Những bất ngờ trong chấm thi THPT quốc gia
Hội đồng chấm thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 bắt đầu làm việc. Một thầy giáo xem là “sát thủ” được phân công chấm vòng 1. Ông làm việc nghiêm túc, chăm chỉ nhưng sau vài bài đầu tiên, hội đồng chấm thi quyết định… thay người!
Giáo viên chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hưng Yên – TUỆ NGUYỄN
Đó là câu chuyện gây nhiều ấn tượng với anh N.T, một giáo viên chấm thi môn văn tại TP.HCM trong các lần tham gia chấm thi kỳ thi THPT quốc gia nhiều năm qua
Giám thị chấm khó quá, phải đổi người!
Theo quy trình chấm thi tự luận, thường mỗi bài thi phải chấm 2 vòng độc lập ở 2 phòng thi khác nhau. Cán bộ chấm thi chấm lần thứ nhất trên phiếu chấm cá nhân, cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi và ghi điểm vào phiếu ghi điểm.
Câu chuyện của thầy giáo kể trên nằm ở chỗ ông chấm… quá khó! Những bài thi đầu tiên ông chấm vòng 1 luôn có số điểm chênh lệch rất nhiều so với các đồng nghiệp chấm thi vòng 2. Khi số điểm chênh lệch như vậy, hội đồng phải họp lại. Cuối cùng, hội đồng chọn phương án… thay giáo viên chấm thi khác.
Theo nhiều giáo viên, chấm thi môn văn, môn tự luận duy nhất của kỳ thi THPT quốc gia, khá căng thẳng nên nhiều người “né” khi được giao nhiệm vụ. Những năm gần đây, sự hăng hái của giáo viên giảm sút nhiều hơn khi công việc căng thẳng nhưng thù lao chưa tương xứng.
Trong những năm trước, khi các môn đều thi bằng hình thức tự luận, với số lượng bài thi lớn, có nhiều sự cố diễn ra. Năm 2008, khi thanh tra chấm thi ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường CĐ Truyền hình Hà Tây, thanh tra Bộ GD-ĐT thấy rằng hai trường chấm không theo quy định. Theo đó, giáo viên chấm bài thi quá nhiều, quá nhanh trong thời gian ngắn, không đầy đủ các bước như Bộ đã quy định trước đó. Thanh tra Bộ bắt buộc cả hai trường này chấm lại.
Bài thi quá bẩn, máy không chấm được!
Việc chấm thi trắc nghiệm phụ thuộc nhiều vào máy chấm thi. Vì máy chấm nên đôi khi bài thi có lỗi khiến máy không nhận diện được. Điều này sẽ khiến thí sinh (TS) mất điểm.
Video đang HOT
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, một TS tại TP.HCM có 2,5 điểm môn tiếng Anh. Sau khi phúc khảo, chấm lại bằng máy, số điểm vẫn giữ nguyên. Nhưng khi chấm lại bằng tay, TS này được 10 điểm. Nguyên nhân được giải thích là giấy làm bài của TS ngắn hơn giấy khác khiến máy không nhận được!
Phần lớn các lỗi có thể chỉnh sửa và quét lại trên máy tính sau khi so sánh với bài làm gốc của TS. Nhưng có những bài thi không thể quét lại được vì máy không nhận diện nổi. Chẳng hạn, bài thi mắc lỗi… quá bẩn! Lỗi này xảy ra khi tay TS bẩn, lúc làm bài lại tì mạnh tay lên giấy.
Phó phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho biết đây là lý do TS đi thi đều được dặn dò kỹ sử dụng bút chì 2B vì loại chì này có độ mịn và độ bóng tốt nhất. Kinh nghiệm cho thấy tô chì càng tốt, giấy càng sạch thì càng ít lỗi khi quét.
Tuy nhiên, có lúc lỗi lại thuộc về máy! Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, kể lại có năm tất cả các bài trắc nghiệm đưa vào máy đều bị lỗi, không nhận diện được. Sau đó, lý do được xác định là phiếu trả lời phát cho TS làm bài quá mỏng. Bộ phận kỹ thuật phải điều chỉnh lại độ nhạy của “mắt thần” để chấm.
Có nhiều vụ gian lận liên quan đến chấm thi. Đỉnh điểm là vụ gian lận thi cử xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình năm 2018. Đây là một tiêu cực tồi tệ nhất trong lịch sử giáo dục nước nhà, với hơn 200 TS đã được sửa điểm. Hệ quả có gần 20 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và công an bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, trong đó có 3 phó giám đốc sở GD-ĐT. Điều không thể tưởng tượng được là đã xảy ra tình trạng mua – bán điểm.
