Nhìn nhận lại môn lịch sử – Kỳ 5: Đâu chỉ có chống ngoại xâm
Theo đánh giá của các nhà sử học, chương trình sử đang dạy trong trường phổ thông hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa những cái không cần thiết, thiếu một số nội dung cơ bản, tiêu biểu.
Chỉ thấy cây mà không thấy rừng
Trong cuộc hội thảo khoa học quốc gia về dạy – học lịch sử ở trường phổ thông mới đây, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học, chỉ ra rằng lịch sử chống ngoại xâm không phải là toàn bộ lịch sử dân tộc. Trái lại, sự phát triển kinh tế, những thành tựu về văn hóa, xã hội… lại chính là cơ sở tồn tại và phát triển của đất nước, là sức mạnh vật chất và tinh thần để dân tộc VN vượt qua những thử thách hiểm nghèo, làm nên những chiến công thần kỳ trong sự nghiệp chống ngoại xâm
Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong một giờ học môn sử – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Các bộ sử phong kiến trước đây thực chất chỉ là lịch sử của vương triều và chỉ tập trung vào các sự kiện chính trị, quân sự lớn của triều đình. Trong thời gian gần đây, một số công trình nghiên cứu lịch sử đã cố gắng đi sâu vào lịch sử làng xã, nông nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, công nhân… nhưng dường như lại thiếu tầm khái quát, mới chỉ thấy cây mà không thấy rừng.
Đồng quan điểm, PGS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho rằng trong điều kiện cả dân tộc phải tập trung vào cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập thì lịch sử chống ngoại xâm cần được đề cao. Trong bối cảnh một nước thuộc địa thì lịch sử chống chủ nghĩa thực dân cần được nhấn mạnh. “Vẫn biết rằng cuộc đấu tranh chống ngoại xâm chiếm phần lớn thời gian trong lịch sử dân tộc và dường như không khi nào người VN không phải chăm lo sự nghiệp giữ nước, nhưng đó không phải là tất cả. Coi trọng chính trị, quân sự, nhưng không thể xem nhẹ kinh tế, văn hóa, đối ngoại”, PGS Hiển nói.
Thiếu hụt lịch sử văn hóa
GS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định sự thiếu hụt của lịch sử văn hóa trong sách sử hiện nay. Ông dẫn chứng nhiều công trình sử học của VN từ trước đến nay thường chỉ trình bày lịch sử dân tộc theo một dòng chảy chủ đạo là từ các nền văn hóa Phùng Nguyên – Đồng Mậu – Gò Mun – Đông Sơn, dẫn đến sự ra đời của nước Văn Lang, Âu Lạc, trải qua 1.000 năm Bắc thuộc đến Đại Việt, Đại Nam và VN mà không đề cập đến các dòng lịch sử Chăm Pa và Phù Nam ở phía nam. Mặc dù vẫn biết cách chép sử như vậy phần nào chịu tác động của hoàn cảnh lịch sử, đặc biệt ở các thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước, nhưng rõ ràng không tránh khỏi chủ quan, phiến diện; không phản ánh đúng tiến trình lịch sử đất nước, dẫn đến những quan niệm sai lệch rằng lãnh thổ phía nam là vùng đất mới được khai phá mà bỏ quên những di sản lịch sử, văn hóa hết sức quan trọng làm nên lịch sử dân tộc.
Video đang HOT
Trước thực trạng này, GS Vũ Dương Ninh, Hội Khoa học lịch sử VN, đề xuất: “Ở bậc THCS không nên ép nhiều kiến thức mang tính lý luận, khái quát hóa thành những quy luật… nội dung cơ bản của chương trình là lịch sử văn hóa VN. Ở chương trình dành cho học sinh lứa tuổi thiếu niên nên khai thác khía cạnh lịch sử từ góc độ lịch sử văn hóa, qua đó cung cấp kiến thức một cách hệ thống và in đậm nét nhận thức về quá trình phát triển và bảo vệ văn hóa dân tộc”.
Còn đồng nhất lịch sử với chính trị
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, lo ngại: “Có nhiều vấn đề, nhất là về phần lịch sử hiện đại, chưa được làm sáng tỏ, thảo luận đầy đủ. Tôi nghĩ ở đây có mối quan hệ giữa sử học và chính trị. Sử học và chính trị học là 2 khoa học khác nhau dù có mối quan hệ mật thiết. Vì vậy quan niệm đồng nhất sử học với chính trị, dùng sử học chỉ để minh họa chính trị là thu hẹp chức năng của sử học, làm mất tính độc lập và vai trò sáng tạo của sử học”. GS Lê cũng cho rằng, nhà sử học làm 2 trách nhiệm: ghi chép lại lịch sử một cách khách quan và trung thực đồng thời có nghĩa vụ công dân đối với đất nước.
