Những câu chuyện “đánh án” ly kỳ của một nữ cảnh sát
Ít ai ngờ, người cán bộ công an từng tham gia hỏi cung các đối tượng trong nhiều vụ án tham nhũng nổi tiếng, người chỉ huy một đơn vị phòng chống tội phạm công nghệ cao từng triệt phá nhiều sàn vàng ảo, nhiều đường dây đa cấp biến tướng lớn, lại là một phụ nữ.
Phụ nữ công an trực tiếp tham gia “đánh án”, nếu không say nghề, không đam mê thì khó có thể gắn bó và thành công với công việc đã lựa chọn – Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Phòng phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử (Phòng 4), C50 – Bộ Công an tâm sự…
1. Phải mất khá nhiều thời gian, thông qua các đồng nghiệp, chúng tôi mới tìm được tấm ảnh hiếm hoi có mặt Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng đang tham gia khám xét một vụ án do chị chỉ đạo. Trung tá Hằng cười bảo, khi đã bước vào “trận đánh” thì chỉ nghĩ đến công việc, làm sao đảm bảo các bước phá án an toàn, hiệu quả như kế hoạch đã được phê duyệt, chứ chẳng nghĩ đến việc ghi hình để tuyên truyền. Thế nên ở đơn vị, nhiều khi các thủ trưởng vẫn nhắc chị, làm được mà không “nói” thì ai biết được thành tích của mình?
Đức tính “làm nhiều, nói ít” của chị được hình thành từ sự kiên nhẫn, ham học hỏi và thận trọng trong giải quyết các vụ việc liên quan đến pháp luật. Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng tâm sự, chị theo học ngành kiểm sát, ra trường công tác tại một viện kiểm sát 8 năm liền. Sau khi hoàn thành chương trình cao học tại Học viện Cảnh sát, chị mới chính thức vào lực lượng Công an, công tác tại Phòng Thanh tra pháp luật – Cục C16 (sau là Văn phòng Cơ quan CSĐT) và Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng.
Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng – đại biểu đại diện phụ nữ tiêu biểu của Bộ Công an được tuyên dương trong ĐH Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.
Với kiến thức, kinh nghiệm nhiều năm giải quyết, thẩm định hồ sơ các vụ án nên chị đáp ứng nhanh công việc mới và được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ trong điều tra chuyên án, hỏi cung một số nhân vật đình đám trong các vụ “đại án” về kinh tế, điển hình như vụ Huỳnh Ngọc Sĩ – nguyên giám đốc BQL dự án Đại lộ Đông – Tây nhận hối lộ, vụ Trần Xuân Đính – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng miền Trung (Cosevco)…
Năm 2010, sau khi được bổ nhiệm phó phòng và giao nhiệm vụ công tác tại Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng lại bước vào những thử thách mới khi đối tượng đấu tranh ở một lực lượng mới thành lập hoàn toàn mới mẻ, nhiều điểm khác biệt so với tội phạm “truyền thống” trước đây. Sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện các hành vi phạm tội, hoạt động trên không gian mạng nên tội phạm công nghệ cao đa phần ẩn danh, sử dụng những thông tin ảo, gây khó khăn cho cơ quan Công an trong việc điều tra, xác định “người thật – việc thật”.
Hơn nữa, đối tượng gây án thường có trình độ cao, rất giỏi về công nghệ thông tin. Không có kiến thức về công nghệ thì khó có thể đấu tranh, buộc đối tượng thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, Trung tá Hằng vừa làm, vừa học hỏi kiến thức về công nghệ thông tin từ chính đối tượng đang đấu tranh, từ những đồng nghiệp trẻ được đào tạo chính quy về công nghệ. Sự ham học cộng với kinh nghiệm sẵn có trong nghề kiểm sát và điều tra nên các vụ án có sự tham gia, chỉ đạo của Trung tá Hằng đều đảm bảo các yêu cầu về pháp luật và nghiệp vụ, đã chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra là khởi tố.
