Nhói lòng cảnh bà cháu côi cút trên đồi
Bà Ngẫm và đứa cháu ngoại côi cút sống trên đồi, niềm hi vọng tìm được cô con gái duy nhất dường như đã vụt tắt. Đôi mắt bà lòa đi theo năm tháng, đôi chân tàn tật của bà vẫn phải lê lết kiếm miếng ăn, nuôi đứa cháu 6 tuổi từ khi còn bú mớm.
Cuộc đời bà là chuỗi ngày cơ cực không bao giờ dứt, nước mắt bà rơi cạn khi cảnh mái đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Con người khốn khổ ấy là bà Nguyễn Thị Ngẫm, ở thôn Vườn, xã Cương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang.
Căn nhà mái ngói nằm lọt thỏm trong vườn vải thiều ùm tùm những cây dại. Cậu bé Sơn cháu bà Ngẫm, đứng bên bụi hàng rào, bất chợt nhìn thấy người lạ liền chạy vào nhà mất dạng.
Mời chúng tôi vào nhà, bà lê cái chân gãy đi lấy chiếc ghế mới nhất trong nhà ra mời khách. Đó là chiếc ghế mới được xếp ngay ngắn bên cửa sổ để dành cho Sơn học chữ.
Bà Ngẫm sống cùng cháu trong căn nhà cũ nát
Rót nước mời khách, bà kể về cuộc đời mình. Là con cả của bà hai, nên mọi việc lớn nhỏ đều đổ lên vai bà. Nhà đông con mới 12 tuổi bà đã đi lấy chồng với cái “duyên tiền định” do bố bà đính ước.
Bà kể: “Bố tôi đi bộ đội, ông tận mắt chứng kiến quân địch cắt cổ một đôi vợ chồng. Đứa con trai ngồi bên xác bố mẹ khóc gào thảm thiết. Nhìn tội quá, người đồng đội của ông bế nó về nhà nuôi. Rồi hai người hẹn ước, hai ông sẽ làm thông gia của nhau”.
Sống với nhau chưa được mụn con nào, hai người lục đục ra tòa li dị. Bà thở dài: “Nào đâu có yêu thương gì nhau, lại trẻ ranh chẳng biết gì, tôi 12 tuổi, ông ấy mới có 11, về nhà chồng chỉ biết lo xay thóc, cấy lúa. Chẳng hợp nhau, suốt ngày cãi vã. Bỏ chồng, tôi về quê chèo đò ở bến thôn Vườn, đêm đêm giúp bộ đội chở gạo, vũ khí qua sông. Tôi nghĩ là sẽ không lấy một ai nữa”.
17 tuổi, bố bà lại mai mối cho một anh chàng vợ vừa mới mất có đến 3 đứa con riêng. Chẳng cưới xin, 2 người về ở với nhau trong túp lều nhỏ góc vườn vải nhà bà.
Bà rưng rưng nhớ lại: “Bố tôi ưng cái mắt vì chồng tôi khéo tay lại khéo ăn nói. Hàng ngày ông đi câu cá trên sông, được con nào, ông đem nướng cho bọn trẻ ăn. Thằng út Đỗ Đình Vụ mới được 2 tuổi ngồi lọt thỏm trong lòng ông ngoại “hờ”. Con Đỗ Thị Bé 11 tuổi bám một bên đùi, thằng anh lớn Đỗ Đình Nhiệm 13 tuổi ôm một bên. Ông đút cho ba đứa cháu ăn, chăm chúng như chăm cháu ruột mình. Thế là tôi chấp nhận có thêm một ông chồng với 3 đứa con chỉ sau một cái gật đầu”.
Hai đời chồng nhưng bà vẫn sống côi cút, không ai chăm sóc
Chồng bà làm nghề thợ may rất khéo tay nhưng chưa bao giờ ông ra đồng cầm cái cuốc. Mọi việc đồng áng, việc nhà một thân bà lo liệu, nuôi 3 đứa con chồng và 5 đứa con chung.
Video đang HOT
Câu hát “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, chiêm nghiệm với cuộc đời bà nó lại hoàn toàn sai.
Vẫn côi cút một đời
Cuộc sống bên nhau vui vẻ cũng chẳng được lâu, những đứa con bà sinh ra cứ lần lượt bỏ bà mà đi. Đứa đầu tiên lên 3 tuổi mắc bệnh bạch hầu mà chết, đứa thứ hai mới được 12 tháng thì lên cơn sài giật cũng đi theo anh. Nhưng cảnh đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh vẫn chưa dứt, người con gái thứ 5, Đỗ Thị Ngọc của bà lại bất ngờ lên cơn điên dại.
Năm 17 tuổi, Ngọc theo anh trai lên lên Lạng Sơn buôn bán, khi quay trở về, Ngọc lên cơn bạo bệnh rồi thần kinh cứ ngẩn ngơ. Mỗi khi lên cơn là chị tồng ngồng chạy ra đường, la hét. 20 năm, vợ chồng bà thăm nom con trong viện tâm thần. Rồi đến năm 2001, chồng bà Ngẫm đổ bệnh, nằm liệt giường gần 8 năm mới ra đi.
Những đứa con đã lập gia thất và đi làm ăn xa, chẳng đứa nào quan tâm đến bà. Ông nằm liệt, người con gái tâm thần chẳng ai chăm sóc. Bà ngậm ngùi đón Ngọc về bên mảnh vườn vải để chăm nom.
Chị tâm thần, bố bạo bệnh, cô con gái út Đỗ Thị Ngà, của bà cũng bỏ đi biệt xứ. Khi trở về thân tàn ma dại với căn bệnh thế kỉ HIV, vật vã trong chiếc buồng nhỏ bên hông nhà rồi cũng chết.
Vào lớp 1, Sơn được các bạn hàng xóm chở đi học
Đau đớn không ngờ, những ngày lang thang đầu đường xó chợ, cái bụng chị Ngọc to lên từ lúc nào. Thằng Sơn cũng được mẹ Ngọc đẻ rơi bên gốc vải.
Sơn còn đỏ hỏn luôn kêu khóc vì đói sữa thì chị Ngọc lại lên cơn và bỏ nhà đi biệt tích. Trong căn nhà mái ngói đã chóc hết vôi vữa, bà Ngẫm chăm nom đứa cháu suốt 6 năm trời vẫn không thấy tung tích mẹ nó.
Hai bà cháu sống côi cút trong mảnh vườn vải rộng mênh mông, Sơn đi học bà Ngẫm lại lọ mọ một mình ra vườn nhổ cỏ, vơ lá. Chiếc bếp tận góc vườn được xếp bằng gạch tạm bợ mới bị đổ ụp, bà lại chuyển xoong nồi vào trong gian buồng trước đây mẹ Sơn ở. Bà Ngẫm than thở: “Ruộng nương tôi cho hết rồi, người ta trả cho ít thóc nào thì ăn ít đấy, có khi thì chẳng có, bếp sập, đun trong nhà cứ đen hết đồ đạc, nhưng cũng đành chịu. Già cả chẳng có tiền mà sửa sang cái gì”.
Hiện nay, mỗi tháng hai bà cháu Sơn nhận trợ cấp hộ nghèo được 180 nghìn. Bà bảo, có tiền tích cóp mua gạo ăn, rau dại đầy vườn, tôi còn khỏe thì trồng được ít rau, ít củ. Năm học mới, thằng Sơn có áo trắng mặc đến trường, một bộ bàn ghế mới do các cô hảo tâm ở xã xuống tặng.
Tiếng trẻ con tíu tít đầu ngõ, bà Ngẫm lật đật đi kiếm cái mũ đội lên đầu đứa cháu. Sơn vội chào bà đi học. Chị hàng xóm đèo Sơn khuất xa, bà Ngẫm thở dài: “Đến khi tôi chết đi, thằng bé biết nương tựa vào ai”.
Theo 24h
Nghị lực phi thường của 3 chị em mồ côi
Ai có dịp về xã Long Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) sẽ được nghe người dân vùng quê nghèo này kể lại "kỳ tích" của 3 chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Vừa học, vừa làm, khi hai chị tốt nghiệp ĐH, CĐ cũng là lúc cậu em út bước vào giảng đường Trường ĐH Y Dược Huế. Dù niềm vui nối tiếp, nhưng phía trước của ba chị em vẫn còn không ít nỗi lo...
Mồ côi cả cha, lẫn mẹ
Chúng tôi tìm đến gia đình cô giáo Trần Thị Thủy, chị gái của em Trần Văn Đức- cậu bé mồ côi vừa thi đậu 2 trường đại học với điểm số khá cao. Chị Thủy cho biết cậu em trai đã lên đường vào Huế nhập học trước đó mấy ngày, và vừa rồi có mấy người đồng hương ở Hà Nội biết được hoàn cảnh của Đức đã về tặng một ít tiền để lo chuyện tàu xe và các khoản chi phí những ngày đầu nhập học.
Dù đã biết được phần nào hoàn cảnh nhưng chúng tôi vẫn ngỏ ý muốn được chị Thủy trực tiếp kể lại những tháng ngày vất vả, gian nan. Khóe mắt rưng rưng, cố gắng kìm nén sự xúc động, chị kể lại hoàn cảnh bi đát và tuổi thơ bất hạnh của cả 3 chị em...
Trần Văn Đức (thứ 2, từ phải qua) trong buổi lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi quốc gia và học sinh đậu đại học điểm cao năm 2012 do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức
Bố mẹ đến với nhau khá muộn, bởi lẽ cả hai người đều đi ra từ cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Bố tên Trần Văn Tam (sinh năm 1947) là chiến sĩ giải phóng quân, một cựu tù Côn Đảo và là một thương binh với 24 % tỷ lệ thương tật. Còn mẹ là cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Chung (sinh năm 1951). Tình yêu của ông Tam và bà Chung đã đơm hoa, kết trái khi hai bé gái là Trần Thị Thủy (1982) và Trần Thị Luận (1984) lần lượt chào đời.
Không lâu sau đó, cả hai vợ chồng ông Tam nhận được quyết định nghỉ hưu mất sức.
Trước tình cảnh đó, ông Tam quyết định đưa gia đình về quê (xã Long Sơn- Anh Sơn) để làm ăn, sinh sống. Về đây, hai vợ chồng bắt tay vào gây dựng cơ nghiệp bằng cách khai phá đồi hoang trồng chè, vỡ ruộng trồng lúa và mở quán nhỏ bán hàng vặt...Dẫu vất vả và có phần lam lũ nhưng ngôi nhà ấy luôn êm ấm và ăm ắp tiếng cười con trẻ. Nhìn các con ngoan ngoãn và lớn khôn từng ngày, ông Tam- bà Chung rất đỗi hạnh phúc.
Nhưng bất hạnh đã giáng xuống mái ấm ấy khi cả ông Tam và bà Chung xuất hiện hàng loạt các triệu chứng bệnh tật nguy hiểm. Hai vợ chồng đi khắp các bệnh viện và cùng chăm sóc nhau để các con yên tâm học hành. Thành quả lao động tích lũy được lâu nay lần lượt ra đi cùng với các đơn thuốc chưa bệnh và vô vàn các khoản chi phí khám- chữa bệnh....
Đến năm 1999 đã bị bệnh tật quật ngã sau một cơn đau tim. Ra đi ở độ tuổi 48, bà Chung để lại người chồng đau yếu và 3 đứa con thơ. Chưa đầy 1 năm sau ngày vợ mất, ông Tam đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Quân y 103. Từ đây, 3 đứa con nhỏ của ông Tam- bà Chung rơi vào hoàn cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Chị thay mẹ nuôi em
Bố mất đúng ngày Trần Thị Thủy - người con gái đầu nhận được tin vui trúng tuyển vào Trường CĐ Sư phạm Nghệ An. Gánh nặng mưu sinh và việc nuôi dạy các em từ nay đặt lên vai người con gái tuổi 18. Có lúc, chị đã nghỉ đến việc từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo, ở nhà chăm lo sản xuất để nuôi dạy các em nên người.
Bà con họ hàng, bạn bè động viên. Lo xong tang bố, chị Thủy xuống TP Vinh nhập học. Còn Luận- người con gái thứ 2 cũng lên lớp 11, Đức bắt đầu vào lớp 1.
Ba chị em (Thủy, Luận và Đức) trong thời gian trọ học ở Thành phố Vinh
Gia tài ông Tam- bà Chung để lại cho các con là ruộng vườn, ao cá. Và khi bố mẹ đau ốm, chi em Thủy đã bắt đầu làm quen với ông việc ruộng đồng nên lúc này đã không còn bỡ ngỡ với công việc nhà nông. Mọi việc từ gặt lúa, hái chè, trồng rau đến nuôi cá, chăn lợn, gà... cả Thủy và Luận đều làm rất thuần thục. Vì vậy, thóc gạo, rau quả không lúc nào thiếu, thậm chí có lúc còn dư giả, đủ nuôi sống 3 chị em.
Hai năm sau, khi chị Thủy bước sang năm cuối cũng là lúc Luận trúng tuyển vào ngành Sư phạm Địa lý (Trường ĐH Vinh). Lúc này Đức vào lớp 3.
