Những bác sĩ “bỗng dưng” nổi tiếng năm 2015
Bác sĩ Võ Xuân Sơn, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, bác sĩ Phan Xuân Tước… là những người bỗng dưng “nổi tiếng” trên mạng xã hội. Mỗi người nổi tiếng ở một góc độ khác nhau họ vẫn gần gũi, thân thương và hết lòng với bệnh nhân.
TS Bác sĩ Võ Xuân Sơn.
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Sơn
TS, BS Võ Xuân Sơn tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh năm 1987. BS Xuân Sơn đã tốt nghiệp Thạc sĩ Y học năm 2000 với đề tài: “Nghiên cứu điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ”, và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y học cấp quốc gia năm 2006 với đề tài: “Nghiên cứu điều trị vi phẫu thuật u nội tủy sống”.
Ngay sau khi ra trường, BS. Xuân Sơn được phân công về công tác tại khoa Ngoại Thần Kinh – Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong quá trình công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ một bác sĩ mới ra trường, BS. Xuân Sơn đã phấn đấu trở thành một bác sĩ trưởng kíp trực, một phẫu thuật viên chính, đảm trách những ca mổ khó nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống.
BS. Xuân Sơn đã góp phần vào việc hình thành và phát triển chuyên ngành Phẫu thuật Thần kinh và đặc biệt là Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống tại các tỉnh, thành phố khác trong nước như Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Cần thơ, Hậu Giang, Bình Phước, Lâm Đồng, Đà Nẵng…
Kể từ năm 1998, BS Xuân Sơn đã quyết định đi sâu vào chuyên ngành Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống, với mục tiêu tiếp cận với những thành tựu đỉnh cao của thế giới. BS Xuân Sơn đã tu nghiệp nhiều lần tại các bệnh viện lớn và các trường đại học hàng đầu tại Nhật Bản, Hoa Kì, Công Hòa Liên Bang Đức, Hàn Quốc…
Năm 2007, bác sĩ Sơn đã nghỉ việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy để thành lập một trung tâm y khoa của riêng mình tại TP HCM.
Video đang HOT
Đến nay, bác sĩ Võ Xuân Sơn vẫn là cái tên thân thiện trên cộng đồng mạng và một số tờ báo điện tử. Bác sĩ Sơn tâm sự, ông chỉ mong muốn có thể giúp đỡ điều gì đó cho bệnh nhân, cho ngành y được tốt lên. Không chỉ là đảm nhiệm vai trò bác sĩ. Bác sĩ Sơn còn là “chủ” của fanpage “Chống bạo hành y tế” với hàng nghìn lượt thích và theo dõi. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã gửi thư cho bác sĩ Sơn và hứa đồng hành cùng chống bạo hành y tế.
Mỗi bài viết của bác sĩ Sơn có hàng nghìn lượt đọc và comment, thậm chí có những bài viết gây tiếng vang lớn đến chính Bộ trưởng Bộ Y tế cũng phải tìm cách để gặp trực tiếp trao đổi với ông.
Ông là một người khá thẳng thắn và có cái nhìn khách quan về y tế. Trong cộng đồng mạng, cái tên bác sĩ Võ Xuân Sơn đang ngày càng được nhiều người theo dõi.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh
Từ câu chuyện về quá tải Bệnh viện Nhi đồng 1, nhà báo đã cho rằng Sở Y tế TP.HCM phủi trách nhiệm và viết bài về Giám đốc Sở Y tế TP.HCM say xỉn khi làm việc. Hình ảnh của vị bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh mặt đỏ gay nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội với nhiều bình luận trái chiều nhau.
Ngay sau đó, Sở Y tế TP.HCM đã có buổi họp báo với nội dung: Phản ứng của Sở Y tế TP.HCM về bài báo “Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đá trách nhiệm, đuổi phóng viên”.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh bật khóc kể lại câu chuyện tiếp phóng viên.
Tại buổi họp báo, bác sĩ Bỉnh đã chia sẻ về cuộc phỏng vấn “định mệnh” của mình với phóng viên. Ông cho biết: “Ngày 28/10, khoảng 1 giờ, tôi có nhận được tin nhắn, nội dung xưng là phóng viên báo Người tiêu dùng muốn gặp để hỏi về vấn đề quá tải ở bệnh viện. Tin nhắn tôi còn lưu ở đây. Do đang chủ trì cuộc họp do bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo về phối hợp thực hiện bệnh viện vệ tinh giữa Bệnh viện Ung Bướu và viện Thống Nhất, tôi chưa kịp trả lời….
Thật sự là tôi không có lưu số nên không biết phóng viên đó là ai. Thông thường, nếu có bận họp, sau khi họp xong tôi đều trả lời tin nhắn. Nếu phóng viên cần phỏng vấn thì tôi yêu cầu gửi câu hỏi qua mail, tôi sẽ trả lời tất cả, rõ ràng, công khai minh bạch, không giấu gì cả. Tại sao phải giấu?