Phụ nữ “đánh án”, nếu không đam mê nghề nghiệp thì khó có thể trụ được với nghề và giỏi nghề. Trung tá Hằng đã tự đúc kết như vậy khi chị kể những vụ án mà để điều tra, tìm ra những kẻ phạm tội giấu mặt trên mạng Internet, chị và đồng đội xa nhà cả tháng, di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Nửa đêm, khi cả gia đình đã ngủ say, chị lại mày mò trên mạng theo dõi từng động tĩnh của đối tượng xuất hiện trên mạng xã hội, đọc kỹ từng comment để nhận định, đánh giá xem đối tượng đang ở khu vực nào, đang làm gì… để tổng hợp tình hình.
“Tội phạm công nghệ cao đa phần rất thông minh, thậm chí nhiều đối tượng là tài năng về công nghệ thông tin nhưng bị tác động, lôi kéo vào con đường phạm tội. Nếu gia đình, nhà trường có sự định hướng cho các em ngay từ đầu về chuyên môn cũng như pháp luật thì đây sẽ là tài năng thực sự cống hiến cho xã hội” – đây là những suy nghĩ luôn khiến Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng trăn trở, day dứt sau mỗi vụ việc.
2. Đầu năm 2015, trong bối cảnh không ít người mê muội lao vào đầu tư, kinh doanh vàng tài khoản trên mạng Internet, vụ việc C50 Bộ Công an phối hợp Công an Hà Nội triệt phá ổ nhóm kinh doanh trái phép vàng tài khoản, vàng miếng xảy ra tại Công ty Cổ phần kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG (địa chỉ tầng 8 tòa nhà 165 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) đã kịp thời cảnh tỉnh nhiều người dân trước mánh khóe chiếm đoạt tài sản mới của tội phạm công nghệ cao, đồng thời thu hồi hiệu quả tài sản cho người bị hại.
Đồng loạt khám xét trụ sở chính của Công ty IG tại Hà Nội, chi nhánh công ty tại Hải Dương, Thanh Hóa và nhà ở của các đối tượng, cơ quan Công an đã đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, thu giữ số lượng lớn tang vật gồm 1,49 tỷ đồng tiền mặt, 1.025 tỷ đồng tiền trong tài khoản, 276 lượng vàng miếng SJC, 8kg vàng trang sức các loại, 35 máy tính xách tay, 6 CPU, 3 két sắt cùng nhiều hợp đồng ủy quyền, giấy tờ tài liệu liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng.
Căn cứ kết quả đấu tranh và tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp, tạm giữ 9 đối tượng chủ chốt tham gia trong ổ nhóm tội phạm này.
Kể lại quá trình triệt phá sàn vàng “ảo” này, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, những ngày đầu sau khi nắm được thông tin về hoạt động bất hợp pháp của Công ty IG, được sự đồng ý của lãnh đạo Cục C50, chị (lúc đó là Phó phòng 3 – C50) đã trực tiếp xác minh. Vào thời điểm trên, C50 cũng đã phối hợp Công an các địa phương xử lý một số công ty kinh doanh trái phép vàng tài khoản trên mạng nên các đối tượng hoạt động sau đã rút được nhiều kinh nghiệm đối phó với cơ quan Công an.
Do các đối tượng đổi trụ sở chính liên tục nên để thu thập tài liệu về tổ chức, hoạt động của công ty, Trung tá Hằng phải xuống chi nhánh của công ty ở Hải Dương nắm tình hình. Trong nhiều ngày liền, cứ hành trình sáng đi Hải Dương, tối về Hà Nội, tham gia tất cả các cuộc hội thảo do các đối tượng tổ chức nhằm lừa bịp, lôi kéo các nhà đầu tư thiếu hiểu biết, tiếp cận được hầu hết các đối tượng chủ chốt của công ty, qua đó chị đã nắm được toàn bộ phương thức hoạt động của chúng, thu thập tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Đồng thời, chị tranh thủ làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để xác minh, làm rõ hoạt động của công ty đã vi phạm những quy định nào. Từ đó, tổng hợp, đánh giá tính chất vụ việc để lập kế hoạch đấu tranh, xử lý hình sự. Sau khi sàn vàng “ảo” IG bị đánh sập, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản cơ bản đã chấm dứt.
