Những câu hỏi bất ngờ từ học sinh về xâm hại tình dục
Sáng nay, Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và trường THCS Trần Văn Ơn tổ chức phiên tòa giả định để giúp học sinh hiểu rõ về xâm hại tình dục và cách bảo vệ bản thân.
Khi con bị xâm hại tình dục, cha mẹ có phải chịu trách nhiệm liên quan không? Trẻ em đường phố bị xâm hại thì giải quyết như thế nào? Nắm tay và ôm hôn nhau có bị coi là phạm tội không?
Nếu nạn nhân tự nguyện để bị dâm ô thì có phạm tội không? Người xâm hại và người bị xâm hại cùng huyết thống thì sẽ bị xử lý thế nào?…
Đây là những câu hỏi thú vị được các em học sinh trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) đặt ra cho các luật sư sau phiên tòa giả định sáng 10/4 về chủ đề “Xâm hại tình dục đối với trẻ em”.
Toàn cảnh phiên tòa giả định được tổ chức tại trường THCS Trần Văn Ơn. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.
Theo đó, tình huống giả định được đặt ra như sau: Anh Ngô Văn Đại là bạn của chị Nguyễn Thị Tuyết (mẹ cháu Huỳnh Bảo Ngọc, sinh ngày 10/1/2004). Khoảng 13h ngày 24/9/2016, anh Đại đến nhà chị Tuyết trên đường Nguyễn Thị Minh Khai và xin phép chị đưa cháu Ngọc đi chơi. Sau đó, vì bạn bè rủ đi nhậu, anh Đại chở luôn cháu Ngọc đến quán, chơi đến 23h cùng ngày.
Vì đã quá khuya, anh Đại chở cháu Ngọc về nhà mình trên đường Huỳnh Khương Ninh (quận 1, TP.HCM). Vào nhà, anh Đại và cháu Ngọc cùng nằm ngủ trên nền đất, anh Đại nằm kế bên ôm cháu Ngọc.
Đến khoảng 1h sáng 25/9/2016, anh Đại tỉnh giấc và sờ khắp người cháu Ngọc. Sau đó, anh ngủ cho đến sáng rồi thức dậy, chở cháu Ngọc về nhà trả cho chị Tuyết.
Khi về nhà, cháu Ngọc kể lại cho chị Tuyết về hành động của anh Đại nên chị Tuyết đến công an phường trình báo sự việc. Công an đã có quyết định trưng cầu giám định đối với cháu Ngọc nhưng cháu và chị Tuyết từ chối. Tại cơ quan điều tra, anh Đại đã khai nhận hành vi của mình như trên.
Theo kết luận của VKS, hành vi của anh Đại là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em gái, làm ảnh hưởng trật tự trị an nên cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, giáo dục bản thân bị can.
Từ đó, VKS đã đề nghị xử phạt bị cáo từ hai năm sáu tháng đến ba năm tù về tội dâm ô đối với trẻ em, theo khoản 1 Điều 116 và điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Video đang HOT
Đồng thời, đại diện hợp pháp của người bị hại cũng yêu cầu bị cáo Đại phải bồi thường 30 triệu đồng tiền làm tổn hại và phục hồi sức khỏe, tinh thần và nhân phẩm của nạn nhân cũng như gia đình nạn nhân.
Tại đây, luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng nhân thân bị cáo tốt, vi phạm lần đầu và thành thật khai báo, phạm tội bột phát và nhất thời, không kiềm chế được cảm xúc của mình… nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức từ hai năm đến hai năm sáu tháng tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo.
Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên bị cáo Đại với mức án hai năm sáu tháng tù. Đồng thời phải bồi thường thiệt hại 30 triệu đồng cho gia đình người bị hại và nộp án phí hình sự sơ thẩm là 1,5 triệu đồng.
Hội đồng xét xử của phiên tòa giả định. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.
