Nhớ về một mùa thi
Một mùa thi tuyển sinh đại học lại sắp đến. Nhìn các em học sinh ráo riết chuẩn bị “ vượt vũ môn” lại thấy nhớ sao 5 năm về trước.
Không biết có phải vì lứa tôi có quá nhiều cái “đầu tiên” áp dụng không mà để lại nhiều ấn tượng thế. Mọi thứ vẫn hiển hiện lên trong đầu – chưa đến mức “mới như ngày hôm qua” nhưng còn rõ lắm.
Tôi tốt nghiệp cấp 3 và thi đại học năm 2007. Năm đó có khá nhiều sự thay đổi trong việc học và thi, lớn nhất là việc chuyển từ hình thức thi viết sang trắc nghiệm một số môn. Tôi thi khối A nên có 2 môn trắc nghiệm là Lý và Hóa.
Vậy là phương pháp học cũng phải thay đổi theo. Thi trắc nghiệm sẽ bao quát lượng kiến thức rộng hơn nhưng không sâu bằng thi viết và bớt được yêu cầu về mặt trình bày (tất nhiên cũng phải tô cho sạch, kín để máy chấm đúng)
Năm lớp 12, tôi không đi học thêm mà tự học là chính. Tôi cũng có tham khảo thêm sách nâng cao bên ngoài nhưng quan trọng nhất là kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Tựu chung lại, có hai điều giúp ích cho tôi như sau: tự soạn tài liệu ôn và tích cực luyện bộ đề.
Bắt đầu từ học kỳ II năm lớp 12, tôi đã tự soạn tài liệu riêng để ôn thi đại học. Đơn giản thôi, mỗi môn đều có những dạng bài cơ bản nhất định mà tôi tạm gọi là chủ đề, và mình soạn theo từng chủ đề đó. Ví dụ môn Hóa học, tôi có các chủ đề như HCl, H2SO4, rượu, amin, glucozo… Đầu tiên tôi tổng hợp lại từ sách giáo khoa và vở ghi những kiến thức cơ bản, cần thiết một cách ngắn gọn nhất có thể như là khái niệm, công thức cấu tạo, có mấy tính chất cơ bản…
Mùa thi đang đến gần với vô vàn nỗi lo của các thí sinh và phụ huynh. Ảnh minh họa
Video đang HOT
Sau đó trong quá trình tham khảo bên ngoài, làm thử các đề thi sẽ phát sinh các trường hợp mới cần ghi chú thì tôi sẽ bổ sung dần. Vì viết ra giấy và ghim lại nên việc sửa đổi, bổ sung rất dễ dàng, đỡ phải ôm một đống tài liệu nào sách in, sách nâng cao, vở ghi… Hơn nữa lại do tự viết tay nên có thể coi là được ôn lại thêm lần nữa và biến kiến thức đó thực sự thành của bản thân. Đến nỗi tôi có thể hình dung ra đoạn cần tìm nằm ở khoảng nào trong trang giấy, có khoảng bao nhiêu dòng. Việc ghi nhớ về mặt thị giác như vậy đôi khi lại khá hữu ích, giúp tôi hồi tưởng lại khi chẳng may quên, sót ý. Phương pháp này tôi cũng tiếp tục áp dụng trong khi học đại học. Nó giúp tôi vượt qua các kỳ thi hết môn với điểm số cao hơn.
Số lượng câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm khá lớn, nên đòi hỏi phải tìm ra đáp án nhanh, chính xác, tức là phải có “phản xạ tốt”. Muốn thế tôi phải luyện tập nhiều. Các bạn khóa sau có lợi thế hơn là có đề thi từ các năm trước để tham khảo nhưng tôi là năm đầu tiên áp dụng nên khá bỡ ngỡ. May mắn là các thầy cô đã soạn ra rất nhiều bộ đề thi hay cho chúng yooi làm thử, rồi áp dụng luôn vào các bài kiểm tra 15 phút, một tiết.
Lớp tôi còn lập nên các ban cán sự học tập phụ trách các môn gồm những bạn có thế mạnh nhất về môn đó. Các bạn này sẽ nghĩ ra các đề trắc nghiệm cho cả lớp cùng làm và chấm điểm lẫn nhau. Trong lớp ai nghĩ ra câu trắc nghiệm nào hay sẽ gửi lại cho ban cán sự để tổng hợp. Giờ nhớ lại thấy không khí học và ôn khi đó thật sôi nổi, cả lớp cũng thân nhau hơn rất nhiều.
Thời điểm nước rút – một tháng trước kỳ thi đại học, tôi rủ cậu bạn gần nhà thành lập “tổ tác chiến”. Hai đứa học cùng nhau đem lại hiệu quả bất ngờ, vừa hệ thống lại kiến thức, vừa kiểm tra lẫn nhau. Một buổi bọn tôi làm từ hai đến ba đề các môn, rồi thi nhau xem ai làm xong trước. Tính “cạnh tranh” cao thế nên đứa nào cũng cố gắng hết sức. Vui nhất là lúc đọ kết quả, có khi cãi nhau om xòm xem đứa nào đúng, đứa nào sai rồi lại cùng nhau cười. Tâm lý tôi cũng thoải mái, đỡ áp lực hơn.
Nói thêm về giờ giấc sinh hoạt, tôi cố gắng không xáo trộn nhiều. Vì có thời gian học nhóm ban ngày rồi nên buổi tối tôi chỉ xem lại những điểm cần chú ý qua buổi học nhóm ngày hôm đó và chuẩn bị cho buổi hôm sau. Tôi vẫn xem thời sự, xem bộ phim yêu thích và đi ngủ tầm 22h-22h30. Nhiều bạn lớp tôi học rất khuya, có khi thâu đêm tới tận sáng hôm sau mới đi ngủ. Tùy từng người, có người nói rằng chỉ buổi sáng học mới vào, có người lại chỉ có buổi đêm. Nhưng theo ý kiến chủ quan của mình, không nên đảo lộn đồng hồ sinh học, vì trong thời gian ngắn thế cơ thể chưa kịp thích ứng, sẽ gây mệt mỏi, hay quên mà kỳ thi lại đang tới gần rồi. Nhờ những nỗ lực, tôi đã trở thành sinh viên của ngôi trường yêu thích – Học viện Tài chính.
Theo VNE
5 liệu pháp vượt qua vũ môn
Bằng những kinh nghiệm trong cuộc sống và qua các đợt tuyển sinh, nhóm giảng viên tâm lý - ĐH Nguyễn Huệ (tỉnh Đồng Nai) đưa ra 5 liệu pháp tâm lý để giúp các bậc phụ huynh, thí sinh cùng tham khảo.
Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công nhưng đại học là bước đệm quan trọng, tiền đề thuận lợi cho cuộc đời con người. Những liệu pháp dưới đây phần nào giúp bạn tự tin hơn trên con đường chinh phục các kỳ thi.
Thay đổi cách ứng xử
Nếu như trước đây cha mẹ thường ứng xử theo những nguyên tắc bắt buộc để các em thực hiện đúng yêu cầu của người lớn thì trong thời điểm quan trọng này nguyên tắc đó đã lỗi thời, không phù hợp, thậm chí còn gây nên căng thẳng quá mức cho các em. Vì vậy, những ngày này, các bậc phụ huynh luôn là điểm tựa tinh thần quan trọng để cùng các em chia sẻ những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc.
Nhờ vậy, các em sẽ nhận thấy rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn được người thân giúp đỡ, động viên kịp thời. Do đó, học sinh tự tin và sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách trong học tập, thi cử. Cha mẹ hãy làm nhà tư vấn để giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn của con, tạo ra lòng tin cho con. Người lớn có thể khơi nguồn cảm hứng để giúp các em có thể vượt qua bế tắc, nhụt chí mà thể hiện lòng quyết tâm. Trên thực tế, ở thời điểm trong quá trình làm bài thi, nếu như tâm trạng ổn định, thoải mái thì các em dễ dàng tái hiện được những kiến thức cũ cũng như khả năng so sánh, phân tích, khái quát mạch lạc, sáng tạo khi trong tư duy. Nhờ đó quy trình làm bài có thể tránh được sai sót nhỏ.
