Những bộ óc tuyệt nhất đang dùng vào việc nhỏ
Những bộ óc tuyệt vời nhất của trường đại học Việt Nam đang bị dùng vào một việc rất nhỏ là mưu sinh để tồn tại.
Đó là lý do TS Nguyễn Thị Từ Huy quyết định từ bỏ công việc dạy học để chuyển sang làm việc ở Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục (Institute for Research on Educational Development), gọi tắt là “Viện IRED”, một công việc cho phép chị tiếp tục đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam.
VietNamNet có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Từ Huy, người lấy bằng tiến sĩ văn chương của ĐH Paris 7 về hình ảnh của người thầy đại học ngày nay.
PV: Vì sao chị rời bỏ nghề giảng viên để chuyển sang làm nghiên cứu giáo dục?
TS Nguyễn Thị Từ Huy: Làm giảng viên, để có thể sống được, tôi buộc phải đi dạy quá nhiều, không có thời gian cho công việc nghiên cứu. Qua các giờ giảng cho bậc cao học và nghiên cứu sinh mà tôi từng tham dự ở Pháp, phát hiện quan trọng nhất của tôi là: giảng viên không truyền thụ kiến thức, giảng viên làm công việc sản xuất ra kiến thức (nghiên cứu). Bài giảng là các nghiên cứu mới của họ, không lặp lại của người khác, và không lặp lại chính họ. Ở trình độ cử nhân, có những loại bài giảng nhằm tổng hợp kiến thức hoặc diễn giải phân tích các tác, giả tác phẩm kinh điển.
Tuy nhiên, xem xét kỹ ta thấy các diễn giải đó đều ít nhiều mang dấu ấn cá nhân của người giảng dạy. Viện IRED sẽ cho tôi cơ hội gắn bó với công việc nghiên cứu mà tôi yêu thích, và hơn cả yêu thích, nghiên cứu là điều kiện cho sự phát triển và hoàn thiện. Có hiện tượng nào trong đời sống có thể đạt chất lượng cao, đạt hiệu quả mà không cần tới sự nghiện cứu không? Tôi nghĩ muốn phát triển giáo dục cần có những nghiên cứu cẩn thận.
TS Nguyễn Thị Từ Huy.
PV: Những giảng viên ĐH hiện nay có thể coi là nguồn trí thức rất quan trọng của đất nước, nhưng theo chị, họ có đang được sử dụng đúng với tiềm năng của họ? Phải chăng chúng ta đang không để cho “những bộ óc mạnh nhất, những bộ óc tuyệt vời nhất phải được dùng để giải quyết các vấn đề lớn nhất” (Bill Gate) mà diễn ra tình trạng ngược lại như chị từng phát biểu: “nhiều trí tuệ mạnh đã chỉ được sử dụng để giải quyết những việc rất nhỏ nhặt, đôi khi buộc phải dùng chỉ để giải quyết vấn đề mưu sinh cá nhân mà thôi”?
Video đang HOT
TS Nguyễn Thị Từ Huy: Đa số những đồng nghiệp trẻ của tôi, những sinh viên xuất sắc được giữ lại làm việc ở các trường đại học đều là những người rất có năng lực. Nhưng năng lượng của họ, chất xám của họ, trí tuệ của họ phần lớn bị tiêu dùng vào việc làm thế nào để tồn tại, bởi vì đồng lương không cho phép họ tồn tại, thậm chí chỉ tồn tại ở mức độ tối thiểu.
“Nếu giảng viên đại học của chúng ta có mức lương đủ sống, điều kiện làm việc tương tự thì khả năng của họ không thua kém giảng viên nước ngoài” (TS Nguyễn Thị Từ Huy)
Những cựu lưu học sinh nước ngoài như chúng tôi thường chia sẻ với nhau ý nghĩ rằng chúng ta (các giảng viên ĐH) sẽ không thua kém quá nhiều các đồng nghiệp trên thế giới như hiện nay, nếu chúng ta có điều kiện làm việc tương tự. Tôi thực sự rất đau lòng khi nhìn thấy nguồn năng lượng chất xám, nhiệt tình và tâm huyết của “những bộ óc mạnh” đang bị lãng phí hàng ngày hàng giờ trên đất nước này nơi đang rất cần đến trí tuệ để phát triển xã hội.
