Nhờ người mang thai hộ, có ngày mất chồng
Anh ấy chăm sóc cô ta từng ly, từng tí. Đến cái quần anh ấy chưa bao giờ giặt cho tôi, thế mà cô ấy chỉ nói một câu là anh sắn tay áo lên làm ngay.
ảnh minh họa
Đọc bài chia sẻ “Cắn răng tìm gái lạ cứu gia đình” mà tôi thấy thương cảm cho hoàn cảnh gia đình chị. Hiện tại chị chỉ còn giải pháp là tìm người mang thai hộ mới mong cứu gia cảnh. Nhưng tôi cũng khuyên chị thật lòng là chị nên cẩn thận đừng bị rơi vào hoàn cảnh của tôi bây giờ.
Vợ chồng tôi cưới nhau hơn 15 năm mà không có con, bây giờ tôi đã 40 tuổi rồi, mà đường con cái vẫn chưa tới.
Hai vợ chồng tôi đã đi khám ở rất nhiều bệnh viện. Lần nào các bác sĩ cũng kết luận tôi bị tắc vòi trứng, dù đã thuốc thang chữa bệnh, nhưng tình hình mãi không tiến triển.
Nhiều người bạn của tôi mách đi chữa bệnh hiếm muộn con này bằng cách tìm đến các thầy cúng. Tôi cũng đã phải đi bao nhiêu là thầy cúng. Cứ có ai mách thầy nào hóa giải đường âm hay để các vợ chồng có con là vợ chồng tôi lại tìm đến. Số tiền trả cho thầy cúng rất tốn kém, thế mà kết quả chúng tôi nhận được vẫn là con số không.
Mới gần đây tôi đi khám lại ở bệnh viện Phụ sản Trung ương thì được biết do tôi bị tắc vòi trứng nên dẫn đến vô sinh. Quá đau buồn trước số phận nghiệt ngã, lại nghĩ đến cảnh cả đời không có đứa con để yêu thương vỗ về, tôi bị stress nặng. Đã thế ở gia đình nội ngoại, chúng tôi lại là con một. Nếu tôi và ông xã không thể có con thì coi như nhà tôi không còn người nối dõi. Tới giờ thì vợ chồng tôi cũng chẳng quan trọng là con trai hay con gái nữa. Miễn có con là được. Thế nhưng bác sĩ đã kết luận là vô sinh rồi thì mọi hy vọng của tôi tiêu tan. Cuộc sống của vợ chồng tôi trở thành địa ngục. Tôi suy sụp.
Nghe bạn bè mách chuyện đẻ thuê. Tôi liền bàn với chồng sẽ nhờ người mang thai, hi vọng có một mụn con cho vui cửa vui nhà.
Qua sự giới thiệu của một người bạn, vợ chồng tôi đã liên hệ được với một cô gái trạc 25, 26 tuổi. Tuổi này thì sinh đẻ ngon lành, nên vợ chồng tôi rất yên tâm. Qua tìm hiểu của tôi thì cũng vì hoàn cảnh gia đình ở quê quá khó khăn nên cô mới phải làm cái nghề này.
Vì trứng của tôi không dùng được nên chúng tôi phải nhờ cô gái đẻ mướn ấy cho trứng, để kết hợp với tinh trùng của chồng. Trước khi thực hiện, tôi cũng đã làm bản cam kết rằng sau khi cô này sinh xong, sẽ không được đến nhà thăm nom hay đòi lại con, cắt đứt hoàn toàn liên lạc. Và cô ấy cũng đã đồng ý. Để cẩn thận hơn, trên mọi giấy tờ giao dich tôi toàn để địa chỉ giả và mỗi lần trao đổi phải thường xuyên thay đổi địa điểm.
Video đang HOT
Nhìn cô này cũng xinh xắn, trắng trẻo và cao ráo nên tôi rất hy vọng khi con mình sinh ra nó sẽ thừa hưởng được những nét đẹp của cô ấy.
Sau khi cấy phôi thai vào tử cung, vợ chồng tôi thuê nguyên một căn phòng cho cô ấy ở. Chúng tôi vẫn bố trí người đến thăm theo định kỳ. Theo lời dặn của bác sĩ, chúng tôi cho cô ấy ăn uống rất đầy đủ đồng thời kiểm tra thai thường xuyên.
