Những chính sách, quy định giáo dục có hiệu lực từ tháng 5
Các quy định về người biên soạn sách giáo khoa, mức vay vốn sinh viên, thời gian tối đa để học trung cấp, cao đẳng bắt đầu có hiệu lực.
Cụ thể, các chính sách, quy định liên quan đến giáo dục có hiệu lực từ tháng 5 gồm tăng mức vay vốn cho học sinh, sinh viên; học bổng cho sinh viên ngành Toán; sửa đổi quy định về tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa; thời gian tối đa để hoàn thành học trung cấp, cao đẳng.
Mức vay vốn tối đa đối với học sinh, sinh viên được nâng từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa: Việt Linh.
Học sinh, sinh viên vay vốn tối đa 4 triệu đồng/tháng
Quy định này nằm trong Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, có hiệu lực từ ngày 19/5.
Theo đó, mức vay vốn tối đa đối với học sinh, sinh viên là 4 triệu đồng/tháng thay vì 2,5 triệu đồng/tháng như hiện nay.
Ngoài ra, Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi điều khoản liên quan đến việc trả nợ. Kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.
Đối tượng được vay vốn gồm học sinh, sinh viên hộ nghèo, cận nghèo hoặc có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.
Sinh viên ngành Toán được cấp học bổng 2,4 triệu đồng/tháng
Thông tư số 22/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 15/5.
Theo đó, sinh viên ngành Toán có thể được cấp học bổng bằng mức trần học phí của năm học hiện hành đối với chuyên ngành Toán tại các cơ sở giáo dục đại học quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, tức 2,4 triệu đồng/tháng. Học bổng được cấp theo từng kỳ học và cấp 10 tháng trong năm học.
Ngoài ra, thông tư cũng quy định việc chi giải thưởng cho các nghiên cứu xuất sắc về Toán học xuất sắc để nâng cao chất lượng công bố; hỗ trợ giảng viên, giáo viên trẻ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng Toán học.
Video đang HOT
Học viên, sinh viên sư phạm ngành Toán, giáo viên môn Toán cốt cán, giáo viên trung học phổ thông chuyên Toán cũng được nhận khoản hỗ trợ.
Bên cạnh đó, thông tư quy định việc tổ chức các khóa bồi dưỡng dành cho học sinh, sinh viên về các chủ đề thời sự trong Toán hiện đại nhằm phát hiện và bồi dưỡng tài năng Toán học; bồi dưỡng giảng viên môn Toán các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Quy định tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa được sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 5/5. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.
Sửa đổi tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa
Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 có hiệu lực từ ngày 5/5/2022.
Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Cụ thể, ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa là tiếng Việt (đối với sách giáo khoa các môn ngoại ngữ và sách giáo khoa các môn tiếng dân tộc thiểu số được sử dụng thêm các ngôn ngữ phù hợp với nội dung môn học), bảo đảm các quy định về chính tả và ngữ pháp, các chữ viết tắt, các ký hiệu, phiên âm; diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Như vậy, quy định mới nói rõ hơn về ngôn ngữ trong sách giáo khoa ngoại ngữ, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, đồng thời bỏ nội dung “theo quy định của Bộ GD&ĐT” đối với việc viết tắt, ký hiệu, phiên âm, đơn vị đo.
Thông tư mới bổ sung quy định phổ sách, khuôn khổ bát chữ, số dòng trong bát chữ, số chữ trong một dòng, chất lượng giấy in (định lượng, độ trắng, độ đục, độ bóng, độ xuyên thấu), chất lượng và định lượng giấy bìa, chất lượng mực in theo tiêu chuẩn quốc gia về sách.
Cũng theo quy định mới, người biên soạn sách giáo khoa phải có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; am hiểu về khoa học giáo dục; có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt.
Trong quá trình sử dụng, sách giáo khoa có thể được chỉnh sửa. Quy trình chỉnh sửa sách giáo khoa thực hiện như quy trình biên soạn sách giáo khoa, trừ quy định về thực nghiệm sách giáo khoa.
Bộ trưởng GD&ĐT quyết định trường hợp phải tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa chỉnh sửa.
Thời gian đào tạo trung cấp, cao đẳng tối đa là 4,5 năm
Quy định này nằm trong Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo tín chỉ, có hiệu lực từ ngày 15/5/2022.
Theo đó, thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình bao gồm thời gian học các môn học, mô-đun và thời gian thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp do hiệu trưởng quyết định, bảo đảm không vượt quá 1,5 lần thời gian đào tạo đối với chương trình 2-3 năm học, không vượt quá 2 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ một đến dưới 2 năm học, không bao gồm thời gian bảo lưu.
Như vậy, thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình trung cấp, cao đẳng hệ 3 năm là 4,5 năm.
Thời gian tối đa đối với người học cùng lúc 2 chương trình bằng thời gian tối đa để hoàn thành chương trình có thời gian đào tạo dài hơn và được tính từ khi bắt đầu học chương trình thứ nhất.
Hiệu trưởng có thể xem xét, quyết định kéo dài thời gian đào tạo tối đa đối với các trường hợp người học có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật.
Thời gian tối đa đối với chương trình đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao có tính chất đặc thù do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất quy định.
Chủ động điều chỉnh tuyển sinh theo quy định chung
Dựa trên những dự kiến thay đổi của Bộ GD&ĐT trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có những điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm bảo đảm phù hợp với quy định chung.
Trường ĐH Luật TPHCM tư vấn, tuyển sinh cho thí sinh. Ảnh: Website của trường
Điều chỉnh kỹ thuật
Theo dự kiến điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh sẽ đăng ký tất cả nguyện vọng của các phương thức trên hệ thống để xét tuyển, lọc ảo chung. Thí sinh xác nhận nhập học trực tiếp trên hệ thống này. Trên cơ sở đó, nhiều trường đại học cho biết sẽ có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm phù hợp với quy định chung.
