Những chuyện kỳ lạ nơi cuối trời Tây Bắc
Có người gọi là bùa ngải, có người bảo là do dân trí thấp, dân tộc Mảng ở Nậm Tần Xá, bản biên giới của xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) có những chuyện mà nếu không trực tiếp chứng kiến sẽ khó lòng tin nổi.
Tục nhận con nuôi kỳ lạ
Nậm Tần Xá là bản người Mảng xa nhất, đói nhất của xã biên giới Pa Tần. Nhìn trên bản đồ, đây là bản cuối cùng của huyện Sìn Hồ, cuối cùng của mảnh đất Tây Bắc. Vượt dòng sông Nậm Na, cộng thêm nửa buổi leo núi nữa mới vào được bản.
Hôn nhân cận huyết, đói nghèo, bệnh tật nên số lượng các cặp vợ chồng người Mảng vô sinh khá nhiều. Để giải quyết tình trạng ấy, họ chọn cách nhận con nuôi. Thủ tục thì rất đơn giản, thích con nhà nào chỉ việc sắm gà, sắm gạo làm lý (cúng lễ) rồi nhận về đổi tên, đổi họ là xong.
Bản có 29 hộ, hầu hết chẳng nói được tiếng Kinh, không có nương, chỉ có một ít ruộng một vụ, đói ăn đã trở thành lẽ thường từ đời này sang kiếp khác. Người Mảng ở Nậm Tần Xá đã quá quen với đói nghèo nên dân bản không còn xem chuyện đứt bữa là bi kịch nữa. Bi kịch của họ, có chăng là chuyện con cái, là những hủ tục lạ kỳ mà thôi.
Trưởng bản Nậm Tần Xá tên là Lùng A Tạo. Vợ chồng ông Tạo không sinh được con, cả năm người con trong gia đình ông bà bây giờ đều là con nuôi cả. Mỗi đứa một vùng, một hoàn cảnh, lớn có, bé có, trưởng bản Tạo phải lo lắng chu tất chẳng khác nào con do mình đứt ruột đẻ ra. Đó cũng là quy định của phong tục nhận con nuôi.
“Bố mẹ nhận con thì phải lo cho nó đến suốt đời”, trưởng bản bảo thế. Năm người con nuôi nhà ông trưởng bản, 3 người đã đi lấy vợ, lấy chồng, còn lại hai đứa nhỏ. Vợ ông cũng muốn nhận thêm con nhưng kinh tế gia đình kiệt quệ quá rồi, không nuôi nổi nữa.
Video đang HOT
Trường hợp lạ nhất là người con nuôi đầu tiên của trưởng bản Tạo, Phạm Văn Huy, người Kinh duy nhất ở đất Nậm Tần Xá này. Huy sinh năm 1973, quê ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Năm 20 tuổi theo đám bạn ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) lên thượng nguồn sông Nậm Na để đãi vàng. Làm vàng đâu chừng được một hai năm thì sạt nghiệp, không nơi nương tựa, đứa bỏ quê cũ, đứa sống cù bơ cù bất ở bản Nậm Sảo. Trong một lần theo đám trai bản gặp ở phiên chợ Pa Tần đi lên Nậm Tần Xá chơi, Huy vào nhà được trưởng bản Lùng A Tạo uống rượu. Đang cảnh hiếm muộn, lại gặp thanh niên không gia đình nên chỉ sau một vài tuần rượu say ngất ngưởng, vợ chồng ông Tạo đề nghị Huy ở lại làm con nuôi của mình, kèm lời hứa sẽ làm làm nhà, kiếm cho cô vợ đàng hoàng.
Sau buổi lễ làm lý, Huy trở thành con trai của vợ chồng ông Tạo. Mấy năm sau, bố mẹ Huy ở Ninh Bình vốn dĩ tưởng rằng con mình đã bị mất tích rồi, đến lúc nghe tin Huy còn sống ở bản Nậm Tần Xá vội vàng lên tận nơi để tìm về. Nhưng Huy không về quê cũ nữa. Năm lần bảy lượt gia đình bắt về quê, nhưng hôm trước hôm sau lại thấy trốn lên để làm người Mảng, để được làm con nuôi ông trưởng bản. Mấy người ở đồng bằng lên Pa Tần làm ăn nói với người nhà là Huy bị trúng bùa ngải của người Mảng ở Nậm Tần Xá rồi, không thể về quê được.
Phạm Văn Huy, người Kinh duy nhất ở Nậm Tần Xá
Hơn 10 năm, bây giờ, nhìn bề ngoài Huy chẳng khác là bao so với một người đàn ông dân tộc Mảng chính hiệu. Huy nói tiếng Kinh không sõi nữa, trong khi tiếng Mảng thì đã thành thục lắm rồi. Người gầy đen, mắt sâu, răng vàng khẹt vì những cuộc rượu triền miên theo đúng phong tục dân bản. Chỉ khác duy nhất một điều so với phong tục người Mảng là Huy vẫn giữ nguyên họ Phạm của mình. Làm con nuôi ông trưởng bản, Huy được bố nuôi mình lấy vợ cho. Vợ là Chìn Thị Cái, một cô gái trong bản mà Huy chưa bao giờ nhớ tuổi. Lấy nhau về, hai vợ chồng đẻ liền một mạch 7 đứa con, đứa lớn đã 13 tuổi, đứa bé còn đang ẵm ngửa.
