Những con đường ngoài đại học
Có rất nhiều con đường vào đời thành đạt và học đại học không bao giờ là con đường duy nhất.
Hôm qua có người bạn nhỏ trên facebook viết mail hỏi tôi: “Có lần con hỏi mấy đứa bạn: “Ngày xưa sao mày lại đăng kí vô trường này?”. Nó hồn nhiên: “Vì tao nghe ông thầy bảo ngành này hot, mai mốt dễ xin việc”. Lại còn có đứa thì học vì gia đình. Thằng bạn thân con tuy là thủ khoa tốt nghiệp của lớp nhưng nó cũng không thích thú gì với ngành học này. (…) Con cũng vừa trải qua một kỳ thi học kỳ, con tạch một số môn và cũng qua được các môn khác. Ba mẹ con thường nói:” Chỉ có ăn với học mà không giỏi thì làm gì được”. Con tính hay là bỏ quách đi vì con không hề hứng thú với ngành này. Nhưng người thân, bạn bè, đều khuyên con học xong đại học rồi làm gì thì làm”.
Học xong đại học rồi muốn làm gì thì làm! Dường như rất ít người thấy được nghịch lý trong đó: Nếu vậy thì tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức của cả một gia đình suốt bốn năm năm, để làm gì?
Vào thời của chúng tôi, đại học là con đường duy nhất để kiếm được việc làm với mức lương và cơ hội thăng tiến hơn hẳn so với học trung học hay cao đẳng. Thời đó, hầu như mọi công việc đều nằm trong các cơ quan nhà nước, nhà nước lo trọn gói sản xuất hầu như từ cây kim sợi chỉ cho đến tàu thủy. Hầu như không còn kinh tế tư nhân. Những công việc tự do rất ít, khá thô sơ và thu nhập rất thấp. Tiểu thương thì bị gọi là con buôn chuyên lừa lọc, bị coi là tầng lớp thấp kém trong xã hội. Vậy nên hầu như tất tần tật học sinh đều thi đại học, chỉ khi không đủ điểm đại học mới “chọn xuống” những trường trung cấp, cao đẳng. Tuy vậy, số đậu đại học vẫn là số ít, và tuy vậy, sau nhiều năm, số thành đạt, hạnh phúc lại phụ thuộc vào việc các bạn tôi đã làm việc với thái độ như thế nào, chứ không phải vào tấm bằng đại học.
Video đang HOT
Học đại học không phải là con đường duy nhất
Chỉ sau đó ít lâu, kinh tế tư nhân ồ ạt tái chiếm lĩnh thị trường và tái khẳng định sức sống vượt bậc của nó. Nếu nói mục đích cuối cùng của đại đa số người học đại học là để có bằng cấp nhằm dễ kiếm việc làm, kiếm tiền nuôi bản thân thì giờ đã có hàng trăm con đường rộng mở cho tất cả. Học trung cấp, cao đẳng, học nghề mình thích… Rất, rất nhiều con đường.
Chị gái tôi có hai học sinh cũ đã chọn những con đường riêng ngoài đại học. Em thứ nhất, một mình mẹ bán rau hành ở chợ nhỏ tỉnh lẻ nuôi em và một đứa em trai mười ba mười bốn tuổi ăn học. Cuộc sống cực kỳ khó khăn nhưng mẹ em quyết cho con học đại học. Em đi thi, rồi khăn gói vào Sài Gòn học. Lâu lâu gặp chị tôi, người mẹ gầy gò lam lũ lại cười khoe “Năm nay cháu học năm hai rồi cô… năm ba rồi cô.”. Đùng một cái, sau ba năm, cu con xách giỏ về quê, mượn thêm tiền mở một tiệm internet. Té ra nó đậu đại học nhưng không học. Nó âm thầm học tin học và đi làm thuê cho người ta, rồi khi thấy tự tin, có ít vốn cả về tài chính lẫn khả năng kinh doanh, nó làm như đã nói.
Tiệm có đồng ra đồng vào đều đặn, mấy năm nay nó thảnh thơi nuôi em ăn học. Người mẹ cũng không còn dầu dãi mà vô tiệm của con trai bán giải khát cho khách. Cuộc sống mát mặt hơn hẳn.
Chị tôi hỏi thằng bé sao không học đại học? Nó bảo, học đại học tốn kém quá, thương mẹ quá vất vả, nhất là ra trường chưa chắc xin được việc làm. Nhưng nói liền thì sợ mẹ buồn, sốc, nên nó chọn cách chém trước tấu sau. Thằng cu thật đáo để!
