Nhìn “màu thời gian” qua tranh của hoạ sỹ Bùi Đức
Bùi Đức vốn là họa sĩ sơn mài, tốt nghiệp loại xuất sắc trường Đại học Mĩ thuật năm 2003. Sớm thành danh, sớm thành công, anh từng được Chính phủ Singapore chọn mời tham dự triển lãm hội họa quốc tế Singapore năm 2007.
Người ta nói rằng tranh Bùi Đức những năm đầu của hành trình sáng tạo thấm đẫm nỗi cô đơn. Vẻ đẹp của tranh Đức khi ấy là thứ vẻ đẹp ám ảnh, lôi cuốn người xem vào cõi tinh thần nhiều day dứt, nhiều mềm yếu, lắm vật vã. Sự ám ảnh đó nằm sâu sau những trau chuốt, kĩ càng, tinh tế đến nghiêm cẩn của nghệ thuật sơn mài. Càng tinh tế bao nhiêu, sự dồn nén càng lớn bấy nhiêu. Tranh như một sự giải thoát, cũng là sự giam cầm cái linh hồn nhạy cảm cứ rung lên sau màu, hình, chất liệu…
“Con người, đến một lúc nào đó sẽ nhận ra rằng sống một mình khác với cô đơn”- Bùi Đức
Năm 2015, Bùi Đức đột ngột bỏ Hà Nội lên Sa Pa sinh sống. Anh dựng một nếp nhà sàn cheo leo bên sườn núi, gọi là Thuyền Mây. Hình như cái tên này do một người con gái đẹp đặt cho. Ở Thuyền Mây, Bùi Đức sống một mình. Con người, đến một lúc nào đó sẽ nhận ra rằng sống một mình khác với cô đơn. Cô đơn giữa Hà Nội phồn hoa và một mình với mây trời Tây Bắc. Có lẽ, chỉ Đức mới hiểu niềm hạnh phúc mà anh đã nắm được: hạnh phúc của kẻ một mình.
Một mình, anh lang thang khắp các bản làng Sa Pa, say đắm với toàn bộ thiên nhiên, cuộc sống và con người nơi đây.
Một mình, anh mang vẻ đẹp của văn hóa xứ sở sương mù vào những bức tranh mới, màu sắc tươi tắn, mộc mạc, nét mặt đặc trưng của đồng bào Mông, trang phục, sinh hoạt độc đáo… và chút gì đó phảng phất những bóng hình xưa cũ. Nụ cười của ai đó, ánh mắt của ai đó, niềm khao khát, đam mê một thời nào đó vẫn còn đâu đây trong những bức tranh hiện tại. Bùi Đức đã một mình nhưng vẫn có một tri kỉ cùng anh trong chiều sâu tâm thức.
Có lẽ, phải nói một chút về Thuyền Mây, chốn thần tiên của Bùi Đức.
Đó là ngôi nhà sàn dựng bên sườn núi đầu bản Lao Chải. Bùi Đức vẫn vui miệng tự phong mình là quốc vương Lao Chải, trấn ngự nơi đẹp nhất của bản.
Sáng sớm hoặc đêm xuống, Thuyền Mây bồng bềnh trôi trong sương khói, sương mù ùa vào ngập sàn, chập chờn quanh bếp lửa dựng hoàn toàn bằng gỗ giữa nhà. Bên bếp lửa ấy, gã họa sĩ ngả lưng trên ghế, nhấm nháp chén rượu, đắm mình trong âm nhạc, ngắm không biết chán thung lũng thăm thẳm trong sương và khí lạnh, ngắm bóng núi Tây Bắc hùng vĩ đen mờ trên nền trời bao la.
Đức hay lang thang các bản làng, bắt gặp nhiều thứ hay ho mà người dân đã vứt bỏ. Anh đặc biệt xúc động với những dụng cụ bằng gỗ của đồng bào dân tộc như thùng nấu rượu bằng gỗ nguyên khối, bễ lò rèn, máng lợn, mẹt gỗ pơ mu dùng để ủ men rượu, làm mâm hoặc thớt. Tuổi của chúng cũng từ bốn mươi năm đến bảy tám mươi năm. Anh nhặt nhạnh về và coi chúng như vật báu. Anh nhìn những vật dụng bằng gỗ cũ đó như tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi sự khéo léo, sáng tạo, ngẫu hứng của người nông dân.
