Những con số suy ngẫm từ điểm thi THPT quốc gia
Hà Nam dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn, Toán có nhiều điểm liệt nhất, hơn 80% bài thi Lịch sử dưới 5.
Năm 2018, cả nước có gần 926.000 thí sinh ‘rồng vàng’ dự thi THPT quốc gia, tăng khoảng 60.000 so với năm trước. Trong đó hơn 642.000 em đăng ký để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Theo thống kê của VnExpress từ gói dữ liệu điểm thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, cả nước có 921.908 thí sinh có điểm. Hà Nội có nhiều thí sinh dự thi nhất với hơn 79.000, TP HCM hơn 78.000, cao gấp đôi Thanh Hóa – địa phương xếp thứ ba về số lượng dự thi. Bắc Kạn, Lai Châu, Kon Tum và Cao Bằng có ít thí sinh dự thi nhất, đều dưới 5.000.
Thí sinh TP HCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Trần Quỳnh.
Là môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, Toán và Ngữ văn có nhiều thí sinh nhất với hơn 900.000. Xếp ngay sau là Ngoại ngữ gần 817.000.
Ngoài 56.000 thí sinh tự do, tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) được nhiều học sinh lứa ‘rồng vàng’ lựa chọn với hơn 444.000, trong khi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) chỉ khoảng 341.000.
Xu hướng này giống năm 2017 và được cho là phù hợp khi tổ hợp Khoa học xã hội rất phù hợp với những em chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT, bởi không khó vượt qua điểm liệt ở các môn.
6/9 môn thi có điểm trung bình dưới 5
Năm nay, kết quả 9 môn thi THPT giảm mạnh so với năm 2017. Theo phổ điểm do Bộ Giáo dục công bố, 6/9 môn thi có điểm trung bình dưới 5. Điều này trái ngược với năm ngoái, khi 6/9 môn có điểm trung bình trên 5.
Giáo dục công dân có kết quả cao nhất. Phổ điểm môn này rất đẹp với đồ thị hình chuông lệch sang phải. Điểm trung bình của thí sinh cả nước là 7,13, tuy vậy vẫn thấp hơn năm ngoái 0,67.
Tiếng Anh và Lịch sử tiếp tục là hai môn xếp cuối danh sách với điểm trung bình không quá 4. Nếu như năm ngoái, cả hai môn này đều đạt 4,6 điểm, năm nay chỉ là 3.91 và 3.79.
Trong tất cả môn, điểm trung bình môn Sử giảm mạnh nhất so với năm ngoái – 0,81, trong khi Ngữ văn – môn duy nhất thi tự luận giảm 0,06.
Kết quả các môn thi thấp không nằm ngoài dự đoán của giáo viên, phụ huynh và học sinh vì đề thi khó hơn mọi năm, đặc biệt ở các môn Toán, Ngữ văn và Sinh học.
‘Đề thi các môn nằm trong chương trình lớp 12 và số ít ở lớp 11, đều được ôn luyện kỹ càng. Nhưng cách ra đề một số môn như Toán, Sinh còn hạn chế vì quá dài’, thí sinh Nguyễn Thị Bảo Ngọc (quận 1, TP HCM) chia sẻ.
Hơn 80% thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử
Điểm trung bình môn Lịch sử trong ba năm gần đây liên tục giảm. Năm 2016, tỷ lệ thí sinh có điểm dưới 5 khoảng 65% thì đến
Năm nay, điểm trung bình môn Lịch sử của thí sinh là 83,24%. Điểm số nhiều thí sinh đạt nhất là 3,25. Địa phương có điểm Lịch sử thấp là Đà Nẵng với gần 90% tổng thí sinh dự thi không đạt 5 điểm, TP HCM với 80,9%. Tỉnh đứng đầu cả nước về điểm trung bình môn Sử là Bạc Liêu cũng chỉ đạt 4,22. Hà Giang có kết quả thấp nhất với 3,47 điểm.
Không chỉ năm nay, Lịch sử mới được nhiều người bình luận bởi điểm số quá thấp. Kỳ thi đại học năm 2011, cả nước rúng động khi có đến hàng nghìn bài Lịch sử bị điểm 0. Năm 2015, hàng loạt điểm thi trên cả nước đóng cửa trong ngày cuối cùng do không có thí sinh dự thi môn này.
Là giáo viên dạy Lịch sử có tiếng của trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), thầy Trần Trung Hiếu cho rằng kết quả môn Sử thấp là đáng buồn nhưng không bất ngờ và đó là hệ lụy của nhiều nguyên nhân.