“Nhà sử học đích thực trước hết phải khách quan nhưng trong quá trình nghiên cứu lịch sử, nhất là lúc công bố kết quả thì phải chú ý cả trách nhiệm công dân. Nghĩa là, có những sự thật nào đó, trong một bối cảnh nào đó chưa thể công bố được. Nhưng cái gì đã công bố thì phải đúng sự thật. Biết sự thật là như thế mà vẫn nói sai đi là không thể chấp nhận được đối với nhân cách nhà sử học”, GS Lê khẳng định.
Hình ảnh quần chúng còn mờ nhạt
PGS Vũ Quang Hiển nhấn mạnh: “Quần chúng là người làm ra lịch sử. Trong lịch sử VN hiện đại, có những bà mẹ một lần tiễn con đi không bao giờ gặp lại; những nông dân “một nắng hai sương” sẵn lòng dốc cả những hạt gạo cuối cùng cho chiến trường… Đó là những người làm ra lịch sử. Không thể phủ nhận sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng VN, nhưng hình ảnh những người làm ra lịch sử còn mờ nhạt trong SGK”.
GS Nguyễn Quang Ngọc cũng cho rằng quần chúng là chủ nhân chân chính và vĩ đại nhất của lịch sử đất nước. Đồng thời với việc chú ý vào những sự kiện chính trị lớn, sự thay đổi của vương triều, chế độ xã hội, lịch sử VN phải được trình bày là lịch sử chung của cả nước, của toàn dân, trong đó không thể thiếu phần đóng góp của những người dân ở những đơn vị cơ sở của xã hội. Còn GS Nguyễn Thị Côi, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận thấy sách giáo khoa lịch sử VN còn quá thiếu vắng con người, nhân vật lịch sử tiêu biểu, tiến bộ và những đóng góp của họ.
Tuệ Nguyễn – Ngọc Hòa
Theo thanh niên
Nhìn nhận lại môn lịch sử: Nên công bằng với nhà Mạc
Dù vấn đề nhà Mạc đã được giới sử học nước ta đặt ra và giải quyết rõ ràng nhưng vẫn không được phản ánh đầy đủ dù chỉ ít dòng trong sách giáo khoa.
Hết sức sơ sài
Trong sách giáo khoa (SGK) Lịch sử 7 xuất bản năm 2012, phần nhà Mạc được viết ở tiểu mục 1: Chiến tranh Nam - Bắc triều, mục II: Các cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều và Trịnh - Nguyễn thuộc Chương V. Đại Việt ở các thế kỷ XVI - XVIII.
Toàn văn nội dung để dạy học sinh về nhà Mạc như sau: "Mạc Đăng Dung vốn là một võ quan. Lợi dụng xung đột giữa các phe phái, Mạc Đăng Dung đã tiêu diệt các thế lực đối lập, thâu tóm mọi quyền hành, cương vị như Tể tướng. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra triều Mạc. Năm 1533, một võ quan triều Lê là Nguyễn Kim chạy vào Thanh Hóa, lập một người thuộc dòng nhà Lê lên làm vua, lấy danh nghĩa "phù Lê diệt Mạc". Sử cũ gọi là Nam triều để phân biệt với Bắc triều (nhà Mạc ở phía Bắc)". Về nguyên nhân hình thành Nam - Bắc triều, SGK đề cập: "Hai tập đoàn phong kiến này đánh nhau liên miên, dai dẳng hơn 50 năm. Suốt một vùng từ Thanh - Nghệ ra Bắc đều là chiến trường. Làng mạc điêu tàn, xơ xác. Mãi đến năm 1592, Nam triều chiếm được Thăng Long, họ Mạc chạy lên Cao Bằng, chiến tranh Nam - Bắc triều mới chấm dứt" (tr.107).
Đọc xong phần viết về nhà Mạc trong Lịch sử 7, tôi ngạc nhiên đến không hiểu nổi, tại sao nội dung của nó lại sơ sài như vậy và không thấy quan điểm lịch sử của tác giả SGK? Vấn đề nhà Mạc đã được giới sử học nước ta đặt ra và giải quyết rõ ràng rồi, lại không được phản ánh vào đây, dù chỉ ít dòng. Mặc dầu sách đã tái bản lần thứ 9, mỗi lần tái bản, nhóm biên soạn không thể không bổ sung, chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn, nhất là để cập nhật những kết quả nghiên cứu mới?
Phải viết lại sách giáo khoa
Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, nhà Mạc là vấn đề khá phức tạp, song đã được giới sử học trong 9 - 10 năm qua thảo luận, làm sáng tỏ tại một số cuộc hội thảo cũng như trong các công trình khoa học. Thí dụ, năm 1996, Viện Sử học xuất bản cuốn Vương triều Mạc (1527-1592). Năm 1996, cuốn Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - Viện Sử học - Hội đồng Lịch sử TP.Hải Phòng, đồng chủ trì xuất bản. Năm 1996, Đinh Khắc Thuân in cuốn Văn bia thời Mạc và năm 2001, công trình thứ hai của Đinh Khắc Thuân được công bố là Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia. Năm 2007, Viện Sử học cho xuất bản Tập III. Lịch sử Việt Nam thế kỷ XV-XVI, trong đó Chương VIII, Chương IX, Chương X, viết về triều Mạc và cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều với một quan điểm mới, khách quan.
Bia khắc lại chiếu vua Lê nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung, vị vua mở đầu nhà Mạc tại khu di tích vương triều Mạc tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, H.Kiến Thụy, Hải Phòng - nơi phát tích nhà Mạc - Ảnh: Nguyễn Thông
Qua các cuộc hội thảo khoa học, các công trình nghiên cứu về nhà Mạc, giới sử học Việt Nam đã đi tới thống nhất ý kiến đánh giá, khẳng định vai trò tích cực của nhà Mạc trong tiến trình lịch sử dân tộc, sự phát triển khá mạnh mẽ của xã hội Việt Nam.
Trong những năm tháng trước khi cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều (tức là chiến tranh giữa nhà Lê và nhà Mạc) diễn ra ngày càng dữ dội (sau 1545), trên các vùng đất nhà Mạc cai quản, do sản xuất nông nghiệp được triều đình chú trọng, nên mùa màng bội thu. Dưới triều Mạc Đăng Doanh (1530 -1540), Phan Huy Chú nhận xét: "Đăng Doanh là ông vua tính khoan hậu, luôn giữ đúng pháp độ, cấm hà khắc, tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi là thời trị bình vậy". Dương Văn An (thế kỷ 16), trong Ô Châu cận lục, viết về vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam dưới thời nhà Mạc cai quản: "Tháng 4, tháng 5 lúa chín đầy đồng, gặt hái không kịp. Tháng 6, tháng 7 thả trâu ngoài đồng, cả tuần không cần chăn dắt".
Thủ công nghiệp trong dân gian thời Mạc rất thịnh vượng, xuất hiện nhiều làng nghề thủ công, trong đó có nghề làm đồ gốm, nghề chạm khắc đá, nghề dệt tơ lụa... Đặc biệt là nghề làm đồ gốm với những sản phẩm nổi tiếng chân đèn, lư hương... cùng nhiều loại hình phong phú khác, trở thành gốm xuất khẩu được nhiều nước ưa thích.
Tiếp tục truyền thống từ triều Lê coi trọng khoa cử, triều Mạc Đăng Dung chủ trương: "Dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái...". Triều Mạc tổ chức được tất cả 22 khoa thi (khoa thi đầu tiên năm 1529, thời Mạc Đăng Dung, khoa cuối cùng năm 1592, đời Mạc Mậu Hợp), lấy đỗ 485 tiến sĩ, trong đó có 13 trạng nguyên. Xuất thân khoa bảng dưới triều Mạc, có nhiều nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Hà Nhậm Đại, Hoàng Sĩ Khải... Kiến trúc chùa, quán (Đạo giáo), đình và nghệ thuật tạc tượng thời Mạc cũng đạt đến đỉnh cao.
Như vậy rõ ràng nhà Mạc là một vương triều chính thức, tồn tại 65 năm, có vai trò, vị trí lịch sử như các vương triều Lê, Nguyễn... Trị vì đất nước không dài nhưng triều Mạc đã có nhiều chính sách tốt nhằm đưa đất nước phát triển. Chúng ta không thể không khái quát sự thật lịch sử đó trong sách Lịch sử 7. Như vậy phần nhà Mạc trong SGK cần được viết lại.
Theo thanh niên
Làm sao để học sinh... ghét Sử? Đó là cái tựa lạ lùng của một bài viết bằng tiếng Anh "How to: Make sure your students hate history", mà chỉ đọc 1, 2 đoạn là tôi hiểu ra được là vì sao học sinh của Việt Nam ghét học môn Sử. Xin phỏng dịch (theo kiểu phóng tác) bài viết đó dưới đây. 1. Hãy bắt học sinh học thuộc...