Tình huống trên được xem là một sự việc rất dễ gặp trong đời sống hàng ngày khi phụ huynh thiếu cảnh giác và quan tâm đến con cái.
Vì thế, trong quá trình xét xử, chủ tọa phiên tòa Trần Thị Hồng Việt liên tục nhấn mạnh đến người mẹ Tuyết nói riêng, cũng như phụ huynh nói chung rằng: “Phiên tòa hôm nay cũng cần phê phán trách nhiệm của cha mẹ người bị hại về việc thiếu quan tâm, hướng dẫn, giáo dục giới tính cho con.
Để con gái đi chơi và qua đêm với người khác giới không cùng huyết thống mà không lo lắng hay hỏi han gì là quá vô tâm với con. Chính sự dễ dãi, chủ quan của mẹ đã đưa con mình trở thành nạn nhân của vụ án”.
Trong quá trình xét xử cũng như giao lưu, các luật sư liên tục nhắn nhủ các em: “Cơ thể mình là của mình và không ai được đụng chạm vào, trừ bác sĩ thăm khám bệnh khi cần thiết và càng không dễ dãi với bạn bè đồng trang lứa.
Vì thế, chính các con cũng phải học cách bảo vệ chính cơ thể của mình trước. Nếu có hành động nào xâm phạm đến mình để thỏa mãn nhu cầu sinh lý của người đó, các con phải kịp thời dũng cảm lên tiếng để được sự giúp đỡ và được pháp luật bảo vệ, để kẻ phạm tội phải bị xử lý, tuyệt đối không nên nhút nhát hay sợ hãi”.
Các em học sinh xếp hàng, lần lượt đặt câu hỏi cho các luật sư. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.
Bà Trần Thúy An – hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn – cho biết đây là lần đầu tiên trường tổ chức phiên tòa giả định này và với chủ đề rất nhạy cảm nên cứ nghĩ học sinh sẽ ngại ngần hỏi luật sư. Cô giáo này rất ngạc nhiên vì học sinh hào hứng, chú ý theo dõi phiên tòa cũng như đặt nhiều câu hỏi chính xác, có chiều sâu.
“Từ phiên tòa này, các em sẽ thu lượm được nhiều kiến thức về giới tính cũng như thông tin cần thiết để bảo vệ mình. Các em hãy biết giữ khoảng cách trong tình bạn, tình yêu ở tuổi học trò để bảo vệ bản thân mình và cũng không vi phạm pháp luật”, bà An nói.
Theo bà An, trường cũng thường có những chuyên đề giáo dục giới tính và kỹ năng bảo vệ cho các em. Tuy nhiên, vấn đề xâm hại tình dục là chủ đề rất khó đối với cả giáo viên và học sinh. Vì văn hóa, giáo viên cũng như cha mẹ ít khi trao đổi thẳng thắn với các em.
“Chương trình học của cũng chưa đi kịp với sự phức tạp của xã hội khi tội phạm tình dục trẻ em ngày càng tăng, không chỉ ở trong gia đình mà còn tiềm ẩn nguy cơ ở trường học. Vì thế, tôi mong thời gian tới, Bộ GD&ĐT nên đưa kiến thức này vào sách giáo khoa để các em có kỹ năng và kiến thức tốt hơn để bảo vệ bản thân”, bà An cho biết.
Khi gặp bất trắc, hãy gọi 18009069.
Luật sư Trần Ngọc Nữ – Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em – cũng hướng dẫn các học sinh ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng can thiệp và trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM: 18009069; Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM: 19545559.
Theo Phạm Anh / Pháp luật TP.HCM
'Đưa nhiều ảnh con lên Facebook là tiếp tay cho kẻ xâm hại'
Nhiều cha mẹ thường xuyên đăng ảnh con lên mạng xã hội mà không biết rằng điều này có thể ảnh hưởng cuộc sống của trẻ, cũng như tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm khác.
