Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang thu hút dòng tiền khá tốt
Diễn biến thị trường chứng khoán trở nên khá tích cực khi dòng tiền có xu hướng đổ vào các cổ phiếu lớn
VN-Index dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên kế tiếp. Ảnh Internet.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/8, chỉ số VN-Index tăng 3,84 điểm (0,46%) lên 846,92 điểm; UPCom-Index tăng 0,52% lên 56,81 điểm và chỉ có HNX-Index giảm nhẹ 0,17% xuống 116,1 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì khá tốt với giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 5.500 tỷ đồng.
Điểm trừ là giao dịch khối ngoại khi họ vẫn bán ròng gần 100 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại tập trung vào VHM (73,1 tỷ đồng), DXG (17,4 tỷ đồng), NVL (17 tỷ đồng).
Khá nhiều Bluechips đóng cửa trong sắc xanh như BVH, FPT, GAS, HPG, VNM, SAB, HVN, VJC, PLX, VRE, POW, MWG… Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng thu hút dòng tiền khá tốt với BID, CTG, MBB, STB, VPB, HDB, TCB tăng điểm.
Nhóm dầu khí cũng là điểm sáng trong phiên giao dịch với nhiều mã tăng mạnh như GAS, PVB, PVD, PGS, PVS, PVT, PXS…
Trong khi đó, nhóm khu công nghiệp, cao su có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi chỉ còn NTC, SZL, SZC, SZB, SIP, BAX giữ được sắc xanh. Ở chiều ngược lại, PHR, SNZ, D2D, BCM, ITA, KBC đóng cửa giảm điểm.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên kế tiếp. Chỉ số sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 852-858 điểm.
Mặc dù vậy, BVSC cũng lưu ý rằng, nếu để mất vùng hỗ trợ 835-840 điểm thì kịch bản chỉ số sẽ hình thành nhịp điều chỉnh về ngắn về vùng 810- 820 điểm cần được tính đến.
“Diễn biến thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng lẻ của các doanh nghiệp niêm yết. Dòng tiền sẽ có sự luân phiên dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận. Mặt khác, các thông tin về khả năng sản xuất thành công “vaccine” chống Covid-19 của các nước sẽ là các yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong ngắn hạn”, BVSC nhận định.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng dự báo, trong phiên giao dịch ngày 13/8, VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi ngang và rung lắc với biên độ trong khoảng 835-850 điểm (MA20-50). Những nhà đầu tư đã giải ngân bắt đáy quanh ngưỡng 800 điểm trong đợt giảm trước đó và đã chốt lời cổ phiếu trong các phiên gần đây nên tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường trong các phiên tới, chờ cho xu hướng trở nên rõ ràng hơn.
Cổ phiếu ngân hàng nâng giá trị thị trường chứng khoán
Trong hoạt động kinh tế, dòng vốn tín dụng được ví như là "mạch máu" nuôi nền kinh tế. Còn trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng được xem là nhóm cổ phiếu trụ cột.
Video đang HOT
Theo đề án tái cơ cấu TTCK, đến hết năm 2020, tất cả các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán.
Từ yêu cầu giao dịch bắt buộc trên sàn chứng khoán
Nghị định 108/2013/NĐ-CP yêu cầu các doanh nghiệp, bao gồm cả ngân hàng, sau khi phát hành cổ phiếu ra công chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán trong thời gian 1 năm kể từ ngày phát hành.
Nếu không thực hiện, doanh nghiệp sẽ bị phạt nặng, còn nhà đầu tư được quyền đòi lại tiền đã góp vào doanh nghiệp.
Tiếp theo đó, một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành ngân hàng trong tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 là bắt buộc tất cả các ngân hàng thương mại phải niêm yết trên sàn chứng khoán để đảm bảo tính minh bạch.
Cụ thể, theo Quyết định số 242 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28/2/2019 phê duyệt ề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", đến hết năm 2020, tất cả các ngân hàng thương mại sẽ phải đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Đề án cũng nhấn mạnh đến quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam năm 2020 phải đạt mốc 100% GDP (hiện nay tỷ lệ này là 80% GDP). Mục tiêu này phụ thuộc vào 2 yếu tố: Giá cổ phiếu và số lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn.
