Nhớ lắm Việt Nam ơi…
Với một thằng con trai “chịu chơi” như mình thì chuyện đi du học chỉ là việc dời từ tỉnh lẻ đến một đô thị mới, phồn hoa và nhộn nhịp hơn thôi.
Chưa bao giờ mình tưởng tượng là bản thân lại có thể nhớ Việt Nam nhiều đến thế. Với một thằng con trai “chịu chơi” như mình thì chuyện đi du học chỉ là việc dời từ tỉnh lẻ đến một đô thị mới, phồn hoa và nhộn nhịp hơn, hay chỉ đơn thuần là việc xách gối mền ở xa ba mẹ hơn một chút. Chưa kể đến chuyện du học Singapore là “trời ơi” những chuyến bay rẻ để đi đi về về Sài Gòn. Có những lần nhớ Sài Gòn, nhớ Việt Nam quá. Nhớ lay lắt những bữa cơm mẹ nấu với cá kho tộ, canh rau muống bạc hà the the, cay cay. Nhớ những lần lọc cọc xe đạp cùng lũ bạn đi ăn ốc, hút sồn sột ốc len, lễ mỏi tay ốc dừa. Nhớ luôn những tiếng mời hàng “Em ăn gì?” của chị chủ quán bún mắm gần nhà ưa “nhít thêm” vài con tôm bóc vỏ tươi phong phóc.
Bất ngờ quá! Jihyun yêu Việt Nam còn hơn cả mình ấy chứ…
Có rất nhiều học sinh tại Hàn Quốc qua Singapore trong kì học này. Cô bạn nhỏ người, có nụ cười duyên ơi là duyên, đôi mắt tròn đen lay láy và mái tóc nâu nâu tinh nghịch. (Uầy uầy, mình không có ý đồ gì đen tối với cô nàng đâu nhé, chỉ là nhận xét khách quan thôi đấy, hì hì.). “À, mà mình quen Jihyun với tư cách là người giám hộ cho cô bé đấy. Oai không?”
Chuyện bắt đầu từ bà chị lém lỉnh của mình đang học ở Hàn Quốc, cùng trường với Jihyun. Mình cũng chẳng hiểu “mô tê” như thế nào mà bà chị của mình lại quen với Jihyun. Biết Jihyun sắp sang Singapore, nơi mình đang đi du học, thì chị ấy lại gởi gắm ghê lắm. Nào là phải để mắt đến Jihyun, nếu Jihyun có cần giúp gì thì cũng phải lập tức khoác áo choàng hiệp sĩ ra để “ứng cứu”. Nhưng Jihyun thông minh lắm, lại thông thạo tiếng Anh, nên có cần mình giúp gì đâu. Mình sẽ để mắt đến bạn í như là một người giám hộ được giao trách nhiệm nặng nề vậy.