Sau một số vụ việc đáng tiếc, nhiều phụ huynh bắt đầu quan tâm vấn đề giáo dục giới tính cho con em mình. Thậm chí, nhiều người còn đi học những lớp về giáo dục giới tính. Tuy nhiên, vẫn có những phụ huynh cho rằng trẻ học các môn văn hóa quan trọng hơn.
Trong khi cha mẹ còn ngần ngại, né tránh vấn đề tế nhị, mạng xã hội ngày càng phát triển nhanh chóng. Thế giới ảo đã tạo nên những nguy cơ mới mà trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Hiện nay, người dùng mạng dễ dàng tìm kiếm một bộ phim có nội dung không lành mạnh trên Internet. Những sản phẩm này tác động trực tiếp đến người xem và là nguyên nhân gây ra nhiều hành vi phạm tội.
Theo thông tin từ mạng lưới xã hội dân sự quốc tế (ECPAT), trong số 1,8 tỷ hình ảnh được đăng tải mỗi ngày, 270.000 hình ảnh liên quan lạm dụng tình dục trẻ em; 1,2 triệu GB dữ liệu liên quan khiêu dâm trẻ em.
Đáng chú ý, người tung hình ảnh bị coi là lạm dụng trẻ phần lớn là cha mẹ (38%), tiếp đến là hàng xóm hay những người bạn của gia đình (26%).
Được tiếp cận công nghệ từ sớm nhưng lại thiếu kiểm soát và định hướng cần thiết, trẻ có thể vô tình tiếp xúc nội dung không lành mạnh trên mạng mà không biết.
Trong khi đó, theo thông tin từ Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em, dẫn đến mất cảnh giác.
Việc khoe ảnh con quá nhiều lên mạng xã hội sẽ để lại những hậu quả khó lường mà ngay cả bố mẹ cũng chưa nhận thức được đầy đủ. Ảnh cắt từ Clip.
Các chuyên gia cho rằng nhiều bậc cha mẹ đang khoe ảnh con lên mạng xã hội mà không kiểm tra đầy đủ thiết lập riêng tư, đồng nghĩa việc những tấm ảnh này dễ rơi vào tay kẻ xấu. Khi đó, hậu quả rất khó lường.
TS tâm lý Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: "Việc bố mẹ tham gia mạng xã hội và thiết bị điện tử khiến cho con gặp nhiều nguy hại hơn. Khi đưa hình ảnh con quá nhiều lên Facebook, một số người nảy sinh suy nghĩ xấu xa, từ đó dẫn đến hành vi xâm hại cháu bé".
Theo khuyến cáo của chuyên gia, cha mẹ cần cẩn thận khi nói về con mình và cân nhắc kỹ những gì chuẩn bị đưa lên mạng xã hội. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên đăng tải thông tin quá chi tiết hoặc hình ảnh "mát mẻ" của con mình.
Ngoài ra, giáo dục giới tính trong nhà trường cũng có vai trò đặc biệt quan trọng. Thế nhưng, chương trình giáo dục của nhà trường, đặc biệt là bậc tiểu học hiện vẫn chưa đưa vào các nội dung về việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, dẫn đến việc trẻ chưa nhận thức được các nguy cơ về vấn đề này.
Đồng thời, hiểu biết của các em về các vấn đề xã hội, giới tính... cũng còn non nớt dễ trở thành mục tiêu của các hành vi xâm hại về thể chất, tinh thần cũng như giới tính.
Theo Zing
Xác minh người lạ đeo khẩu trang tự nhận được nhờ đón học sinh Sau tin nhắn cảnh báo về kẻ lạ mặt đòi đón học sinh lớp 2 trường Tiểu học Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) khiến phụ huynh xôn xao, công an huyện đã xác minh sự việc. Chiều 5/4, bà Nguyễn Thị Điềm, hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Liệt đã trao đổi về vụ việc người lạ mặt vào trường đòi...