Hồi mới mang thai, cô ấy cũng khá dễ chịu, nhưng từ khi mang thai tháng thứ 5 trở đi cô ấy yêu cầu vợ chồng tôi phải gắn máy lạnh vì nóng quá, không ngủ được.Chồng tôi thương con nên cũng chấp nhận.
Kể từ khi cô ấy có bầu, chồng tôi vui vẻ, yêu đời như thủa đôi mươi. Ban đầu tôi cũng thấy mừng. Nhưng về sau thấy chồng cứ ngày ngày hết giờ làm là chạy thẳng tới nhà cô đẻ thuê, cơm bưng, nước rót, phục vụ cô ta tận tình thì tôi thấy có chút chạnh lòng.
Anh ấy chăm sóc cô ta từng ly, từng tí. Đến cái quần anh ấy chưa bao giờ giặt cho tôi, thế mà cô ta chỉ nói một câu là anh sắn tay áo lên làm ngay. Chính tay anh cũng đi mua sữa bầu cho cô ta uống. Rồi còn tự tay nấu cháo cá chép cho cho cô ta ăn an thai.
Tôi tỏ thái độ không hài lòng về cái cách anh cư xử với cô ta. Anh mắng tôi té tát: “Đã không đẻ được, giờ có người đẻ con cho mà cô còn kêu ca gì. Tôi phục vụ cô ta cũng chính là phục vụ con mình mà cô còn ghen tuông”. Nghe chồng nói mà tôi sững người. Có phải là tôi không muốn đẻ đâu. Tôi đã từng chạy chữa khắp nơi, đã khóc hết cả nước mắt vì biết mình không đẻ được con. Hơn ai hết anh phải là người hiểu nỗi đau này của tôi. Tôi đau lòng và rất buồn khi thấy chồng ra sức chăm lo cho cô ta.
Có lần đang nửa đêm, 2 vợ chồng tôi đang ngủ thì cô ta gọi điện, kêu đói. Thế là chồng tôi vùng dậy, chạy ngay ra ngoài mua cháo gà đến cho cô ta tẩm bổ giữa đêm hôm khuya khoắt. Tôi bảo cho tôi đi cùng thì anh ấy không chịu.
Đến phòng khám thai, 2 vợ chồng tôi đưa cô ta đi khám thì cô nhân viên nhầm anh với cô ấy là 2 vợ chồng. Thế mà anh cũng chẳng thanh minh.
Chồng tôi đã như thế, nhưng cô gái kia tưởng hiền lành chân chất thế mà cũng thuộc dạng chẳng phải vừa. Cũng liếc mắt đưa tình, nói những lời ngon ngọt nhằm dụ dỗ chồng tôi.
Giời tôi không biết phải làm sao, cô ta kia vừa xinh xắn lại trẻ trung, đặc biệt hơn tôi ở cái chỗ cô ấy biết đẻ. Trong khi tôi vừa già, vừa xấu lại chẳng đẻ nổi một mụn con. Chỉ sợ chồng bỏ tôi để lấy cô ta. Giờ tôi chỉ mong con nhanh chóng chào đời, khỏe mạnh, để tôi có thể đón con và kéo chồng về với mình, hy vọng giữ được hạnh phúc gia đình.
Theo VNE
Mang thai hộ khó lường, hôn nhân đồng giới khó cấm
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đồng tình cho mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng lại lo ngại vấn đề phát sinh dẫn đến tranh chấp con sau này. Về hôn nhân đồng giới, đại biểu đánh giá cho cũng không được, cấm cũng không xong.
Mang thai vì mục đích nhân đạo dễ bị lợi dụng
Phát biểu tại tổ về Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), đại biểu Phạm Huy Hùng đồng ý nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, ông Hùng cũng lo ngại nhiều trường hợp phát sinh như người mang thai hộ không muốn trao lại con cho người nhờ, vì vậy dễ dẫn đến tranh chấp.