Chẳng biết ai đấy đã “gieo rắc” tình yêu Việt Nam vào Jihyun. Bạn ấy có thể ngẩn ngơ nghe mình kể chuyện Sài Gòn mưa nắng thất thường, người ta đi xe ngoài đường lạng lách hay người đi bộ cứ mặc sức “tung tăng” như thế nào. Bạn ấy có thể nhảy cẫng lên khi mình nhắc là Jihyun cứ đến Việt Nam đi, Tú sẽ chở Jihyun bằng xe đạp, rồi cả xe máy có đội mũ bảo hiểm nữa. Bạn ấy lại còn có thể bập bẹ vài từ tiếng Việt rớt dấu (tiếng Hàn làm gì có thanh, có dấu gì đâu) và cười thỏ thẻ vì ngượng mỗi lần mình sửa đi sửa lại cái giọng “đớt” của bạn ấy. Đặc biệt, Jihyun còn yêu cả những món ăn Việt Nam, những món kể tên tiếng Hàn nghe sao lạ lẫm nhưng ai dè lại quen thuộc và gợi nhớ nhiều đến như thế. Vô tình, Jihyun lại nhắc cho mình nhớ là mình đã yêu Việt Nam đến nhường nào. Mỗi lần đưa Jihyun qua một câu chuyện là một lần mình ôn lại những kỉ niệm, những nỗi nhớ mình đã “ém nhẹm” từ lâu. Ôi, lại nhớ và lan man nữa rồi này…
Để mặc sức cho cả hai đứa “yêu” Việt Nam, mình hẹn Jihyun và một vài bạn khác đi ăn món Việt…
Quán Long Phụng nằm trên Joo Chiat Road, phía Đông Nam Singapore là nơi tụ họp không chỉ của các học sinh, sinh viên Việt Nam ở Singapore, mà còn là nơi gặp mặt của kiều bào Việt Nam ở đảo quốc sư tử này. Quán ăn được thiết kế đơn giản, nhưng đồ ăn nổi tiếng ngon và rất rẻ, so với giá cả bình quân tại Singapore. Long Phụng như một Việt Nam thu nhỏ giữa lòng Singapore. Bảng hiệu Long Phụng tiếng Việt, thực đơn cũng viết tiếng Việt, người ta cũng trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Long Phụng không sang trọng, nên dễ dàng khách xa xứ ngùi ngụi đến lần hồi kí ức, trong đó có tiếng gọi “chị ơi, cho em dĩa cơm sườn”, “chị ơi, tính tiền”, “nước sôi”,… Nếu đã là một du học sinh, hàng ngày phải tập trung phân loại chữ Anh, chữ Hoa, chữ Việt, thì quán chính là một nơi đến mà ở đó người Việt có thể tìm được sự thoải mái khi nói tiếng Việt, nghe tiếng Việt và ăn món ăn Việt. Một người bạn của mình đã nói rằng: “Quán ồn ào, nhưng bình yên nhỉ!”
Video đang HOT
Món ăn tại quán Long Phụng
Mình, Jihyun, bạn của Jihyun và hai người chị học cùng năm với mình, năm người mà kêu quá trời là đồ ăn. Nào là gỏi cuốn, chả giò, gỏi xoài, bún mắm, bún bò huế, cơm canh chua, cá kho tộ, sò huyết xào me,… Thật sự, chưa bao giờ mình nghĩ là lại nhớ món ăn Việt Nam nhiều đến thế. Mỗi hương vị gắn với một nỗi nhớ. Cũng những món ăn “đặc sệt” hương vị Việt, cũng trong một chiếc bàn, bị quay bởi những tiếng gọi ơi hỡi thân thương, mình cũng đã từng ăn những món ăn như thế này cùng với ba mẹ, ông bà hay cùng với lũ bạn hồn nhiên tranh nhau dù chỉ là cọng giá gãy đôi. Kí ức lũ lượt ùa về, sóng sánh trong lòng.
Bất chợt, Jihyun lay tay mình và nói: “Ngon!”
Ừ, sao mà món ăn Việt Nam ở Singapore lại ngon thế nhỉ?…
Trong Singapore nhỏ có một quán ăn rất nhỏ. Trong quán ăn rất nhỏ có một đứa con trai cũng rất nhỏ. Nhưng trong đứa con trai ấy lại có một nỗi nhớ thật lớn.
Nhớ lắm Việt Nam ơi…
Theo MT
Kinh nghiệm tìm việc làm tại Anh cho du học sinh
Một cựu du học sinh Thạc sỹ về Đầu tư tài chính tại Anh chia sẻ kinh nghiệm bươn chải con đường nghề nghiệp từ đầu bếp quán ăn ở Anh tới Ngân hàng HSBC Việt Nam.
Trong những năm gần đây, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại các nước trên thế giới ngày một đông đảo. Ngoài một số bạn đi du học theo diện học bổng, phần lớn du học sinh đi theo diện tự túc, hoặc phải vay từ các nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ, công ty... Vấn đề tài chính đã trở thành nỗi lo không chỉ của các bậc phụ huynh mà còn của các du học sinh ở nơi đất khách quê người. Hầu hết các du học sinh đều mong mỏi có thể kiếm được việc làm thêm trong quá trình học để trang trải chi phí học tập và sinh họat của mình. Ngoài ra, vấn đề việc làm sau khi học xong cũng là mối quan tâm của tất cả các bạn du học sinh. Bởi ai cũng muốn có được một công việc tốt, phù hợp với năng lực, chuyên môn, cũng như những chi phí đã bỏ ra để đầu tư cho việc học tại nước ngoài của mình.
Đoàn Thị Minh Thu, tác giả bài viết.
Trong số các nước có đông du học sinh theo học, Anh Quốc thường được coi nơi có chi phi đắt đỏ nhất và có ít học bổng dành cho du học sinh. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh lại khá cao (xấp xỉ 7,9% trong năm 2010). Do vậy việc làm đối với người nước ngoài tại Anh (trong đó có du học sinh Việt Nam) thật sự khá khó khăn, bởi ngay chính người bản xứ cũng phải vất vả kiếm việc. Người dân cũng thường chuyển về các thành phố lớn như London, Manchester, Birmingham để kiếm việc làm. Vì thế sự cạnh tranh trong vấn đề việc làm tại các thành phố này cũng ngày một cao.
Chính phủ Anh chỉ cho phép du học sinh được đi làm thêm tối đa hai mươi tiếng một tuần. Do vậy, làm việc bán thời gian trong các quán ăn, nhà hàng, siêu thị, hoặc đi trông trẻ, dạy tiếng cho người nước ngoài thường là lựa chọn của phần đông các du học sinh. Tùy theo chương trình học và lịch lên lớp mà các bạn lựa chọn thời gian làm việc cho phù hợp. Tiền lương thường được tính theo giờ, trung bình từ 4 đến 7 bảng cho một giờ làm thêm. Tuy nhiên nếu may mắn bạn cũng có thể được trả tầm 10 bảng/giờ nếu làm cộng tác cho các công ty, trường học.
Để có thể kiếm được việc làm, du học sinh cần phải đăng kí Bảo hiểm quốc gia (National Insurance - NI), (tương tự mã số thuế cá nhân) để trích nộp một khoản tiền lương vào ngân khố quốc gia nhằm hỗ trợ cho y tế và thất nghiệp, hưu trí cũng như các lợi ích an sinh xã hội khác. Các trường đại học luôn có các phòng tư vấn giúp sinh viên có thể đăng kí được bảo hiểm này, hoặc du học sinh có thể liên hệ trực tiếp với DWP (Department for Work and Pensions) để lấy lịch hẹn phỏng vấn và xin số NI. Chi phí cho việc đăng kí này hoàn toàn miễn phí.
Các trang web giới thiệu việc làm hoặc văn phòng tư vấn việc làm tại các trường học và địa phương, hay các triển lãm về việc làm sẽ giúp du học sinh có thêm nhiều thông tin để tìm kiếm công việc dễ dàng hơn. Thông thường, du học sinh sẽ phải gửi CV cho các nhà tuyển dụng (kể cả cho các công việc như bán hàng hay bồi bàn) vì rất khó có thể gặp trực tiếp họ, do vậy muốn được nhà tuyển dụng để ý tới, bạn phải có được một CV "đẹp", và một thư xin việc (Cover letter) nói được tại sao bạn lại phù hợp với công việc đó. Khi đã qua được vòng tuyển chọn hồ sơ, bạn sẽ được mời làm bài thi (đối với các công việc đòi hỏi chuyên môn) hoặc đi phỏng vấn. Để chuẩn bị thật tốt cho các phần này, du học sinh nên tham khảo kinh nghiệm của những ai đã từng làm công việc đó, cũng như luyện tập trước ở nhà.