Theo thông báo của Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, từ ngày 31/3 đến 31/10, nhà trường thu hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT của thí sinh. Phương thức này chia thành 6 đợt. Tuy nhiên, theo thầy Hiệu trưởng Hoàng Xuân Hiệp, với những dự kiến điều chỉnh về công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, nhà trường có điều chỉnh về mặt kỹ thuật.
Cụ thể, như mọi năm, nhà trường đã và đang thu hồ sơ học bạ THPT của thí sinh tốt nghiệp THPT từ những năm trước. "Tuy nhiên, trường sẽ điều chỉnh kéo dài thời gian thu hồ sơ, xét tuyển của thí sinh. Chúng tôi chờ Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT chính thức được ban hành; khi đó nhà trường sẽ có thông báo công khai để thí sinh và xã hội được biết" - TS Hoàng Xuân Hiệp cho hay.
Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội chia sẻ thêm: Kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường chủ yếu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ THPT của thí sinh. Phương thức xét tuyển thẳng theo phương án riêng và xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội được nhà trường áp dụng nhưng không nhiều nên cơ bản sẽ ổn định. Do đó, với những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT sẽ không ảnh hưởng đến chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh của nhà trường. "Chúng tôi sẽ giữ ổn định và dự kiến không có điều chỉnh gì ở nội dung này" - TS Hoàng Xuân Hiệp nói.
Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh đã thông báo dành tối thiểu 50% chỉ tiêu các ngành để xét điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đại diện lãnh đạo trường này cho hay: Việc Bộ GD&ĐT dự kiến quy định về chỉ tiêu tuyển sinh các phương thức không tác động đến phương án tuyển sinh của trường. Song, nhà trường sẽ điều chỉnh thời gian nhận hồ sơ xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ. Thay vì nhận hồ sơ xét tuyển các phương thức tuyển sinh riêng từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 như trước đây, kế hoạch này dự kiến được điều chỉnh để thực hiện theo lịch chung của Bộ.
Còn theo ThS Cao Dao Thép - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, nhà trường dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong đề án tuyển sinh nhằm bảo đảm phù hợp với thực tế và quy định chung của Bộ GD&ĐT. Trước mắt, sẽ có điều chỉnh về mốc thời gian xét tuyển. Các điều chỉnh tiếp theo (nếu có) phải chờ Quy chế tuyển sinh chính thức của Bộ. Trường sẽ có thông báo công khai những điều chỉnh trong đề án tuyển sinh (nếu có).
Các cơ sở giáo dục đại học phải công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh. Ảnh: Internet
Công khai đề án tuyển sinh
Theo TS Kiều Xuân Thực - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, hiện, nhiều trường đã công bố đề án tuyển sinh 2022. Tuy nhiên, với những nội dung chưa phù hợp với Quy chế tuyển sinh, các trường sẽ phải điều chỉnh. Theo đó, một trong những nội dung được Bộ GD&ĐT dự kiến thay đổi trong Quy chế tuyển sinh năm nay là: Yêu cầu các cơ sở đào tạo phải đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bãi bỏ thì phải có lộ trình. Trên tinh thần ấy, các trường không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh.
Đại diện Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cũng khẳng định, trước mắt nhà trường vẫn giữ ổn định các phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh như đã thông báo. Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh 2022, nhà trường sẽ điều chỉnh (nếu cần) để phù hợp với quy định chung.
Theo đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), với những dự kiến điều chỉnh trong công tác tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT đề nghị cơ sở đào tạo rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 và cập nhật lên hệ thống. Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học phải công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh, thực hiện việc tuyển sinh đúng quy chế; xác định và giải trình về các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo, khắc phục hạn chế của năm 2021; xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào và chịu trách nhiệm giải trình.
Đối với các trường sử dụng phương thức xét tuyển khác, Bộ GD&ĐT lưu ý: Nếu chỉ xét tuyển đơn giản dựa trên điểm học tập bậc THPT (học bạ) thì có thể sử dụng trực tiếp hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD&ĐT; sau thời gian thí sinh đăng ký sẽ tải nguyện vọng và điểm học bạ của thí sinh về để xét tuyển; tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ để lọc ảo cùng với các phương thức khác.
Nếu sử dụng phương thức xét tuyển khác học bạ, hoặc dựa trên học bạ nhưng phức tạp hơn cần một hệ thống riêng phải thông báo rõ cho thí sinh để đăng ký, nộp hồ sơ xét tuyển cho trường; đồng thời đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Các trường có thể chạy phần mềm xét tuyển trước, nhưng sẽ tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT để lọc ảo cùng với phương thức khác.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, mỗi ngành tuyển sinh (có thể theo nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình) phải có một mã tuyển sinh/mã xét tuyển riêng cho từng phương thức tuyển sinh; để thuận tiện các mã này chỉ khác nhau một chữ số/ký tự cuối cùng. Các trường chủ động thực hiện công tác xét tuyển, hoặc phối hợp thành nhóm trường trong công tác chạy phần mềm xét tuyển.
Chuyên gia lý giải hệ lụy khó lường từ hình ảnh phản cảm trong MV của Sơn Tùng Nhiều chuyên gia lên án MV của Sơn Tùng M-TP khi xuất hiện cảnh tự tử, đồng thời lo ngại giới trẻ có thể bắt chước hành vi tương tự. Cho rằng Theres No One At All ra mắt tối 28/4 của Sơn Tùng M-TP ảnh hưởng xấu đến thế trẻ vì hành vi phản cảm, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch...