Những cha nuôi quân hàm xanh ở vùng đất ‘chín rồng’
Bộ đội Biên phòng An Giang đã giúp nhiều trẻ nghèo thay đổi số phận.
Trung úy Chau Kum Sinl hướng dẫn Chương học bài.
Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” và Chương trình “Nâng bước em tới trường” của bộ đội Biên phòng An Giang triển khai đã giúp nhiều trẻ nghèo thay đổi số phận, được ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường.
Đặc biệt, nhờ sự quan tâm, kèm cặp của những người lính quân hàm xanh mà qua mỗi năm học, kết quả học tập, rèn luyện của từng em tiến bộ rõ rệt.
Quả ngọt từ mầm xanh
Trước khi được Đồn Biên phòng Lạc Quới nhận nuôi, em Nguyễn Văn Duy Chương có hoàn cảnh rất đáng thương. Mất bố mẹ khi chưa đầy 1 tuổi, từ nhỏ Chương sống với bà ngoại. Thế nhưng, bà ngoại tuổi đã cao, cuộc sống lại khó khăn, không còn khả năng lao động nên không thể chăm lo cho Chương như những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Khi về sống với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cuộc sống của đứa trẻ tội nghiệp này đã bước sang một trang mới.
Chương là một đứa trẻ có tố chất thông minh, ham học, thế nên khi được sự quan tâm, hướng dẫn của những người bố nuôi Biên phòng, thành tích học tập của em đã không ngừng tiến bộ.
Năm học 2021 – 2022, Chương đã mang tấm Giấy khen hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và rèn luyện của Trường Tiểu học Lạc Quới (xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trao tặng về khoe với các bố nuôi.
Trung úy Chau Kum Sinl, cán bộ được giao trực tiếp phụ trách chăm lo cho Chương, chia sẻ: “Trước khi được đơn vị nhận nuôi, Chương chỉ là một học sinh có học lực trung bình. Thế nhưng, sau quãng thời gian về sống tại ngôi nhà mới, anh em đơn vị thay nhau kèm cặp, cháu có thành tích học tập ngày một tiến bộ. Giờ đây, Chương không còn là một cậu bé rụt rè, nhút nhát như trước, mà đã có sự thay đổi rõ rệt cả về thể chất, tinh thần lẫn học tập. Trong lớp 4A, Trường Tiểu học Lạc Quới, học lực của Chương đứng vào tốp khá của lớp”.
Tương tự, em Nguyễn Thị Kim Ngân (học sinh lớp 9A2, Trường THCS Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) từ khi được Đồn Biên phòng Phú Hữu nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, cũng liên tục đạt danh hiệu học sinh xuất sắc dẫn đầu các khối lớp và toàn trường.
Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình Kim Ngân, có đến hơn 30 danh hiệu, giấy khen, bằng khen của em được treo trang trọng, ngăn nắp 2 bên vách tường. Kim Ngân thổ lộ: “Cuộc sống khó khăn, trước đây em từng nghĩ đến việc bỏ học để cho gia đình bớt cực. May nhờ các chú bộ đội Biên phòng đỡ đầu, em có thể chuyên tâm vào học tập, thực hiện ước mơ trở thành cô giáo để sau này trở về truyền đạt kiến thức cho những em nhỏ tại quê hương mình”.
Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Hữu, cho biết: “Hiện tại, đơn vị đang nhận đỡ đầu 6 em học sinh nghèo vượt khó và nuôi dưỡng 1 em có hoàn cảnh khó khăn. Trước khi đỡ đầu các em, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình trên địa bàn để tiến hành khảo sát, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng, lựa chọn học sinh nhận đỡ đầu đúng đối tượng. Từ đó, đơn vị sẽ cử cán bộ kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục để các em tiến bộ, trưởng thành”.
Video đang HOT
Cán bộ Đồn Biên phòng Phú Hữu cùng chính quyền địa phương tặng quà cho con nuôi của đơn vị.
Nâng bước em đến trường
Cùng với việc nhận nuôi học sinh nghèo, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trên tuyến biên giới An Giang còn tuyên truyền, vận động những học sinh bỏ học quay trở lại trường.
Điển hình như trường hợp gia đình em Kiều Thị Kim Huyền (sinh năm 2008, học sinh lớp 8A, Trường THCS Phú Hội). Ba của Huyền bệnh tật mất sớm, gia đình nghèo, không có đất canh tác, nhà cửa tạm bợ, dột nát. Mẹ em làm nghề buôn bán nhỏ, thường xuyên đau yếu. Những năm qua việc nhà Huyền đều đảm đương.