Video đang HOT
Đây chỉ là một trong hàng chục chuyên án lớn đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của người dân mà Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo đấu tranh. Bên cạnh việc triệt phá các ổ nhóm, đường dây hoạt động kinh doanh vàng tài khoản trái phép, “thương hiệu” của nữ trưởng phòng đơn vị chuyên trách phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử còn gắn liền với việc chủ động phát hiện và đấu tranh, triệt xóa các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng mới lừa đảo người dân.
Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng cùng gia đình trong buổi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Học viện Cảnh sát.
Điển hình như vụ phối hợp Công an Hà Nội triệt xóa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng của các đối tượng trong Công ty Cổ phần thương mại Diamond Holiday thông qua thủ đoạn kinh doanh du lịch đa cấp qua mạng Internet. Đây là một trong những vụ án đầu tiên về hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam mà lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã điều tra, khám phá thành công trong bối cảnh hầu như lực lượng công an chưa có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với loại tội phạm mới này.
Từ việc khám phá thành công vụ án này, Trung tá Hằng cùng lực lượng cảnh sát công nghệ cao đã tiếp tục truyền đạt, hướng dẫn kinh nghiệm cùng các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương tiếp tục khám phá hàng loạt các doanh nghiệp có hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh đa cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, cuối năm 2015, qua công tác nắm tình hình, Trung tá Hằng phát hiện tại một số địa phương xuất hiện loại hình câu lạc bộ hoạt động dưới danh nghĩa từ thiện nhưng hình thức thì như đa cấp, lôi kéo hàng nghìn người tham gia. Lợi dụng lòng hảo tâm, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam, các đối tượng kinh doanh đa cấp biến tướng đã tự thành lập các quỹ từ thiện, sử dụng một số ít hình ảnh đi làm từ thiện tại một số chùa chiền và vùng sâu, vùng xa… nhằm khuếch trương thanh thế, dụ dỗ những người dân ít thông tin ở các vùng nông thôn tham gia.
Để lôi kéo được nhiều người, các đối tượng đưa ra chính sách chi trả tiền hoa hồng cho những ai giới thiệu được người mới. Đánh trúng vào tâm lý vừa làm từ thiện giúp người, lại được hưởng lãi suất, rất nhiều người tham gia vào mô hình mà không nhận ra sự thật là các đối tượng chi trả tiền hoa hồng rất nhanh chóng, dễ dàng bằng chính khoản tiền đóng góp của người tham gia, còn hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng chỉ thực hiện nhỏ giọt.
Sau khi nắm được thủ đoạn mới trên, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng đã triển khai phối hợp công an các địa phương nhanh chóng xác minh, điều tra và xử lý mô hình đa cấp biến tướng này ở địa phương. Điển hình như phối hợp Công an Bắc Ninh điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phùng Văn Tuấn, kẻ cầm đầu thành lập website “nhandaoanhminh.com” tổ chức quỹ từ thiện trái phép, hoạt động theo mô hình đa cấp biến tướng, lấy tiền của người sau trả cho người trước.
Phối hợp Công an Hải Dương đấu tranh làm rõ các dấu hiệu sai phạm của giám đốc Công ty Cổ phần An Sinh và phát triển cộng đồng Việt Nam tại Hải Dương, có dấu hiệu lợi dụng hoạt động từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua xử lý 2 vụ việc trên, năm 2016, tình trạng lợi dụng hoạt động từ thiện để núp bóng kinh doanh đa cấp biến tướng tạm thời chấm dứt.
3. Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ, những thành tích mà chị đạt được, ngoài sự giúp đỡ, chung tay của đồng nghiệp là một nền tảng truyền thống gia đình, hậu phương vững chắc để chị yên tâm công tác và phấn đấu. Người cha đáng kính của chị – Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Duy Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân thời kỳ 1990-2005 là tấm gương lớn trong gia đình. Ông vừa là cha, vừa là người thầy luôn bên cạnh chỉ bảo, dìu dắt chị trong công việc chuyên môn, động viên, cổ vũ chị vượt qua mọi khó khăn.