Huy gần như đã trở thành người Mảng nên những phong tục có lạ kỳ đến mấy cũng phải theo, kể cả việc phải cho đi hai đứa con của mình. Một đứa cho ông anh vợ Chìn A Cói. A Cói đã 40 rồi nhưng vẫn chưa thể làm vợ có thai nên xin vợ chồng em gái đứa con trai về nuôi để làm người nối dõi duy trì họ Chìn. Thằng cu được vợ chồng Huy chọn để cho tên là Hải, 10 tuổi. Nó phải đổi họ Phạm thành họ Chìn rồi phải gọi bố mình bằng dượng. Còn một đứa nữa vợ chồng Huy cho chính ông trưởng bản Lùng A Tạo. Nó cũng đổi tên họ thành Lùng Thị Thơ. Lạ ở chỗ, Huy đang là con nuôi ông Tạo, Thơ đang gọi trưởng bản bằng ông nội thì bây giờ phải gọi bằng on nẳng (bố nuôi), còn bố đẻ của mình lại gọi là anh.
Mẹ con chung chồng
Tâm lý buộc phải có con khiến phần lớn các gia đình khánh kiệt. Khổ nhất là trường hợp người con nuôi tên là Lùng A Chìn của gia đình trưởng bản Tạo. Vợ chồng ông Tạo nhận nuôi Chìn cách đây gần chục năm. Chìn đến tuổi lấy vợ ngay khi ông trưởng bản vừa lo cho Huy xong. Con gái trong bản không còn nên phải đi mua ở bản khác. Qua mai mối, Chìn thấy ưng bụng một cô gái ở dưới xã Nậm Hăn, nhưng người ta đòi 100 con gà, 3 con lợn, 6 can rượu và 22 triệu đồng tiền mặt. Xoay mãi chỉ đủ được gà, lợn và 3 triệu đồng đặt cọc, cũng may mà người ta cho Chìn đưa vợ về và ghi nợ, có lúc nào trả lúc ấy. Sống với nhau được một thời gian thì vợ chồng hục hặc. Lý do rất đơn giản là vợ Chìn thích đi chợ Trung Quốc nhưng Chìn lại sợ người ta bắt bán mất nên cấm cản. Cãi qua cãi lại, vợ bỏ về Nậm Hăn, Chìn mất lợn, mất gà, tiền đặt cọc cũng mất luôn.
Chìn đòi lấy vợ khác, nhưng trưởng bản Tạo chẳng còn một đồng nào. Đang lúc túng bấn thì có gia đình quen biết ở xã Nậm Ban đánh tiếng gả con gái và cho ở rể, không đòi tiền cưới. Thế là Chìn khăn gói quả mướp sang Nậm Ban, vừa được nuôi ăn, vừa được vợ, chỉ có điều từ ngày đi lấy vợ không thấy về với ông bà Tạo nữa.
Hôn nhân của người Mảng ở Nậm Tần Xá cực kỳ thoải mái. Thích thì về ở với nhau, không thích thì giải tán, chẳng đăng ký, chẳng xét xử ly hôn gì. Vì vậy mà trong bản có nhiều chuyện hết sức động trời nhưng người ta vẫn xem là bình thường, không vấn đề gì cả.
Lùng A Viên chỉ độ chưa đến 30 tuổi, đấy là dân bản bảo thế chứ Viên không quan tâm, không nhớ tuổi của mình. Viên không thể nói được một câu tiếng Kinh trọn vẹn. Nói chuyện phải có người phiên dịch. Chuyện vợ con của Viên rất kỳ lạ với người ngoài, còn dân bản lại thấy bình thường.
Độ năm năm trước, Viên yêu cô gái Chìn Thị Đến, vừa tròn 20 tuổi. Theo phong tục người Mảng, trai gái thấy thích thì cứ dọn về ở với nhau, không cần đăng ký, không cần đám cưới, chỉ cần chai rượu, con gà làm lý xong là thành chồng thành vợ. Vì lẽ ấy mà trong mắt dân bản, Viên và Đến đã có thể xem là một gia đình. Đùng một cái, người ta thấy Viên dọn về ở với mẹ của Đến là bà Lùng Thị Tà còn Đến thì lại đi lấy một chàng trai khác ngay trong bản. Khổ nỗi, bà Tà đã ngoài 40, ba đứa con rồi, người đen đúa nhưng vẫn quyết tâm bỏ chồng để chung sống với người yêu của con gái. Nhiều người bảo bà có bùa, Viên hay uống rượu của bà mời nên dính phải. Nhưng có lẽ đó chỉ là đồn thổi, ở với nhau đâu chừng 4 – 5 năm, bà Tà không sinh đẻ thêm được đứa nào nên Viên chán, không muốn cho làm vợ mình nữa.