Tâm lý thoải mái cũng là một yếu tố bạn dễ vượt qua kỳ thi đại học hơn. Ảnh minh họa
Không tạo áp lực:
Không ít trường hợp thí sinh không vượt qua kỳ thi đại học chỉ vì áp lực từ phía gia đình mặc dù các em học lực khá, giỏi. Hiện nay nhiều phụ huynh thường vô tình tạo ra áp lực cho con, như ra điều kiện "phải thế này, hoặc phải thế kia", "nhất định phải thi đỗ đại học", bắt con phải "học ngày cày đêm, học thêm ngoài giờ" dẫn đến bị vắt kiệt sức khỏe tinh thần, tâm lý... Tất cả điều đó vô hình tình tạo ra sự căng thẳng quá mức dẫn đến các em không thể lĩnh hội được kiến thức, thường gọi là hiện tượng "quá tải, vượt ngưỡng". Các bậc phụ huynh có thể căn cứ vào năng khiếu, sở trường, năng lực, trình độ, sức khỏe hiện có của các em để làm quân sư, làm nhà tư vấn để định hướng, giúp đỡ khi cần thiết.
Đại học không phải là con đường duy nhất
Trong phần lớn gia đình Việt Nam, các bậc phụ huynh đều nặng tư tưởng "con mình nhất định phải thi đỗ đại học" nhưng họ không biết rằng cho dù có đỗ đại học nhưng chưa chắc con mình khi ra trường có thể dễ dàng kiếm việc làm, thậm chí còn bỏ ngành đã học chuyển sang một ngành phù hợp hơn. Năm 2009, hãng Reuters có bài viết về thực trạng khó khăn của các công ty nước ngoài trong việc tuyển dụng những nhân viên có tay nghề cao ở Việt Nam. Reuters lấy chuyện tuyển chọn nhân viên của tập đoàn Intel làm ví dụ. Khi đó, Intel đã mời 2.000 sinh viên xuất sắc của 5 trường đại học hàng đầu ở Việt Nam tham gia tuyển chọn và kết quả chỉ có số ít người trúng tuyển. Đây là những ngành công nghệ cao được qua hệ thống kiểm tra khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài.
Thực tế đào tạo đại học ở nước ta đang cho ra lò không ít sinh viên ở dạng "thầy không ra thầy, thợ không ra thợ". Vì thế, cần hiểu rằng đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời. Cha mẹ nên chuẩn bị cho mình một tâm lý hoàn toàn thoải mái cho con trước kỳ thì: Đỗ hay trượt đều có thể xảy ra. Không đỗ đại học con bạn có thể học bằng các hình thức khác. Học nghề cũng là một cách tốt để con bạn thành công trong cuộc sống.
Dinh dưỡng phù hợp
Về chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ cần đáp ứng hợp lý. Chế độ dinh dưỡng mùa thi rất quan trọng. Não phải sử dụng một lượng lớn đường để hoạt động, vì vậy nên sử dụng các loại thực phẩm có dạng bột đường, như chất béo, các acid amin, vitamin, các chất đạm như: thịt, cá, trứng, đậu nành, sữa... Bữa sáng cần an đầy đủ để cung cấp năng lượng cho cả ngày học tập. Mỗi ngày nên ngủ từ 7 đến 9 giờ, mỗi giờ giải lao 15-20 phút. Đặc biệt cần lưu ý rằng, không nên học dồn, sát đến ngày thi mới học cả ngày, cả đêm, cách học đó vừa không hiệu quả, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo ra áp lực, mệt mỏi, khó tiếp thu, càng học lại càng quên...
Không dùng chất kích thích
Các bác sĩ khuyên rằng không nên dùng các loại thuốc, chất kích thích để tăng cường khả năng trí nhớ. Chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định thuốc, chất kích thích có thể làm tăng khả năng này. Đó có thể chỉ là những hưng phấn tạm thời, không có tác dụng như thần dược, thậm chí còn gây ra hậu quả mau quên, buồn ngủ, rối loại hành vi, hoang tưởng, trầm cảm... Trí nhớ một phần là khả năng bẩm sinh cùng với sự rèn luyện của con người mới phát huy được. Như vậy, chỉ khi có một tinh thần thoải mái, một sức khỏe tốt thì các thí sinh mới có thể hoàn thành tốt nhất kỳ thi của mình. Con đường vào đại học sẽ rộng mở khi kỳ thi đại học xem như là một lần kiểm nghiệm.
Theo VNE
Thêm "vitamin tinh thần" cho thí sinh Mùa thi đang cận kề, các bậc phụ huynh không những chăm sóc về thể chất cho con cái mà cần phải "bồi bổ" về mặt tinh thần để giúp các thí sinh tránh những áp lực không đáng có. Quan tâm đúng cách Trong giai đoạn "vượt vũ môn", ngoài tâm trạng rất dễ căng thẳng do khối lượng bài vở nhiều,...