Nếu có khuyết điểm, bất cập thì mình phải nhìn nhận và sửa chữa. Tất cả chỉ để ngành y tế thành phố tốt hơn”.
Ông kể tiếp: “Một lúc sau, đang xử lý hồ sơ thì tôi nghe tiếng gõ cửa. Tôi mở cửa ra, thấy có 2 người xưng là phóng viên báo Người tiêu dùng. Tôi chưa gặp hai phóng viên này bao giờ. Tôi hỏi: “Ủa các em là ai? Sao anh không biết tờ báo này?”
Tôi mời hai phóng viên vào phòng ngồi đàng hoàng và nói chuyện thân mật. Tôi từng là một bác sĩ, là một nhà giáo, tôi không thiếu lịch sự đến mức đuổi người ta, trong khi tôi chưa biết họ là ai.
Ngay sau tiếp phóng viên, lúc đó đã là 16 giờ, tôi phải ký một chồng hồ sơ, vội vã về nhà chuẩn bị ra sân bay, bay sang Nhật dự hội nghị ghép tủy Châu Á Thái Bình Dương. Đang ở bên Nhật, tôi nghe anh em báo cáo về bài báo và tôi lên mạng xem, tôi rất buồn. Những điều phóng viên viết, tôi hoàn toàn không đồng tình”.
Nói đến đó, bất ngờ vị đứng đầu ngành y tế TP.HCM nghẹn giọng, bật khóc: “Tôi thường nói với học trò của mình: Thầy không bao giờ làm sai. Tôi cũng thường nói với các phóng viên: Tôi khác biệt với những giám đốc sở trước, không làm điều gì sai”.
Những chia sẻ của bác sĩ Bỉnh nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của bạn bè, đồng nghiệp…
Bác sĩ bị nhà báo gài bẫy
Tháng 9/2015, dư luận cả nước và cộng đồng y khoa bức xúc về một bài báo viết về bệnh nhân đi mổ sỏi thận bị bác sĩ cắt tứ chi. Theo thông tin ban đầu vào tháng 1/2009, bà Trần Thị Hu sinh năm 1961, quê An Nhơn Tây, Củ Chi, TP.HCM bị đau bụng mua thuốc về uống không đỡ nên bà được con cháu đưa lên Bệnh viện Đa khoa Củ Chi.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà Hu bị sốc nhiễm trùng từ đường niệu do sỏi niệu quản bên trái, thận ứ nước độ 2. Bệnh nhân trong tình trạng bị lơ mơ, vật vã, huyết áp tụt, tiên lượng nặng có thể tử vong nên kíp trực quyết định mổ để cứu mạng bệnh nhân.
10h ngày 10/01/2009, sau 1 giờ tiến hành phẫu thuật, ca mổ thành công, bệnh nhân được phẫu thuật lấy sỏi niệu quản, đặt ống thông niệu quản dẫn lưu ra nhiều mủ đục. Sau đó, bệnh nhân được chuyển ra phòng hồi sức.
Nhưng đến sáng 11/01/2009, bệnh nhân kêu đau nhiều ở các đầu chi, tay chân lạnh, nhiều ban tím rải rác ở cẳng tay và cẳng chân. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp tục điều trị kháng sinh và bị cắt cụt tứ chi do tình trạng hoại tử chân tay.
Vụ việc không có gì gây xôn xao dư luận nếu bác sĩ Phan Xuân Tước – Trưởng khoa Thận Tiết niệu, Bệnh viện Nguyễn Trãi trả lời về ca phẫu thuật này cho rằng khi “Bệnh nhân sạn thận bị sốc thường là do nhiễm trùng ở chỗ sạn đó. Thông thường các bác sĩ phải dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng trước và sử dụng thuốc tăng huyết áp lên, chứ bệnh nhân bị sốc và huyết áp thấp không ai mổ bao giờ. Tất cả phải sử dụng kháng sinh và thuốc tăng huyết áp trước”.
Câu trả lời của bác sĩ Tước đã gây sóng trong cộng đồng y khoa Việt Nam với câu chốt của bài báo “Không ai mổ như thế”.
Tuy nhiên, bác sĩ Tước đã có một status trên trang cá nhân cho rằng mình bị nhà báo gài. Theo tâm sự của bác sĩ Tước thì ông được một người nói là cần tư vấn về bệnh thận. Thấy có ích cho bệnh nhân nên bác sĩ Tước đã tư vấn cho người này và trong cuộc nói chuyện người này có hỏi về sỏi thận, rồi hỏi thêm về sỏi thận kèm sốc có mổ hay không. Bác sĩ Tước đã trả lời đầy đủ theo hướng áp xe sỏi thận mà không hề biết rằng mình đã bị đưa vào trường hợp của nữ bệnh nhân Hu kia.
Trường hợp của bác sĩ Tước, ban đầu là những lời bình luận khiếm nhã của đồng nghiệp. Nhưng sau khi nghe bác sĩ giải thích trên trang cá nhân của mình thì không ai còn trách ông mà người ta chỉ lên án cách tác nghiệp của phóng viên, gài bẫy bác sĩ.
Theo infonet