Nhọc nhằn những đứa trẻ không có mùa hè
Hàng năm cứ đến mùa “ve kêu – phượng nở”, học sinh náo nức đón chào mùa hè. Nhiều bạn nhỏ lên kế hoạch để “tiêu” hết thời gian 3 tháng hè một cách thú vị và ý nghĩa nhất. Thế nhưng, không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng may mắn có được những mùa hè đúng nghĩa. Hè đến, trên nhiều con đường ở TP.HCM, đâu đó hình ảnh những em nhỏ cầm trên tay xấp vé số hay xấp báo xuất hiện nhiều hơn…
Gánh nặng đè xuống tuổi thơ
Mùa hè đến cũng đồng nghĩa với việc các em học sinh vui mừng chào đón kỳ nghỉ được mong đợi nhất trong năm. Đối với học sinh, nghỉ hè tuy phải xa trường lớp, bạn bè, sách vở nhưng cái sự “xa” đó các em thích thú hơn, bởi chúng được bước vào một thế giới mới thay đổi nhịp sống mỗi ngày, thế giới của những trò chơi giải trí, của những chuyến du lịch xa cùng gia đình, hay chí ít cũng là những giờ đồng hồ ngấu nghiến bên các trang truyện tranh yêu thích mà không phải lo cha mẹ nhắc nhở học bài.
Video đang HOT
Tuy nhiên, không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng may mắn có được mùa hè đúng nghĩa. Trong khi rất nhiều bạn nhỏ đang dự lễ bế giảng năm học trên sân trường rợp đầy hoa phượng thì ở ngoài kia, người ta lại thấy hình ảnh những em nhỏ cầm trên tay xấp vé số hay xấp báo… rảo đi mời khách. Nhìn những khuôn mặt đen sạm vì nắng ít ai biết được rằng, các em cũng là những học sinh. Mà với các em nhỏ ấy, mùa hè chính là học kỳ của việc mưu sinh nhọc nhằn.
Mua một tờ vé số rồi lân la bắt chuyện, mới nghe được những câu chuyện tuy đời thường nhưng vô cùng cảm động. Em tên là Nguyễn Thị Bé – 9 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, cha mẹ ly thân, mẹ bỏ đi với người khác, cha chạy xe ôm nuôi em. May mắn cho em là có được bà nội chăm sóc và yêu thương. Bà làm nghề bán vé số dạo. Thời gian còn trong năm học thì em đi học một buổi, một buổi đi bán vé số dạo với bà. Còn bây giờ khi hè đến, em sẽ đi bán vé số với bà suốt cả ngày. Hỏi bà nội Võ Thị Hỷ thì mới biết: “Tui trọ ở cái khu ổ chuột tồi tàn. Người thuê trọ khu đó chả biết ai là ai, xấu tốt hay đàng hoàng ra sao, ai mà biết được. Mà tui đọc “lóm thóm” trên báo thấy nhiều tin “yêu râu xanh” quá, nên tui nghĩ dắt con bé đi theo cho an toàn. Với lại, nhờ con bé, mà nhiều người khách thấy tội nên mua giúp đó cô”.
Cô bé 9 tuổi với dáng vẻ gầy nhom và da đen sì này tuy chỉ mới học lớp 3 nhưng em đã có 3 năm trong “nghề”. Bé bẽn lẽn cho biết: “Con muốn đi bán vé số chung với nội lắm. Nội già rồi. Tối nào về cũng bị đau chân và đau lưng cả. Nên con muốn đi bán vé số chung với nội, sẵn tiện cầm theo chai dầu. Có mấy lúc mệt quá dừng nghỉ chân, con sẽ bóp chân cho nội”.
Tuy không phải làm những việc nặng, nhưng nghề của Bé cũng vất vả không kém khi một ngày phải đi bộ hàng chục cây số giữa cái nắng gắt của mùa hè. Với số tiền kiếm được không nhiều nên bữa ăn của Bé và bà nội cũng chỉ dừng lại ở mức 10.000 – 12.000 đồng. Và trong giai đoạn nắng nóng như thế này, nước chính là một thứ không thể thiếu được với hai bà cháu trên con đường mưu sinh.
Rải đầy những nỗi buồn, những hiểm nguy
Cô bé 9 tuổi vậy đó – cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà vẫn phải bon chen, tìm kiếm từng đồng một cùng bà nội giữa trời trưa nắng, giữa phố xá đông đúc của Sài thành. Có lẽ vì thế mà Bé không tránh khỏi những nỗi buồn có vẻ “già dặn” hơn, “trải đời” hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Trong học kỳ mưu sinh của mình, Bé gặp không ít những nỗi buồn. Ngang qua những khu phố sầm uất như hôm gặp Bé ở công viên 23/9, ánh nhìn trẻ thơ thể hiện sự thèm thuồng bỗng dưng ùa về trong đôi mắt Bé. Theo ánh nhìn ấy, dường như Bé mong muốn có được một con thú nhồi bông đang trưng bày ven đường. Đôi tay bé nhỏ níu và giựt lấy nhè nhẹ đôi tay già nua, Bé ngước lên nhìn mắt nội, một tay chỉ đằng xa và nói: “Đẹp quá, nội hén!”. Chỉ dừng lại như thế thôi, chứ có dám vòi vĩnh đòi mua đâu, nhưng với cử chỉ ấy, đôi lúc lại khiến ta khó kiềm lòng mà không xót xa.
Vô tình buổi chiều tà muộn hôm ấy, theo chân hai bà cháu về đến đại lý vé số thì bỗng có một người hét toáng lên: “Cướp, cướp,… Trời ơi, cướp!”. Người hét toáng lên ấy chính là nạn nhân bị giựt tập vé số cuối ngày còn sót lại trước giờ xổ. Bé lúc ấy sợ khúm người, nắm chặt lấy tay nội và kéo nội vào tận trong lề đường, miệng lí nhí nói: “Con sợ, con sợ lắm nội ơi”.
Đâu chỉ bắt gặp những nỗi buồn lúc vu vơ, lúc già dặn mà Bé còn có cả những nỗi sợ khi “mưu sinh”. Dù chưa một lần bị cướp tập vé số, vì thật ra Bé còn nhỏ quá nên nội không giao cho em giữ, nhưng vì chứng kiến không ít lần cảnh tượng này nên trong em luôn tồn tại những nỗi sợ vô hình.
Bà Hỷ nói: “Cái hôm đầu tiên nó thấy cảnh đó, tối về lúc ngủ, con bé còn mơ thấy. Mồ hôi ướt vã, miệng ú ớ la sợ, làm tui thấy mà thương. Mới nhỏ mà phải chứng kiến toàn mấy cảnh chả hay ho gì cả. Tui lo ảnh hưởng đến nó lắm. Cô có nghĩ vậy không?”. Câu hỏi ấy có dằn vặt những người ngoài lề hay không? Riêng với những người trong cuộc, những người phải kiếm kế sinh nhai bằng cái nghề cực nhọc và vất vả này thì có lẽ nó sẽ cứ mãi dằn vặt và ám ảnh họ, nhất là mỗi khi nghĩ đến tương lai của con em họ. Nhen nhóm trong nỗi cơ cực ấy là ước được cắp sách đến trường.
Theo motthegioi