Tự do đến thì tự do đi, Viên bỏ bà Tà để đi tìm một người vợ biết đẻ. Tìm mãi, thử mãi, cuối cùng cũng tìm được cháu gái ông trưởng bản Lùng A Tạo. Lẽ thường, chia tay người ta hay thù hận, vậy mà hôm theo chân bà Tà và Viên xuống chợ Pa Tần vẫn thấy hai người nói cười vui vẻ, đi ăn kem, đi uống rượu, như chưa hề có chuyện chia tay hay phản bội nhau gì cả. “Phong tục người Mảng là thế, thoải mái thôi mà”, trưởng bản Tạo nói.
Theo 24h
"Ngủ mèo" nên duyên chồng vợ
Ở đại ngàn này, con trai, con gái Chơ Ro hễ đủ tuổi 15 là được phép "ngủ mèo" để tìm hiểu nhau trước khi nên vợ nên chồng.
Luật tục từ xa xưa đã quy định tục "ngủ mèo" rất nghiêm ngặt để đảm bảo chế độ một vợ, một chồng và nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.
"Ngủ mèo" chính là một nét đẹp văn hóa trong phong tục hôn nhân của buôn ấp để dạy cho đôi trẻ khi đã đến với nhau phải gắn bó đến trọn đời..." - già Mười Biên ở ấp Lý Lịch (xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết.
Dạy con trai, con gái phải tuân thủ theo những định chế tập tục của buôn ấp ngay từ thuở thiếu thời là điều mà đồng bào Chơ Ro rất quan tâm. Theo quy định, thanh niên Chơ Ro khác dòng họ đến tuổi cập kê được tự do tìm hiểu, hẹn hò với nhau. Để chọn bạn đời, người con gái Chơ Ro ngày trước thường nhắm tới những chàng trai khỏe mạnh, giỏi săn bắn, biết làm nương rẫy, còn các chàng trai cũng tìm những cô xinh xắn, khéo tay, thêu thùa hay, bếp núc giỏi.
Khi tình cảm hai phía đã đến độ đắm say, dây duyên đã rõ ràng và có ý muốn kết thành vợ chồng thì chàng trai mới chủ động hẹn, cô gái nhận lời cùng "ngủ mèo" để tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về nhau. Khi màn đêm buông, chàng trai đi "ngủ mèo" tại nhà người yêu sẽ mang theo một cây đòn và một roi mây. Với người Chơ Ro, chiếc roi mây vừa có tác dụng làm tín hiệu cho cô gái, vừa là vũ khí tự vệ của các chàng trai khi đi trong đêm tối để xua các loài thú dữ...
Những cô gái và chàng trai Chơ Ro
Đứng ở dưới sàn, chàng trai dùng cây đòn gõ nhẹ lên vị trí buồng nằm, đồng thời đưa roi mây qua khe báo hiệu cho cô gái. Nếu thời điểm thích hợp, cô gái sẽ nắm roi mây rung để báo cho người yêu trèo lên... Lên nhà rồi, chàng trai sẽ dùng chiếc đòn mang theo, đặt xuống sàn và đi trên chiếc đòn này. Đây là nghi thức để tránh làm các thành viên khác trong nhà thức giấc dù cha mẹ cô gái có thể biết, nhưng họ làm ngơ vì tin vào sự lựa chọn của con mình và cho đó là theo ý Giàng.
Trong thời gian "ngủ mèo", chàng trai không được phép ngủ đến sáng mà phải ra về trước khi mọi người trong nhà cô gái thức giấc và theo luật tục thì họ chỉ chấp nhận cho anh ta "ngủ mèo" nhiều nhất là 3 lần. Sau đêm thứ ba, chàng trai phải chủ động đến trình diện bố mẹ cô gái và xin phép được cưới.
Nếu khi ấy chàng trai không xin phép để gia đình nhà mình sang bàn chuyện cưới hỏi thì nhà cô gái có quyền giữ lại rồi cử người đến nhà chàng trai đánh tiếng tế nhị rằng: "Chuồng nhà tôi hiện đang giữ một con trâu nhà ai bị lạc. Gia đình bên này thử sang xem có phải của nhà mình không?". Chỉ cần nghe vậy, nhà chàng trai đã phải hiểu vấn đề rồi nhanh chóng cắt đặt người đại diện mang rượu qua nhà cô gái để đáp lời "nhận trâu" và bàn các thủ tục cho đôi trẻ cưới nhau...
Theo 24h
Nơi sinh con trai sẽ khổ Người Dạo ở xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) còn lưu giữ những tập tục hết sức lạ kỳ. Ở đây, muốn lấy được vợ, người đàn ông phải kiếm đủ 30 đồng bạc trắng, còn lễ trưởng thành của một đứa con trai có khi tốn kém vài trăm triệu đồng. Mỗi cô vợ giá 30 đồng bạc trắng...