Video đang HOT
Họa sĩ Bùi Đức gọi cuộc trưng bày của mình bằng cái tên “Không nghĩ” nhưng ngắm tác phẩm của anh thật khó để… không nghĩ.
Những chiếc mâm chẳng theo khuôn khổ nào, cái tròn, cái méo được làm bằng những nhát đẽo thô sơ. Vết dao vạt, vết đục nham nhở, những đường rãnh nông sâu chằng chịt, mắt mấu sẹo nguyên cả đám trên thân gỗ. Đối với một số người, đó là thứ xấu xí bỏ đi. Trong mắt người nghệ sĩ, đó là cái đẹp hiếm có. Đống thùng gỗ, mâm gỗ đó được Bùi Đức cất giữ như của quý ở Thuyền Mây. Anh từng có ý định trưng bày nguyên bản nhưng có một điều gì mơ hồ cứ âm ỉ nung nấu trong lòng.
Một ngày, anh nhận ra điều thôi thúc mình bấy lâu. Đó là khao khát làm một cái gì đó để tôn vinh, ngợi ca vẻ đẹp tự nhiên của văn hóa Tây Bắc. Nhưng đứng trước những vật dụng gỗ in vết thời gian đó, Bùi Đức bỗng hoảng sợ. Anh sợ mình sẽ phá hỏng nó, phá đi tinh thần và sự đẹp đẽ vốn có. Chỉ đến khi biết được mình sẽ làm gì, anh vượt qua nỗi sợ. Điều gì đến phải đến, Bùi Đức làm điêu khắc.
Có lẽ ở Việt Nam, chưa có ai làm điêu khắc như họa sĩ Bùi Đức: dùng cưa máy để tạc gỗ. Làm điêu khắc bằng máy cầm tay rất thích vì nó thần tốc, chạy kịp cảm xúc nhưng rất nguy hiểm. Nếu không biết kiểm soát sẽ lĩnh sẹo theo nghĩa đen thậm chí nguy đến cả tính mạng.
Không ít lần Bùi Đức phải vào viện khâu những vết chém trên tay, có lần suýt bay cả chân nhưng chính vì thế lại có thêm những cung bậc cảm xúc tươi rói. Mỗi lần bước vào phòng làm việc, anh thường livetreams để bạn bè biết nếu không may xảy ra tai nạn.
Một lần sáng tác như một cơn lên đồng, một trận say điêu linh. Anh thèm làm tượng như một con nghiện nhớ thuốc, đi đâu chỉ mong ngóng về để chui vào căn phòng bụi mù bột gỗ, bề bộn dụng cụ, những cục gỗ phủ đầy bụi chồng chất quanh chỗ ngồi. Vẽ tranh chưa bao giờ đem lại cho anh khoái cảm đó.
Những biểu cảm trong “Không nghĩ” của Bùi Đức
Tác phẩm của Bùi Đức là phù điêu. Mỗi phù điêu là một gương mặt. Những gương mặt anh gặp đâu đó trong đời, quen có lạ có. Không gương mặt nào thuộc về một nhân vật cụ thể. Mỗi gương mặt là một ấn tượng riêng đọng lại, thần thái, biểu cảm đều khác thường. Chỉ cần cảm xúc và tư tưởng dẫn đường, Bùi Đức không theo trường phái nào nhất định.
Không thể gọi tên phong cách sáng tác của Bùi Đức, nhưng chẳng phong cách, trường phái nào thay thế được sự sống động, phóng túng, sự rung động sâu sắc trong từng khối tượng. Khác hẳn tranh sơn mài với tạo hình chỉn chu, chuẩn mực, phù điêu Bùi Đức thoát hẳn khuôn khổ, tự do biểu đạt ý tưởng, thoáng đãng mạch lạc ở tổng thể nhưng “găm chết” những chi tiết chủ đạo.
Tạo hình điêu khắc của Bùi Đức tôn trọng chất liệu tuyệt đối. Gỗ không chỉ là chất liệu, gỗ còn chính là hình tượng nghệ thuật. Những gương mặt nửa như trồi ra từ gỗ, nửa như lặn vào trong gỗ.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, lần đầu tiên gặp phù điêu của Đức đã thốt lên: “Bùi Đức làm cho tôi “giận”, vì nó tài quá, nhưng tôi giận rồi lại yêu nó quá!”.