Năm 2011 xảy ra vụ “bắt tay” nới lỏng chấm thi ở các tỉnh ĐBSCL. Lúc này, lãnh đạo sở GD-ĐT 11 tỉnh thành khu vực ĐBSCL đã nhóm họp, bàn bạc và thống nhất đưa ra hướng dẫn chấm thi riêng cho khu vực này theo chiều hướng nới lỏng. Tất cả các môn thi tự luận của hai hệ đào tạo THPT và giáo dục thường xuyên đều có hướng dẫn chấm thi “đặc biệt”.
Sở dĩ phải có cuộc họp nhiều Sở như vậy vì thời điểm này, các tỉnh không tự chấm bài thi của TS mà thực hiện chấm chéo giữa các tỉnh với nhau. Sau cuộc họp, một giáo viên cảm thấy bức xúc và gửi thông tin đến báo chí lên tiếng.
Một người nguyên là lãnh đạo Bộ GD-ĐT trực tiếp xử lý kể lại là thời điểm này hết sức căng thẳng. Dư luận bức xúc cao độ. Bộ GD-ĐT càng căng thẳng hơn khi có thông tin cho rằng việc “bắt tay” này được Bộ đồng ý.
Ngay sau khi có thông tin, chính Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khi ấy là GS-TS Bùi Văn Ga bay vào ĐBSCL, đề nghị triệu tập một cuộc họp gồm giám đốc các sở GD-ĐT và phó chủ tịch UBND phụ trách văn – xã các tỉnh có liên quan. Các tỉnh báo cáo lại toàn bộ câu chuyện. Kết quả cho thấy trong các tỉnh này, có một số tỉnh không làm theo “thỏa thuận” mà vẫn chấm theo ba rem của Bộ.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề nghị các tỉnh phải chấm thẩm định. Nếu các bài thi được chấm “lỏng” hơn so với đáp án của Bộ thì nhất quyết phải chấm lại.
Bàn giao cơ sở, thiết bị chấm thi trước ngày 24.6
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia năm 2019 tại một số tỉnh, thành. Ông Trinh có một số lưu ý quan trọng trong kỳ thi năm nay, trong đó có việc chấm thi.
Ông Trinh lưu ý khu vực chấm thi, đặc biệt là chấm thi trắc nghiệm, các sở GD-ĐT cần trang bị toàn bộ cơ sở vật chất theo đúng quy chế cho các trường ĐH chấm thi. Cần chú ý trang bị hệ thống máy tính chấm thi trắc nghiệm phải đảm bảo theo quy định. Việc bàn giao cơ sở vật chất, thiết bị chấm thi trắc nghiệm cho ĐH làm nhiệm vụ chấm thi cần hoàn tất trước ngày 24.6.
Đối với bài thi tự luận, cần cách ly triệt để việc làm phách cũng như phải bốc thăm, phân chia túi chấm ngẫu nhiên, chấm 2 vòng độc lập. Lưu ý chấm kiểm tra ít nhất 5% các bài thi môn ngữ văn, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.
Đối với việc chấm thi trắc nghiệm, đề nghị chuẩn bị cơ sở vật chất, toàn bộ dữ liệu chấm thi trắc nghiệm đến đâu mã hóa đến đó và do các trường ĐH chủ trì. Phải quản lý chặt chẽ khu vực chấm thi, khu vực bảo quản, lưu trữ bài thi.
Ông Trinh cũng lưu ý việc xử lý các tình huống bất thường trong coi thi, chấm thi cần tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản: tuyệt đối không che giấu thông tin từ phòng thi, phải qua cán bộ giám sát thông tin cho trưởng điểm thi/chủ tịch hội đồng thi biết, không vượt quá các quy định của quy chế và đặt quyền lợi của TS lên trên lợi ích của cán bộ coi thi.
Nếu điểm thấp hơn chấm thanh tra, giám khảo sẽ phải giải trình
Bà Dương Minh Phượng, Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Trương Định, Tiền Giang, có thâm niên 11 năm chấm thi, chia sẻ: “Trước khi chấm, hội đồng chấm môn văn có buổi họp quán triệt đáp án và tinh thần chấm thi để sao cho có ít sự chênh lệch giữa các giám khảo nhất. Thường các môn khác họp rất nhanh, riêng môn văn luôn lâu nhất, do đặc thù riêng. Chúng tôi phải đưa ra nhiều hướng để có thể chấm vừa bám sát với đáp án vừa linh động. Thông thường mỗi bài thi, một giám khảo sẽ chấm trong khoảng 5 – 7 phút tùy vào bài ngắn hay dài, giám khảo đọc chậm hay nhanh.