Chị hào hứng kể rằng, có lẽ sinh ra trong một gia đình có truyền thống về giáo dục, học tập như vậy nên bên cạnh công tác chuyên môn, chị luôn ý thức sắp xếp thời gian, công việc và gia đình để tiếp tục học tập nâng cao trình độ, kiến thức cho bản thân. Ngoài bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Học viện Cảnh sát nhân dân, trong thời gian 7 năm công tác tại lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, chị còn hoàn thành 2 văn bằng đại học chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng và Kinh tế chính trị. Đây là những kiến thức quan trọng đối với một người chỉ huy đơn vị chuyên trách đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử như chị.
Trên cương vị Chủ tịch Hội phụ nữ C50, Thường vụ – Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ Tổng cục Cảnh sát, với bề dày thành tích chuyên môn và những cống hiến cá nhân, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng vinh dự là gương mặt đại diện cho phụ nữ Bộ Công an được bầu chọn 1 trong 100 phụ nữ tiêu biểu được tuyên dương trong Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.
Theo Hương Vũ
An ninh thế giới
"Đại gia" miền Tây vướng vòng lao lý vì cờ bạc
Một bị can là giám đốc hai chi nhánh cửa hàng điện máy có tiếng ở Cần Thơ; người còn lại cũng thuộc dân ăn chơi, nhẵn mặt với các casino, sòng bạc... Cả hai đều vướng vòng lao lý khi lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng "nướng" vào chiếu bạc thỏa máu đỏ đen...
Giám đốc... mê cá độ qua mạng
Đức là người có năng lực trong công việc kinh doanh, gia đình gia giáo. Tuổi đời còn trẻ, Đức được tín nhiệm làm giám đốc hai cửa hàng điện máy khiến bạn bè nể phục.
Sống với mọi người, Đức rất tốt tính, hào phóng, nhân viên dưới quyền ai cũng quý nhưng tất cả đều bất ngờ khi hay tin Nguyễn Trí Đức (28 tuổi) ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, giám đốc Cửa hàng điện máy Phan Khang bị Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Trí Đức. Ảnh từ Facebook nhân vật.
Theo cơ quan điều tra, năm 2012, Nguyễn Trí Đức được Công ty TNHH Phan Khang (gọi tắt Công ty Phan Khang) ký hợp đồng lao động, bố trí làm nhân viên bán hàng dự án tại trụ sở chính. Quá trình làm việc, Đức rất năng nổ, thể hiện được năng lực nên được công ty bố trí làm quản lý.
Tháng 7-2014, Đức được bổ nhiệm làm Giám đốc cửa hàng trưng bày sản phẩm số 2 của Công ty Phan Khang, chi nhánh Cần Thơ tại số 35 - 37 đường Cách mạng tháng 8 (phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Qua quá trình công tác, tháng 4-2015 công ty tiếp tục bổ nhiệm Đức làm Giám đốc cửa hàng trưng bày sản phẩm số 1, tại số 6 đường Hòa Bình (phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).
Cũng từ đây, Đức lâm vào cờ bạc nợ nần. Cuối năm 2016, qua công tác kiểm tra doanh thu kinh doanh chi nhánh Cần Thơ, lãnh đạo công ty phát hiện doanh thu của hai cửa hàng bị sụt giảm.
Công ty đã tiến hành thành lập đoàn kiểm tra, phát hiện tại cửa hàng số 35 - 37 đường Cách mạng tháng 8, có một lượng lớn hàng hóa bị thiếu hụt nhưng không có hóa đơn chứng từ đã bán. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện Đức đã làm giả chữ ký của Giám đốc và con dấu của Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ để làm giả hợp đồng bán hàng cho Sở này với số tiền 7,75 tỷ đồng.
