Nhóm nghiên cứu tiết lộ sự thật về nồi cơm tách đường
Theo PGS.TS Lương Hồng Nga, ĐH Bách khoa Hà Nội, kết quả nghiên cứu hiện tại chưa đủ cơ sở khoa học khẳng định nồi cơm tách đường có tác dụng với người mắc bệnh tiểu đường.
Nhiều video quảng cáo nồi cơm tách đường trên Facebook, YouTube hiện nay có dẫn công trình nghiên cứu của một số cơ quan uy tín, trong đó có Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội. Những thông tin này khiến nhiều người dân tin tưởng và cho rằng các nhà khoa học đang khuyến nghị người dân sử dụng loại nồi cơm này.
Trong một số chương trình truyền hình, kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội về nồi cơm tách đường cũng được giới thiệu với lời quảng cáo “một giải pháp của công nghệ giúp cải thiện sức khỏe”.
Trên nhiều trang bán hàng trực tuyến cũng giới thiệu loại nồi này kèm mô tả: “Đã được đánh giá bởi Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực Phẩm – ĐH Bách khoa Hà Nội”.
Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, PGS.TS Chu Kỳ Sơn, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết viện không phải cơ sở nghiên cứu, phát minh về nồi cơm tách đường, cũng như không quảng bá về loại nồi cơm này.
“Chúng tôi chỉ hợp tác nghiên cứu để đánh giá về một loại nồi của nhãn hàng Thái Lan. Kết quả vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu sâu thêm”, PGS Sơn nói.
Loại nồi được quảng cáo có thể tách đường, tốt cho người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết hiện chưa có cơ sở khoa học để khẳng định điều này.
“Kết quả nghiên cứu chỉ mang tính thống kê”
Theo PGS.TS Lương Hồng Nga, giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, nhóm nghiên cứu của viện vừa thực hiện đề tài “Đánh giá tính năng sản phẩm nồi cơm tách đường Homely”. Đây là một trong hàng loại nồi cơm tách đường đang được bán trên thị trường.
Trong đó, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích và đánh giá các chỉ tiêu dinh dưỡng và cơ lý của cơm nấu bằng nồi cơm điện thường và nồi cơm tách đường Homely. Đồng thời, các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá về phương diện cảm quan, nhằm chỉ ra sự khác biệt và mức độ chấp nhận của người tiêu dùng đối với cơm nấu từ hai loại nồi.
Với tư cách chủ nhiệm đề tài, PGS Nga cho hay về bản chất, nồi cơm điện tách đường nấu bằng điện chứa 2 lớp (lõi kép). Trong đó, một lớp nồi được chế tạo với các lỗ thủng nhỏ ở đáy để nước trong quá trình nấu được đưa xuống lớp bên dưới với mục tiêu làm mất đi một số chất hòa tan, các chất đường, làm giảm lượng đường trong cơm.
Video đang HOT
Kết quả cho thấy nồi cơm tách đường có làm giảm lượng đường tổng (8,4% ở gạo trắng, 20% ở gạo lứt), đường tan (25,8% và 31,2% tương ứng với mẫu gạo trắng và gạo lứt).
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, lượng đường trong cơm vốn dĩ thấp. Cơm là loại thực phẩm không chứa (chứa rất ít) đường đơn (glucose, fructose), chủ yếu là tinh bột (trên 80% chất khô là tinh bột).
Về điều này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng: “Nồi cơm này chỉ tách được lượng đường không đáng kể, không đáng để quảng cáo và mua về sử dụng”.
“Nếu tin theo quảng cáo dẫn tới việc thoải mái ăn loại cơm được giới thiệu đã tách đường này, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người bệnh.”
PGS.TS Lương Hồng Nga
Về độ tiêu hóa tinh bột, với gạo trắng, hàm lượng tinh bột tiêu hóa nhanh không có sự khác biệt. Tuy nhiên, cơm nấu nồi tách đường làm tăng hàm lượng tinh bột tiêu hóa chậm. Với gạo lứt, nồi cơm điện tách đường làm giảm khoảng 5% tinh bột tiêu hóa nhanh, tăng 5,8% tinh bột tiêu hóa chậm và không ảnh hưởng tinh bột bền.