Số ít trong tổng hơn 56.000 thí sinh dự thi Lịch sử chọn môn này để xét tuyển đại học, cao đẳng. Điều đó phù hợp với thực tế có những bài thi đạt điểm cao, thậm chí điểm tuyệt đối. Phần lớn còn lại chỉ chọn môn thi này cùng tổ hợp Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp vì dễ tránh điểm liệt.
‘Đây là sự lựa chọn an toàn và phù hợp. Các em chỉ cần được 1 điểm trở lên đỗ tốt nghiệp chứ không bận tâm điểm cao hay thấp’, thầy Hiếu nói và cho rằng điều này nằm trong xu hướng chung, không thể trách học trò và cũng không thể lấy kỳ thi THPT quốc gia làm dịp để trút gánh nặng, trách nhiệm lên các giáo viên dạy Lịch sử.
Thầy Hiếu cũng khẳng định tỷ lệ học sinh bị điểm dưới trung bình cao không phản ánh toàn diện việc học sinh có yêu Lịch sử hay không.
Video đang HOT
Thí sinh TP HCM vui vẻ khi kết thúc kỳ thi. Ảnh: Thành Nguyễn.
Không phải Hà Nội hay TP HCM, Hà Nam dẫn đầu về điểm trung bình
Theo thống kê, 27 tỉnh thành có điểm trung bình các môn từ 5 trở lên. Hà Nam vượt qua nhiều địa phương tên tuổi như Nam Định, Hà Nội, TP HCM để vươn lên dẫn đầu với 5,46 điểm. Xếp ngay sau là Nam Định (5,45). Top 5 còn có sự xuất hiện của Ninh Bình, An Giang và Vĩnh Phúc.
Xét theo từng môn, Hà Nam nằm trong top 10 địa phương có thành tích tốt nhất ở Vật lý, Hóa học (xếp thứ nhất); Văn, Sử, Địa (xếp thứ 2); Giáo dục công dân (xếp thứ 3) và Toán (xếp thứ 5).
Nhiều người tỏ ra bất ngờ với thành tích của Hà Nam trong kỳ thi THPT quốc gia. Thực tế trước năm 1991, đất học Nam Định cùng với Hà Nam, Ninh Bình chung một bộ máy hành chính với tên tỉnh Hà Nam Ninh.
Trong nhóm thành phố trực thuộc trung ương, Hải Phòng xếp cao nhất, đứng thứ 9 toàn quốc với 5,28 điểm. TP HCM xếp ngay sau. Cần Thơ đứng thứ 18, Hà Nội thứ 25 và có điểm trung bình đều trên 5. Đà Nẵng thấp nhất nhóm này khi đứng thứ 42 với điểm trung bình chỉ 4,86.
Nhóm 5 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng bao gồm Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Bình, trong đó Sơn La xếp hạng thấp nhất với 4,21 điểm và Hà Giang áp chót với 4,23. Dù trung bình các môn thấp nhất cả nước, hai tỉnh này khiến nhiều người bất ngờ khi có thí sinh giành điểm tuyệt đối ở hai môn và có nhiều điểm giỏi.
Cả nước có 477 điểm 10, Văn không có điểm tuyệt đối
Cùng là thi trắc nghiệm 8/9 môn, số thí sinh đạt điểm tuyệt đối năm nay giảm rõ rệt, chỉ 477 trong khi năm 2017 là 4.235.
Nếu năm 2017, Ngữ văn có một điểm 10, năm nay là môn duy nhất không có điểm tuyệt đối. Giáo dục công dân tiếp tục chiếm đa số với 308 điểm và trở thành môn duy nhất có số điểm 10 nhiều hơn năm 2017. Ngoại ngữ đứng thứ hai với 103 điểm 10, giảm 893 so với năm ngoái.
Toán, môn thi được nhiều thí sinh đánh giá là khó, thậm chí nhiều giáo sư, giáo viên Toán học đăng đàn khẳng định không thể làm xong trong 90 phút, có hai em đạt điểm 10 là Hoàng Đức Thuận (THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) và Nguyễn Trần Công Đạt (THPT Trần Phú, TP HCM). Trong khi năm ngoái, Toán có 281 điểm 10.
Trước khi kỳ thi, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã nhấn mạnh với đề thi năm nay, việc đạt điểm 9-10 sẽ khó khăn hơn. “Rút kinh nghiệm năm trước, lần này Bộ đã tổ chức cân đối từng đề thi, để đảm bảo chênh lệch khó dễ giữa các đề là ngang nhau, đặc biệt phải có tính phân hóa”, ông Độ khẳng định.
