Những “cô giáo quyền lực” khiến dư luận “sục sôi” năm 2018
Năm 2018, nhiều vụ việc trong các “án phạt” giáo viên dành cho học sinh khiến dư luận “sục sôi”. Câu chuyện cô giáo “quyền lực” im lặng không giảng bài trong nhiều tháng; cô giáo buộc học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng hoặc cô giáo chửi học viên “óc lợn” và đuổi ra khỏi lớp… là những sự việc hi hữu nhưng khiến nhiều người đặt câu hỏi về “khoảng trống” trong đào tạo sư phạm hiện nay.
Cô giáo buộc học sinh uống nước giẻ lau bảng
Chỉ vì nói chuyện trong giờ học, đóng tiền học muộn…, nhiều học sinh phải gánh chịu những “ hình phạt”, những ngôn từ chửi bới, xúc phạm như chợ búa của cô giáo.
Có lẽ một trong số những sự việc gây dư luận “sục sôi” nhất năm 2018 là việc cô giáo bắt học sinh tiểu học uống nước vắt giẻ lau bảng tại Hải Phòng.
Sự việc xảy ra vào ngày 3/4, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Dương- Hải Phòng, nhận được phản ánh của gia đình cháu Phạm Phương Anh, học sinh lớp 3A5 về việc cháu bị cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Minh Hương phạt bằng cách cho uống nước vắt từ giẻ lau bảng.
Sáng 4/4, Ban giám hiệu Trường tiểu học An Đồng đã họp để đưa ra hình thức kỷ luật bị cảnh cáo trước toàn trường và không được chủ nhiệm lớp 3A5 đối với cô Minh Hương.
Chiều ngày 4/4, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã có cuộc họp để cô Hương xin lỗi công khai. Cô Nguyễn Thị Minh Hương đã chia sẻ với báo chí về cách phạt học sinh phản giáo dục của mình. Cô Hương liên tục khóc và nói lời xin lỗi.
Học sinh tiểu học bị cô giáo phạt bằng cách buộc uống nước vắt giẻ lau bảng tại Hải Phòng.
Cô cho biết, hành động của mình với học sinh không phải vì kỳ thị hay ghét bỏ, mà chỉ đơn giản nghĩ là “doạ cho trẻ ngoan hơn”. Cô giáo này cũng thừa nhận, nếu mình là phụ huynh em Phương Anh thì cũng sẽ nổi giận, khó bỏ qua.
Được biết, cháu Phương Anh có hoàn cảnh gia đình éo le. Bố đang đi cai nghiện và mẹ đã bỏ đi từ lâu. Hiện cháu Phương Anh đang sống cùng với ông bà nội.
Cô Hương cũng bị chấm dứt hợp đồng và không được nhận vào ngành giáo dục của huyện An Dương sau này.
Việc cô Hương phạt học sinh Phương Anh bằng cách cho uống nước vắt giẻ lau bảng khiến nhiều người bức xúc, xót xa và đặt vấn đề còn những “khoảng trống” giật mình trong đào tạo sư phạm.
Một số người đặt vấn đề, trường sư phạm đã đào tạo nội dung gì, và dạy dỗ như thế nào, để dẫn đến sự việc cô giáo buộc học sinh uống nước giẻ lau bảng. Giáo trình đào tạo của trường sư phạm, hiện có nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp hay không.
Từ thực tế nói trên, độc giả đặt vấn đề, Bộ GD&ĐT cần rà soát, xem xét quy trình, chương trình đào tạo sư phạm. Cần phải sơ tuyển, sát hạch về ngoại hình, thể chất, kỹ năng các ứng viên trường sư phạm. Do đây là nghề đặc thù, cần phải có những phẩm chất cần thiết, phù hợp.
Cô giáo “quyền lực” im lặng không giảng bài nhiều tháng
Video đang HOT
Tại buổi đối thoại với lãnh đạo ngành Giáo dục TPHCM, em Phạm Song Toàn, học sinh Trường THPT Long Thới đã phản ánh về cô giáo dạy Toán lên lớp chỉ chép bài, không nói chuyện, không giao tiếp… Cả một học kỳ các em phải tự học bài, tự làm bài…, không khí lớp học cực kỳ nặng nề. Theo đánh giá của em, cô giáo thể hiện khá quyền lực, bản thân em và nhiều học sinh khác đều sợ hãi.
Sự việc được xác minh là có thật và cô giáo “im lặng không nói” là cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên dạy Toán.
Cô giáo “im lặng không nói” trong nửa năm và giây phút hòa giải với học sinh.
Được biết, trước khi về Trường THPT Long Thới công tác vào năm 2012, cô Châu công tác tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TPHCM. Ở đây, cô Châu sai phạm trong giao tiếp ứng xử, phương pháp giáo dục với học trò.
Đầu năm 2012, giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM ra quyết định kỷ luật cảnh cáo cô Châu vì vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đạo đức, tư cách nhà giáo, xâm hại môi trường sư phạm. Sau đó, cô được điều chuyển về Trường THPT Long Thới theo nguyện vọng.
