở nên ảm đạm.
Giờ học của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đức
Cùng đó, với việc sẽ siết chặt đầu vào của Bộ GD&ĐT, không ít người lo ngại, ngành sư phạm vì thế, càng khó tuyển được nhân lực giỏi toàn diện.
Siết đầu vào ngành sư phạm
Một trong những điểm đáng chú ý trong tuyển sinh ngành sư phạm năm 2018 là sẽ siết chặt đầu vào. Theo đó, học sinh có học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào các trường đại học sư phạm. Bộ GD&ĐT cũng sẽ quy định điểm chuẩn đối với ngành này, thay vì để các trường tự xác định. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT thì đây là một trong những quy định đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm. Năm nay, trường sư phạm sẽ có mức điểm chung cao hơn so với các ngành nghề khác. "Có thể số lượng trúng tuyển, đăng ký xét tuyển sẽ ít đi nhưng chúng tôi cũng không sợ thiếu nhân lực. Trong những năm qua, nhân lực cho ngành sư phạm đã khá dồi dào" - bà Phụng nói.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các bộ, ban ngành khảo sát nhu cầu sử dụng giảng viên của địa phương, tổng hợp thành nhu cầu toàn quốc trong khoảng 6 năm tới. Điều này để xác định, khi các em thi vào năm nay sẽ biết 4 năm sau ra trường, nhu cầu tuyển dụng lao động ra sao. Bộ dự định về quy mô đào tạo ngành sư phạm trong những năm tới trên cơ sở dự tính về dân số, nhu cầu đào tạo. Đồng thời, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được khống chế bằng hoặc thấp hơn nhu cầu tuyển dụng để đảm bảo các em ra trường có tỷ lệ việc làm cao hơn. Những em ra trường chưa có việc làm vẫn có cơ hội để tuyển dụng. "Khi chỉ tiêu tuyển sinh đã căn cứ nhu cầu sử dụng lao động có nghĩa tỷ lệ việc làm sau khi học đảm bảo hơn. Đây cũng là yếu tố thu hút sinh viên giỏi vào trường sư phạm" - bà Phụng nhấn mạnh.
Sẽ thiếu nhân lực chất lượng cao?
Trước những lo ngại của học sinh sắp thi vào sư phạm khó xin việc bởi nghề này có nhiều... rủi ro. Đặc biệt là câu chuyện sa thải hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk khiến nhiều em nản lòng khi có ý định thi ngành sư phạm. TS Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng Khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhận định, trong thời gian qua, ngành sư phạm thất nghiệp nhiều. Tuy nhiên, theo lộ trình đổi mới giáo dục và sắp xếp lại các trường sư phạm thì trong tương lai, có thể sư phạm sẽ lại là ngành thu hút nhiều lao động. Nhưng để trụ vững với nghề, đòi hỏi sinh viên phải giỏi, có trình độ cao, ra trường không chỉ dạy được một môn mà còn nhiều môn tích hợp.
"Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực của ngành sư phạm, mình Bộ GD&ĐT nỗ lực thôi chưa đủ. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc. Muốn tuyển được người giỏi vào ngành, nhất thiết phải tăng lương cho giáo viên, cùng những chính sách đãi ngộ về việc làm cho cử nhân sư phạm." - GS.VS Đào Trọng Thi
Lo ngại về những chính sách mới này, TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc Bộ GD&ĐT đưa ra quy định "cứng" về học lực để được xét tuyển sư phạm là có phần duy ý chí và khó khả thi. Theo TS Khuyến, muốn học sinh giỏi vào sư phạm thì nên có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp như đối với các trường công an, quân đội. Khi đó, ngành sư phạm sẽ thu hút được người giỏi, không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào mới tuyển được học sinh khá, giỏi. Còn nếu vẫn còn tình trạng cử nhân sư phạm ra trường, thậm chí thủ khoa thất nghiệp như hiện nay thì việc đặt ra tiêu chuẩn học sinh giỏi vào ngành sư phạm rất khó.
Cùng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng bày tỏ quan điểm: Hiện nay, đánh giá học sinh giỏi chủ yếu dựa vào 2 môn Toán - Văn, trong khi sư phạm lại đào tạo rất nhiều ngành với nhiều môn học khác nhau nên nếu quy định "cứng" về học lực là chưa ổn. TS Vinh đề xuất, thay vào quy định cứng về học lực thì nên xét theo chính môn của ngành đào tạo mà học sinh đăng ký sẽ phù hợp hơn. "Bộ GD&ĐT cần tính toán kỹ nguồn đầu vào của ngành, tránh tình trạng đề ra mức điểm sàn quá cao sẽ dẫn tới việc thiếu đầu vào sư phạm."- TS Vinh nhấn mạnh.
Theo Kinhtedothi.vn
Kỳ vọng tuyển sinh 2018: Người giỏi có dám vào sư phạm? Việc có nhiều đổi thay trong tuyển sinh ngành sư phạm ngay trong năm 2018 đang được dư luận kỳ vọng về việc nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. Dẫu vậy, nhiều người cũng không khỏi băn khoăn, liệu học sinh giỏi có mong muốn trở thành thầy cô giáo hay không? Muốn học sinh giỏi vào sư phạm nên có...