Toán, Tiếng Anh có nhiều điểm liệt nhất
Toán, môn thi có ít điểm 10 nhất trong các môn thi đồng thời cũng có nhiều điểm liệt nhất với 1.144 (dưới 1). Nếu tính lượng điểm kém (từ 3 trở xuống), môn này có tới hơn 123.990.
Đứng thứ hai là môn tiếng Anh với ít hơn Toán một điểm liệt. Các môn khác dao động từ 300 đến 700. Trong đó, Giáo dục công dân có ít điểm liệt nhất (305).
Cả nước có tới 4.309 bài thi bị 0 điểm, trong đó môn Toán nhiều nhất với 951. Trừ đi 77 thí sinh vi phạm quy chế thi bị điểm 0, số còn lại theo nhiều giáo viên, chủ yếu do không chịu làm bài. Bởi 8 môn thi trắc nghiệm, môn Ngữ văn tự luận, để đạt điểm trên 0 không khó.
Hà Giang có nhiều điểm giỏi ‘đột biến’ các môn tự nhiên
Điểm trung bình của Hà Giang đứng cuối cùng trong 63 tỉnh thành ở các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử; Toán, Địa, Sinh, Giáo dục công dân đứng thứ 62; Vật lý và Hóa học thứ 59. Tuy nhiên, số điểm giỏi ở môn tự nhiên cao bất thường.
Riêng Vật lý, Hà Giang có 65 điểm từ 9 trở lên, chiếm 6,7% tổng thí sinh dự thi. Trong khi đó, TP HCM với 49.680 em thi Vật lý chỉ có 39 điểm (chiếm 0,07%). Tỷ lệ điểm giỏi của Hà Giang cũng gấp 23 lần Hà Nội.
Với Toán, môn được đánh giá là khó nhất, Hà Giang có tới 57 thí sinh được từ 9 điểm trở lên. Trong khi đó TP HCM với 78.030 thí sinh dự thi chỉ có 32, Nam Định với hơn 19.600 thí sinh chỉ có 13 em đạt mức điểm này.
Nếu căn cứ vào số điểm giỏi các môn tự nhiên, Hà Giang đứng trên cả ba địa phương vốn có truyền thống học tập tốt là Hà Nội, TP HCM và Nam Định. Điều này khiến nhiều người đặt dấu hỏi lớn khi tỉnh miền núi phía Bắc luôn bị coi là vũng trũng của giáo dục.
Trước vấn đề này, tối 12/7, Bộ Giáo dục đã ra công văn yêu cầu Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh Hà Giang rà soát toàn bộ các khâu của kỳ thi và gửi báo cáo về Bộ trước ngày 17/7.
Khối A1 có điểm trung bình thấp nhất, C01 dẫn đầu
Các khối thi truyền thống gồm A, B, C, D, A1 và C01 đều có điểm trung bình lớn hơn 15. Trong đó, CO1 gồm ba môn Toán, Lý, Văn có kết quả trung bình cao nhất với 16,48 điểm. Đứng thứ hai là khối A với 15,83 điểm. Khối A1 thấp nhất, chỉ 15,24 điểm.
Ở tất cả khối thi, không thí sinh nào đạt 30 điểm tuyệt đối. Thủ khoa cả nước là em Lê Bá Hoàng (Phú Thọ), đạt 29,55 điểm khối B, trong đó có 10 Hóa. Ở khối A, thí sinh Vương Xuân Hoàng (Bắc Ninh) dẫn đầu với 29,05 điểm, môn cao nhất là Toán đạt 9,8.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM), dựa vào số liệu Bộ Giáo dục công bố về điểm thi và phổ điểm, nhận định điểm trung bình tổ hợp khối A giảm nhiều, A01 không đổi và B giảm nhẹ so với năm 2016 và 2017.
Ông Quán dự đoán những ngành năm ngoái lấy điểm chuẩn cao, năm nay sẽ giảm khá mạnh. Cụ thể, những ngành lấy 25-30 có thể giảm 2-4 điểm do số lượng thí sinh nhóm này rất ít; những ngành lấy 20-24 điểm sẽ giảm 1-3 điểm do hầu hết thí sinh đều có điểm thi các môn từ 5 đến 8 điểm.
Trong khi đó, những ngành năm ngoái điểm chuẩn dưới 20 năm nay có thể không giảm hoặc giảm khoảng 1 điểm do lượng thí sinh ở mức điểm trung bình nhiều.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tuyển sinh các trường top dưới và trung năm nay hoàn toàn không bị ảnh hưởng nhiều, song các trường top trên sẽ gặp khó khăn vì số bài thi đạt điểm cao giảm đáng kể, hiếm hoi điểm 9-10. Theo dự đoán của ông Dũng, điểm đầu vào các trường top trên có thể giảm 2-3 điểm.
