Những bông hoa ngát hương
Những ngày này, cả nước tưng bừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Hơn một triệu giáo viên, nhà giáo của cả nước đã được đón nhận sự tri ân của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và toàn xã hội đối với sự nghiệp trồng người cao quý và vẻ vang.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ tặng hoa chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam cho giáo viên Trường Chuyên biệt tương lai.
Nghìn lời tri ân không bao giờ là đủ
Đối với những giáo viên đang giảng dạy tại các lớp học tình thương cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì hàng trăm, hàng nghìn lời cảm ơn, lời tri ân cho thầy cô sẽ chẳng bao giờ là đủ…
Gắn bó với lớp học tình nguyện gần 20 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hồng (trú tại phường Hương Sơ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế), vẫn miệt mài hằng ngày đem những con chữ của mình để giảng dạy cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại nhà văn hóa cộng đồng (thuộc phường Hương Sơ) với mong muốn những em thiếu may mắn có được những kiến thức cơ bản để làm hành trang bước vào đời.
“Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em nhỏ không được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, nên chúng tôi đã mở lớp học này, đồng thời đứng ra vận động nhiều gia đình cho các cháu đến học tại lớp học này” – cô Hồng chia sẻ.
Cũng giống như cô Hồng, gần 30 năm qua cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh âm thầm mở lớp học tình thương tại phường Kim Long (Tp Huế) để dạy miễn cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Đa số các em học sinh ở đây đều thuộc gia đình nghèo, ban ngày thì phụ gia đình làm việc kiếm thêm thu nhập nên buổi tối mới có thời gian đến lớp học tình thương của cô Hạnh để biết thêm con chữ.
Tại trường Chuyên biệt tương lai thuộc Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên-Huế ngôi trường bán trú dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Trường được thành lập nhằm tạo điều kiện cho trẻ chậm phát triển trí tuệ có cơ hội được đến trường, được học tập, được vui chơi cùng bạn bè và phát huy hết khả năng của chính bản thân để sau này có cơ hội được sống độc lập và hòa nhập vào xã hội. Nơi đây hiện đang nhận nuôi dạy bán trú trên 50 cháu khuyết tật mỗi năm.
Đối với những cô giáo nơi đây, niềm vui của các cô đôi khi chỉ là tiếng cười òa sung sướng khi học sinh tự đút được cơm ăn, và nhẹ lòng khi nhìn các cháu bé viết được những nét chữ nguệch ngoạc trên đôi bàn tay bị khiếm khuyết.
Chính sự hy sinh tầm lặng của các cô giáo đang ngày đêm gieo những con chữ đến với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Đau đáu với học trò kém may mắn
Là một trong số những nhà giáo được vinh danh ở giải thưởng Những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2019, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp (Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là người gắn bó nhiều năm với trẻ tự kỷ. Chọn học Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ngay từ khi còn là sinh viên cô giáo Diệp đã có duyên nhận dạy kèm một trẻ tự kỷ. Kể từ đó, cô đã có những trăn trở đầu tiên với đối tượng học sinh đặc biệt này. Tới năm 2003, cô Diệp về dạy tại Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) và được giao nhiệm vụ kèm một học sinh tự kỷ. Khi đó, cô Diệp đã tìm hiểu kỹ hơn về trẻ mắc chứng tự kỷ với các biểu hiện nặng, nhẹ khác nhau. “Em ấy không thể ngồi tập trung học, không nghe lời cô nói ngay nên phải kiên trì hướng dẫn em từng việc nhỏ.. Cũng có những khi cảm thấy bất lực vì hướng dẫn rất nhiều lần em vẫn chưa thực hiện được, nói trước quên sau nhưng dần dần những nỗ lực của mình cũng đạt được thành tựu khi hướng em được vào các hoạt động học tập bình thường”- cô Diệp tâm sự.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp cùng học sinh hỗ trợ các bạn mắc chứng tăng động vào giờ ra chơi.
