Nhọc nhằn con chữ nơi vùng cao
Lớp học lợp bằng tôn, vách tường là những tấm lồ ô đan lại với nhau… Khó khăn là vậy, nhưng bao nhiêu năm qua, cô và trò tại điểm trường lẻ thôn Môn, xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng vẫn cùng nhau vượt qua để tiếp cận với con chữ.
Giữa muôn trùng núi, chúng tôi tìm đến điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Trà Thanh ở thôn Môn, xã Trà Thanh vào một ngày cuối tháng 9. Điểm trường nằm chênh vênh trên lưng chừng đồi với 3 phòng học, gồm 2 phòng học được xây dựng kiên cố và một phòng học tạm làm bằng lồ ô hiện lên trước mắt chúng tôi.
Hơn 9 giờ sáng, trong lớp học dựng tạm có diện tích chừng 30m2, 14 học sinh khối lớp 3 đang cặm cụi viết bài. Những tia nắng xuyên qua kẻ hở của bức vách đan bằng tre lồ ô rọi xuống bàn, ghế, soi thẳng vào tấm lưng bắt đầu lấm tấm mồ hôi của những cô, cậu học trò nhỏ.
Cả lớp học chỉ có một chiếc máy quạt xoay qua, xoay lại, xoay bên này thì bên kia nóng, xoay qua bên kia thì bên này nóng. Ngồi một lúc các cô cậu học trò nhỏ cứ loay hoay, bởi nhiệt độ trong phòng học ngày càng tăng lên, gương mặt cũng thấm mệt, ướt đẫm hết cả mồ hôi.
“Do điều kiện nhà trường còn khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nên lớp học chỉ có một chiếc máy quạt. Có nhiều hôm trời nắng nóng, các em toát mồ hôi ướt hết cả áo. Thấy mà thương các em lắm”, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên điểm trường thôn Môn, xã Trà Thanh kể.
Cô, trò dạy và học trong căn phòng tạm bợ làm bằng tre, lồ ô
Điểm trường lẻ thôn Môn, xã Trà Thanh nằm ở gần ranh giới của Quảng Ngãi và huyện Trà My, Quảng Nam. Tại đây, có hơn 40 học sinh khối lớp 1, 2 và 3 đang theo học. Hiện điểm trường này có 2 phòng học kiên cố được đầu tư xây dựng từ năm 2008 chỉ đủ dạy cho khối lớp 1 và 2. Còn khối lớp 3, do không đủ phòng nên nhà trường và phụ huynh học sinh góp sức vào rừng lấy tre, nứa, lồ ô về dựng thành lớp học.
Cô giáo Hồ Thị Sang, giáo viên tại điểm trường này cho hay, lớp học được dựng tạm bợ, mái lợp bằng tôn nên mùa hè nóng còn mùa đông thì gió lùa vào những khe hở của những tấm lồ ô rất lạnh. Trường cũng không có kinh phí để xây nhà bán trú cho học sinh ở lại, học sinh phải mang cơm từ nhà đến trường ăn trưa, ăn xong ngủ trưa tại ngay lớp học.
Video đang HOT
“Ở cạnh các em mới thấu hiểu được nổi khổ của việc đi tìm con chữ. Thấy mà thương các em lắm. Học trò ở đây ăn uống thiếu thốn, học trong phòng học tạm bợ thiếu thốn đủ thứ, nhưng các em vẫn rất cố gắng, không chùn bước, đi học đầy đủ. Nhìn mà chạnh lòng! Giáo viên nơi đây càng quyết tâm bám trường, giữ lớp”, cô Sang bày tỏ.
Thiếu thốn đủ bề, nhưng những học sinh khá ngoan ngoãn và chăm học
Thầy Nguyễn Thái Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trà Thanh cho biết, năm học mới 2020- 2021, trường Tiểu học Trà Thanh có 368 học sinh. Tổng số phòng học tại tất cả các điểm trường trực thuộc là 13 phòng, trong đó có 1 phòng học tạm bợ bằng tre lồ ô.
“Dù biết điều kiện kinh tế của huyện còn quá khó khăn. Thế nhưng các thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây vẫn luôn mơ ước về những lớp học khang trang hơn cho các em học sinh. Chúng tôi rất mong Nhà nước, các nhà hảo tâm giúp xây dựng thêm phòng học kiên cố để các em không phải học ở phòng học tạm bợ, yên tâm học tập hơn”, thầy Dũng trăn trở.
Năm học này, Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã trích nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục gần 3 tỷ đồng để gia cố, sửa chữa cơ sở vật chất, gia cố các phòng học và mua sắm trang thiết bị cho các trường. Tuy nhiên, chừng đó chẳng “thấm tháp” gì trong điều kiện điều kiện cơ sở vật chất còn quá khó khăn. Toàn huyện còn đến 7 phòng học tạm bợ bằng tre lồ ô, với gần 150 em học sinh theo học.
Bà Đinh Thị Thu Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng cho biết, những năm qua do thiếu nguồn kinh phí, việc đầu tư và xây mới còn gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện có 55 trường học trực thuộc, 160 điểm trường lẻ với hơn 13.000 nghìn học sinh đang theo học.
Mười bốn cô cậu học trò nghèo mỗi đứa mỗi gô cơm mang theo để ăn trưa
Theo bà Hương, trên địa bàn huyện còn đến 7 phòng học tạm bợ, trong đó có 2 điểm không có phòng học phải mượn Nhà văn hóa xã Trà Sơn và nhà kho của Trường Tiểu học Trà Lâm, tất cả các phòng học này đều không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh, tuy nhiên huyện cũng không có đủ kinh phí để xây dựng trường kiên cố.
“Nguồn kinh phí quá ít ỏi trong khi các điểm trường đều xuống cấp nên chỉ đủ dùng sửa chữa, chưa có nguồn kinh phí để xây dựng phòng học mới cho các em. Riêng năm nay, ở 7 điểm trường tạm, huyện đã nỗ lực tu sửa , tráng nền xi măng, lắp khung sắt. Tuy là phòng tạm nhưng phải nỗ lực rất nhiều mới thực hiện được vì huyện còn gặp rất nhiều khó khăn”, bà Hương chia sẻ.
Người dân địa phương và giáo viên ở điểm trường thôn Môn và các điểm trường khác ở miền núi chỉ mong một điều là những lớp học tạm kia sớm được thay thế bằng những phòng học kiên cố, để những đứa trẻ nghèo vùng cao trên con đường tiếp cận tri thức không còn phải nóng bức trong mùa hè và run rẩy trong những cơn gió lạnh mùa đông.
Đất quế vươn mình
Trong 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Trà Bồng, Tây Trà đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Trà Bồng lần thứ XXIII, huyện Tây Trà lần thứ III đạt nhiều kết quả khả quan...
Ngày 1.4.2020 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng đối với huyện Trà Bồng và Tây Trà khi 2 huyện sáp nhập thành huyện Trà Bồng mới. Trà Bồng, Tây Trà lại về chung một nhà, cùng nhau xây dựng quê hương đất quế anh hùng ngày càng phát triển.
Chủ động và sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Võ Văn Rân cho biết: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Trà Bồng và Tây Trà đã đổi mới phương thức lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực. Huyện triển khai đồng bộ các giải pháp; xác định các thế mạnh, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của từng giai đoạn để thực hiện.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho nhân dân và cán bộ huyện Trà Bồng.
Trong nhiệm kỳ qua, đi đôi với luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cán bộ, huyện Trà Bồng và Tây Trà (cũ) còn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát... Qua đó tạo chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy đảng và đảng viên, làm cho tổ chức đảng đi vào hoạt động ngày càng nền nếp, chất lượng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, huyện Trà Bồng và Tây Trà (cũ) đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để định hướng, lãnh đạo giải quyết tốt các vấn đề xã hội quan tâm. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) gắn với Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Huyện tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc...
Vững tin bước vào nhiệm kỳ mới
Nhờ đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh và công tác xây dựng Đảng, nên giai đoạn 2015 - 2020, huyện Trà Bồng và Tây Trà (cũ) đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, tổng giá trị sản xuất đạt 6.398 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt trên 216 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện. Đời sống người dân ngày càng nâng lên. Nông thôn của huyện ngày một khang trang...
Diện mạo thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) ngày càng khang trang. Ảnh: Nhị Phương
Bên cạnh đó, huyện còn triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, bình quân mỗi xã của Trà Bồng đạt 9,8 tiêu chí NTM. Xã Trà Bình được công nhận xã NTM và cuối năm 2019, xã Trà Phú hiện đã đáp ứng các tiêu chí xã NTM.
Trong phát triển kinh tế, huyện chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, tạo việc làm cho người dân. Trong 5 năm qua, đã đầu tư hơn 1.462 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi và du lịch. Hạ tầng quan trọng, thiết yếu ở thị trấn Trà Xuân được quan tâm đầu tư gắn với chỉnh trang đô thị. Nhờ đó, thị trấn Trà Xuân được công nhận đô thị loại V vào năm 2016.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, huyện có 12 trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục. Huyện đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 4.516 người; giải quyết việc làm mới cho 5.000 lao động, góp phần giảm hộ nghèo từ 59% xuống còn 32% vào cuối nhiệm kỳ.
Tiết mục đấu chiêng truyền thống của đồng bào Cor huyện Trà Bồng. Ảnh: ĐÌNH QUANG
Theo ông Võ Văn Rân, ngày 1.4.2020 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng đối với huyện Trà Bồng và Tây Trà khi 2 huyện sáp nhập thành huyện Trà Bồng mới. Mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 của huyện Trà Bồng là xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Huyện Trà Bồng phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thoát khỏi huyện nghèo.
Để đạt mục tiêu trên, trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Trà Bồng xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Huy động và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển giáo dục; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước... Cùng với đó, huyện Trà Bồng triển khai 2 nhiệm vụ đột phá là tập trung xây dựng thị trấn Trà Xuân đạt một số tiêu chí của đô thị loại IV, các xã Trà Phong, Trà Bình đạt một số tiêu chí của đô thị loại V; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy nông nghiệp, xây dựng NTM làm khâu đột phá, tạo tiền đề để giảm nghèo bền vững...
"Kho báu" quý giá người Cor mang họ Bác Hồ "cất" trên dãy núi Răng Cưa là thứ gì? Nhiều thế kỷ qua, cộng đồng người Cor mang họ Bác Hồ ở rẻo cao huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn bảo tồn và gìn giữ giống cây quế bản địa rất có giá trị. Nhiều thế kỷ qua, cộng đồng người Cor mang họ Bác Hồ ở rẻo cao huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn bảo tồn và gìn giữ...