Theo tiin.vn
Thí sinh điểm 9, 10 chia sẻ 'bí kíp' học, thi
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 có khá nhiều điểm thấp, thậm chí là điểm liệt, nhưng vẫn có những thí sinh đạt điểm 9, 10. Những thí sinh này đã học và thi như thế nào?
Cô trò Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) tra cứu điểm thi THPT quốc gia năm 2018 trên Tuổi Trẻ Online ngày 11-7 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tự học quan trọng nhất
Vương Xuân Hoàng là học sinh Trường THPT Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, dự thi THPT quốc gia với mức điểm xuất sắc: toán 9,8, vật lý 9,5 và hóa học 9,75.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Hoàng cho biết không bất ngờ quá với kết quả vừa được thông báo vì ngay sau khi làm bài thi, đối chiếu với đáp án, Hoàng đã dự đoán được mức điểm.
"Tôi vẫn nghĩ có thể điểm sẽ rơi rụng một chút nên khi bố mẹ hỏi, tôi chỉ nói là làm tạm được. Cũng vì thế nên bố mẹ rất vui với thành quả này" - Hoàng chia sẻ.
Vương Xuân Hoàng có 12 năm là học sinh giỏi. Điểm trung bình các môn toán, vật lý, hóa học đều trên 9,0. Tuy nhiên Hoàng cho biết mình không đến mức vùi đầu vào học.
Ngoài giờ học trên lớp, Hoàng cũng học thêm 2-3 buổi/tuần, tùy từng thời điểm. Thời gian ôn thi chủ yếu của Hoàng là tự học. Hoàng tự học lý thuyết, ôn tập các dạng bài tập và chủ động tìm kiếm đề thi trên mạng, xin của thầy cô, bạn bè để làm.
"Làm thật nhiều thì nó thành kỹ năng và không bị căng thẳng, lo lắng khi đi thi" - Hoàng cho biết.
Cậu học sinh đất Kinh Bắc tiết lộ ước mơ trở thành một kỹ sư CNTT và chọn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để đăng ký theo học.
Sách giáo khoa là tài liệu gốc
Hoàng Đức Thuận là học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ, cũng vừa vượt qua kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 với số điểm: toán 10, vật lý 9,5 và hóa học 8,75.
Đây là mức điểm rất cao so với mặt bằng điểm của cả nước năm nay. Nhưng so với mục tiêu đặt ra của Hoàng Đức Thuận thì còn chưa đạt được: "Tôi đã đặt ra mục tiêu đạt 30 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia từ khi mới bắt đầu bước vào THPT".
Tuy đặt mục tiêu rất cao trong kỳ thi cuối cấp nhưng Thuận cũng là một học sinh có nhiều hoài bão và tham gia vào các hoạt động đa dạng của trường.
Là học sinh chuyên toán với nhiều thành tích về môn toán, Thuận còn được nhiều người biết đến khi được trường chọn làm đại diện tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài truyền hình VN tổ chức. Thuận đã đoạt giải nhất vòng thi tuần và giải nhì vòng thi quý của chương trình này năm 2017.
Thuận cho biết mỗi môn học Thuận cố gắng tìm một phương pháp học tập hiệu quả nhất với mình. Có thể tham khảo nhiều tài liệu nhưng sách giáo khoa là tài liệu gốc để bám vào trong quá trình ôn tập.
Nói về bài thi vừa qua, Hoàng Đức Thuận cho biết đã rất thận trọng với những câu chưa chắc chắn. Vì thế những câu chắc chắn làm trước, các câu không chắc chắn thì để lại, kiểm tra kỹ.
Nhận xét về đề toán, Thuận cho biết "không quá khó" vì đã được rèn nhiều, cả kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm nên thành thạo.
Nắm chắc kiến thức sẽ tự tìm ra "thủ thuật" riêng
Không bao giờ đi học thêm, chủ yếu tự học sau những buổi học chính khóa ở trường nhưng phương pháp học này đã giúp Nguyễn Trần Công Đạt (lớp 12A8 Trường THPT Trần Phú, Q.Tân Phú) đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, đặc biệt là người duy nhất đạt điểm 10 môn toán tại TP.HCM.
"Học ở trường, về nhà tự học hơn hai tiếng, còn lại thì vui chơi" - đó là thời gian biểu khái quát trong một ngày của Đạt. "Chọn trường cấp III này để học là nguyện vọng của tôi, được mong muốn học ở trường có nhiều hoạt động thể thao ngoại khóa để được vui chơi, cân bằng sau lúc học" - Đạt tâm sự.
