Nhộn nhịp chợ phiên Hà Lâu
Đa dạng các loại hàng hoá, đặc sản địa phương và đa sắc màu trang phục của bà con các dân tộc. Đó là hình ảnh phiên chợ vùng cao Hà Lâu ( Tiên Yên) – phiên chợ gần 60 năm tuổi được khôi phục và duy trì hoạt động cho tới ngày nay.
Đến chợ phiên Hà Lâu những ngày này, người tham quan sẽ dễ thấy khung cảnh kẻ bán người mua tấp nập, nhộn nhịp. Chợ phiên ở vùng cao đơn giản, người bán đặt các loại hàng hóa lên tấm bạt hoặc những chiếc bàn gỗ đơn sơ, người mua sẽ rất dễ dàng chọn lựa.
Chợ phiên Hà Lâu dịp cuối năm dường như đông hơn, bà con các dân tộc ở các huyện lân cận đi nửa ngày đường để tới họp chợ. Không khí chợ phiên làm cho ta có cảm giác ngày Tết đang đến gần hơn rất nhiều.
Chợ phiên Hà Lâu như là một ngày hội của cả xã khi có cả biểu diễn văn nghệ.
Một sạp hàng tạp hoá đầu chợ từ sớm cũng bắt đầu thu hút khách mua.
Phía trong chợ, có các gian hàng của bà con các dân tộc trong vùng, từ Bình Liêu xuống hay từ Ba Chẽ sang bày bán.
Video đang HOT
Một gian bán nông cụ từ Ba Chẽ đưa sang.
Nông sản, các loại rau rừng, mật ong… là không thể thiếu.
Chợ khá nhộn nhịp kẻ mua, người bán.
Không chỉ là nơi buôn bán, chợ phiên Hà Lâu còn là dịp để chị em phụ nữ gặp gỡ, thăm hỏi nhau.
Thiếu nữ dân tộc Dao Thanh Y giới thiệu mặt hàng khăn, trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Một ông bố chăm sóc con nhỏ cho vợ đi mua sắm.
Gìn giữ nét đẹp chợ phiên Hà Lâu
Tiên Yên gây ấn tượng với du khách không chỉ bởi những nét đẹp của cổ trấn hàng trăm năm tuổi, những nét văn hóa độc đáo, thiên nhiên hữu tình mà còn có những phiên chợ vùng cao riêng có hấp dẫn du khách, tiêu biểu như chợ phiên Hà Lâu.
Nằm cách TP Hạ Long 70km, Tiên Yên là vùng đất ngã ba sông, ngã ba đường giàu bản sắc văn hóa với phong cảnh hoang sơ, thơ mộng. Từ trung tâm thị trấn Tiên Yên đi chừng hơn 30km theo Quốc lộ 4C, chúng ta sẽ đến với vùng cao Hà Lâu, giáp với huyện Đình Lập (Lạng Sơn).
Các loại sản vật, nông sản của bà con dân tộc Tày tại phiên chợ.
So với những chợ ở phố huyện hay chợ phiên vùng cao khác, chợ phiên Hà Lâu của Tiên Yên vẫn có những đặc trưng riêng, mang hơi thở văn hóa của đồng bào dân tộc các vùng, miền. Chợ họp vào Chủ nhật hàng tuần, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa đẹp, điểm đến hấp dẫn, một sản phẩm du lịch, từng bước kết nối với các tuyến, điểm du lịch tạo thêm nét ấn tượng thu hút khách du lịch xa gần.
Theo các cụ già bản địa ở Hà Lâu kể thì chợ phiên Hà Lâu hình thành tự phát từ quãng năm 1965. Trước đây, khi giao thông chưa phát triển thuận lợi như hiện nay, chợ phiên là điểm tụ họp, nơi giao thương hàng hóa và cả giao lưu đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Dao Thanh Y, Sán Chỉ, Tày... cùng sinh sống trên địa bàn và các khu vực lân cận như huyện Đình Lập (Lạng Sơn).
Với bề dày truyền thống, chợ phiên ngày nay được khôi phục và giữ được những nét đẹp xưa. Nay mỗi dịp chợ phiên là bà con dân tộc thiểu số ở các vùng xa từ Bình Liêu, Ba Chẽ cũng vượt đồi núi về họp chợ. Họ mang tới đây lâm sản, các loại hoa quả thu hái trên rừng, các loại nông sản, thực phẩm sạch như: Gừng, địa liền, mật ong, gà Tiên Yên, ngan, ốc khe, cá khe, măng rừng, thuốc tắm, rượu men lá...
Bà con dân tộc Dao xã Hà Lâu với các loại bánh đặc trưng, các vuông thổ cẩm hấp dẫn du khách.
Bà con dân tộc Dao, Tày các huyện lân cận thuộc tỉnh Lạng Sơn mang tới phiên chợ các mặt hàng vải vóc, thuốc nam, hoa quả, đồ trang sức... Tất cả những sản vật được trao đổi, buôn bán tại chợ phiên là kết tinh của lao động, sự cần cù, khéo léo của người dân vùng cao, thể hiện những nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc. Các mặt hàng được bán với giá thật, không mặc cả.
Tới chợ phiên, điều thú vị không chỉ là sắc màu các trang phục của bà con các dân tộc, du khách dạo chợ còn có thể được thưởng thức các chương trình ca nhạc, biểu diễn trò chơi dân gian, các phong tục tập quán đẹp của bà con dân tộc được phục dựng nguyên gốc.
Để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Tiên Yên thời gian qua cũng quan tâm, đầu tư phát triển, khắc phục những nhược điểm của điểm đến này nhằm thu hút du khách. Ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Huyện chú trọng lấy văn hóa làm nền tảng, đặc biệt là nét văn hóa của người dân tộc thiểu số, là một trong những cơ sở gìn giữ bản sắc dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; trong số đó có chợ phiên Hà Lâu.
Các gian hàng của bà con các dân tộc Ba Chẽ và vùng lân cận mang về chợ phiên, thu hút người mua.
Theo đó, thời gian qua, Tiên Yên cũng đã quan tâm xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. Tháng 10/2018, huyện Tiên Yên đã chính thức khôi phục, khởi động lại chợ phiên Hà Lâu một cách quy củ. Huyện Tiên Yên và xã Hà Lâu đã vận động, khuyến khích các tổ chức, người dân trên địa bàn tăng cường sản xuất các sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng vùng, miền đưa đến bán tại chợ.
Huyện cũng chỉ đạo các phòng chức năng cải tạo, nâng cấp chợ phiên Hà Lâu thành điểm du lịch độc đáo, tái hiện các tiết mục biểu diễn văn hóa truyền thống, thể thao dân tộc... làm đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm tại đây.
Với nhịp sống hiện đại, hối hả của hôm nay, có lẽ nhiều nét đẹp yên bình của chợ quê sẽ phần nào được tái hiện và đánh thức kỷ niệm trong mỗi du khách khi tới đây trải nghiệm chợ phiên Hà Lâu...
Về Tiên Yên, đi chợ phiên Hà Lâu, tắm thác Pạc Sủi giữa lưng chừng trời 'Tiên Yên - điểm đến an toàn, thân thiện', đây là thông điệp của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) mang đến du khách nhân sự kiện hoạt động 'Chào hè 2020' được tổ chức ở phố đi bộ Tiên Yên vào tối thứ bảy (6-6) vừa qua. Với các hoạt động điểm nhấn ở sân khấu phố đi bộ, hoạt động trải nghiệm...