Sau sự việc im lặng trong nhiều tháng bị học trò “tố” công khai, cô Trần Thị Minh Châu và toàn bộ học sinh lớp 11A1 đã có buổi nói chuyện với nhau.
Cô giáo này đã bị kỉ luật 12 tháng, điều chuyển sang công tác văn phòng. Cô cũng thừa nhận hành động của mình là sai và cố “vớt vát” khi cho rằng, có việc chỉ ghi bài học lên bảng nhưng không hoàn toàn im lặng 100%.
Cô xưng “mày tao”, chửi học viên là “óc lợn”
Tối 5/5/2018, một thành viên Facebook bất ngờ đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh giáo viên tiếng Anh có tên Kim Tuyến và học viên đôi co với những ngôn từ chợ búa. Cô Tuyến là người sáng lập nên Trung tâm tiếng Anh MST.
Cao trào của đoạn chửi, cô giáo này nói: “Có một hay 10 trung tâm cũng không thể dạy lợn thành người được” hoặc “mặt người nhưng óc lợn”, “Đây là sân chơi của tao, luật là của tao…”. Ở cuối đoạn clip, cô giáo này đuổi học viên ra khỏi lớp.
Cô giáo tiếng Anh chửi bới học viên là “óc lợn” gây xôn xao dư luận.
Ngay sau khi Sở GD&ĐT phối hợp cùng cơ quan công an vào cuộc kiểm tra trong cho thấy, cả 3 địa chỉ củ trung tâm MST đều chưa được cấp phép theo quy định. Vì vậy hoạt động của MST English là vi phạm các quy định hiện hành.
Bản thân cô Kim Tuyến chỉ mới trình được bản sao bằng cử nhân Kế toán.
Cơ quan chức năng đã yêu cầu đóng cửa trung tâm tiếng Anh MST, đồng thời yêu cầu bồi hoàn học phí sao cho đảm bảo lợi ích người học.
Ngay sau khi đăng tải, clip trên nhận được sự chia sẻ khổng lồ trên mạng xã hội.
Theo một số chuyên gia, dù chỉ là trung tâm dạy tiếng Anh, nhưng cũng là nơi truyền bá kiến thức, dạy dỗ con người. Tuy nhiên, cô Tuyến đã ứng xử hết sức thô lỗ, có những ngôn từ “chợ búa”.
“Nghề giáo, sứ mệnh không chỉ chuyển giao tri thức mà giúp người học hoàn thiện nhân cách. Cô giáo này đã vi phạm nhân cách của học trò thì cô giáo cũng không có nhân cách nữa”.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Bộ GD&ĐT: Giáo viên không được 'gà bài' khi thi dạy giỏi
Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định giáo viên dự thi dạy giỏi không được dạy thử, dạy trước học sinh, cũng như không được "gà bài" cho các em.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, tổ công tác của bộ này đã kiểm tra việc một số trường ở Hải Phòng cho học sinh yếu kém nghỉ để giáo viên thi dạy giỏi như phản ánh của phụ huynh.
Ngay sau khi có kết quả rà sát, TS Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho hay không có cơ sở khẳng định học sinh yếu kém bị cấm đến lớp. Tuy nhiên, ban tổ chức cần rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ở một số nội dung.
Phụ huynh trường Tiểu học Lê Hồng Phong phản ánh rằng giáo viên thi dạy giỏi, con trai anh phải ở nhà, không được đến trường vì lý do cháu nghịch ngợm, dù học lực khá. Ảnh: Lao Động.
- Tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra, rà soát tại Hải Phòng liên quan thông tin phụ huynh phản ánh là học sinh yếu kém phải nghỉ học khi giáo viên thi dạy giỏi. Kết quả rà soát như thế nào?
- Sau khi khảo sát thực tế, kiểm tra hồ sơ liên quan và làm việc với nhà trường, tổ công tác cho rằng thông tin nhà trường cho học sinh yếu kém ở nhà là không có căn cứ.
Thứ nhất, việc đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư 30 và Thông tư 22 hiện nay, tức là không xếp loại. Thứ hai, qua kiểm tra hồ sơ của các em ở nhà không tham gia lớp học tại những tiết diễn ra hội thi, nhiều em có điểm kiểm tra học kỳ I môn Toán và tiếng Việt rất tốt. Như vậy, không có căn cứ để cho rằng học sinh giỏi được tham gia lớp học, học sinh yếu phải ở nhà.
Kiểm tra thực tế tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) cho thấy việc phụ huynh phân vân khi có học sinh ở nhà, em khác được đến lớp là có thật, cần rút kinh nghiệm, chấn chỉnh đối với ban tổ chức hội thi.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn về việc chấn chỉnh, lưu ý một số vấn đề liên quan tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó nhấn mạnh: "Giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước với học sinh; không được 'gà bài' trước cho học sinh; khi thao giảng cần phải được giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp...".