Về phương pháp học tập chính của mình, Đạt gói gọn trong một câu duy nhất: "Nắm chắc kiến thức cơ bản, tự học, tham khảo nâng cao thêm". Và đó là lý do mà sau thời gian ngắn "trải nghiệm"... học thêm, Đạt quyết định nghỉ và cho rằng mình đã đúng khi không bao giờ đi học thêm.
"Tôi nhận ra rằng học thêm thầy cô giáo dạy chỉ để biết thêm những "thủ thuật" khi làm bài, mà "thủ thuật" đó thì mỗi thầy cô mỗi cách khác nhau, còn vẫn trên nền tảng chung là kiến thức cơ bản trọng tâm. Mình học chắc nắm vững từng phần, luyện nhuyễn từng dạng, thì sẽ tự tìm được "thủ thuật" cho mình" - Đạt chia sẻ.
Tự học, tìm đề hay để giải
Minh Quân (trái) và các bạn cùng trường - Ảnh: FB nhân vật
Khi biết tin mình đạt điểm cao với môn toán 9,6, hóa học 9,75 và sinh học 9,75, Võ Minh Quân (thủ khoa khối B, học sinh lớp 12 chuyên hóa Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết mình rất vui vì: "Công sức cả một năm trời của tôi và ba mẹ, thầy cô đã được đền đáp xứng đáng".
Rất khiêm tốn, Quân nói mình không có bí quyết gì mới mẻ, chỉ là đề cao ý thức tự học mà thôi: "Năm lớp 12 tôi phải cố gắng hạn chế chơi trò chơi điện tử, mạng xã hội để tập trung học tập. Tôi học song song chương trình chính khóa và lớp luyện thi.
Xen giữa các buổi học đó, tôi thường mang theo sách vở để ôn lại bài và tự học thêm những kiến thức mình thấy cần thiết. Tuy nhiên, tôi luôn để buổi tối thứ bảy là thời gian trống để đi đây đi đó thư giãn...".
Về việc chinh phục những bài tập khó của cả ba môn toán - hóa - sinh, Quân cho rằng: "Tôi đề cao việc tự tìm kiếm các bài toán lạ trên mạng, các đề thi để rèn tư duy, phản xạ, tự rút kinh nghiệm trong việc làm bài thi trắc nghiệm...
Hồi học kỳ 1 của năm lớp 12, có ngày tôi thức tới 2h-3h sáng để làm bài nhưng càng gần tới ngày thi thì bớt thức khuya. Tối đa chỉ đến 10h hoặc 11h là đi ngủ. Sau đó, tôi tập dậy sớm để quen với giờ giấc thi cử. Trong quá trình ôn thi, tôi phải tập quen dần với áp lực thi cử, tập giải bài thi, bấm thời gian để làm cho kịp... để không bị sốc khi làm bài thi thật".
Với ước mơ trở thành bác sĩ tim mạch, Quân cho biết mình sẽ tiếp tục nỗ lực học thật tốt và tìm kiếm cơ hội du học để rèn luyện nghề nghiệp.
Làm thật cẩn thận các câu dễ
Tống Kiều Trang Thảo (Hà Giang) thi hai khối A, B với số điểm cao: toán 9,6, vật lý 9,5, hóa học 9,5 và sinh học 9,75.
Thảo chia sẻ: "Năm nay tôi dự định thi Học viện Quân y, vì điểm vào khá cao nên ngay từ ban đầu tôi đã xác định mình phải thật sự cố gắng". Hơn nữa do thi cả khối A và khối B nên Thảo đã đầu tư vào việc học rất nhiều, ngay từ khi bước vào cấp III đã học đều các môn.
Điểm cao nhất của Thảo là điểm môn sinh học và Thảo cho biết khá hài lòng vì điểm số này. Trước đó, Thảo cũng đã 2 lần thi học sinh giỏi quốc gia môn sinh.
"Đề năm nay chỉ dài nhưng không có nhiều câu khó nên tôi đạt được điểm số này" - Thảo chia sẻ.
Theo tuoitre.vn
Điểm thi thấp hơn, tỷ lệ tốt nghiệp vẫn cao Hôm qua (11.7), Bộ GD-ĐT chính thức công bố kết quả thi THPT quốc gia 2018. Theo thống kê từ các địa phương, tỷ lệ tốt nghiệp nhiều tỉnh, thành giảm so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn cao dù điểm thi thấp hơn. Thí sinh tại TP.HCM xem điểm thi qua mạng - ẢNH: NGỌC DƯƠNG Theo cán bộ khảo...