Làm sao có thể nâng cao chất lượng đại học nói riêng và giáo dục nói chung khi mà giáo viên phải sống dưới mức nghèo khổ như hiện nay, khi mà chất lượng giảng dạy và nghiên cứu bị hy sinh một cách không thể tránh khỏi trước nhu cầu “phải sống”? Có lẽ là tôi quá bi quan khi nghĩ như vậy, nhưng làm sao chối bỏ được thực tế. Mọi mong muốn nâng cao chất lượng sẽ chỉ dừng lại ở mức độ mong muốn mà thôi, nếu điều kiện sống tối thiểu của giáo viên không được bảo đảm, và nếu không đảm bảo được điều kiện căn bản của giáo dục: tự do học thuật, tự do giảng dạy và tự do học tập.
PV: Chị từng viết:”Thầy không chỉ truyền dạy cho trò, mà còn đánh giá được các giá trị của trò” nhưng cũng viết “sinh viên có nghĩa vụ phải vượt qua giảng viên, người thuộc về thế hệ trước”, chị giải thích điều này như thế nào?
TS Nguyễn Thị Từ Huy: Quan hệ thầy trò đúng nghĩa không chỉ là quan hệ giữa người cung cấp tri thức và người tiếp nhận tri thức, mà còn là quan hệ giữa người giữ vai trò đào luyện văn hóa và người sẽ bảo tồn và phát triển các giá trị của cả nền văn hóa, ở phạm vi hẹp của một quốc gia và ở phạm vi rộng của nhân loại.
Nhìn như vậy thì thầy là một giá trị và trò cũng là một giá trị. Lúc đó người thầy sẽ xem học trò như là các giá trị mà mình cần góp phần xây dựng và góp phần vào quá trình tự xây dựng các giá trị của trò. Người thầy không thể giúp trò tự xây dựng các giá trị của mình nếu như họ không đánh giá được rằng mỗi học sinh có những giá trị riêng như thế nào, nếu họ không đánh giá được khả năng và thế mạnh của học sinh.
Người thầy cần hiểu rằng việc học sinh có thể giỏi hơn họ ở nhiều phương diện là chuyện bình thường. Và người học trò cần hiểu rằng mình phải cố hết sức để đi xa nhất có thể trong khả năng của mình, và đi xa hơn cả thầy, vì như thế mới tạo nên sự phát triển, không chỉ cho chính mình mà cho cả xã hội.
Tuy nhiên chúng ta không nên tuyệt đối hóa chữ “vượt qua”. Có những đầu óc không bao giờ nhân loại vượt qua được. Người ta thừa nhận rằng cho đến nay nhân loại đã tiến những bước dài trên con đường nhận thức thế giới và nhận thức chính mình, nhưng vẫn chỉ là giải quyết những gì đã được đặt nền móng bởi các đầu óc khổng lồ thời Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên một trong những nghĩa vụ làm người của mỗi cá nhân là phải vượt qua chính mình và nghĩa vụ của mỗi thế hệ là phải đi xa hơn thế hệ trước. Điều đó làm nên sự phát triển.
PV: Từng là giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, chị thấy sinh viên ngày nay học tập như thế nào? (Sự chủ động thay vì thụ động, lòng khát khao kiến thức, tự nghiên cứu, tính sáng tạo, khả năng ngoại ngữ…)
TS Nguyễn Thị Từ Huy: Trước đây, trong các giờ giảng của mình, tôi thường để cho sinh viên tự tìm hiểu tác phẩm (sáng tác và lý luận) ở nhà và thuyết trình phần chuẩn bị của họ ở trên lớp. Do vậy, những gì họ bộc lộ cho tôi thấy là sự chủ động, khả năng tìm kiếm các nguồn tư liệu một cách độc lập, khả năng xử lý tư liệu. Một số sinh viên đã làm tôi ngạc nhiên về những ý tưởng độc sáng của họ khi họ vận dụng một vài kiến thức lý luận để phân tích thực tế sáng tạo.
