Nhớ chuyện xây đảo Tiên Nữ
“Ngày ấy mặc dù đi Trường Sa rất nguy hiểm, nhưng đã là người lính, chúng tôi không được phép chùn bước trước khó khăn gian khổ. Dù có thể phải hy sinh tính mạng, nhưng bằng mọi giá chúng tôi phải giữ lấy chủ quyền biển đảo”. Đó là tâm sự của thượng tá Trần Quốc Thống- nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 131 Hải quân.
Xây dựng loa thành giữa biển
Để hiểu tường tận câu chuyện về những người đi xây đảo Tiên Nữ (thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1988, chúng tôi đã tìm gặp cựu chiến binh Trần Quốc Thống ở số nhà 61, đường Đô Lương, phường 11, TP.Vũng Tàu. Mời chúng tôi ly nước trà xanh, ông Thống mở đầu câu chuyện: “32 năm phục vụ trong Trung đoàn công binh, 28 năm vác đá xây khắp các công trường từ đảo nổi đến đảo chìm, tôi không bao giờ quên được những ngày vác đá xây đảo Tiên Nữ cùng lính trẻ. Những năm tháng ấy lính công binh phải đối mặt quá nhiều khó khăn gian khổ”- ông Thống dừng lại tìm ký ức. Trước khi tìm hiểu chuyện vác đá xây đảo Trường Sa, qua tìm hiểu tôi được biết ông Thống là người sĩ quan kỳ cựu của lính Công binh. Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh với tấm bằng loại giỏi, đầu năm 1988, lúc đó đeo lon trung úy, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông cùng đồng đội bước xuống chiếc pông-tông (sà-lan), tiến thẳng ra Trường Sa.
Một góc của đảo Tiên Nữ. (Ảnh: Đàm Duy)
Nhấp thêm ngụm trà xanh ông Thống kể tiếp: “Khi ra đến nơi, bọn tôi không thể tưởng tượng nổi, một bãi sỏi đá, san hô, ở đây hoang vu, không có cây cối, dưới cái nắng như thiêu như đốt. Sau khi đo độ sâu, khảo sát bãi san hô, tập kết chuyển chở vật liệu bằng xuồng từ tàu vào đảo như đá, cát, sắt thép, nước ngọt… chúng tôi xúc tiến xây dựng công trình”. Những ngày xây dựng công trình trên đảo, người lính công binh phải thường xuyên đối mặt với sự khắc nghiệt của đại dương, ban ngày nhiệt độ ở đảo có hôm lên tới 41 – 42 độ C, ban đêm 75 con người lên chiếc pông-tông ngủ, khổ nhất là khi dông tố ập đến, không biết chui vào đâu, nhiều chiến sĩ đứng chịu trận giữa trời mưa. Có những hôm trời đang nắng chang chang, tự nhiên mưa dông kéo đến làm sập đổ giàn giáo, tường vữa. Không chỉ làm đổ giàn giáo, có những hôm chiếc pông-tông bị cuốn phăng ra biển, rất may là không có ai hy sinh.
Gian nan vất vả là thế, nhưng chỉ sau mấy tháng căn nhà cấp 1 có 4 tầng kiên cố “mọc” lên giữa vành đai san hô tuyệt đẹp của đảo Tiên Nữ.
Lính công trình khổ mà vui
Video đang HOT
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thống bộc bạch: Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, các đảo lớn, nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa vẫn còn hoang sơ lắm, thời tiết trên đảo vô cùng khắc nghiệt. Để đẩy nhanh tiến độ xây đảo, những người lính công binh phải chạy đua với thời gian, bất chấp thời tiết nắng mưa, hễ thủy triều xuống là đi vác đá từ tàu vào đảo. Do ngâm nước biển mặn lâu ngày chân, tay của các chiến sĩ hầu như ai cũng bị bong tróc, da thì đen nhẻm, tóc cứng, và đỏ hoe. Dưới cái nắng 40 độ C, họ oằn mình vác đá, ngày ấy vác đá không có tấm bảo hộ lao động kê vai, trung bình vài ba ngày là vai áo chiến sĩ rách bươm. Thức ăn của chiến sĩ ngày ấy chủ yếu vẫn là đồ hộp và rau củ quả mua từ trong đất liền, do thiếu rau xanh trầm trọng nên nhiều chiến sĩ bị đau bụng, mắc bệnh đường ruột… Tuy khó khăn gian khổ là thế nhưng nhiều đêm gió, bão nổi lên anh em vẫn cùng nhau tự đàn, tự hát cho nhau nghe. Họ chỉ cần cây đàn ghita một dây, vài chiếc xô, chậu là hát vang một góc biển những bản tình ca của biển, những ca khúc ngợi ca quê hương, đất nước. Tiếng hát át tiếng sóng, quên đi bao nhiêu nỗi khó khăn thiếu thốn nơi đầu sóng ngọn gió, giúp họ đoàn kết sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, không cho quân thù nhòm ngó biên cương, bờ cõi.
Cả nước hướng về Trường Sa
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thống cho biết thêm, để có được Trường Sa vững vàng và tươi đẹp như hôm nay, không chỉ những người lính công binh của Trung đoàn 131, mà còn có các đơn vị như Trung đoàn Công binh 83 Hải quân, Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô… họ đã “oằn mình” vác từng viên đá hộc, viên gạch hồng, từng xô vữa, tiết kiệm từng ca nước ngọt… để xây lên những ngôi nhà khang trang, uy nghi hoành tráng giữa Biển Đông. Những ngôi nhà ấy chính là công sức, mồ hôi, sức lực trí tuệ, thậm chí phải đánh đổi bằng “máu” của cán bộ, chiến sĩ.