Video đang HOT
Trải qua việc dạy học ở các Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, Trường tiểu học Tân Mai… đều gắn bó với việc giảng dạy có trẻ mắc chứng tự kỷ, tăng động… trong lớp, cô Diệp càng có thêm những kinh nghiệm để tiếp cận, làm bạn với những cô bé, cậu bé đặc biệt này. Thậm chí, sau giờ trên lớp, cô còn tham gia các lớp học, trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ của các tổ chức phi chính phủ để có thêm nhiều hiểu biết liên quan đến lĩnh vực này. Đặc biệt, cô Diệp cũng tham gia CLB cha mẹ trẻ tự kỷ để nghe phụ huynh chia sẻ, hiểu hơn các học sinh của mình cũng như cách tiếp cận các em làm sao có hiệu quả. Đến năm học 2018-2019, cô đã tự mình mày mò và nghiên cứu, thiết kế thành công phần mềm Hỗ trợ trẻ khuyết tật (Trẻ tự kỉ, phổ tự kỉ, tăng động giảm tập trung) ở môn Toán, Tự nhiên xã hội, giai đoạn 1(lớp 1,2,3).
Ưu điểm của phần mềm này là các bài học được thiết kế đơn giản, đưa nhiều hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy giúp trẻ dễ tiếp thu. Bởi cô hiểu, đây là những thế mạnh của các em cần được phát huy triệt để so với những phần mềm dạy học thông thường khác. Nhiều phụ huynh trong CLB cha mẹ trẻ tự kỷ đã tiếp cận với phần mềm này và cho biết sản phẩm thân thiện, hữu ích, giúp cha mẹ cùng con tự học tại nhà, tự rèn luyện…
Là giáo viên luôn gương mẫu và nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn không ngừng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cô Diệp ngoài thời gian giảng dạy tại trường đã sẵn sàng dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc chăm sóc, dạy dỗ học sinh mắc chứng tăng động, giảm tập trung, học sinh tự kỷ. Cô Diệp hy vọng, trong tương lai, sẽ có nhiều trẻ tăng động, giảm tập trung được rèn luyện kĩ năng tự học, tự khám phá thế giới xung quanh bằng phần mềm của cô.
Nguyễn Quốc – Thu Hương
Theo daidoanket
Những trang giáo án nặng tình thương
8 giờ sáng thứ Bảy, khi tôi đến chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội), lớp học tình thương dưới tán cây thị già của cô giáo Lê Thị Hòa đã vào giờ học.
Tiếng cô giáo giảng bài vang lên giữa vườn bưởi trĩu quả, xóa tan bầu không khí tĩnh mịch nơi đây.
Cả buổi được thấy cô Hòa và các em học sinh học tập, vui chơi, tôi mới thấy hết được tình thương và lòng tận tụy của cô dành cho những đứa trẻ tật nguyền. Danh hiệu "Công dân thủ đô ưu tú" năm 2019 chính là sự ghi nhận những hy sinh thầm lặng của cô trên hành trình nhọc nhằn gieo con chữ gần 20 năm qua...
Lớp học với 2 chiếc bảng đen
Chẳng phải lớp 1A hay lớp 2B nào cụ thể, tấm biển trước cửa lớp đề "Lớp học tình thương". Bởi các em đến đây không cùng trang lứa, có em 6-7 tuổi nhưng có học trò đã ở tuổi 29-30. 66 em học sinh là 66 cơ thể tật nguyền, ốm yếu, trí não chậm phát triển, với những khác biệt về nhận thức và hành vi.
Chẳng thể có một chương trình học thống nhất cho cả lớp, cô Hòa phải kiên trì, nhẫn nại uốn nắn cho từng em theo những cách riêng. Trang giáo án mà cô Hòa dùng để dạy và dỗ các em hằng ngày được viết nên từ tình thương, từ niềm mong mỏi các em sẽ nên người.