Tuy nhiên, nguồn tư liệu tiếng Việt của chúng ta, trong lĩnh vực hẹp của tôi là lý luận về văn chương, không có sự đa dạng, và không cập nhật được thời sự của giới nghiên cứu ở lĩnh vực này trên thế giới. Và sinh viên, dù chủ động đến mấy, thì cũng không thể tự sáng tạo ra các phương pháp hay cách thức nghiên cứu riêng của họ, khi mà các bờ vai khổng lồ còn ở đâu đó rất xa xôi. Chúng ta đều biết rằng ta chỉ có thể tư duy trên cơ sở kết quả tư duy của người khác mà thôi.
Còn về năng lực ngoại ngữ thì không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn là sinh viên ngành khoa học xã hội nhìn chung yếu kém về ngoại ngữ. Trước tình trạng thiếu trầm trọng các tác phẩm dịch như hiện nay thì ngoại ngữ là một công cụ hết sức quan trọng để tiếp xúc với các nguồn tư liệu, với sự hỗ trợ kỳ diệu của Internet.
PV: Điều sinh viên phải làm là suy nghĩ (chứ không phải học thuộc lòng) về những gì giảng viên nói, SV cần biết cách hoài nghi và phản biện để có thể đi tới xác lập sự tin tưởng trên cơ sở của lý lẽ và lập luận. Tại các lớp chị dạy, có bao nhiêu phần trăm sinh viên làm được điều này?
TS Nguyễn Thị Từ Huy: Tôi nghĩ rằng hầu hết SV có khả năng làm điều này, nếu có sự khích lệ đồng bộ của tất cả các giảng viên. Nếu (lại nếu) chỉ có một số giảng viên khuyến khích hoài nghi, phản biện, trong khi một bộ phận vẫn giảng dạy, ra đề thi và chấm điểm theo kiểu thầy truyền thụ kiến thức, trò ghi nhớ đầy đủ, trung thành với quan điểm của giáo viên thể hiện trong bài giảng, thì dưới áp lực của điểm số, SV sẽ khó có thể xây dựng khả năng hoài nghi, phản biện, (áp lực của điểm đồng nghĩa với áp lực về cơ hội công việc sau khi ra trường).
Một số ít sinh viên rất bản lĩnh và có ý thức đầy đủ về giá trị cá nhân và về khả năng tư duy của họ, điều khiến họ chấp nhận những điểm số thấp, đổi lại là giữ được sự độc lập trong nhận thức và trong việc trình bày nhận thức riêng. Tuy nhiên rủi ro là những sinh viên đó sẽ gặp khó khăn khi tìm việc, và các nhà tuyển dụng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ mất những người có năng lực thực sự nếu việc tuyển dụng chỉ dựa trên hồ sơ (ở đây chúng ta giả định là đã loại bỏ những “tiêu chí” tuyển dụng khác như quan hệ cá nhân, phong bì, quyền lực…giả định là nhà tuyển dụng muốn chọn những người có năng lực).
PV: Giáo dục thế giới đang trở thành một “công nghệ” nhiều hơn là sáng tạo, chị có đồng ý như vậy không?
TS Nguyễn Thị Từ Huy: Theo những kinh nghiệm cá nhân mà tôi có được khi tiếp xúc với các khoa về khoa học xã hội của một số trường đại học ởParis thì không thấy có gì mang tính công nghệ. Các kỹ thuật như máy chiếu rất ít được sử dụng, trừ khi họ dùng để chiếu các tư liệu ảnh, phim…Dạy học đòi hỏi các phương pháp. Các kỹ năng giảng dạy có thể được công nghệ hóa. Tuy nhiên dạy học là cả một nghệ thuật.
