Những “cái nhất” trong kỳ thi THPT quốc gia 2019
Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã diễn ra được 2/3 thời gian, với không khí an toàn, êm ả. Bên lề trường thi đã diễn ra nhiều cảnh hỉ, nộ, ái, ố.
Những thí sinh “lạc quan” nhất
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có nhiều thí sinh tới điểm thi muộn, thậm chí là bỏ lỡ mất kỳ thi chỉ vì… ngủ quên, khiến dư luận dậy sóng.
Điển hình, sáng 25/6, nữ sinh P.T.S tại điểm thi Trường THPT Chuyên Hà Giang đến muộn 18 phút nên hội đồng coi thi không cho vào. Khi hiệu lệnh bắt đầu làm bài từ lúc 7h35, đến 7h53 thí sinh này mới xuất hiện tại cổng trường.
Cũng sáng cùng ngày, tại Nghệ An, thi sinh C.C (nguyên là học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ) cũng bị bỏ lỡ công 12 năm đèn sách khi 8h10 mới có mặt tại điểm thi.
Theo quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT, những thí sinh đến chậm 15 phút kể từ lúc bắt đầu làm bài sẽ bị cấm thi. Những thí sinh kể trên chỉ vì vài phút ngủ quên nhưng phải uổng phí thêm 1 năm chờ đợi.
Những thí sinh may mắn nhất
Nếu như ngày thi đầu tiên, những giọt nước mắt của 2 thí sinh lỡ kỳ thi vì ngủ quên khiến người ta vừa giận vừa thương, thì sang ngày thi thứ 2, tại điểm thi Trường THPT Lê Hồng Phong (Hà Giang) một nữ sinh khác lại gặp “may nhất quả đất”. Cùng lý do ngủ quên, nhưng nữ sinh này được các chiến sĩ cảnh sát đến tận nhà, gọi dậy và chở đến điểm thi.
Một tình huống may mắn tréo ngoe xảy ra ngay trước kỳ thi khi gia đình bạn Quỳnh Anh (Quảng Nam) bị trộm viếng thăm. Tên trộm “cuỗm” hết tiền bạc, nhưng lại để tấm thẻ dự thi và chứng minh nhân dân của Quỳnh Anh trên cây đàn piano.
Câu chuyện dở cười dở khóc khác, khi các thí sinh đã vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Đakrông thì giám thị phát hiện thí sinh Hồ Văn Lích (SN 2000, ở thôn Chân Rò, xã Đakrông) vắng mặt. Nhà của Lích cách điểm thi khoảng 8km, qua 1 con suối.
Biết tin, đội tình nguyện Tiếp sức mùa thi của Đoàn Trường THPT Đakrông đã cử 3 tình nguyện viên là các thầy giáo đi xe máy đến tìm thí sinh. Khi đến nơi thì Hồ Văn Lích đang đi tìm bò bị mất, mọi người nhanh chóng tìm đưa đến điểm thi kịp thời.
Những sĩ tử kiên cường nhất
Tại kỳ thi THPT 2019, nhiều thí sinh trên cả nước phải đến trường thì bằng xe lăn, xe cứu thương.
Thí sinh Nguyễn Mạnh Tân đến ngồi xe lăn vào trường thi.
Nguyễn Lê Anh Trúc, thí sinh tại điểm thi trường THPT Marie Curie (TP. HCM) phải đến điểm thi bằng xe cứu thương. Trước đó, nữ sinh này vừa mổ ruột thừa sáng 24/6.
Tại điểm thi trường THPT Lê Sỹ Liên (Hà Nội), thí sinh Nguyễn Mạnh Tân cũng phải ngồi xe lăn đi thi. Nam sinh cũng vừa mổ ruột thừa trước kỳ thi không lâu.
Vừa tỉnh dậy sau trận ốm nặng 8 điều trị viêm não cấp, Vừ A Cha, thí sinh ở điểm thi Trường THPT Sông Mã, tỉnh Sơn La, vẫn quyết tâm đến phòng thi dù nửa người trái khó cử động.
Những thí sinh “ngoan cố” nhất
Đó là những thí sinh đã mang vật cấm như điện thoại, tài liệu vào trong phòng thi.
Mở đầu kỳ thi vào sáng 25/6, một nam sinh tại Phú Thọ bị đình chỉ thi vì đã chụp đề Ngữ văn gửi ra ngoài nhờ bạn giải hộ.
