Nhìn nhận sao cho đúng chuyện học sinh đóng cảnh ‘nóng’ trong giờ Văn?
Khi lên sân khấu hoặc lồng ghép vào tác phẩm văn học, vấn đề “giường chiếu” không nên được đưa ra một cách trần trụi, tả thực… Điều này chưa hẳn giúp các em quan tâm, hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm…
Một trong những cảnh sân khấu hóa tác phẩm văn học bị phản ứng. (Ảnh cắt từ clip)
Sân khấu hóa – Nghe lạ nhưng không mới
Mới đây, giáo viên dạy Ngữ văn Phạm Quốc Đạt ở Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP HCM) bị nhà trường ra quyết định đình chỉ giảng dạy vì cho học sinh đóng cảnh nóng đưa tác phẩm lên sân khấu trường… Cụ thể là trong các tác phẩm “Bỉ vỏ”, “Số đỏ”, học sinh đã tái hiện một số cảnh nhân vật Xuân Tóc Đỏ và Tuyết ân ái, cảnh Tám Bính bị cưỡng bức…
Tuy nhiên, thầy giáo nói trên đã phản ứng quyết định kỉ luật vì cho rằng hành động của mình không sai. Theo giải thích của thầy Đạt, đây là cách dạy thể hiện được giá trị nhân văn, nghệ thuật của tác phẩm. Thầy đã có cuộc thảo luận với học sinh, các em cũng cho rằng việc sân khấu hoá những đoạn trích này là cần thiết.
Theo thầy Đạt, khi thực hiện các cảnh nói trên, học sinh đã sử dụng ứng dụng màn bóng chiếu, cùng với các đồ vật hỗ trợ tạo ra hiệu ứng có vẻ thật chứ không có sự tiếp xúc trực tiếp. Cạnh đó, lý giải về một số đoạn cảnh “ nóng” được cho là quá mức táo bạo, thầy giáo giải thích là do những phân đoạn này học sinh muốn giữ bí mật để tăng tính bất ngờ nên không kiểm soát kĩ mà chỉ duyệt qua kịch bản…
Sau khi video các vở diễn này được đăng tải trên mạng xã hội, không ít kiến tranh luận xoay quanh cách làm của thầy giáo Đạt. Một bộ phận phụ huynh bức xúc cho rằng, cách làm như thế là phản cảm, khiến tác phẩm văn học bị khai thác ở khía cạnh thô thiển, gieo vào đầu học sinh những suy nghĩ không hay.
Một số ý kiến khác thì nói đây là một phương pháp giáo dục mới, đáng để xem xét và cân nhắc, đồng thời mục đích của thầy Đạt chủ yếu là tìm một cách mới mẻ, thu hút hơn để học sinh tiếp cận tác phẩm văn học.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ở góc độ nhất định, việc sân khấu hóa tác phẩm văn học hoàn toàn không phải là một phương pháp giáo dục quá mới mẻ hay sáng tạo. Sân khấu hóa tác phẩm văn học đã được áp dụng tại rất nhiều trường học ở TP HCM nhiều năm nay.
Một tiết học sân khấu hóa tại Trường THPT Phú Nhuận, TP HCM. ( Ảnh Thu Hương)
Có những trường như Nguyễn Thượng Hiền, Lê Quý Đôn đã áp dụng từ những thập kỉ trước. Có thể nói đây là cách thức “học thực nghiệm” sinh động, hấp dẫn, dễ tiếp cận đồng thời khiến học sinh tăng tương tác, yêu mến và cảm nhận tốt về tác phẩm hơn.