Lớp học sạch sẽ và gọn gàng, những bức họa mô tả thuyết nhân quả của nhà Phật treo trên tường ngay ngắn. Điều đặc biệt, vật dụng gì trong lớp học cũng nhân đôi, đặt ở hai đầu lớp: 2 tủ sách, 2 bàn giáo viên, 2 chiếc bảng đen... Là bởi cô Hòa chia lớp ra 2 nhóm, một nhóm học chữ cái, học ghép vần, một nhóm đã biết đọc biết viết sẽ tập làm toán, viết chính tả.
Bàn ghế trong lớp cũng chẳng đều nhau. Có những chiếc bàn, chiếc ghế nhỏ xíu kê ở đầu lớp mà khi nhìn thấy tôi liền tưởng tượng đến những đồ vật của 7 chú lùn trong truyện cổ tích. Có những bộ bàn ghế cao đặt giữa lớp cho những học sinh tuổi 29-30.
Cô Hòa kiên trì bắt tay học sinh uốn từng con chữ.
Cô giáo Hòa thoăn thoắt di chuyển giữa 2 bục giảng, khi thì dạy các con đánh vần, lúc lại hướng dẫn những phép toán cộng trừ, viết chính tả. Trong bài học của cô, những bài tập viết đều là lời kinh Phật, có nhiều câu chuyện minh họa cho luật nhân quả, lòng hướng thiện, về cách cho đi và nhận lại yêu thương.
"Miệng cái bát là chữ o, đặt cái đũa hướng ngược lên là chữ d, đặt ngược xuống là chữ q..." - bài giảng về chữ cái học được từ người mẹ, giờ cô đem dạy cho bọn trẻ, dễ nhớ dễ thuộc vô cùng. Lớp học sôi nổi, những đôi mắt hướng về cô Hòa chăm chú như nuốt từng lời, những cánh tay đồng loạt xung phong phát biểu.
Dù rằng lời các em nói chẳng tròn vành rõ tiếng, dù phải mất nhiều thời gian mới diễn đạt xong một câu nhưng cô Hòa vẫn động viên, khen ngợi, vẫn hiểu được những lời các em muốn nói. Chính điều đó khiến những đứa trẻ đặc biệt này có được cảm giác là học sinh thực sự, được yêu thương thật lòng.
Ngồi dưới gốc xoài cổ thụ, bác Nguyễn Văn Sơn (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) luôn hướng cặp mắt về phía lớp học, lắng nghe tiếng cô Hòa giảng bài. Mỗi khi thấy cô gọi đến tên con gái Nguyễn Thùy Dung đứng dậy phát biểu, bác vui lắm. Niềm vui giản dị của người cha đã gần 7 năm đưa con gái vượt 25 cây số đến học ở chùa.
Bác bảo, chính cô Hòa đã giúp bác bớt đi những buồn lo, thêm động lực để chăm lo cho cô con gái 20 tuổi nay đã tiến bộ rất nhiều. Cả tuần, Dung bần thần nhớ cô Hòa và các bạn, chỉ mong đến Thứ bảy, Chủ nhật để được đến lớp...
9 giờ sáng, cả lớp ra chơi, ùa ra sân chùa như đàn ong vỡ tổ và cùng cô chơi trò mèo đuổi chuột. Tuy bước chạy chẳng đều chân, chưa nhanh nhẹn nhưng gương mặt các con tươi vui, hào hứng. Những lúc ấy, cô Hòa cười vang cùng bọn trẻ, cổ vũ hết mình, bởi cô đã thực sự hòa vào thế giới của các em. Lớp đông là thế nhưng bạn nào cũng muốn được gần cô, được cô nắm tay, khoác vai, được cô ôm vào lòng.
Sư bà chùa Hương Lan nói với tôi rằng, để có được những đôi mắt lấp lánh niềm vui, những nụ cười giòn tan kia, cô giáo Hòa đã phải đánh đổi biết bao sức lực, những giọt nước mắt và những niềm đau suốt quãng đời gần 20 năm qua. Cô vừa giảng dạy, vừa làm tổng phụ trách, vừa như người mẹ chăm sóc các con, duy trì việc học và chơi nề nếp và kỷ luật.