Điều Đức đặc biệt say mê là gọi ra vẻ đẹp trú ngụ bên trong những đồ vật cũ chứ không phá hủy nó hoặc biến nó thành cái khác.
Phù điêu của Bùi Đức độc đáo còn ở chỗ mỗi gương mặt người được gắn trên một mâm gỗ cổ còn nguyên màu thời gian. Anh nói rằng giá trị của tác phẩm ở chiếc mâm chứ không chỉ ở những khuôn mặt được tạo tác. Bằng cách đó, Bùi Đức cho những chiếc mâm gỗ cổ một tâm thế mới, một đời sống mới theo cách nhìn của nghệ sĩ. Điều Đức đặc biệt say mê là gọi ra vẻ đẹp trú ngụ bên trong những đồ vật cũ chứ không phá hủy nó hoặc biến nó thành cái khác.
Cũng với tinh thần ấy, Bùi Đức dùng những thân gỗ lớn vốn là ống bễ lò rèn độ thành loa thùng. Những chiếc loa dựng đứng, thô ráp, bản thân chúng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Mỗi thân gỗ gắn một phù điêu. Đức sắp các thùng loa thành hàng quây quanh bếp lửa, nhìn vào đó không khỏi liên tưởng đến những bức tượng kì bí của xứ sở huyền thoại nào xa xưa lắm.
Cuộc chơi này, với Đức là xa xỉ bởi anh được sáng tạo trong trạng thái không nghĩ. Bùi Đức của ngày xưa tài hoa nhưng nhiều nỗi niềm nên tranh của anh cũng trĩu trịt những ẩn ý. Đức của hôm nay rỗng rang, nhẹ tênh, bàn tay tạc tượng chưa bao giờ bị cái đầu chỉ đạo.
Trước khi làm tượng, anh chẳng suy nghĩ gì, chỉ cầm cưa lên và đặt trên gỗ. Đường chạy của lưỡi cưa đến đâu không hề có tính toán. Những gương mặt hiện ra trong gỗ không hề có định trước. Cứ thế, gã nghệ sĩ chìm trong niềm vui thanh thoát của cảm hứng.
Có lẽ ít người có được tâm thế sáng tạo đó. Tác phẩm điêu khắc của Bùi Đức hôm nay là sự nhẹ nhõm đến thanh khiết của một người đã đạt đến trạng thái trẻ thơ – một lần nữa. Cái nhẹ, rỗng, trong văn vắt đó lại bồng bềnh trôi trên bao mặt tượng gồ ghề, gân guốc, thô mộc. Lạ lùng vậy đó!
Họa sĩ Bùi Đức bất ngờ bỏ ồn ào phố thị lên núi tạo dựng một “Thuyền Mây” để “sống một mình không cô đơn”
Tháng 10 năm 2020 này, Họa sỹ Bùi Đức vào tuổi 53 tuổi, và anh quyết định kỉ niệm cái tuổi đặc biệt này bằng một cuộc trưng bày nhỏ, 53 tác phẩm điêu khắc được treo lần này đánh dấu một chặng mới trên hành trình sống, sáng tạo của người họa sĩ tài hoa.
Anh gọi cuộc trưng bày của mình bằng cái tên “KHÔNG NGHĨ”, triển lãm được trưng bày tại Nguyen Art Gallery 31A Văn Miếu, Hà Nội từ ngày 30/10 đến 10/11/2020.
Lý giải vị trí đặt tượng "moai" bí ẩn trên đảo Phục Sinh
Những bức tượng trên đảo Phục Sinh nằm trong số những vật thể bí ẩn do con người tạo ra.
Đảo Phục Sinh là một hòn đảo ở đông nam Thái Bình Dương, thuộc chủ quyền Chile, nằm ở cực đông nam Tam giác Polynesia. Đảo Phục Sinh nổi tiếng vì 887 bức tượng đá, gọi là moai, được tạo ra bởi người Rapa Nui cổ. Năm 1995, UNESCO công nhận đảo Phục Sinh là một Di sản thế giới, với đa phần diện tích được bảo vệ trong vườn quốc gia Rapa Nui.