Một học sinh khác của chị tôi cũng sắp sửa mở tiệm làm đẹp, chăm sóc da-tóc của riêng mình. Em này thì có sự “thông đồng” của ba. Ba em chạy xe tải. Mẹ bán hàng ăn, có hai con gái. Hồi đó nhà còn nghèo, cô lớn đi làm công nhân ở một khu công nghiệp trong Biên Hòa, coi như hổng danh giá gì. Giờ đời sống khá, còn đứa sau, bà quyết chí bắt con học đại học để “rửa” cái tiếng ít học cho gia đình. Cua học luyện thi đắt mấy cũng theo. Cô bé kể: “Con không muốn học đại học đâu, con chỉ thích có cái tiệm chăm sóc da-tóc thôi, con thích lắm nên hồi học cấp ba con đã tập mua bán sản phẩm chăm sóc da tóc cho bạn rồi. Nhưng mẹ nói con không học đại học là mẹ tự tử.”
Cô nhóc “toa rập” với ba, cũng nộp hồ sơ thi đại học, tới ngày cha con cũng đưa nhau đi thi rồi về chuẩn bị hành trang đi học như thật. Nhưng con thì vô Sài Gòn chọn liền cái nghề mình mê, cha thì giúp con giấu mẹ, giấu hết cả họ hàng.
Chuyện đã ba năm. Cách đây ít lâu, cô bé lại âm thầm bàn với cha đưa chị gái về quê học làm móng (cô chị thích và tập tành làm móng rất khá), rồi làm thợ ở tiệm của bà cô. Ít tháng nữa, cô bé về quê, cha cấp vốn mở cái tiệm chăm sóc da, tóc, làm móng tay móng chân nữa, toại nguyện cả hai chị em. Tiệm đã ngắm địa điểm, người quen cũng đã được đánh tiếng rộn ràng. Cũng như trường hợp trên, cả hai đứa đều im lặng học và làm cật lực, xong xuôi mới thẽ thọt báo lại cho mẹ.
Tôi đoán cả hai người mẹ đều sẽ rất bất ngờ lúc đầu, nhưng sau đó ít nhất sẽ chấp nhận lựa chọn của con. Vì thành quả của chúng rõ ràng quá, sự quyết tâm theo đuổi điều chúng mong muốn mãnh liệt quá, và mấy năm nay, những thông tin về cử nhân, thủ khoa tốt nghiệp đại học không xin được việc làm cũng tràn ngập quá. Vậy cớ gì không vui mừng khi con mình đã tự tạo việc làm cho chúng, mà lại đúng việc làm chúng thích và có khả năng nhất, mang lại niềm vui sướng cho chúng nhất?
Còn rất nhiều tấm gương tương tự trong đời sống.
Con đường học tập là vô tận, nó không hề dừng lại khi bạn học xong đại học, hay thậm chí khi bạn đã là đại đại đại giáo sư hoàn cầu đi chăng nữa. Tấm bằng đại học chỉ là cái mốc đánh dấu một giai đoạn học tập và trưởng thành của chính bản thân bạn. Nó không nên được coi là bằng danh dự của gia đình và dòng tộc, không nên được coi là học giùm cha mẹ ngày xưa vì lý do này nọ đã dở dang, không nên được đối xử như một thứ danh hiệu làm sang cho gia đình, ngoài ra thì không còn tác dụng gì hết.
Nếu bạn thích hát, thích đàn, thích nhảy, thích vẽ, thích sản xuất đồ chơi cho trẻ em, thích sửa máy tính, thích trồng cây, thích làm tóc, thích trang điểm, … nhưng không nhìn thấy rõ ràng đi học đại học sẽ giúp bạn cụ thể ra sao trong những việc đó, thì hãy khoan đi học đại học. Mình tập trung vào sở trường của mình, chọn học những gì phát huy nó hết mức để sống vui sướng, độc lập và ổn định trước đã. Có vô số loại hình và ngành nghề cho bạn học, trên đời này không có nghề nào mà chưa từng được ai đó dạy ở một nơi nào đó cả. Sau đó thấy nên học đại học thì lại học. Thời này chẳng ai nông nổi tới mức chỉ đánh giá người khác qua một tấm bằng đại học đâu.
Theo Khampha