Cô Lê Thị Hòa tại buổi vinh danh "Công dân thủ đô ưu tú" năm 2019.
Trong khuôn viên chùa rộng rãi và yên bình, không gian nào cũng trở thành nơi cô Hòa dạy các em cách trồng hoa giúp nhà chùa, giữ gìn cảnh quan, rồi học múa học hát, học kỹ năng tự vệ, học cách vệ sinh cá nhân để giữ mình sạch đẹp trước cô và các bạn...
Cô Hòa tự hào khoe với tôi thành tích của lớp khi chỉ còn 3 em chưa biết tự vệ sinh cá nhân. Các em lớn đã đọc thông viết thạo, biết làm toán, biết quan tâm và yêu thương mọi người, biết dọn dẹp lớp học. Có em còn biết sử dụng máy vi tính. Sự tiến bộ của các em chính là động lực để cô Hòa duy trì và hết lòng với lớp học tình thương, là tia hy vọng các em sẽ thành người có ích cho xã hội.
"Ngân hàng nhân quả"
Cô Hòa nói với tôi rằng, khởi nguồn của lớp học tình thương chính là từ những lời dạy của người cha đã mất. Cha mẹ cô đều là trẻ mồ côi, mẹ không biết chữ, người cha chỉ được học hết lớp 3 nhưng viết chữ rất đẹp. Ấy vậy mà họ vẫn nuôi nấng, dạy dỗ các con nên người. Cha thường bảo các con phải cố gắng học tập để sau này giúp ích cho đời, đặc biệt là nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Năm 1997, cô lấy chồng và về dạy học ở Trường Tiểu học Đông Sơn. Ngày ấy trong xóm có những đứa trẻ bị thiểu năng và khuyết tật, ngày ngày lang thang đầu đường cuối xóm, chẳng được học hành. Cô thấy thương nên đã gom chúng lại và mở một lớp học miễn phí tại nhà vào năm 2002. Điều kiện thiếu thốn, cô chắt chiu từng mẩu phấn, từng trang vở, chắt chiu cả tình yêu thương cho những đứa trẻ đáng thương.
"Lúc bắt đầu mở lớp học, nhiều người bảo tôi là hâm. Họ nói rằng tôi gom những đứa trẻ khuyết tật này thành một nhóm thì biết dạy chúng cái gì. Nhưng họ đâu biết rằng, thẳm sâu trong mỗi đứa trẻ khiếm khuyết là nỗi khát khao được cắp sách đến trường, được chơi đùa cùng bạn bè, được cô giáo quan tâm, dạy dỗ mà chẳng thể diễn đạt thành lời. Có những tiếng mà phải mất đến 5 buổi học, con mới phát âm được. Khi đó, tôi vui đến trào nước mắt" - cô giáo Lê Thị Hòa chia sẻ.
Tấm lòng cô giáo luôn rộng mở, nên lớp học ngày một đông. Cô bất lực khi các con đến xin học mà không đủ chỗ ngồi. Nung nấu ý định mở lớp học với quy mô lớn hơn, cô đem ước nguyện của mình đề đạt với sư thầy trụ trì chùa Hương Lan. Thầy ủng hộ và động viên cô viết đơn, nhờ cậy sự giúp đỡ của lãnh đạo xã và phòng giáo dục huyện để xin mở lớp.
Ngày 14-9-2007, lớp học tại chùa khai giảng với 42 em học sinh. Cô Hòa vận động các cô giáo đã về hưu đến chùa cùng cô quản lý lớp học. Đến bây giờ, sĩ số lớp đã lên tới 66 học sinh đến từ nhiều xã trong huyện, nhiều em cách chùa hàng chục cây số cũng theo học.
Gần 20 năm qua, cô Hòa không có một ngày nghỉ trọn vẹn, bởi ngoài thời gian trong tuần dạy học ở Trường Tiểu học Đông Sơn, Thứ bảy, Chủ nhật nào cô cũng miệt mài với lớp học tình thương. Một học sinh mới đến, là một hành trình rèn luyện, uốn nắn lại lặp lại. Có khi bắt tay cả buổi, bàn tay của các em mới ấm lên, mềm ra một chút để bắt đầu những nét chữ đầu tiên.