Đó không phải là nghệ thuật thôi miên học trò, mà đó là nghệ thuật thức tỉnh năng lực tư duy, nhận thức, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, đánh thức các khát vọng và bồi đắp cảm xúc, mở rộng nhãn quan… Nghệ thuật ấy đòi hỏi người thầy cũng phải huy động tất cả những năng lực đó ở chính mình.
Công nghệ chỉ là phần phụ trợ, theo tôi. Hơn nữa, chính các sinh viên của tôi nhận thấy rằng công nghệ “chiếu chép” ngày nay, nếu không cẩn thận, còn nguy hiểm hơn hình thức đọc chép cổ truyền. Vì trong quá trình đọc chép, dù sao sinh viên vẫn còn phải để cho não bộ hoạt động, não cần phải ghi nhớ những gì nghe được trước khi chép ra giấy. Còn công nghệ “chiếu chép” có nguy cơ thủ tiêu hoàn toàn các chức năng của não bộ, chỉ còn lại mắt và tay hoạt động mà thôi. Và công nghệ “copy-paste”, được sinh viên vận dụng khi chuẩn bị bài thuyết trình, hoàn tất nốt quá trình thủ tiêu các năng lực tư duy, và tạo điều kiện cho nạn dịch đạo văn phát triển.
PV: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này.
TS Nguyễn Thị Từ Huy đã hoàn thành bậc Tiến sĩ ngành Văn học Pháp đương đại, Khoa Lettres, Art et Cinéma, Đại học Paris 7 năm 2004-2008. Chị vừa rời bỏ vị trí giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ của ĐHKHXH&NV (TP.HCM).
Theo Hương Giang
VietNamNet
Thảo luận dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra trong hai ngày 25-26/9, Chính phủ đã thảo luận về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, một trong 3 khâu đột phá có ý nghĩa quyết định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, mục tiêu tổng quát phát triển giáo dục đến năm 2020 được nêu trong dự thảo Chiến lược là nền giáo dục Việt Nam được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành được chú trọng; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.
Từ mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể của Chiến lược được xác định là, đối với giáo dục mầm non, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015, đến năm 2020 có ít nhất 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 85% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm xuống dưới 10%.
Về giáo dục phổ thông, đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học.
Về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, đến năm 2020 có 25% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và 30% tốt nghiệp trung học phổ thông học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo khoảng 350-400 trên một vạn dân; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học khoảng 70%.
Về giáo dục thường xuyên, đến năm 2020, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98% và tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 là 99% đối với cả nam và nữ.
Để đạt được các mục tiêu, 7 giải pháp đã được đề ra gồm đổi mới quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng cường các nguồn đầu tư cho giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng, với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường hỗ trợ giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học giáo dục và cuối cùng là mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục.
Chiến lược cũng thể hiện rõ những điểm mới trong những quan điểm phát triển giáo dục, mục tiêu phát triển giáo dục, giải pháp phát triển giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết.
Thảo luận về Chiến lược, các thành viên Chính phủ cơ bản đồng tình với các nội dung của chiến lược, cho rằng Chiến lược được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể; phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XI và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm 2011-2020...
Khẳng định sự cần thiết ban hành Chiến lược, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng nội dung của Chiến lược cần được cụ thể hóa hơn, làm cho nội dung chiến lược không mang tính nghị quyết; đồng thời lưu ý tới việc cân đối nguồn lực trong quá trình thực hiện Chiến lược.