Huyền chia sẻ: “Có hôm mẹ bị bệnh không làm gì được, em phải nghỉ học ở nhà chăm sóc mẹ. Những lần đó hết gạo, em đi mượn bà con lối xóm để nấu cháo cho mẹ. Năm học 2019 – 2020 em quyết định nghỉ học cho mẹ đỡ khổ. Biết được tin, thầy, cô giáo Trường THCS Phú Hội và các chú bộ đội ở Đồn Biên phòng Phú Hội đã đến động viên, phân tích lợi ích của việc học tập, tác hại của việc bỏ học, nên em tiếp tục trở lại trường.
Cũng từ đó, em được các chú Biên phòng nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” với mức hỗ trợ mỗi tháng 500 nghìn đồng, nhờ vậy mẹ đã vơi bớt nỗi lo lắng việc đến trường của em”.
Được biết trong năm học mới 2022 – 2023, trên các địa bàn biên giới tỉnh An Giang, các đồn Biên phòng thuộc bộ đội Biên phòng An Giang có những hoạt động, chương trình cách làm riêng tiếp sức cho học sinh đến trường. Điển hình như Đồn Biên phòng Nhơn Hội đến tận nhà, tặng quà cho học sinh do đơn vị đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Mỗi phần quà do cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự tay chuẩn bị, bao gồm sách vở, cặp, quần áo, đồ dùng học tập. Đồn Biên phòng Phú Hữu phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hữu vận động các nhà hảo tâm trao tặng 300 phần quà cho học sinh nghèo học giỏi, tổng kinh phí quà tặng khoảng 90 triệu đồng…
Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy bộ đội Biên phòng An Giang, cho biết: “Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng An Giang, lãnh đạo các phòng, văn phòng và đơn vị cơ sở đã hỗ trợ cho 62 em theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, trong đó có 11 em mồ côi cha hoặc mẹ, 10 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bên cạnh đó, đơn vị còn nhận nuôi 5 học sinh theo mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”.
Ngoài ra, các đơn vị căn cứ vào tình hình đơn vị, địa phương, mối quan hệ công tác để vận động kinh phí thực hiện chương trình, trao quà cho các em vào dịp lễ, tết, khai giảng năm học mới hay tổng kết năm học, tiếp thêm động lực giúp các em đến trường và vươn lên trong học tập”.
Ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú, cho biết: “Nhờ sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, nhiều trẻ em nghèo trên địa bàn biên giới huyện được tiếp tục đến trường. Tấm lòng của các anh bộ đội đã giúp địa phương bớt những hoàn cảnh khó khăn. Sự chung tay, góp sức đó đã góp phần vun đắp tình đoàn kết quân – dân ngày càng thêm bền chặt”.
Thêm 16 cây xăng ở Hà Nội dừng bán vì... 'hết xăng dầu'
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết trong ngày 3-9 ghi nhận thêm 16 cây xăng trên địa bàn dừng bán xăng RON 95, E5 RON 92 hoặc dầu DO với lý do hết hàng, nhà phân phối chưa có hàng để cung cấp.
Cơ quan quản lý thị trường tiến hành kiểm tra bể chứa của cây xăng trên đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong ngày 3-9 được xác định ngừng bán xăng RON 95 do hết hàng - Ảnh: A.HÙNG
Nguyên nhân do hết hàng, nhà phân phối chưa có hàng cung cấp
Tối 3-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Việt Hùng, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết trong ngày 3-9 do nhu cầu giảm nên tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, qua phản ảnh của người dân, kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường đã ghi nhận 19/492 cây xăng trên địa bàn dừng bán xăng hoặc dầu.
Trong đó, 16 cây xăng ngừng bán xăng RON 95, E5 RON 92 hoặc dầu DO với nguyên nhân là hết hàng, nhà phân phối chưa có hàng để cung cấp.
Cơ quan quản lý thị trường và lực lượng chức năng đã kiểm tra bể chứa của các cây xăng này và lập biên bản xác định bể hết xăng, dầu. Đồng thời, thương nhân phân phối chưa có hàng để cung cấp.
Ngoài ra, có 2 cây xăng ngừng bán hàng đã được Sở Công Thương Hà Nội chấp thuận và 1 cây xăng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hết hạn, đang chờ cấp lại.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin thêm chưa phát hiện trường hợp nào có hành vi đầu cơ, găm hàng, tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa không hoạt động nhưng không thông báo với Sở Công Thương Hà Nội theo quy định.
Bên cạnh đó cũng không phát hiện trường hợp nào giảm thời gian bán hàng hay giới hạn số lượng xăng dầu bán cho khách hàng.
Đại diện cục nêu rõ từ ngày 1 đến 4-9, lực lượng quản lý thị trường sẽ huy động 100% quân số ứng trực, giám sát, kiểm tra, xử lý ngay các phản ảnh tại các cây xăng. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Lực lượng chức năng kiểm tra xác định cây xăng Hồng Dương (Thanh Oai, Hà Nội) dừng bán hàng do bể chứa hết xăng, hết dầu - Ảnh: A.HÙNG
Các cây xăng đang phải chịu lỗ?