Trong đó, gia tăng hàng hóa trên thị trường là giải pháp hiệu quả vì vừa có thể đa dạng hàng hóa, vừa giúp quy mô thị trường tăng nhanh.
Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 31 ngân hàng đang hoạt động trên thị trường, đã có 18 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, trong đó 10 cổ phiếu được giao dịch trên sàn HOSE gồm VCB, CTG, BID, TCB, MBB, VPB, HDB, EIB, STB, TPB; 3 cổ phiếu giao dịch trên sàn HNX là ACB, SHB, NVB và 5 cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM là LPB, VIB, VBB, BAB, KLB (hiện đều có kế hoạch chuyển sàn).
Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, TTCK Việt Nam cũng đã liên tiếp chứng kiến các phiên giảm điểm mạnh trong tháng 3/2020 - thời điểm dịch bệnh có chiều hướng bùng phát tại Việt Nam và thế giới. Đây cũng là giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài có nhiều phiên bán ròng trên thị trường.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 30/3, VN-Index ở mức 662,26 điểm, giảm gần 32% so với mức 960,99 điểm của phiên cuối cùng năm 2019. Vốn hóa thị trường "bốc hơi" hơn 886.420 tỷ đồng, tương đương 37,4 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu ngân hàng là một trong những động lực chính giúp thị trường hồi phục.
Từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 6, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều tăng mạnh. Đơn cử, trên sàn HOSE, cổ phiếu VCB tăng từ mức 57.200 đồng (phiên 23/3) lên 70.800 đồng (chốt phiên 10/6), tương ứng tăng 23,37%; BID tăng từ 30.850 đồng (phiên 31/3) lên 43.500 đồng (chốt phiên 10/6), tương ứng tăng 41%; EIB tăng từ mức 14.650 đồng lên 18.100 đồng (chốt phiên 10/6), tương ứng tăng 23,5%, các mã STB tăng 57%, MBB tăng 37%...
Trên sàn HNX, cổ phiếu SHB tăng từ mức 11.900 đồng (phiên 30/3) lên 16.200 đồng (chốt phiên 10/6), tương ứng tăng 36,1%; ACB tăng 43,8%..., còn tại UPCoM, mã VIB tăng 35,8%...
Theo đó, chỉ số VN-Index tăng từ mức đáy 662,26 điểm (phiên 30/3) lên 900,68 điểm (chốt phiên giao dịch 10/6), tương ứng tăng 36%.
Hiện tại, VN-Index đứng ở mức 872,02 điểm (chốt phiên 17/7), một trong những nguyên nhân khiến chỉ số này giảm điểm trở lại là do nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch kém tích cực.
Những số liệu trên cho thấy, có lẽ không phải ngẫu nhiên khi năm 2018, ngành dịch vụ tài chính và bán lẻ được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất, thì sang năm 2019, khối ngoại tập trung mua vào mạnh nhất cổ phiếu dầu khí và ngân hàng, với giá trị mua ròng trên 2.000 tỷ đồng.
Đến vai trò trụ cột của thị trường
Cũng như các doanh nghiệp khác, lợi nhuận của ngành ngân hàng giảm do đại dịch Covid-19. Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, đại dịch ảnh hưởng đến ngành ngân hàng Việt Nam ở mức độ nhất định, khiến chi phí dự phòng tăng mạnh trong 2 quý đầu năm 2020, nhất là với các ngân hàng tập trung cho vay nhiều ở lĩnh vực du lịch, hàng không và gia công.
Tuy nhiên, so với các ngành khác, hệ thống ngân hàng sẽ ít thiệt hại hơn và một điểm đáng chú ý, hệ thống ngân hàng đã tốt hơn nhiều so với khủng hoảng năm 2008, nên đủ sức chống chịu và vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Đánh giá về triển vọng cổ phiếu của các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2020, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect vừa công bố khuyến nghị nhà đầu tư xem xét cổ phiếu của các ngân hàng có nền tảng tốt, có khả năng năng trưởng và có mức định giá hợp lý.
Chẳng hạn, với MBB, thu nhập dự báo được cải thiện trong 6 tháng cuối năm nhờ sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng, việc tiếp tục mở rộng cho vay bán lẻ và tài chính tiêu dùng và tốc độ bán bảo hiểm tốt hơn.