Theo bà Phượng, có những bài thi mà 2 giám khảo cho 2 mức điểm khác nhau. Nếu chênh nhau dưới 1 điểm thì 2 giám khảo sẽ tự trao đổi để đưa ra mức điểm phù hợp, nếu chênh nhau trên 1 điểm thì phải có ý kiến của nhóm trưởng, nhóm phó. “Thi thoảng cũng xảy ra tình huống như giám khảo bị thanh tra gọi lên để…
giải trình. Ví dụ thông thường sẽ có 25 – 30% bài thi được chấm thanh tra. Nếu điểm của giám khảo thấp hơn điểm chấm thanh tra, thì để tránh trường hợp thiệt thòi cho TS, giám khảo sẽ phải giải thích vì sao chấm “chặt” như vậy. Có những trường hợp bất thường như mức điểm chênh nhau nhiều quá thì phải đưa ra hội đồng biểu quyết (từ 120 – 130 giám khảo)”, bà Minh Phượng chia sẻ.
Đối với các môn trắc nghiệm, tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết máy móc là quan trọng nhất. Vì thế, khâu chuẩn bị liên quan đến những yếu tố kỹ thuật rất cần thiết. Ông Lưu nhìn nhận: “Phải kiểm tra trước về độ phân giải, vì nếu không đạt tiêu chuẩn thì việc nhận dạng màu sắc sẽ không được trọn vẹn. Quy trình chấm sẽ trải qua 4 phần: quét bài, đọc ảnh, sửa lỗi và chấm sau khi nạp đáp án. Nếu việc quét bài không chuẩn về độ phân giải, màu sắc sai lệch… thì việc đọc ảnh sẽ bị ảnh hưởng”.
Mỹ Quyên
Theo Thanh niên
Chọn người có đạo đức tham gia hội đồng thi THPT quốc gia
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, lưu ý những giáo viên được đề cử tham gia các ban của hội đồng thi phải có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao.
Học sinh lớp 12 nghe hướng dẫn điền hồ sơ dự thi THPT quốc gia - Đ.N.T
Ngày 8.4, Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn các trường THPT công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 6.2019.
Theo đó, Sở yêu cầu hiệu trưởng các trường THPT có trách nhiệm trong việc chọn và đề cử cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác thi. Những giáo viên này phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy chế củ Bộ GD-ĐT.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, lưu ý những giáo viên được đề cử tham gia các ban của hội đồng thi phải có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao. Đồng thời nắm vững quy chế và nghiệp vụ công tác được phân công, không trong thời gian bị kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, trong quá trình thu nhận hồ sơ của thí sinh, Sở chỉ đạo các trường cần kiểm tra kỹ ở các khâu như đối chiếu học bạ, giấy khai sinh, các văn bằng, chứng nhận... nhằm đảm bảo chính xác tuyệt đối họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, ghi đủ quận, huyện, tỉnh, thành phố, ghi đầy đủ các cột mục, không bị rách nát, tẩy xóa, có đầy đủ chữ ký của người chịu trách nhiệm từng phần và của cấp quản lý...
Lãnh đạo Sở nhấn mạnh, hiệu trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệmvề điều kiện dự thi của học sinh do vậy phải lập danh sách người học đúng với khai sinh, học bạ, ghi chú các trường hợp được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Kiểm tra toàn bộ hồ sơ đăng ký dự thi và các hồ sơ có liên quan đến kỳ thi, xem xét điều kiện dự thi của thí sinh, quyết định không cho thí sinh dự thi nếu không đủ điều kiện hoặc hồ sơ không hợp lệ.
Đặc biệt, lãnh đạo các trường THPT phải chú ý cho kiểm tra chéo nhiều lần: in ra danh sách để kiểm dò và yêu cầu người học ký tên xác nhận đã đọc rõ các chi tiết. Đặc biệt lưu ý các vị trí điền thông tin môn tự chọn, diện ưu tiên chính sách, điểm khuyến khích cộng thêm ngoại ngữ... Giáo viên chủ nhiệm phải dành thời gian nêu rõ và đủ các chi tiết của hồ sơ để từng học sinh kiểm tra lại và có ý kiến.
Theo quy định, các trường hoàn tất việc kiểm tra thông tin thí sinh và bàn giao danh sách, phiếu đăng ký dự thi cho Sở trước ngày 4.5.
Theo Thanh Niên
Thái Bình: Sẽ công bố điểm thi vào 10 THPT vào chiều 15/6 Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cho biết, Hội đồng chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đã hoàn thành việc chấm thi đối với cả 3 môn thi và đã bàn giao cho bộ phận lên điểm để kiểm dò. Sớm nhất vào chiều nay 15/6, Sở này sẽ công bố điểm thi vào lớp 10. Theo thống kê...