Tại Sơn La, một nam sinh khác cũng bị đình chỉ vì mang 2 chiếc điện thoại vào phòng thi. Tại Thanh Hóa có 4 thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng thi, trong đó, riêng môn thi đầu tiên là Ngữ văn có tới 3 trường hợp, một trường hợp xảy ra vào sáng 26/6. Bình Định, Khánh Hòa và Đắk Lắk, Đà Nẵng cũng là những tỉnh có thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng thi.
Những phụ huynh sát cánh bên con. Ảnh: Phạm Hải, Lê Anh Dũng
Điểm thi thu hút nhiều phụ huynh dự thi nhất
Tại điểm thi Trường THPT Sông Mã (Sơn La), có tới 80 thí sinh ở độ tuổi trên 40. Nhiều người trong đó đã có con cái đề huề, có dâu, có rể, thậm chí có cháu để bế. Tuy nhiên, vì lý do công việc, và hơn nữa là muốn làm tấm gương cho con cháu nên họ vẫn quyết tâm thi lấy tấm bằng tốt nghiệp cấp 3.
Những câu chuyện thương tâm nhất
Câu chuyện nữ cán bộ coi thi tử nạn thương tâm, để lại hai con nhỏ tật nguyền khiến nhiều người xót xa. Nạn nhân là cô Trần Thị Thúy (SN 1979, trú xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Cô Thúy là trưởng bộ môn sử của trường THPT A Túc, làm cán bộ coi thi tại cụm thi số 31 tỉnh Quảng Trị. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vào buổi chiều 24/6, trên đường đi thăm mẹ thì cô Thúy bị tai nạn và tử vong tại chỗ, để lại hai con tật nguyền.
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ chồng giết vợ thương tâm khiến con trai bỏ thi THPT quốc gia 2019.
Một hoàn cảnh đau thương khác xảy ra tại tỉnh Quảng Nam, nam sinh T.V.P đã bỏ dở kỳ thi THPT quốc gia 2019, sau khi chứng kiến bố đâm chết mẹ. VietNamNet thông tin, sự việc xảy ra vào trưa 25/6, trong lúc cùng làm thịt gà cúng giỗ, bố của T.V.P đã dùng dao đâm người vợ. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Nam sinh đã phải bỏ tất cả những môn thi còn lại để ở nhà lo tang lễ cho mẹ.
Giám thị xinh nhất
Sau khi bức ảnh xinh đẹp, thu hút của nữ cán bộ coi thi tại điểm thi trường THPT Thanh Chương 3 (Nghệ An) được đăng tải lên mạng xã hội, cư dân mạng lập tức truy tìm thông tin. Sinh năm 1988, Lê Hà Phương đang là giảng viên ngành Báo chí – Truyền thông tại Đại học Vinh (Nghệ An).
Nữ giám thị xinh đẹp bất ngờ nổi tiếng khi làm nhiệm vụ coi thi
Bất ngờ nổi tiếng nhờ bức ảnh chụp tại điểm thi, nhiều độc giả có tâm còn khám phá được thông tin Lê Hà Phương từng giành giải Nhất Hoa khôi Báo chí năm 2008 do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức. Cô cũng hội tụ nhiều khả năng như hát, hội họa, chơi nhạc cụ, dẫn chương trình…
Năm 2018, nữ giảng viên giành giải Người đẹp ăn ảnh nhất và lọt top 10 cuộc thi Người mẫu Quý bà Việt Nam.
Đề thi “to” nhất
Thay vì nhận đề thi trên giấy A4 như bao thí sinh khác tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế, Thừa Thiên Huế), Huỳnh Ngân Giang, cựu học sinh lớp 12B4 lại nhận đề thi trên khổ giấy A3 trong buổi sáng thi môn Ngữ văn (25/6). Giang bị bệnh viêm màng bồ đào khiến đôi mắt bị mờ, không nhìn thấy rõ mọi vật xung quanh, đặc biệt là chữ in trong sách giáo khoa.
Trước kỳ thi THPT quốc gia, Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế đã gửi hồ sơ bệnh án của em ra Bộ GD-ĐT xin ý kiến làm riêng một bộ đề thi đặc biệt và được đồng ý. Đề thi của Giang được in trên khổ giấy A3 (gấp đôi khổ A4) với cỡ chữ to hơn và phát tại phòng thi để em có thể đọc. Giang là thí sinh duy nhất cả nước được sử dụng bộ đề A3.