Vì vậy, việc tổ chức hội thi có sự sắp xếp lại sĩ số học sinh tại lớp học và tổ chức tiết dạy thi thực hành là chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Tổ công tác cũng chỉ ra những vấn đề nhà trường cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Trước hết, đó là việc thông tin giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh chưa đầy đủ, tin nhắn chưa thể hiện được hết nội dung cần truyền tải, dẫn đến có thể hiểu chưa đúng thông tin cần trao đổi. Việc chọn cách thông tin bằng tin nhắn SMS cũng chưa phù hợp, vì nhiều phụ huynh chưa sử dụng loại dịch vụ tin nhắn này nên không nắm được thông tin.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hải Phòng, tại hội thi lần này, toàn thành phố có 913 giáo viên đủ điều kiện và có nguyện vọng đăng ký dự thi. Trong thẩm quyền của mình được qui định tại Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT, ban tổ chức hội thi cấp thành phố đã chọn 399 giáo viên, chiếm tỷ lệ hơn 43,70%, đủ điều kiện và có nguyện vọng đăng ký dự thi.
Với số lượng giáo viên tham gia dự hội thi có quy mô lớn như vậy, ban tổ chức cần phải có phương án tổ chức phần thực hành linh hoạt và hợp lý, đáp ứng điều kiện thực tế tại các trường tiểu học trên địa bàn các cụm tổ chức thi. Về việc này, tổ công tác đã góp ý, đồng chí giám đốc sở GD&ĐT đã tiếp thu.
Tin nhắn của trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Hải Phòng, gửi cho phụ huynh. Ảnh: Lao Động.
- Tổ công tác của Bộ GD&ĐT được lập ra không chỉ để kiểm tra những thông tin phản ánh về việc một số trường ở Hải Phòng, mà còn nằm trong lộ trình kiểm tra của bộ đối với việc nghiên cứu, rà soát để sửa đổi Thông tư số 21. Công việc này đã được thực hiện như thế nào?
- Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ban hành điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên được ban hành từ năm 2010, đang được Bộ GD&ĐT chỉ đạo sửa đổi.
Dịp này, thành phố Hải Phòng tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học, cùng thông tin báo chí phản ánh, bộ trưởng cử tổ công tác khảo sát và kiểm tra thông tin liên quan.
Việc khảo sát trực tiếp từ hội thi của một địa phương là dịp tốt để có những thông tin từ chính giáo viên, cũng như người liên quan công tác tổ chức, từ đó nắm được thực trạng, hướng tới sửa đổi Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT thời gian tới.
Khảo sát thực tế tại cụm thi trường Tiểu học Thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) và trao đổi trực tiếp với giáo viên cho hay họ rất mong muốn có sự điều chỉnh, bổ sung những nội dung tại Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT để hội thi diễn ra nhẹ nhàng, thực chất, giảm áp lực cho giáo viên và cả công tác tổ chức.
Thực tế cho thấy nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp: Sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi; thi thực hành 2 tiết, trong đó có một tiết thực hành, một tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng "diễn" trong các hội thi.
Bên cạnh đó, đối tượng và điều kiện tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp cũng cần được đánh giá lại, điều chỉnh cho phù hợp để không gây áp lực cho giáo viên khi tham gia dự thi. Việc sử dụng kết quả của hội thi trong đánh giá xếp loại của đơn vị và cá nhân cần phải được nghiên cứu áp dụng cho phù hợp tránh gây áp lực không cần thiết về thi đua và bệnh thành tích...
Những ý kiến này đã được tổ công tác ghi nhận và tiếp thu để tham mưu cho bộ trưởng.
Theo Lao Động, anh Nguyễn Văn M. (trú quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng), cho biết: "Tối 8/1, gia đình tôi nhận được tin nhắn điện tử của trường Tiểu học Lê Hồng Phong với nội dung: Trường Tiểu học Lê Hồng Phong thông báo, từ thứ tư (9/1) đến thứ sáu (11/1), Sở GD&ĐT tổ chức hội thi giáo viên giỏi thành phố cấp tiểu học tại trường. Học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi có mặt tại trường theo sự dặn dò của giáo viên chủ nhiệm. Học sinh khác nghỉ học. Trân trọng!".
Lớp của con trai anh M. có khoảng 40 học sinh, chỉ 25 cháu ngoan, học khá giỏi được đến trường để giáo viên dự thi dạy, còn lại khoảng 15 cháu ở nhà.
Tối 12/1, nguồn tin từ Bộ GD&ĐT cho biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo lập tổ công tác kiểm tra sự việc này. Ngày 14/1, Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng không có chuyện thi giáo viên dạy giỏi mà học sinh kém không được đến lớp.
Theo Zing
Bộ Giáo dục: Có chuyện sắp xếp lại sĩ số khi thi giáo viên giỏi ở Hải Phòng Theo kết quả rà soát của tổ công tác (Bộ GD&ĐT) tại Hải Phòng, không có căn cứ cho rằng học sinh yếu không được tham gia lớp học khi thi giáo viên giỏi. Tuy nhiên, Bộ lại khẳng định, việc sắp xếp lại sĩ số học sinh tại lớp học có tổ chức tiết dạy thi thực hành ở địa phương này...