Hai chị đều học ở Vinh nên quyết định đưa Đức xuống theo để tiện việc sinh hoạt, nuôi dạy và chăm nom em. Thế là cậu bé Đức trở thành học sinh Trường Tiểu học Hưng Lộc (TP Vinh). Ba chị em sống trong một căn phòng trọ nhỏ, hẹp nhưng hàng ngày vẫn nuôi dưỡng khát vọng vươn lên và thành đạt để bố mẹ được ngậm cười nơi chín suối. Gửi lại nhà cửa, ruộng vườn cho bà con họ hàng, chị Thủy và Luận thay nhau về trông nom, chăm sóc ruộng lúa, vườn chè, ao cá.
Vào dịp nghỉ hè, nghỉ lễ- tết, trong khi bạn bè vui vẻ dạo chơi, chị em Thủy lại tất tả lao vào công việc đồng áng, hết gieo trồng rồi thu hoạch, vòng quay ấy dường như không có sự ngơi nghỉ.
Khi có thời gian rảnh, chị Thủy lại đi dạy kèm (gia sư) để có thêm tiền nuôi bản thân và các em ăn học. Nhờ sự giúp đỡ của người thân trong việc gieo trồng, thu hoạch và sự chăm chỉ lao động cùng khoản trợ cấp chính sách đã giúp 3 chị em Thủy đứng vững trên con đường học tập.
"Vất vả nhiều rồi cũng thấy quen, có khi thấy rất bình thường. Nhưng mỗi khi nghĩ đến cảnh mất bố, mất mẹ thì tủi cực đến phát khóc, nhất là vào những ngày lễ tết, bạn bè được sum vầy cùng bố mẹ, còn chị em mình thì côi cút..."- chị Thủy nói trong xúc động.
Còn Đức, có lẽ do được sinh ra khi người mẹ đã qua độ tuổi 40, lại bị căn bệnh tim mạch hành hạ nên thể trạng của em yếu hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Đang học lớp 3 (năm 2002), Đức bị đau bụng dữ dội, phải đưa vào Bệnh viện Nhi Nghệ An. Các bác sĩ ở đây bảo rằng triệu chứng bênh của Đức rất hiếm gặp, khó xác định nên phải chuyển lên tuyến trên.
Đến nay, tuy Đức mới 18 tuổi nhưng mái tóc đã bạc phân nửa, đó là di chứng của căn bệnh thận bẩm sinh, là do một quả thận không chịu hoạt động.
Sau giảng đường ĐH là nỗi lo mưu sinh
Chị Thủy tốt nghiệp CĐSP, trở về quê và được lãnh đạo Phòng Giáo dục bố trí công tác tại Trường THCS Phúc Sơn, cách nhà hơn 1 km. Ngay sau đó, Luận cũng nhận công tác tại Trường THPT Nghi Lộc 2.
Trần Văn Đức bên tập giấy khen về thành tích học tập
Dù hai chị đã lập gia đình nhưng vẫn chăm lo cho Đức, đặc biệt là về chuyện học hành.
Không phụ lòng anh chị, Đức luôn chăm ngoan, học giỏi. Dù sức khỏe không được tốt nhưng Đức vẫn theo học các lớp chuyên và kết quả học tập luôn đứng tốp đầu. Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, Đức đã trúng tuyển vào Trường ĐH Y dược Huế với số điểm 23,5 và ĐHQG Hà Nội với số điểm 20,5 (chưa tính điểm ưu tiên).
Theo ý nguyện của bố mẹ lúc sinh thời, Đức đã lên đường theo học nghề y để chữa bệnh, cứu người...
Lúc tiễn khách ra ngõ, chị Thủy tâm sự: "Có thể nói những nhọc nhằn, vất vả và tủi cực đã qua, cuộc sống giờ đây đã dễ thở hơn nhiều lần. Nhưng phía trước vẫn còn nhiều nỗi lo...". Nhìn nét mặt rắn rỏi, nhiều nếp nhăn, già hơn so với độ tuổi 30 của chị Thủy, chúng tôi cầu mong chị luôn mạnh khỏe, bình an để tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho một bác sĩ tương lai...
Theo VNN
Trở thành 'cỗ máy tình dục' sau hai đời chồng Lần thứ hai lấy chồng, Diệp lại lầm lỡ với một gã nghiện. Gã vào tù, để lại Diệp cùng đứa con trai nheo nhóc. Nghe chúng bạn rủ rê, chị tìm đến phố thị để mua bán, trao đổi chính thân xác mình... Lận đận hai lần đò Diệp tại trung tâm giáo dục lao động ở Hải Phòng Tuyên Quang dường...