Khẳng định việc tăng cường các nguồn lực cho giáo dục là hết sức cần thiết, và trên thực tế nguồn ngân sách dành cho giáo dục-đào tạo ngày càng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và một số thành viên Chính phủ đề nghị Chiến lược cần thể hiện rõ việc quản lý, phân bổ và sử dụng như thế nào để nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục-đào tạo đạt hiệu quả tốt nhất; đồng thời cũng làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế của nền giáo dục trong những năm qua.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đề nghị Chiến lược cần quan tâm tới việc đổi mới mô hình quản lý giáo dục, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, không nên coi các trường học chỉ là trung tâm đào tạo mà phải là cả trung tâm nghiên cứu khoa học. Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, trong giải pháp thứ 7 về phát triển giáo dục không nên viết nội dung là "Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục" mà nên thay cụm từ "hợp tác quốc tế về giáo dục" bằng cụm từ "hội nhập quốc tế về giáo dục," Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cùng ý kiến cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục-đào tạo ở những vùng sâu, vùng xa, qua đó góp phần tạo nền tảng cơ bản để xóa đói, giảm nghèo ở những vùng khó khăn này...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đề xuất Chiến lược nên có mục tiêu cụ thể đến năm 2020 Việt Nam sẽ có bao nhiêu trường đại học đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, cùng với đó Chiến lược cũng nên đề cập đến các nội dung liên quan đến học phí; vấn đề về trường công lập và tư thục; về văn bằng đào tạo...
Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, mô hình tăng trưởng giáo dục của Việt Nam hiện nay theo chiều rộng, quy mô giáo dục được mở rộng quá cỡ, nhiều trường công lập mở ra, chạy theo lợi nhuận là chính; xu hướng thị trường hóa giáo dục đang chi phối; có những hạn chế trong định hướng giáo dục-đào tạo, trong quy hoạch nguồn nhân lực; quản lý giáo dục thiếu chuyên nghiệp; sự gắn kết không chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội; trình độ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa thấp... đây là những hạn chế lớn của nền giáo dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Từ nhận định về những hạn chế, yếu kém nêu trên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề xuất cần có đổi mới trong quy hoạch nguồn nhân lực, có quy hoạch ngành giáo dục, đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách về giáo dục; thay đổi tư duy nhìn nhận về bằng cấp, khoa cử, tránh áp lực xã hội về bằng cấp...
Đi liền với đó là rà soát lại đội ngũ giáo viên, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên; rà soát lại việc tuyển sinh của các trường đại học, nhất là các trường công lập, nếu trường nào 3 năm vẫn chưa tuyển được sinh viên, phải có các biện pháp xử lý kiên quyết.
Cùng tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Phong Tranh cho rằng nên có kế hoạch đào tạo theo địa chỉ để góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực ở những vùng, địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; quan tâm tới vấn đề xã hội hóa giáo dục; chính sách đãi ngộ đối với giáo viên; người quản lý giáo dục...
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Chiến lược đã được chuẩn bị công phu, ý kiến phát biểu thảo luận của các thành viên Chính phủ là cơ bản đồng tình với nội dung của Chiến lược; đối với các thành viên Chính phủ chưa góp ý, Thủ tướng đề nghị góp ý bằng văn bản...
Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT tổng hợp bổ sung ý kiến và hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đây là vấn đề lớn, vấn đề đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; muốn xóa đói giảm nghèo, muốn phát triển theo chiều sâu, muốn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... tất cả là do yếu tố con người, là giáo dục - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Chiến lược có những đánh giá đúng với thực trạng của nền giáo dục, những kết quả đã làm được cùng những tồn tại yếu kém để có hướng khắc phục, giải quyết.
Chiến lược này phải thể hiện được tư tưởng chủ đạo là giải quyết được những tồn tại, yếu kém hiện nay của nền giáo dục, nhất là những tồn tại, yếu kém ở các cấp học về cơ chế tài chính, quản lý, sách giáo khoa, giáo trình; chất lượng giáo dục đại học, tình trạng thiếu giảng viên, thiếu phòng thí nghiệm..., cùng với đó là cần định hướng rõ về vấn đề đào tạo nghề.
Theo TTXVN/Vietnam
GS Ngô Bảo Châu giao lưu với HS, SV Hải Phòng Sáng 8/9, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoc Viện toán học cao cấp Việt Nam, người giành Huy chương Fields - phần thưởng danh giá nhất về toán học thế giới năm 2010 đã có cuộc giao lưu với sinh viên, học sinh và các thầy cô giáo tại Hảng. Buổi giao lưu do Sở GD-ĐT Hảng tổ chức. Tại đây,...