Những bất cập trong đề thi Địa lý THPT Quốc gia 2015
Sau khi buổi thi môn Địa lý kết thúc trong sáng ngày 3/7, PV Báo Người đưa tin đã nhận được phản ánh về những bất cập trong đề thi Địa lý từ một thầy giáo dạy môn này ở Hà Tĩnh.
Ngay sau khi kết thúc môn thi Địa lý kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015thì trong buổi chiều PV Báo Người đưa tin nhận được email của thầy giáo Lê Quốc Châu, mong muốn tòa soạn gửi những thắc mắc của mình đến các chuyên gia ra đề thi môn này của Bộ GD&ĐT.
Thầy giáo Lê Quốc Châu thắc mắc về đề thi Địa lý THPT Quốc gia 2015 (Ảnh minh họa)
Chúng tôi xin được trích nguyên văn những ý kiến của thầy giáo Lê Quốc Châu, giáo viên Địa lý, Trường THPT Cù Huy Cận, Hà Tĩnh:
“Sau khi thi xong môn Địa lý, kì thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh, cha mẹ học sinh cùng đồng nghiệp điện thoại hỏi chúng tôi nhiều câu hỏi. Chúng tôi không trả lời được, đành gửi câu hỏi này đến các chuyên gia ra đề thi của Bộ GD&ĐT. Vì sao cấu trúc đề thi minh họa một đàng, đề thi chính thức lại ra một nẻo? Vì sao có hiện tượng trùng lặp kiến thức trong hai câu hỏi cuối đề?
Video đang HOT
Đề thi môn Địa lý THPT Quốc gia 2015.
Trước hết, đề thi chính thức có sự thay đổi cả hình thức và nội dung câu hỏi. Về hình thức, đó là sự thay đổi thứ tự các câu hỏi. Theo đó, đề minh họa do Bộ công bố trước đó gồm 4 câu lớn, được chia làm nhiều ý nhỏ. Cụ thể, câu I (2,0 điểm) địa lý tự nhiên, địa lý dân cư. Câu II ( 3,0 điểm), địa lý các ngành và các vùng kinh tế. Câu III (2,0) điểm) sử dụng Át lát Địa lý Việt Nam. Câu IV (3,0 điểm) xử lý số liệu, vẽ biểu đồ, nhận xét và giải thích.
Thế nhưng, trong đề thi chính thức, thứ tự cấu trúc này đã thay đổi. Câu I vẫn giữ nguyên như cấu trúc cũ. Câu II sử dụng Át lát Địa lý Việt Nam. Câu III vẽ biểu đồ, nhận xét và giải thích. Câu IV Địa lý các ngành, các vùng kinh tế.
Sự thay đổi hình thức không đáng kể, sự thay đổi nội dung câu hỏi mới đáng bàn. Ở câu II, đề chính thức phân ra 2 câu nhỏ (2 ý nhỏ), ý 1: Yêu cầu học sinh xác định các tỉnh của nước ta có đường biên giới trên đất liền chung với Trung Quốc; ý 2: Kể tên các trung tâm công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong ki đó ở đề minh họa, ý 1 yêu cầu học sinh kể tên, ý 2 lại yêu cầu học sinh dựa vào Át lát Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học để trình bày, phân tích, nhận xét, chứng minh, chứng minh một hiện tượng địa lý Việt Nam. Yêu cầu kiến thức, kỹ năng cao hơn nhiều.
Trước cấu trúc đề như thế, học sinh hỏi chúng tôi, tại sao thầy dạy bọn em cấu trúc đề thi khác, bộ lại ra cấu trúc đề khác? Câu hỏi này chúng tôi nhờ chuyên viên ra đề của Bộ trả lời giúp. Đừng trả lời chúng tôi theo kiểu, đề minh họa, chỉ là minh họa, chưa chính thức nên có thể thay đổi.
Trong khi đó, tại địa phương, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã tổ chức cho chúng tôi 3 đợt tập huấn theo cấu trúc đề minh họa. Đợt 1, tập huấn về xây dựng ma trận và làm đề thi theo đề thi minh họa của Bộ. Đợt 2, tập huấn ôn tập thi THPT quốc gia theo cấu trúc đề thi của Bộ. Đợt 3, tập huấn chấm thi thử theo cấu trúc đề thi minh họa đó. Theo tôi được biết, Bộ có hứa gần đến ngày thi sẽ đưa ra đề thi minh họa thứ hai nhưng chờ mãi không thấy.
Điểm bất cập thứ hai là đề thi chính thức môn Địa lý của Bộ trùng lặp nội dung kiến thức. Ở câu IV, câu 1 đã yêu cầu học sinh: Phân tích thế mạnh về tự nhiên để phát triển công nghiệp khai thác than và dầu khí ở nước ta. Thế nhưng, ở câu 2 tiếp tục yêu cầu học sinh: Chứng minh rằng nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển. Kinh tế biển bao gồm: Đánh bắt-nuôi trồng thủy sản, du lịch biển, giao thông vận tải biển, khai thác-chế biến khoáng sản biển. Khoáng sản biển, nổi bật nhất lại là dầu khí, học sinh lại phải trình bày lại nội dung kiến thức này, trong khi đó, có nhiều phần kiến thức đẹp lung linh lại không ra.
Nguyễn Đức Thạch – Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Ninh Thuận) nhận xét trên facebook cá nhân: “Buồn cho cái đề Địa lý, còn dễ hơn đề tốt nghiệp mấy năm trước. Câu II và III có thể coi là sự xúc phạm đối với các vị “tú tài”. Thật khó để lấy điểm dưới 7″.
Tóm lại, đề chính thức dễ hơn đề minh họa, có thay đổi cấu trúc cả về hình thức lẫn nội dung câu hỏi. Với đề này, chúng tôi dự đoán điểm 7, điểm 8 khá nhiều. Xin gửi về Bộ GD&ĐT câu hỏi số 2: Bộ giải thích gì về sự trùng nội dung kiến thức ở hai câu hỏi nêu trên?.
Tuy nhiên, chúng tôi thừa nhận đề thi môn Địa lý, kì thi THPT quốc gia năm nay vẫn có nhiều ưu điểm. Đó là, đề thi có tính thời sự, tính phân hóa năng lực học sinh, tính bao quát chương trình và tính đặc trưng bộ môn Địa lý.
Tính thời sự thể hiện ở ý 1 câu II: Xác định các tỉnh của nước ta có đường biên giới trên đất liền chung với Trung Quốc. Ngoài ra, tính thời sự còn thể hiện ở ý 2 câu IV: phát triển các ngành kinh tế biển, tài nguyên biển đảo có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế, bảo vệ đất nước.
Tính phân loại học sinh: Đề ra đảm bảo 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nang cao.
Tính bao quát chương trình: Đề thi rải đều từ địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý các ngành, địa lý các vùng kinh tế.
Tính đặc trưng bộ môn: Ngoài yêu cầu các kỹ năng trình bày, phân tích, chứng minh, giải thích như các môn khoa học xã hội và nhân văn, đề còn yêu cầu học sinh kỹ năng vẽ biểu đồ, sử dụng At lát Địa lý Việt Nam”.
PV Báo Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.
Theo Nguoiduatin