Lãnh đạo công ty đã nhiều lần đề nghị Đức giải trình về sự việc nhưng vị giám đốc trẻ hứa hẹn nhiều lần vẫn không đến gặp lãnh đạo công ty để giải trình. Sau đó, Đức tắt máy điện thoại và bỏ trốn nên công ty không liên lạc được và trình báo cơ quan điều tra.
Khi cơ quan điều tra vào cuộc, Đức biết không thể trốn tránh được trách nhiệm nên ngày 14-2 đã đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.Cần Thơ đầu thú. Theo lời khai của Đức, trong thời gian công tác đã lợi dụng chức vụ là giám đốc các chi nhánh của Công ty Phan Khang tại Cần Thơ, chiếm đoạt số tiền khoảng 22 tỷ đồng.
Đức khai nhận, do chơi cá độ đá banh qua mạng bị thua và thiếu nợ. Càng thua, Đức càng đánh lớn để gỡ nhưng không được nên thua nặng, phải vay mượn tiền của nhiều người để trả.
Để có tiền trả nợ và tiếp tục chơi cá độ, Đức chỉ đạo nhân viên dưới quyền xuất kho đưa hàng cho mình bán ra thị trường. Để nhanh chóng bán được số lượng lớn hàng điện máy, Đức bán thấp hơn với giá vốn từ 15% đến 20% nhằm thu tiền nhanh trả nợ.
Sau khi bán được hàng, Đức chiếm đoạt luôn mà không hoàn tiền và hóa đơn lại cho công ty. Ngoài ra, Đức thừa nhận đã làm hợp đồng giả với Cảnh sát PCCC và còn thuê người tại TP Hồ Chí minh làm giả con dấu đóng lên hợp đồng bán hàng. Qua củng cố hồ sơ, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Đức để điều tra, xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cửa hàng điện máy Phan Khang Cần Thơ.
Tin Đức bị bắt, gia đình, bạn bè ai cũng bất ngờ. Khi làm giám đốc cửa hàng, Đức rất quan tâm đến đời sống của nhân viên dưới quyền. Đức cũng thường xuyên tổ chức các chuyến dã ngoại cho nhân viên đi chơi đó đây, thắt chặt tình đoàn kết.
Sống với mọi người, Đức rất phóng khoáng và có tham vọng trong việc kinh doanh. Hay tin Đức bị bắt vì lừa đảo, cá độ bóng đá, ai cũng buồn tiếc cho một con người trẻ tuổi đã dính đến tệ nạn bài bạc.
Lừa buôn vàng chiếm đoạt tiền để đánh bạc, chơi bời...
Ngày 6-3, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Huỳnh Thị Thu Thảo (37 tuổi), ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cuối tháng 3-2016, bà Nguyễn Thị X.T (42 tuổi), một nữ đại gia ở quận Ninh Kiều đến cơ quan điều tra trình báo bị Thảo lừa số tiền hùn vốn thông qua việc mua vàng của những người đi buôn lậu bị bắt tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam và Campuchia.
Theo bà T. Thảo tiết lộ có lô vàng, gồm: 320 lượng vàng 24k và 29kg vàng khối loại 9999 của người quen bị bắt giữ tại khu vực giáp cửa khẩu Việt Nam - Campuchia. Thảo khoe có nhiều mối quan hệ và có khả năng đưa lô vàng về Việt Nam an toàn. Thảo rủ bà T. hùn vốn mua vàng, nếu trót lọt vụ buôn bán có thể bỏ túi vài tỷ đồng.
Bà T. thừa nhận, phần vì tin tưởng Thảo và cũng hám lời nên tham gia vào phi vụ làm ăn này. Đầu tháng 2-2017, bà T. đã huy động người thân, bạn bè gom số tiền 7 tỷ đồng để đưa cho Thảo.
Sau khi nhận tiền, Thảo thường xuyên tránh mặt bà T. Nhiều lần bị truy hỏi, Thảo mới thông báo cho bà lô vàng đã đưa về Cần Thơ nhưng bị lực lượng Công an bắt giữ vì hàng lậu. Thảo tiếp tục viện cớ kêu bà T. đưa thêm tiền để giải cứu lô vàng ra ngoài.
