Những bạn trẻ đam mê dạy học online
Hoàng Đình Quang từng bị nhiều người chỉ trích “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” khi tham gia dạy trực tuyến miễn phí. 9X mong muốn có thể giúp những học sinh nghèo vào đại học.
Đỗ Duy Hiếu – thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2013, hiện làm việc tại Viện Toán học. Bên cạnh công việc nghiên cứu, chàng thủ khoa chống nạng này còn sáng lập hệ thống dạy học trực tuyến và các phần mềm giáo dục, chủ yếu phục vụ cho học sinh tiểu học.
Xây dựng thương hiệu từ mạng ảo
Khác với cách dạy và học online một chiều, Đỗ Duy Hiếu cho ra đời hình thức tương tác hai chiều. Cụ thể, sau khi dạy xong mỗi phần, giáo viên sẽ hỏi học sinh hiểu bài chưa. Nếu không trả lời được, người học sẽ phải học lại.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trò chuyện cùng thủ khoa Đỗ Duy Hiếu trong buổi lễ trao giải Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2013.
Từ ý tưởng đến dự án độc đáo, dạy học online hai chiều đã trở thành “thương hiệu” của chàng trai thủ khoa này.
Cùng đam mê dạy học trên mạng, Hoàng Đình Quang (sinh năm 1994), sinh viên năm thứ tư, khoa Kinh tế Đối ngoại, Đại học Ngoại thương Hà Nội, là tác giả cuốn sách Công phá Hóa học, được nhiều học sinh yêu thích.
Hiện, Đình Quang có khoảng 50 bài giảng online trên YouTube với tổng 700.000 lượt xem và khoá học miễn phí trên mạng giáo dục trực tuyến với gần 2.000 học viên. Tháng 5 vừa qua, Đình Quang mở lớp học miễn phí thu hút 200 học sinh mỗi buổi tại Viện đào tạo liên tục – Đại học Bách khoa Hà Nội.
Những học sinh ở xa nhưng luôn hào hứng đến lớp bởi muốn trải nghiệm bài giảng của “thầy” Quang – người được biết đến là cậu sinh viên dáng gầy gò, đạt điểm tích lũy 3,98/4, đạt kỷ lục của Đại học Ngoại thương.
Hoàng Đình Quang – sinh viên năm cuối Đại học Ngoại thương. Ảnh: Quyên Quyên.
Cũng được biết đến qua những bài giảng video, Lại Đắc Hợp – sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội – giảng dạy tại một trang web học trực tuyến. Trong kỳ thi THPT quốc gia, Lại Đắc Hợp đưa ra bài bài giảng online rất sớm, lý giải sai sót trong đề thi Vật lý. Hợp chia sẻ, khi lên mạng phản biện nội dung đề thi của một kỳ thi lớn, nam sinh thận trọng và lo lắng.
“Ban đầu, mình chỉ định đưa ý kiến trên trang cá nhân. Nhưng sau đó mình nghĩ, kỳ thi tác động đến hàng nghìn thí sinh nên nhất định phải công khai ý kiến”. Việc này cũng xuất phát từ một phần tính cách của Lại Đắc Hợp, cậu luôn tâm niệm “hoặc là hiểu rõ hoặc không biết gì”.
Video đang HOT
Sau đó, Bộ GD&ĐT đã có phản hồi chính thức, thừa nhận các dữ kiện của đề bài đúng về mặt toán học mà chưa đủ ý nghĩa Vật lý và “tặng” cho tất cả thí sinh dự thi môn Vật lý 0,2 điểm.
Khó khăn dạy online
Có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, tuy nhiên bước vào con đường dạy trực tuyến, Đỗ Duy Hiếu đối mặt áp lực về kinh tế khi phải bỏ ra khoản lương lớn cho nhân viên trong dự án dạy học online và đầu tư cho công nghệ. Dự án của Đỗ Duy Hiếu mới ra đời 6 tháng, đã có 2.500 người tham gia, bao gồm cả giáo viên, học sinh.