Giá mục tiêu 2020 là 26.200 đồng dựa trên phương pháp định giá thu nhập thặng dư (chi phí vốn: 14,3%; tăng trưởng dài hạn: 3%) và P/B (giá/giá trị sổ sách) mục tiêu 2020 là 1,2 lần.
Hay với ACB, dự báo tăng trưởng cho vay sẽ đạt 12% trong năm 2020 và NIM (biên lãi dòng) dự kiến sẽ mất 7 điểm cơ bản so với năm 2019 do cắt giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, NIM có thể cải thiện 3-7 điểm cơ bản trong năm 2021-2022 nhờ cải thiện tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
VNDirect tiếp tục khuyến nghị khả quan đối với ACB, giá mục tiêu 2020 là 28.500 đồng dựa trên phương pháp định giá thu nhập thặng dư (chi phí vốn: 14,3%; tăng trưởng dài hạn: 3%) và P/B mục tiêu 2020 là 1,3 lần.
Tương tự, lợi nhuận ròng của TCB được dự báo sẽ tăng 6,4% trong năm 2020. Với tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 12,2% cho năm 2020 do đại dịch làm giảm nhu cầu mua nhà, trong khi các khoản cho vay mua nhà hiện là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của TCB.
Dù vậy, VNDirect vẫn đưa giá mục tiêu khả quan, ở mức 27.400 đồng dựa trên phương pháp định giá thu nhập thặng dư (chi phí vốn: 13,7%; tăng trưởng dài hạn: 4%) và P/B mục tiêu 2020 là 1,2 lần.
Kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý III/2020 của Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tại toàn bộ các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam với tỷ lệ trả lời đạt 96% cho biết, kết quả hoạt động kinh doanh trong quý II/2020 tiếp tục được đánh giá suy giảm hơn (26,4% TCTD nhận định "suy giảm" so với 16,4% TCTD có cùng đánh giá tại kỳ trước).
Tỷ lệ TCTD nhận định kết quả hoạt động kinh doanh trong quý này "cải thiện" hơn so với quý trước giảm mạnh từ mức 65,7% tại thời điểm tháng 12/2019 và 47% tại thời điểm tháng 3/2020, xuống mức 32% tại kỳ điều tra này.
Tuy nhiên, có 54,3% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2020 cải thiện tốt hơn so với quý II/2020, bên cạnh 15,3% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh sẽ suy giảm.
Kỳ vọng bình quân của toàn hệ thống về mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh so với các mức kỳ vọng của các TCTD ghi nhận tại cuộc điều tra trước.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng thu nhập lãi và dịch vụ của các ngân hàng nhìn chung sẽ chậm lại so với các năm trước khi chính sách giãn, hoãn, gia hạn thời hạn trả nợ có thể ảnh hưởng đến tiến độ ghi nhận thu nhập lãi của các ngân hàng (chưa được ghi nhập khi chưa đến kỳ thu lãi); đồng thời, quy mô cho vay giảm khiến thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, các ngân hàng theo đuổi mục tiêu quản lý tốt chất lượng tài sản đã chứng kiến chi phí dự phòng tăng mạnh trong quý II/2020.
Như vậy, sau giai đoạn 2017-2018 ghi nhận tăng trưởng cao, ngành ngân hàng dự kiến sẽ chứng kiến mức giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.
"Thay vì quan tâm khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư cần chú trọng những ngân hàng ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh khả năng khôi phục hoạt động của các ngành/doanh nghiệp sau dịch bệnh còn khó đoán định", Công ty Chứng khoán Rồng Việt nêu quan điểm.
Còn Công ty Chứng khoán SSI dự phóng, lợi nhuận ngành ngân hàng có thể tăng 22,5% trong năm 2020 nhờ sự phục hồi tại một số ngân hàng lớn và thu nhập từ kênh bancassurance, thu nhập từ phí.
Các gia tộc quyền lực trong giới ngân hàng trúng lớn Thị trường tăng mạnh là cơ hội để các nhóm cổ đông gia đình đang thâu tóm quyền lực tại các nhà băng gia tăng mức độ giàu có. Tại Techcombank và VPBank, các nhóm cổ đông gia đình có thêm hàng trăm tỷ qua giá trị cổ phiếu Thị trường chứng khoán vừa có tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp nhờ...