Theo một giáo viên đồng nghiệp của thầy Đạt tại Trường PTTH Võ Trường Toản, sân khấu hóa tác phẩm văn học đã được một số thầy, cô dạy Văn khác thực hiện chứ không riêng gì thầy Đạt. Thầy Đạt cũng là thầy giáo nhiệt tình, luôn muốn tạo ra cách thu hút học sinh cảm thụ, yêu thích môn Văn. Tuy nhiên, để xảy ra vấn đề “cảnh nóng” trong việc sân khấu hóa thì các giáo viên đánh giá là đã đi quá đà…
Không cần “cảnh nóng” mới thu hút học sinh
Trao đổi về vấn đề này, một giáo viên (xin giấu tên) giảng dạy tại Trường PTTH Bà Điểm cho biết, phương pháp sân khấu hóa tác phẩm văn học cũng không quá mới mẻ. Khi lựa chọn sân khấu hóa tác phẩm thường giáo viên chọn lọc những trích đoạn hay, có giá trị để cho các em đóng. Có rất nhiều trích đoạn hay, có giá trị để dàn dựng, giáo viên không nhất thiết phải chọn nhiều trích đoạn có cảnh “nóng” như thế.
Theo giáo viên này, việc thầy Đạt giải thích không kiểm soát kĩ cách các em dàn dựng sân khấu liên quan đến cảnh nóng là điều khá vô lý. Vì hầu hết các em chưa nắm rõ kịch bản và cách thức, nên khi sân khấu hóa giáo viên phải theo rất sát để tránh các em dàn dựng sai lệch, hiểu sai tinh thần tác phẩm…
Trong ý kiến đưa ra của mình, thầy giáo Phạm Quốc Đạt cho rằng cần xem xét các phân đoạn nói trên trong bối cảnh của tác phẩm văn học. Đồng thời, các “cảnh nóng” này có tác dụng lột tả chân thực số phận, hoàn cảnh của nhân vật để các em cảm thụ rõ ràng, sâu sắc hơn. Tuy nhiên, một số giáo viên Ngữ văn không cho rằng đây là cách hiệu quả nhất để bộc lộ tính cách, thân phận nhân vật văn học.
Đưa ra nhận định chung của mình về phương pháp sân khấu hóa tác phẩm văn học, cô Đặng Thị Huy Lam, Giáo viên chuyên văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân chia sẻ: Sân khấu hóa tác phẩm văn học là một trong nhiều phương pháp giáo dục đổi mới, sáng tạo nhằm giúp học sinh tiếp cận với bài học tốt hơn.
Ngay cả trong bản thân phương pháp sân khấu hóa cũng có rất nhiều cách làm giúp bài học trở nên thú vị, sinh động và dễ hiểu. Ví dụ, nếu muốn lột tả thân phận hay bi kịch của nhân vật thì có thể chọn rất nhiều cách thức thể hiện, không nhất thiết phải đưa cảnh nóng lên sân khấu, như thủ pháp biểu tượng hoặc diễn tả nỗi đau khắc họa từ nét mặt…
“Có khá nhiều cách, nhiều phương pháp khác nhau tùy vào sự nhạy bén và sáng tạo của giáo viên chứ không cần phải dùng đến “cảnh nóng”, vì “lợi bất cập hại”. Đành rằng các em học sinh cấp 3 cũng không còn nhỏ, các em không quá xa lạ với các vấn đề giới tính, tình dục.
Nhưng đó là chuyện của giáo dục giới tính. Khi lên sân khấu, khi lồng ghép vào tác phẩm văn học, vấn đề tình dục không nên được đưa ra một cách trần trụi, tả thực như thế, điều này chưa hẳn giúp các em quan tâm, hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm mà có khi lại phân tán suy nghĩ của các em, đọng lại ấn tượng không hay…”, cô Đặng Thị Huy Lam nhìn nhận.
Ngọc Mai
Theo baophapluat
Ranh giới trong đổi mới phương pháp dạy học
Việc một giáo viên dạy môn Ngữ văn của một trường ở quận 12, TPHCM vừa bị đình chỉ dạy học một năm, chuyển công tác từ giáo viên chủ nhiệm qua làm nhân viên thư viện vì cho học sinh lớp 11 tái hiện cảnh nhạy cảm trong một hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học diễn ra tại lớp học, đã khiến dư luận hoang mang đặt câu hỏi: "Đâu là ranh giới trong đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên?".
Sự việc xảy ra khi thầy giáo P.Q.Đ., giáo viên dạy môn Ngữ văn lớp 11B4 cho học sinh tái hiện cảnh nhân vật Tám Bính bị cưỡng bức (trong tác phẩm Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng) và nhân vật Xuân tóc đỏ ân ái cùng cô Tuyết (tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng).