Khi không moi được tiền từ nạn nhân nữa, Thảo tắt điện thoại và cắt đứt liên lạc với nạn nhận. Ngoài phi vụ góp 7 tỷ mua vàng, trước đó, bà cũng hùn vốn với Thảo để mua hàng hóa từ Campuchia mang về Việt Nam kiếm lời. Bà quen Thảo qua mối quan hệ xã hội.
Những lần gặp mặt, Thảo khoe có mối hàng bên Campuchia, có thể mua lượng lớn các mặt hàng như mỹ phẩm, điện thoại di động, máy vật lý trị liệu từ Campuchia về Việt Nam bán lại...
Thảo rủ bà T. góp vốn làm ăn. Bà đã nhiều lần chuyển cho Thảo, số tiền hơn 3 tỷ đồng. Quá trình hợp tác, Thảo nhiều lần cho người đưa đến nhà bà T. các thùng hàng hóa, thông báo bên trong toàn điện thoại đắt tiền.
Thảo yêu cầu bà không được mở hàng hóa, vì sợ "mất zin" giá thành sẽ giảm rất nhiều. Sau đó, Thảo quay lại chở những thùng hàng trên đi giao cho đối tác và thông báo lời được vài trăm triệu đồng. Bà T. hối thúc Thảo trả lại tiền vốn và chia tiền lời thì Thảo viện cớ đối tác chưa trả tiền nên chưa gom được tiền.
Chân dung Huỳnh Thị Thu Thảo.
Trong khi hơn 3 tỷ đồng tiền hùn vốn mua hàng hóa từ Campuchia chưa được thu hồi, Thảo tiếp tục rủ bà T. tham gia góp vốn mua vàng và bị lừa số tiền lớn. Theo bà T. trình bày, tổng số tiền đã đưa cho Thảo là hơn 10,4 tỷ đồng. Dù số tiền lớn hàng tỷ đồng, nhưng theo bà T. giữa bà và Thảo không có cam kết gì.
Những lần Thảo yêu cầu đưa tiền, bà T. gom tiền rồi mang đến cho Thảo, chứ cũng không làm chứng từ, biên nhận. Quá trình xác minh tin tố giác từ bà T. các trinh sát phát hiện, Thảo là con bạc tầm cỡ. Dù không có nghề nghiệp ổn định, Thảo thường xuyên lui tới các casino dọc biên giới Tây Nam và nhẵn mặt các sòng bạc tại Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ...
Công an TP Cần Thơ đã xác lập chuyên án đấu tranh. Qua nguồn tin trinh sát, ngày 2-3, Ban chuyên án phát hiện Thảo xuất hiện tại sòng bạc ở thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) nên lên kế hoạch bắt giữ và di lý về Cần Thơ phục vụ công tác điều tra.
Làm việc với điều tra viên, Thảo thừa nhận bản thân không có mối làm ăn nào bên Campuchia. Thảo chỉ thường xuyên qua lại biên giới để đánh bạc và thường thua "cháy túi".
Qua mối quan hệ xã hội, Thảo biết bà T. giàu có nên nghĩ cách lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nghi phạm khai, số tiền chiếm đoạt của nạn nhân đã mang đi đánh bạc, tiêu xài và đi chơi cùng bạn trai nhỏ hơn 10 tuổi hết sạch. Ngoài ra. Thảo còn thiếu nợ bên ngoài, bạn bè hơn 300 triệu đồng...
Theo Văn Vĩnh
Cảnh sát toàn cầu
"Đóa hồng thép" của Cảnh sát cơ động Hà Nội Giỏi võ thuật, thành thục các kỹ năng chiến đấu mà chưa chắc cánh đàn ông đã làm được, lại không quản ngày hay đêm, sẵn sàng đối mặt với những tình huống nguy hiểm nhất - đó chính là những nữ cảnh sát cơ động đặc nhiệm Công an thành phố Hà Nội. Trong cái lạnh tê tái, chúng tôi bắt gặp...