Nhóm đọc lời giải vào phòng thi có thể bị xử lý hình sự
Theo tin từ Bộ GD&ĐT, hai người giải đề, đọc bài qua điện thoại cho thí sinh trong phòng thi tại điểm thi CĐ Sư phạm Trung ương nếu có dấu hiệu hình sự sẽ giải quyết theo hình sự.
Xử lý nhóm đọc bài vào phòng thi theo quy chế
Trả lời báo chí trong buổi họp báo liên quan tới hai người giải đề, đọc bài qua điện thoại cho thí sinh trong phòng thi tại điểm thi Cao đẳng Sư phạm Trung ương sáng 4/7, Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin, chúng tôi đã chỉ đạo 2 cụm thi gần đó là Học viện Kỹ thuật Quân sự và Đại học Sư phạm Hà Nội xem có vi phạm không. Đồng thời lúc đó, cơ quan chức năng đã giải quyết”.
“Bộ GD&ĐT luôn theo sát diễn biến, tuy nhiên, đến lúc này chưa có văn bản chính thức từ cơ quan điều tra. Chúng tôi sẽ giải quyết vi phạm theo quy chế, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ giải quyết theo hình sự”, ông Trinh nói.
Video đang HOT
Không có chuyện lộ đề thi tiếng Anh
Khi được hỏi về chuyện đề thi môn tiếng Anh bị nghi rò rỉ trên Facebook có phải lộ đề không, ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ GD&ĐT đã có công văn phối hợp cơ quan công an và đang trong quá trình điều tra. Đề thi biết trước khi thi mới là lộ đề, còn thời gian tài khoản đăng tải không phải bị lộ”.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao đổi với báo chí.
Chia sẻ chung về những phản ánh thiếu sót, tiêu cực trong thi cử, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển cho rằng: “Việc thu được những thông tin nhanh nhạy là rất tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng phải xử lý có tình, lý, không nên nóng vội, ảnh hưởng thí sinh, giám thị, giáo viên. Đề thi được coi là lộ trước khi diễn ra kỳ thi. Còn việc đang diễn ra thi, đề thi lọt ra ngoài là do vi phạm của giám thị và thí sinh”.
Nói về chuyện bị nghi rò rỉ trên Facebok, đại diện Bộ Giáo dục nói: “Tài khoản Facebook được lập từ năm 2013. Kể từ khi lập, tài khoản này chỉ có 4 lần đăng tải thông tin trên mạng. Lần cuối cùng là ngày 17/1 năm nay. Theo nhận định ban đầu, tài khoản này là của hacker. Đến 20h ngày 3/7, trên một số tài khoản Facebook có hiện tượng đăng tải đề thi môn Lịch sử. Đây là tình trạng lạm dụng mạng xã hội, nhằm gây hoang mang tinh thần thí sinh, cần trấn chỉnh tuyệt đối”.
Đề thi đảm bảo tuyệt mật
Nói về vấn đề đảm bảo trong công tác bảo mật đề thi THPT quốc gia, ông Mai Văn Trinh cho biết: “Đề thi năm nay được bảo đảm tuyệt mật, nội dung chủ yếu lớp 12, ra theo định hướng đánh giá năng lực, vừa làm căn cứ cơ bản, xét tốt nghiệp. Đề thi đã xây dựng ma trận, trên cơ sở đề thi minh họa.
Đây là yếu tố quan trọng khiến học sinh không còn động lực để sử dụng phao thi. Đến lúc này, có thể nói kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Công tác coi thi diễn ra đúng quy chế. Hiện tượng phao thi trong phòng thi không còn. Đây là kết quả của công tác coi thi, truyền thông…”.
Ông Mai Văn Trinh giải thích các thắc mắc của PV.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, những cụm thi địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì ít thí sinh vi phạm, bị đình chỉ so với các cụm do trường đại học chủ trì, có phải do coi thi lỏng lẻo hay không, ông Mai Văn Trinh nói: “Thực tế, thí sinh thi tốt nghiệp ít áp lực hơn người thi đại học. Còn việc xử lý kỹ thuật và cách coi thi không khác nhau giữa cụm địa phương và đại học”
Tại sao Bộ Giáo dục không tổ chức thi vào tháng 6 cho mát mà tổ chức thi vào tháng 7? Ông Trinh phân tích: “Thời điểm giữa tháng 6, sinh viên các trường đại học chưa kết thúc chương trình học tập, ký túc xá còn đông, giảng đường chưa hoàn toàn giải phóng. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, nếu tổ chức thi sớm, học sinh sẽ hụt mất 2 tuần ôn thi. Bởi vậy, Bộ GD&ĐT cân nhắc và điều chỉnh thời điểm cho hợp lý”.
Theo infonet