Nguyễn Phạm Ý Nhi lo ngại nhiều phát sinh khi mang thai hộ
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng, có con là mong muốn chính đáng của con người. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe nhiều bà vợ không thể mang thai, một số chị em nhiều lần đi thụ tinh nhân tạo nhưng thất bại. Ủng hộ cho mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng đại biểu Thanh cũng chỉ ra nhiều vấn đề khó lường hết, do vậy cần có những tiêu chuẩn cụ thể bảo đảm nghĩa vụ giữa hai bên.
Đại biểu Đào Văn Bình cũng cảm thông quyền làm mẹ là quyền thiêng liêng của người phụ nữ. Để tránh những việc khó lường trước như các đại biểu đã nêu, ông Bình cho rằng, trong luật cần quy định rõ những tranh chấp có thể xảy ra như trường hợp sinh con dị tật người nhờ không nhận; hoặc tình cảm phát sinh giữa người mang thai hộ dẫn đến không trả con cho người nhờ.
Là Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi nhìn nhận ở góc độ giới và xã hội thì mang thai hộ và đẻ thuê đều có ý nghĩa nhân văn. Nhưng bà cũng cho rằng việc mang thai hộ rất phức tạp, hơn nữa để tránh tình trạng bị lạm dụng và thương mại hóa, pháp luật cần có những quy định chặt chẽ hơn.
"Thực tế đứa trẻ sinh ra dị tật người nhờ không muốn nhận hoặc trường hợp sinh hai, sinh ba, người nhờ chỉ nhận một. Còn trường hợp người mang thai hộ không muốn giao lại con cho người nhờ giải quyết thế nào", đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi băn khoăn.
Hôn nhân đồng giới cấm hay không, nó vẫn diễn ra
Về vấn đề hôn nhân đồng giới, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng chung sống giữa những người cùng giới tính là hiện thực trong xã hội hiện nay. Cần nhìn nhận dưới góc độ quyền tự nhiên là con người, do vậy đại biểu Thanh cho rằng, bỏ cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính là phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng chung sống giữa những người cùng giới tính là hiện thực trong xã hội hiện nay
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm cũng hoan nghênh việc sửa luật mang tinh thần đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống hôn nhân gia đình ở nước ta hiện nay. Bởi thực tiễn đã diễn ra, dù cấm hay không cấm, thừa nhận hay không thừa nhận thì cuộc sống vẫn diễn ra, vì đó là nhu cầu của con người.
"Bởi vậy đưa những vấn đề này vào sửa luật là rất văn minh, tiến bộ. Nhưng nếu đưa vào luật vấn đề hôn nhân đồng giới mà nói là không cấm nhưng cũng không thừa nhận là rất khó hiểu", ông Kiêm đặt vấn đề.
Đồng tình với nhìn nhận trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, quy định như dự thảo luật là chấp nhận được, vì ngay bây giờ mà thừa nhận thì chưa phù hợp, nhưng cấm thì cũng không nên.
Trong khi đó, đại biểu Khúc Thị Duyền đồng tình quan điểm không thừa nhận hôn nhân đồng giới vì cho rằng, một trong những chức năng của kết hôn là duy trì nòi giống. Hiện nay, thế giới cũng chỉ có 16 nước thừa nhận hôn nhân đồng giới, trong đó khu vực châu Á chưa có nước nào thừa nhận.
"Tất nhiên, thực tiễn đang có tình trạng người cùng giới chung sống với nhau, nhưng đề nghị có văn bản quy phạm khác quy định về thực tế này, không nên đưa vào Luật Hôn nhân và gia đình", đại biểu Duyền nói.
Là cơ quan chủ trì việc thẩm tra luật này, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - giải thích, quốc gia nào cũng đi 3 bước: từ cấm đến không thừa nhận và tháo bỏ hoàn toàn. Việt Nam bỏ qua bước cấm để tránh kỳ thị của xã hội đối với người đồng tính. Sau này, khi nhận thức xã hội thay đổi thì có thể thừa nhận.
"Chúng ta bước nhanh hơn một bước để bảo vệ những người bị đồng tính, tránh sự kỳ thị và cũng phù hợp với nhân văn của Việt Nam. Đây đều là những vấn đề rất mới, Quốc hội sẽ còn bàn thảo nhiều", bà Mai cho biết.
P. Thảo - Quang Phong
Theo Dantri