Đối với công việc làm thêm ít chuyên môn, tất cả các sinh viên đều có thể tìm được. Tuy nhiên đối với một công việc chuyên môn mang tính chất lâu dài, các nhà tuyển dụng thường lựa chọn những ứng viên có thời gian học tập và sinh sống lâu tại Anh. Ngoài ra, du học sinh châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc sẽ dễ kiếm được việc làm hơn du học sinh từ các nước khác trên thế giới. Vì các quốc gia đó có nhiều công ty, văn phòng đại diện tại Anh nên du học sinh của họ sẽ có lợi thế hơn rất nhiều.
Tôi từng là một du học sinh theo học Thạc sỹ về Đầu tư tài chính tại Anh. Khóa học của tôi chỉ kéo dài 1 năm nên thời gian để làm thêm không có nhiều vì phải tập trung cho việc học. Do hai kỳ học của tôi bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 6, rồi có 3 tháng hè tự học để hoàn thành luận văn, cho nên tôi đã tranh thủ kiếm việc làm thêm trong thời gian này. Tôi làm đầu bếp cho nhà hàng bán thức ăn nhanh kiểu Nhật (Wasabi), so với làm việc tại các quán ăn khác, công việc của tôi đỡ nặng nhọc và được trả cao hơn. Có một lời khuyên nhỏ dành cho các bạn muốn làm việc tại nhà hàng là nên xin việc tại các hệ thống nhà hàng bán thức ăn nhanh hay chuỗi các quán café như Starbucks, Wagamama, KFC, Wasabi, Mc Donald's... vì chế độ làm việc và tiền lương ở đây sẽ tốt hơn so với các nơi khác.
Tuy nhiên, vì muốn có được một công việc thật tốt sau khi tốt nghiệp, trong quá trình học, tôi vẫn luôn tự tìm việc trên mạng, đăng kí nộp hồ sơ tại các công ty, ngân hàng và tham gia vào các hội chợ việc làm do trường đại học hay các công ty tuyển dụng tổ chức. Ngoài trang web tuyển dụng chính thức của các công ty đó, tôi đã đăng kí thêm một số website khác như Prospects, Efinancialcareer, Monster, và tham gia vào mạng lưới của The GRB, Milkround Graduate, ... đây là một số website tuyển dụng tin cậy cho sinh viên. Tôi cũng thường xuyên tự luyện thi bằng cách đăng kí làm thành viên của SHL - một tổ chức chuyên cung cấp các bài thi kiểm tra năng lực tính toán cũng như khả năng suy luận logic (numerical and verbal reasoning tests), một phần thi không thể thiếu trong quá trình tuyển chọn ứng viên của các nhà tuyển dụng, đặc biệt là cho các công việc liên quan tới tài chính - ngân hàng.
Tôi đã may mắn khi được một số công ty mời đến phỏng vấn, và trong quá trình phỏng vấn tôi nhận thấy họ rất quan tâm tới việc mình phải chứng tỏ được năng lực cũng như nói lên được tại sao lại phù hợp với công việc đó. Do vậy, để gây được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, các bạn nên tìm hiểu thật kỹ về công ty và về công việc mình ứng tuyển. Khi đi phỏng vấn bạn nên đến sớm và trong quá trình phỏng vấn nên thể hiện sự tự tin của mình về công việc đó.
Sau một thời gian chuẩn bị kiến thức cũng như tìm kiếm các cơ hội việc làm, tôi đã thành công trong việc tìm được một công việc phù hợp với mình. Hiện tại tôi đang làm việc cho HSBC Việt Nam và thực sự tất cả những kinh nghiệm xin việc trong thời gian học tập tại Anh đã giúp ích được rất nhiều cho tôi khi trở về Việt Nam.
Chúc các bạn du học sinh sẽ thành công trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp với mình.
Đoàn Thị Minh Thu
E.mail: thutmdoan@hsbc.com.vn, MSc Investment and Finance
Queen Mary, University of London
Theo Dân Trí