Những bi kịch do bệnh nhân tâm thần gây ra
Cái chết thương tâm của em bé 21 tháng tuổi bị dì ruột giết hại ngày 12/12 đã để lại nhiều nhức nhối trong dư luận. Đây không phải là vụ án mạng đầu tiên do người tâm thần gây ra. Quản lý người rối loạn tâm thần như thế nào vẫn còn là một bài toán khó giải.
Những bi kịch do bệnh nhân tâm thần gây ra
Từ đầu năm đến nay, có rất nhiều bi kịch thương tâm do bệnh nhân tâm thần gây ra để lại những mất mát, đau thương cho gia đình và xã hội.
Cụ thể vào ngày 20/8/09, cháu Hoàng Thị Duyên, sinh năm 2002 ngụ tại Lạng Sơn đã bị một người tâm thần chém chết, phanh thây, …
Căn nhà nơi cháu bé tử vong. Ảnh: Quốc Quang
Ngày 6/12, tại quận 10, TP.HCM, một bệnh nhân tâm thần phân liệt đã xông vào nhà dân trên đường Hồ Bá Kiện, cướp lấy dao làm bếp, leo lên nóc nhà cố thủ. Nam bệnh nhân này vẫn không mảy may sợ sệt dù cảnh sát khu vực đã…nổ súng thị uy.
Video đang HOT
Cùng ngày 6/12, công an quận 3 cũng cho biết, anh Lê Minh H., bị rối loạn tâm thần đã đến một quán ốc quậy phá, đập bàn ghế, đánh gãy tay khách hàng.
Và gần đây nhất, ngày 12/12, bé Nghi Phong Khả My, 21 tháng tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM đã bị dì ruột giết hại.
Dì của bé tên Hy Bảo Trân, sinh năm 1989, bị bệnh rối loạn tâm thần. Trước đó, bé My đã từng 3 lần bị dì mình giết hụt.
Gia đình đóng vai trò quan trọng
Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết, cách đây không lâu bệnh nhân Trân đã từng điều trị tại bệnh viện.
Theo các bác sĩ điều trị, bệnh nhân có nhiều biểu hiện bất thường như: Không ngủ, nói sảng, sợ bị người khác hại, đòi cởi quần áo, phá phách đồ đạc…
Sau khi nhập viện được một tuần, tình trạng bệnh tạm ổn, gia đình đã xin cho bệnh nhân về để điều trị ngoại trú.
“Những bệnh nhân tâm thần có hành vi cố ý giết người do họ bị ý tưởng hoang tưởng liên hệ. Họ sợ bị hại và nghĩ có thể sẽ bị một người nào đó hại nên đã ra tay trước…
Năm ngoái, một bệnh nhân từng điều trị tại bệnh viện cũng đã hại chết một người bán bánh mì dạo.”, bác sĩ Trụ nói.
Số người bị bệnh tâm thần phân liệt chiếm tỷ lệ từ 0,5% đến 1%dân số thế giới. Và 18% đến 20% dân số thường ít nhất một lần có biểu hiện trạng thái tâm lý tâm thần.
Hiện tại, có tổng số hơn 50 bệnh nhân nam, nữ bị tâm thần phân liệt đang được điều trị cấp cứu tại bệnh viện Tâm thần cơ sở Chợ Quán.
Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường có các biểu hiện như rối loạn tư duy, rối loạn hành vi. Ngoài ra, tư duy, hành vi của bệnh nhân không phù hợp với văn hóa, với những khả năng xã hội khác đã đạt được.
Chủ yếu, các bệnh nhân sẽ được dùng thuốc chống loạn thần (có thể là suốt đời) để điều trị. Khi bệnh tình ổn định, bác sĩ sẽ áp dụng thêm những biện pháp trị liệu phù hợp.
Theo bác sĩ Trụ, thái độ và cách chăm sóc của gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhân.
Nhiều gia đình giấu giếm, không muốn mọi người biết người thân bị bệnh tâm thần làm cản trở cho quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh.
Đã có phòng khám tâm thần tại tất cả các quận, huyện
Thân nhân của bệnh nhân tâm thần phân liệt cần phải hiểu, chấp nhận, hướng cho người bệnh suy nghĩ tích cực. Đặc biệt không được tranh cãi trực tiếp hay phản đối những hành vi bất thường của bệnh nhân. Phản ứng trực diện của người thân có thể sẽ làm bệnh nhân càng củng cố ý tưởng của mình.
Hiện nay, tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đều có phòng khám tâm thần. Nếu thấy người thân có biểu hiện bất thường trong sinh hoạt, lời ăn tiếng nói, cư xử khác lạ so với trước, gia đình nên đưa đi khám để được điều trị kịp thời.
Thuốc tâm thần chủ yếu được cấp, phát miễn phí. Bệnh nhân phải được gia đình theo dõi, uống thuốc đầy đủ và tái khám thường xuyên, không cúng bái bằng bùa ngải. Người mắc bệnh tâm thần phân liệt có khả năng tái phát rất cao.
Đối với những trường hợp bệnh nhân tâm thần quậy phá, gây rối loạn trị an, tự sát…cần được sự hỗ trợ của gia đình và chính quyền địa phương đưa đi khám, cấp cứu tại bệnh viện.
Thanh Huyền