Thí sinh lớn tuổi nhất kỳ thi
Đó là thí sinh Mai Kim Thiều (SN 1966, học viên Trung tâm GDTX tỉnh Đắk Nông). Ông Thiều quê ở Nam Định và từ nhỏ có theo học một người thân nghề bắt mạch, bốc thuốc chữa bệnh. Do cuộc sống khó khăn, mải lo mưu sinh nên việc học không như ý. Khoảng 3 năm trước, ông Thiều vào Đắk Nông lập nghiệp. Ông muốn mở phòng mạch nhưng không được cấp phép vì chưa có bằng cấp III. Để theo đuổi ước mơ, ông Thiều đăng ký đi học bổ túc văn hóa, ngoài ra còn tranh thủ học thêm lớp y sĩ đa khoa và bổ túc thêm kiến thức về đông y. Ông Thiều là thí sinh lớn tuổi nhất trong kỳ thi lần này khi tròn 53 tuổi.
Nơi thí sinh bắt đầu làm bài thi muộn nhất
Ngày 26/6, tại địa bàn TP. HCM xảy ra sự cố về mã đề. Tại quận Tân Bình có 11 thi sinh thiếu đề, tuy nhiên do thiếu rải rác nên riêng địa phương này không bị ảnh hưởng thời gian làm bài của thí sinh. Tại điểm thi Trường THCS Colette (Q.3, TP. HCM) có 16 thí sinh thiếu 5 mã đề. Môn Hóa học có 5 mã đề, mở ra photo nhanh và chưa quá 10 phút thì đã đủ. Môn Sinh bị ảnh hưởng khoảng 10 phút. Thời gian làm bài của các thí sinh chậm hơn so với quy định là 15 phút. Tại điểm thi THPT Trần Khai Nguyên, thí sinh bị chậm hơn quy định tới 35 phút.
Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Hiếu nhận trách nhiệm sơ suất trong việc in sao đề. Ông giải thích lý do là vì phòng thi không đủ 24 thí sinh, có thí sinh tự do, thí sinh này có môn thi môn không nên sơ sót thiếu mã đề chứ không phải thiếu đề. Phòng thi đủ 24 thí sinh sẽ không có vấn đề gì. Sự cố này xảy ra ở phòng thí sinh tự do, thí sinh THPT vẫn ổn, không bị ảnh hưởng. Ông Hiếu xin lỗi và khẳng định ngày27/6 bộ phận in sao đề thi sẽ kiểm tra kỹ, chắc chắn không để ảnh hưởng tới thí sinh.
Khánh Hòa (Tổng hợp)
Gần 600.000 thí sinh làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội THPT Quốc gia 2019
Trong bài thi cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều thí sinh lo lắng với môn Lịch sử.
Sáng 27/6, gần 600.000 thí sinh bước vào phần thi tổ hợp khoa học xã hội gồ các môn Lịch sử, Địa lý và giáo dục công dân.
Thời lượng làm bài là 50 phút, đề được soạn dưới dạng trắc nghiệm. Thí sinh sẽ làm bài liên tục từ môn thi đầu tiên đến môn thi cuối cùng.
Theo quy chế của Bộ GD&ĐT, kết thúc môn thi thành phần thứ nhất, thí sinh nộp lại đề thi và giấy nháp. Nếu thí sinh muốn ra khỏi phòng thi sớm, phải đợi đến khi hết 2/3 giờ làm bài thi cuối cùng của tổ hợp.
Ngày 27/6, các thí sinh làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. (Ảnh: Đăng Khoa)
Kết quả bài thi tổ hợp là yếu tố bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT. Do đó, chỉ một sai sót nhỏ có thể khiến kết quả của cả 3 môn thi thành phần không được công nhận.
Thí sinh cần lưu ý các môn thi thành phần trong mỗi bài thi tổ hợp có cùng một mã đề; thí sinh ghi mã đề thi này trên phiếu trả lời trắc nghiệm để theo dõi.
Khi giám thị thu bài, các thí sinh phải điền vào phiếu thu bài thi tổng số tờ giấy thi của mình và ký xác nhận; đảm bảo không xảy ra nhầm lẫn, thiếu sót.
Lưu ý bắt buộc với thí sinh trong tất cả các ngày thi là phải có mặt tại phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 15 phút.
Lịch thi chính thức Bộ GD&ĐT.
Theo VTC
Video: Thí sinh Quảng Trị được phát sữa miễn phí trước mỗi buổi thi THPT Quốc gia 2019 Đoàn trường THPT Bùi Dục Tài (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) phát sữa miễn phí cho thí sinh trước mỗi buổi thi THPT Quốc gia khiến nhiều người xúc động. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, thí sinh ở Quảng Trị phải đối mặt với cái nắng lên tới 41 độ C. Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh tham...