Cả hai phân đoạn này đều được học sinh dùng thủ pháp sân khấu hóa quen thuộc, sử dụng màn che kết hợp cùng đèn chiếu để lột tả nội dung tác phẩm. Giáo viên cho rằng, đây là cách dạy thể hiện được tính nhân văn, vừa mang màu sắc nghệ thuật vừa không làm mất đi tính hiện thực phê phán vốn có trong các tác phẩm.
Cô giáo Bùi Thị Thư, giáo viên toán, Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 (quận Sơn Trà, Đà Nẵng)
Với học sinh, các em cũng cho rằng việc sân khấu hóa những đoạn trích này là cần thiết, nếu cắt đi sẽ không lột tả được số phận của nhân vật. Khi đóng, các em cũng hết sức bình thường, không có chuyện đụng chạm, dung tục giữa nam và nữ. Tuy nhiên, nhà trường cho rằng, những cảnh nhạy cảm này là vượt quá giới hạn sáng tạo, quá táo bạo, không phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Kết quả tại cuộc họp lấy ý kiến hội đồng sư phạm nhà trường: 51,92% ý kiến đồng tình với hình thức kỷ luật, còn lại 48,08% giáo viên không có ý kiến hoặc ủng hộ thầy giáo này. Điều này phần nào cho thấy ranh giới của sự sáng tạo trong phương pháp dạy học của giáo viên còn phụ thuộc vào đánh giá cảm tính, có thể làm thui chột động lực sáng tạo của giáo viên. Liệu sẽ có thêm bao nhiêu giáo viên khác dám mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học khi nó đi đôi với sự mạo hiểm?
Chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng đến sự đổi mới toàn diện về nhận thức, quan điểm của người dạy, trong đó chuyển từ mục tiêu truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực, phẩm chất cho người học. Người thầy phải được "cởi trói" hoàn toàn, thoát hẳn kiểu dạy học từ chương không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới theo hướng năng động và sáng tạo.
Chúng ta triển khai phương pháp dạy học theo dự án gần 10 năm qua với mục tiêu tạo cơ hội cho học sinh, giáo viên phát huy tinh thần tự học và sáng tạo, nhưng cũng trong 10 năm đó, tinh thần sáng tạo cũng nhiều khi bị trói chặt bởi các quy định về kiểm tra, đánh giá.
Tại buổi họp trực tuyến mới đây về triển khai chương trình tập huấn dành cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đại diện nhiều tỉnh, thành phố cho biết, hiện nay giáo viên vẫn được quy định định mức số tiết dạy/tuần, trong khi chương trình phổ thông mới hướng đến phát triển một số môn tích hợp, phương pháp dạy học theo chủ đề.
Giải đáp băn khoăn này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết, cơ quan này đang tổ chức rà soát, nghiên cứu để xác định lại định mức biên chế giáo viên cũng như một số quy định về thời lượng giảng dạy, đảm bảo tính linh hoạt, phát huy tối đa sáng tạo của giáo viên.
Đây được xem là một trong những bước chuẩn bị nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi những chuyển biến căn cơ từ những hướng dẫn, chỉ đạo của bộ, các cán bộ quản lý cần chú ý hơn nữa việc động viên, khuyến khích tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên trên cơ sở phát huy năng lực, phẩm chất cho người học; cùng với đó vai trò hỗ trợ của các tổ chuyên môn cũng phải đẩy mạnh để giáo viên không "đơn thương độc mã" trong đột phá sáng tạo.
THU TÂM
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Tranh cãi xung quanh việc thầy giáo bị kỷ luật do để học sinh diễn cảnh 'nóng' Sự việc một thầy giáo bị kỷ luật khi cho học sinh tái hiện một số cảnh nhạy cảm khi tham gia sân khấu hóa các tác phẩm văn học "Bỉ vỏ", "Quan Âm Thị Kính", "Số Đỏ" đã khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Thầy Nguyễn Quốc Đạt. Ảnh: PLO Nói 'ngành giáo dục ngày càng bê bối' là...