Trong khi đó, cơm nấu bằng nồi tách đường làm giảm rõ rệt vitamin B1 (83,8% với gạo trắng và 67,8% với gạo lứt). Đây được cho là một chất dinh dưỡng quý, cần thiết trong cơm.
Theo PGS Nga, kết quả này chỉ mang ý nghĩa thống kê. Nhóm nghiên cứu so sánh mẫu kiểm chứng nấu bằng nồi thường với nồi cơm tách đường, cùng là 100 gram gạo.
Chưa hề kiểm định với người bệnh tiểu đường
Theo một số chuyên gia sức khỏe, nhiều quảng cáo trên YouTube, Facebook giới thiệu nồi cơm tách đường tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Với lời quảng cáo hấp dẫn, không ít bệnh nhân đã bỏ ra số tiền lớn mua loại nồi này.
Tuy nhiên, PGS Nga khẳng định: “Người tiêu dùng không nên tin vào quảng cáo nồi cơm điện tách đường tốt với người mắc bệnh tiểu đường, do chưa đủ cơ sở khoa học, chưa được kiểm chứng có hiệu quả tích cực đối với người mắc bệnh tiểu đường”.
Theo chuyên gia này, nhóm nghiên cứu mới chỉ dừng lại đánh giá, so sánh hai loại cơm nấu bằng nồi tách đường so với nồi thường, chỉ có ý nghĩa về mặt thống kê. Bà cảnh báo nếu tin theo quảng cáo dẫn tới việc thoải mái ăn loại cơm được giới thiệu “đã tách đường” này, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người bệnh.
“Muốn đánh giá về tiểu đường phải đánh giá cả chỉ số đường huyết. Kết quả nghiên cứu hiện tại chưa đủ cơ sở khoa học khẳng định nồi cơm điện tách đường có tác dụng và hiệu quả với người mắc bệnh tiểu đường.
Chúng tôi đề xuất cần xác định chỉ số đường huyết của cơm nấu bằng nồi cơm điện tách đường và tiếp tục mở rộng nghiên cứu trên các loại gạo khác (gạo nếp, gạo xát dối, gạo Nhật…) để có được đánh giá tổng thể về hiệu quả của nồi cơm điện tách đường đối với người sử dụng, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường”, PGS Nga khẳng định.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh người dân không nên tin vào quảng cáo không có cơ sở khoa học. Người mắc bệnh tiểu đường cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, có chế độ dinh dưỡng phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ, thường xuyên luyên tập thể dục thể thao, không hút thuốc lá và uống rượu bia.
Theo Zing
Nồi cơm tách đường là trò lừa bịp?
Nồi cơm tách đường tốt cho bệnh nhân tiểu đường chỉ là trò bịp nhằm mục đích bán hàng.
Thông tin trên được tờ Zing dẫn lời các chuyên gia khẳng định như vậy.
Sau khi nghe những quảng cáo "thần kỳ" về nồi cơm điện tách đường dành cho người bị bệnh tiểu đường, các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đều khẳng định không tin và cho rằng đây là trò lừa bịp để bán hàng.
Hình ảnh và lời giới thiệu về nồi cơm thần kỳ chữa bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa
Cụ thể với những mô tả như nồi cơm điện này có thể giúp tách đường, giảm lượng đường trong máu, không gây béo phì, không tăng cân nhờ vào nguyên lý hoạt động đặc biệt của nồi cơm điện này, bác sĩ Phan Quốc Sỹ, khoa Nội khoa - Tiểu đường (Bệnh viện Bạch Mai), nói thẳng "đây là trò lừa bịp, lợi dụng lòng tin của người dân để bán hàng trục lợi".