Chỉ vào tấm ảnh xây dựng công trình ông Thống rươm rướm nước mắt, ông bảo cách đây gần 30 năm về trước, tại vùng biển Trường Sa này, 9 người bị Trung Quốc bắt nhốt làm tù binh, suốt ngày hành hạ, đánh đập dã man. 64 người công binh Trung đoàn 83 anh dũng hy sinh khi tuổi đời 18, đôi mươi. Các anh ấy không có mộ như ở trên đất liền, mộ các anh ấy chính là những con sóng bạc đầu nhấp nhô trên vùng biển Gạc Ma. Linh hồn các anh ấy giờ đang nằm dưới đáy biển lạnh, máu của các anh ấy đã hòa tan vào lòng biển mẹ.
“Để có được những ngôi nhà trên đảo bây giờ, các chiến sĩ công binh, lính đảo đã phải đánh đổi bằng máu. Còn tiền của, vật chất là sự đóng góp to lớn của nhân dân cả nước, là tinh thần tự nguyện của các em học sinh, sinh viên, kiều bào ta ở nước ngoài… Hiện nay, phong trào “Góp đá xây dựng Trường Sa” ngày càng có sức lan tỏa rất mạnh, rộng khắp trong cộng đồng đất Việt, trong số họ có những người đi bán ve chai, những em học sinh nhịn ăn sáng, có thanh niên công nhân để dành phần tiền tăng ca,… thậm chí có những cụ già trước khi về với thế giới bên kia đã dặn con cháu sử dụng tiền phúng điếu để dâng hiến mua vật liệu xây dựng như sắt, thép, gạch, đá… gửi hải quân chở ra Trường Sa để xây nhà cho bộ đội ở. Tất cả những tấm lòng vàng, tấm lòng thơm thảo đó chính là tình cảm, trách nhiệm, những hành động thiết thực của mọi tầng lớp nhân dân hướng về biển đảo, vì một Trường Sa tươi đẹp”- ông Thống xúc động.
Tuy khó khăn gian khổ là thế nhưng nhiều đêm gió, bão nổi lên anh em vẫn cùng nhau đàn, hát cho nhau nghe. Họ chỉ cần cây đàn ghita một dây, vài chiếc xô, chậu là họ hát vang một góc biển những bản tình ca của biển, những ca khúc ngợi ca quê hương, đất nước.
Theo_Dân việt
Khởi công xây dựng Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam
Lễ khởi công xây dựng công trình diễn ra sáng nay (27/4) tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Tham dự có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo Bộ ngành Trung ương và Hà Nội, đại sứ nhiều nước và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.
Công trình được xây dựng trên diện tích 52.400m2 với tổng mức đầu tư 415 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Hàn Quốc 213 tỷ đồng, là tổ hợp công trình kiến trúc gồm nhiều hạng mục như: Nhà chỉ huy, bảo tàng bom mìn, ký túc xá, khu giảng đường, phòng thí nghiệm... Công trình dự kiến hoàn thiện đưa vào sử dụng năm 2018.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tuyên bố khởi công dự án
Phát biểu tuyên bố khởi công dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập (3/2014) đến nay, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) đã kiện toàn xong tổ chức, nhân sự và bước đầu đi vào triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng bày tỏ vui mừng khi thời gian gần đây, VNMAC đã nhận được nhiều sự quan tâm và thiện chí xem xét hỗ trợ nguồn lực của một số nước như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hungary..., các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, không chỉ cho đầu tư xây dựng mà còn cho cả quá trình thực hiện nhiệm vụ sau này; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm cụ thể, sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các nước, tổ chức trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.
"Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bom mìn sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung của khu vực và trên thế giới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Hàn Quốc Jun Dae Joo ấn nút khởi công xây dựng công trình
Biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm chủ động của VNMAC, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc đưa Trung tâm vào hoạt động có hiệu quả trong thời gian lâu dài có ý nghĩa rất quan trọng và sự tài trợ của các nước, tổ chức quốc tế là nhân tố quyết định thành công trong tương lai.
Đại sứ Mỹ, Hàn Quốc, tùy viên quân sự Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ cũng đánh giá cao những nỗ lực, sự quan tâm của lãnh đạo Việt Nam và bộ ngành trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Khởi công xây dựng công trình
Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504), làm cơ sở để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, góp phần phát triển kinh tế xã hội, thực hiện các mục tiêu quốc gia.
Ngày 13/5/2013, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình 504 giai đoạn đến 2015, trong đó có giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 và cơ quan liên quan xây dựng, trình duyệt, triển khai đề án thành lập VNMAC. Trung tâm là tổ chức đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý để thực hiện việc điều hành, phối hợp triển khai các nhiệm vụ, hoạt động của Chương trình 504./.
Ngọc Thành
Theo_VOV
Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh Việt Nam Ngày 6/1/1975, Phước Long là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Thắng lợi này chứng tỏ sự suy sụp trầm trọng của quân đội Sài Gòn... Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975 - 1976) và dự kiến nếu thời cơ đến sớm sẽ giải phóng trong năm 1975. Chào mừng kỷ niệm...