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay trong vài ngày qua, khi kiểm tra một số cây xăng đã phản ảnh về việc phải nhập hàng với giá đầu vào bằng giá bán ra. Thậm chí có đơn vị phản ảnh phải nhập giá đầu vào cao hơn khoảng 1.000 đồng/lít so với giá bán.
Cũng phản ảnh với Tuổi Trẻ Online, đại diện cây xăng 1194 đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) cho hay trong ngày 1-9 đã phải nhập xăng RON 95 với giá 24.640 đồng/lít, chưa bao gồm tiền vận chuyển. Với xăng E5 RON 92 là 23.700 đồng/lít giá nhập, còn giá bán là 23.720 đồng/lít, chưa bao gồm tiền vận chuyển.
"Mỗi lít xăng chúng tôi nhập vào so với giá bán ra chỉ chênh nhau 20 đồng nhưng lại chưa bao gồm tiền vận chuyển. Nếu tính tiền vận chuyển vào thì rõ ràng là chúng tôi đang chịu lỗ và ở đây còn chưa tính đến tiền nhân công, các chi phí vận hành, hao mòn...", đại diện cây xăng này chia sẻ.
Đại diện một cây xăng ở khu vực La Khê (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết hiện nay chiết khấu xăng RON 95, E5 RON 92 và dầu DO về 0, cộng thêm các chi phí định mức, chi phí vận chuyển, doanh nghiệp hiện đang lỗ khoảng 300 đồng/lít.
Vị này nói thêm mỗi ngày cây xăng bán ra hàng nghìn lít nhưng càng bán nhiều lại càng lỗ.
Cũng theo vị này, nguồn cung xăng dầu thời gian qua có nhiều bất cập. Để đảm bảo thông suốt nguồn cung, đơn vị phải tìm nguồn khác thay thế nhưng chấp nhận lỗ khoảng 100 đồng/lít trên giá và thêm 200 đồng tiền vận chuyển để có hàng bán.
Lý giải việc bất cập trong nguồn cung, vị này cho rằng các doanh nghiệp đầu mối sẽ ưu tiên cấp hàng cho đơn vị trong hệ thống.
Đối với các cây xăng nhượng quyền hay phân phối sẽ không được ưu tiên bởi các đơn vị này "lúc nhập hàng chỗ này, lúc nhập hàng chỗ khác".
Ông Nguyễn Nhựt Em than khó vì mua không đủ xăng để chạy máy trong ngày - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
An Giang: Nhiều cây xăng bán nhỏ giọt, báo hết xăng chờ giãn khách
Ngày 3-9, ghi nhận tại một số cửa hàng xăng dầu tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, những ngày qua cao điểm kỳ nghỉ lễ, du khách đổ về tham quan nhiều dẫn đến tình trạng bán xăng nhỏ giọt, định mức 50.000 đồng/lượt.
Người dân sống trong khu vực xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn gần các cửa hàng xăng dầu cho biết các cây xăng bán lẻ định mức, không đổ đầy bình xăng xe như trước. Tình trạng treo bảng hết xăng buổi sáng, trưa lại mở cửa bán, giờ giấc không xác định.
Có tình trạng nông dân cần mua nhiều xăng để chạy máy bơm nước, vận hành máy móc lại phải mua nhỏ giọt nhiều chỗ gom lại. Ông Nguyễn Nhựt Em, ngụ thị trấn Tri Tôn, cho biết: "Mấy ngày nay không đủ xăng để chạy máy cào ốc, chỉ mua được đầy bình xăng xe khoảng 100.000 đồng rồi rút ra can đựng đem ra đồng".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Huỳnh Ngọc Hồ - quyền cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang - xác nhận việc các cây xăng buôn bán nhỏ giọt, bán không cố định thời gian, thậm chí báo hết xăng vẫn xảy ra. Còn việc bán hàng theo định mức, không đong riêng vào bình chứa như trước đây nhằm ngăn chặn tình trạng kẻ gian tích trữ và bán ra chợ đen, ảnh hưởng đến thị trường.
"Trước đó, Cục Quản lý thị trường có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, làm rõ 12 cửa hàng tạm ngưng hoạt động theo báo cáo ngày 2-9 của các đơn vị gửi về, nếu có phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định", ông Hồ thông tin.
Dân 'tố' doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá gây nứt nhà Dân "tố" công ty khai thác đá làm nứt nhà dân, công ty nói hỗ trợ bà con quanh mỏ đá chứ công ty không bắn đá. Sau khi ngôi nhà bị rạn nứt, anh Huỳnh Thanh Dương, ngụ thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, đã bỏ nhà đi lánh nạn - Ảnh: BỬU ĐẤU Ngày 19-7, phản ánh đến Tuổi Trẻ...