Bác sĩ Phan Quốc Sỹ phân tích, cơm chín hoặc bánh mì chứa 50% gluxit phức hợp dưới dạng tinh bột amidon. Khi vào cơ thể, đường sẽ được các men tiêu hóa như amylase... thủy phân thành đường đơn glucose để được hấp thụ thấm vào máu tĩnh mạch cửa rồi dự trữ ở gan dưới dạng glycogen, để dùng dần giữa các bữa ăn trong ngày, lấy năng lượng cho tế bào cơ và não hoạt động. Nếu tách và loại đường trong tinh bột thì không có năng lượng cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể.
"Thật là hoang đường khi nói có thể loại hoặc tách gluxit trong cái được gọi là 'nồi cơm điện tách đường' này", chuyên gia chia sẻ.
TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, cũng cho biết bản thân không tin vào sự thần kỳ của chiếc nồi này.
"Về chiếc nồi cơm tách đường có 2 vấn đề cần phải nói rõ. Thứ nhất, như tôi biết nồi đó không có bộ phận làm chuyển hóa đường có trong gạo sang chất khác. Thứ 2, khi nấu, giả sử do bốc hơi hay 'rút nước đáy' làm mất đường thì mất cả chất dinh dưỡng khác, vậy ăn cơm này làm gì", chuyên gia nói trên Zing.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng khẳng định loại nồi này không có tác dụng như quảng cáo.
Trong khi đó, trên các trang mạng đang rầm rộ quảng cáo về một sản phẩm nồi cơm điện có thể tách đường trong gạo khi nấu chín lên. Khi nấu cơm bằng nồi này sẽ loại bỏ được lượng đường xấu ra khỏi cơm và tạo nồi cơm thơm ngon và an toàn cho người dùng...
Loại nồi cơm điện tách đường này được quảng cáo tốt cho bệnh nhân đái tháo đường, người ăn kiêng, người béo phì, người muốn kiểm soát cân nặng...
Chiếc nồi cơm điện này được hoạt động dựa trên các thông số cài đặt sẵn để kiểm soát cũng như duy trì nhiệt độ trong nồi để khiến cho hàm lượng Amylopectin (hàm lượng chính có trong tinh bột hấp thụ nhanh) tự phân tách ra khỏi hạt gạo và hòa tan vào nước, trong khi vẫn duy trì hàm lượng Amylose (hàm lượng chính có trong tinh bột hấp thụ chậm) giữ trong gạo.
Theo đó, khi loại bỏ phần nước chứa tinh bột, nồi sẽ tiếp tục làm chín đều hạt gạo như cơm thông thường, nhưng cơm lúc này sẽ không còn tinh bột nhanh, an toàn cho người bị bệnh tiểu đường, béo phì.
Nồi cơm này có nhiều thương hiệu đến từ nhiều nước khác nhau với các mức giá giao động từ 3 triệu tới 6 triệu đồng/chiếc.
Nhiều người dân chưa biết tác dụng thật hư nhưng khi nghe quảng cáo cũng đã sẵn sàng chi ra gần chục triệu để mua chiếc nồi với hi vọng sẽ tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nếu theo phân tích ở trên thì rõ ràng nồi cơm không có tính năng thần kỳ, thậm chí còn đang làm mất đi giá trị dinh dưỡng có trong cơm, còn gây hại cho sức khỏe.
Thái An
Theo baodatviet
Mùa thu là mùa cốm nhưng trước khi ăn hãy "học thuộc" những điều này để mua được cốm sạch tránh ăn phải cốm tẩm hóa chất PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, trước khi ăn, bạn nên cẩn trọng nơi mua đảm bảo nguồn gốc cũng như tránh tối đa nguy cơ ăn cốm tẩm nhuộm hóa chất. Khi những cơn gió thu nhè nhẹ buông kèm theo một chút se lạnh vào đầu tháng 9, ấy cũng là lúc báo hiệu mùa cốm mới đã về. Hương cốm thoang...