Còn nam sinh Ngoại thương, với việc thực hiện các bài giảng miễn phí, Hoàng Đình Quang bị nhiều người chỉ trích “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tại sao không dùng số thời gian và sức lực đó để kiếm tiền cho chính mình?
Quang tâm sự: “Việc thức khuya khiến sức khỏe của mình bị giảm sút, ít có thời gian dành cho bản thân và gia đình, không có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội. Nhưng mình hoàn toàn không hối hận vì những gì được nhận lại. Ngày càng có thêm nhiều học sinh đỗ đại học và đam mê môn Hóa”.
Với những thầy cô giảng dạy online còn là sinh viên, việc thực hiện những bài giảng video không đơn giản. Thiếu kinh phí để mua trang thiết bị, Hoàng Đình Quang phải tự mượn máy quay và thực hiện tất cả công đoạn. Từ 23h đến 2h sáng hôm sau, Quang mượn phòng kho của một nhà sách để quay bài giảng.
Chàng trai 9X luôn tâm niệm: “Cuộc đời mỗi người đều rất ngắn ngủi, vậy tại sao phải quá bon chen và ích kỷ, thay vào đó, hãy cố gắng cống hiến sức trẻ cho cộng đồng. Điều đó mới làm nên ý nghĩa thực sự cho cuộc sống của mỗi người. Mình tin, việc làm xuất phát từ trái tim rồi cũng sẽ đến được với các trái tim”.
Lại Đắc Hợp trong video phân tích sai sót của đề thi Vật lý, kỳ thi THPT quốc gia.
Còn Lại Đắc Hợp bày tỏ, đằng sau những bài giảng online là việc chuẩn bị công phu: “Thời gian chuẩn bị nhiều gấp 3 lần lúc quay. Nhiều khi đang quay, máy bị lỗi, mình phải làm lại từ đầu. Do lịch học trên trường khá nặng, mình thường tranh thủ quay bài vào 11h, 12h đêm”.
Đắc Hợp đang thực hiện khóa học Vật lý theo mô hình Lớp học đảo ngược kết hợp online và offline miễn phí. Tại đây, học sinh sẽ xem bài giảng video ở nhà, đến lớp trao đổi làm bài tập. Ngoài dạy học qua những video, Lại Đắc Hợp cũng nhận giúp đỡ học trò học qua Skype như một trải nghiệm thú vị.
Theo Zing
Nam sinh mắc bệnh ung thư nghe giảng qua iPad
Trong quá trình chiến đấu với bệnh ung thư, một nam sinh ở Mỹ vẫn có thể theo dõi bài giảng nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, giáo viên và sản phẩm công nghệ.
Sam Myers, nam sinh 17 tuổi trường Trung học Archbishop Murphy ở thành phố Everett, bang Washington, Mỹ, không thể tiếp tục đi học vì căn bệnh ung thư, Heraldnet cho hay. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn, cậu vẫn có thể duy trì việc học hành.
Hàng ngày, thay vì đến trường, Sam mở máy tính và đăng nhập vào tài khoản Skype.
Tại trường Murphy, bạn học của cậu sử dụng iPad, truyền bài giảng tới Sam qua Internet. Bằng cách này, Sam gần như không bỏ lỡ buổi học nào.
Nhờ sự giúp đỡ của bạn học và công nghệ, Sam Myers vẫn có thể theo dõi các bài giảng ở trường. Ảnh: The Herald.
Nam sinh đã chiến đấu với căn bệnh ung thư trong một năm qua. Ngày 6/3, Sam Myers trải qua ca phẫu thuật cấy ghép tủy xương quan trọng.
Hiện tại, cậu đang trong quá trình phục hồi hệ thống miễn dịch nên không thể đến trường hay xuất hiện trong đám đông. Nếu mọi chuyện thuận lợi, bác sĩ sẽ cho phép Sam đi học trở lại từ ngày 1/2 trong học kỳ tới.
"Tôi sẽ tốt nghiệp cùng các bạn", cậu nói.