Giờ ra chơi, cô Hòa cùng các em chơi trò mèo đuổi chuột.
Các em đến học hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em bố mẹ mắc dị tật, không có khả năng lao động. Bởi vậy, không chỉ là chuyện dạy dỗ, mà sách bút, quần áo cũng nhờ cả vào các cô và nhà chùa. Để duy trì được lớp học tại chùa 12 năm qua, có biết bao nhiêu khó khăn mà cô Hòa đã vượt qua. Đó là lúc các phụ huynh không kiên trì bền bỉ, các con lại hay đau ốm, thường xuyên phải đi bệnh viện. Sách vở cũng thiếu, đồ dùng học tập không có, các con thích tô màu mà chẳng đủ bút màu.
Những lúc như thế, cô Hòa trăn trở và đau lòng lắm. Đó là lúc có em học sinh không làm chủ được hành vi, thường tự làm đau bản thân, thậm chí cắn cô và các bạn. Mặc cho việc mình đang bị cắn, cô giữ chặt trò trong vòng tay, cô khóc và trò cũng khóc, cho đến khi qua cơn đau, khi tinh thần của trò dịu lại. Những lúc các em mắc lỗi, cô không nỡ quát mắng mà thường ôm chúng vào lòng và thủ thỉ. Bọn trẻ hiểu những lời cô nói và những việc cô làm, chúng yêu cô và gọi cô là mẹ.
Nhớ năm 2015, mẹ Hòa ốm nặng, phải điều trị dài ngày trong bệnh viện. Vắng cô, các con gọi điện hỏi thăm. Cô nghe những lời nói ngô nghê và chậm rãi "Mẹ đừng chết nhé" mà nước mắt lăn dài trên gò má. Đó là nguồn sức mạnh giúp cô Hòa chiến thắng bệnh tật để tiếp tục được ở bên các con mỗi cuối tuần.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô giáo Lê Thị Hòa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và có đóng góp không nhỏ trong việc dạy học sinh khuyết tật. Cô còn là một tổng phụ trách giỏi, liên tục từ năm 2004 đến 2018 đã đưa Liên đội Trường Tiểu học Đông Sơn trở thành liên đội mạnh cấp thành phố, được Trung ương Đoàn tặng bằng khen cùng danh hiệu "Tổng phụ trách giỏi".
Cô cũng đạt danh hiệu giáo viên "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" cấp huyện 5 năm liền (2008-2013); "Nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật" năm 2014; danh hiệu "Người tốt, việc tốt" thành phố Hà Nội. Đặc biệt, năm 2019, cô Lê Thị Hòa được vinh danh là "Công dân Thủ đô ưu tú".
Hỏi cô giáo Hòa về danh hiệu mà cô vinh dự được nhận, cô bảo sẽ không bao giờ quên giây phút ấy, được bắt tay người anh hùng dân tộc La Văn Cầu, được cùng lớp học tình thương đến thăm lăng Bác. Đó sự động viên lớn lao để cô tiếp tục hành trình giúp đỡ nhiều em nhỏ đáng thương. 12 giờ trưa, cô Hòa vẫn đang đọc truyện cho một vài học sinh nghe khi bố mẹ các em chưa kịp đến đón con. Chỉ khi nào các con về hết, cô mới yên tâm rời lớp.
Tôi nhớ đến lời của sư bà chùa Hương Lan, rằng cô Hòa luôn toàn tâm với những đứa trẻ tật nguyền và cô sẽ có trong tâm cả một ngân hàng nhân quả, cô luôn trao yêu thương và sẽ luôn nhận được yêu thương...
Huyền Châm
Theo cand
Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 Ngày 20.11 tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã trang trọng tổ chức buổi chào mừng, tri ân các thế hệ thầy cô đã và đang công tác tại trường nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Các đại biểu và các thế hệ lãnh đạo, giảng viên nhà trường dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ Gửi...