Nam sinh cho biết thêm, dự định theo học ngành Vật lý tại Viện Công nghệ Rose-Hulman ở bang Indiana hoặc Đại học Chicago.
Trước khi biết tin mình mắc bệnh hiểm nghèo vào dịp Halloween năm 2014, Sam trải qua cuộc sống bình thường như những nam sinh trung học khác. Cậu tham dự các phiên tòa giả định, chơi quần vợt, chơi kèn trong một ban nhạc.
Ngày 31/10/2014, Sam Myers chảy máu mũi nghiêm trọng. Sau đó, cậu được tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện Nhi Seattle.
Trước khi trải qua ca cấy ghép tủy, Sam phải hóa trị và xạ trị nhiều lần.
Mẹ cậu, bà Tracy Myers, cho biết, Sam chưa từng than vãn dù quá trình điều trị rất khó khăn và gây đau đớn. Gia đình rất ngạc nhiên trước nghị lực của con trai.
Người mẹ cũng rất biết ơn giáo viên và học sinh trường Trung học Archbishop Murphy vì đã sát cánh bên Sam như những người thân trong gia đình vào thời điểm khó khăn nhất.
Tấm chăn này là món quà ý nghĩa do giáo viên và học sinh trường Murphy tặng Sam. Ảnh: The Herald.
Ngoài việc bạn bè giúp bệnh nhân ung thư dũng cảm này có thể theo dõi bài giảng từ nhà, cô Beth Mock, giáo viên Toán, còn tặng Sam tấm chăn do chính tay mình làm và được trang trí bởi các học sinh trong trường.
"Mọi người chỉ muốn giúp đỡ cậu bé hết sức có thể", cô Mock nói.
Thầy Hiệu trưởng Deacon Dennis Kelly cùng hai học sinh, Peter Zupke và Lola Forde, đã trao Sam tấm chăn đầy ý nghĩa này khi cậu đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Seattle.
Trường cũng tổ chức bán vòng tay Oranges và áo phông để quyên góp 500 USD, hỗ trợ gia đình Sam. Đặc biệt hơn, tháng 12/2014, nhóm hợp xướng của trường đã đến tận bệnh viện, hát tặng cậu bạn dũng cảm ca khúc mừng giáng sinh. Tháng 1/2015, hơn 80 bạn học tham gia hiến máu nhằm vinh danh Sam Myers.
Ba người bạn, Liam McDonnell, Adrian Szymanski và Ashley Halmans, thay nhau dùng iPad để giúp Sam theo dõi các bài giảng ở trường.
Chương trình học tập của nam sinh 17 tuổi này bao gồm các môn Chính trị học, Thần học, Tin học, Giải tích, Vật lý, Ngôn ngữ và Sáng tác.
Theo Roger Brodniak, giáo viên Chính trị học tại Murphy, Sam là học sinh xuất sắc. Ông cũng là huấn luyện viên đội phiên tòa giả định của trường.
Ông cho biết, Sam là học sinh năm hai duy nhất trong đội. Cậu từng giành giải nhì tại cuộc thi biện hộ cấp bang. Nam sinh 17 tuổi này sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi giành giải vào tháng 3/2016.
Thầy Brodniak cảm thấy những người bạn cùng sự tiến bộ trong công nghệ đã giúp Sam không cô độc trong cuộc chiến chống ung thư.
Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ nhưng Sam và bạn bè đã sẵn sàng để kết thúc những năm học trung học theo cách thông thường.
"Chúng tôi cảm thấy rất tuyệt vời khi biết cậu ấy có thể trở lại trường", Liam nói.
Theo Zing
8 kiểu gọi tên lên bảng trả bài của thầy cô Thường ngày bạn bị gọi lên bảng theo cách nào? Kiểu ngày lễ, kiểu hi sinh, hay là... 1. Kiểu truyền thống Gọi tên từ chữ cái đầu tiên trong danh sách hoặc chữ cái cuối cùng trong danh sách. 2. Kiểu tặng quà "Hôm nay có mấy bạn sinh nhật không vậy?" - "Dạ có" - "Vậy mời em lên cô "tặng...