Chúng ta vẫn chưa biết làm thế nào người xưa di chuyển được chúng, vì sao họ đặt chúng ở những vị trí cụ thể quanh đảo và họ tạo ra chúng với mục đích gì. Mới đây, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta đã tìm ra một số câu trả lời. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những bức tượng này được đặt ở gần các nguồn nước ngọt.
Người ta tin rằng cư dân của Rapa Nui - tên bản địa của đảo Phục Sinh - bắt đầu tác những bức tượng này vào thế kỷ XIII. Tượng được gọi là moai và có bệ đá gọi là ahu.
Sở dĩ tượng và bệ tượng thường được giữ nguyên theo tiếng bản địa vì đặc điểm của chúng vô cùng độc đáo, không tương đồng với bất kỳ tượng hay bệ tượng ở những nơi khác trên thế giới. Hầu hết các bức tượng này nặng từ 20 đến 30 tấn. Và trong số cả nghìn bức tượng trên đảo, có khoảng 400 tượng đã được di chuyển đi xa khỏi mỏ đá nơi chúng được tạc nên, sau đó được đặt lên trên các ahu ở khắp đảo.
Nhưng các ahu không phải nằm ở bất kỳ đâu trên đảo mà ở một số địa điểm nhất định. Và câu hỏi mà chúng ta đặt ra là vì sao ahu và moai được đặt ở một số nơi nhất định mà không phải là những nơi khác trên đảo?
Nhà nhân chủng học Carl Lipo của Trường đại học Binghamton, Mỹ, nói rằng hầu hết các tượng điêu khắc này được tìm thấy ở dọc bờ biển, nhưng có một số ít lại ở sâu trong đất liền và chỉ ở một số địa điểm nhất định chứ không ở bất cứ đâu. Ví dụ như các nhà nghiên cứu không tìm thấy ahu và moai trên đỉnh đồi, là những nơi mà theo suy luận sẽ là nơi đặt những vật mang tính biểu tượng hoặc đại diện cho tổ tiên của người dân nơi đây vì nếu muốn trưng bày cho mọi người đều thấy những vật mang tính đại diện hoặc các tác phẩm sáng tạo của mình thì các đỉnh đồi là những nơi lý tưởng.
Như vậy các bức tượng không chỉ là những tấm bùa hộ mệnh và để cho mọi người được chiêm ngưỡng từ xa. Trên thực tế, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng người dân dành phần lớn cuộc đời mình sống và làm việc quanh những nơi có tượng, vì thế họ cho rằng các bức tượng có thể được đặt gần một nguồn tài nguyên quý giá nào đó.
Câu hỏi đặt ra là: nguồn tài nguyên nào, nước, nước ngọt, hải sản hay đất trồng trọt? Tài nguyên nào trong những thứ này hay sự kết hợp nào giữa chúng có thể lý giải thuyết phục nhất cho vị trí của ahu trong đất liền?
Các phân tích số liệu chỉ ra rằng nước ngọt là kết quả hợp lý nhất. Nhà nhân chủng học Lipo nói rằng "mỗi khi chúng tôi tìm thấy một nguồn nước ngọt lớn thì đều có một bức tượng và một ahu ở đó. Và chúng tôi nhận thấy điều này lặp đi lặp lại. Còn những nơi không có nguồn nước ngọt, chúng tôi không tìm thấy tượng và ahu."
Nhưng điều đó không có nghĩa là những cấu trúc nhân tạo này dùng để đánh dấu nguồn nước giống như một tấm bảng ghi rằng "hãy lấy nước ở đây", mà có lẽ chính những cộng đồng dân cư bản địa đã kết nối với những nguồn tài nguyên này, họ sống ở nơi có nguồn nước và đặt tác phẩm của mình ở nơi mình sinh sống.
Dường như rất nhiều những tác phẩm điêu khắc khổng lồ này được đặt ở những nơi đó vì những lý do hoàn hoàn thực dụng: chúng ta sẽ dựng tượng ở đây bởi vì đây là nơi chúng ta muốn sống.
Kinh ngạc các tác phẩm lắp ghép làm từ xác côn trùng chết Nghệ sĩ người Hà Lan đã tạo ra những tác phẩm độc đáo có một không hai bằng cách ghép các bộ phận côn trùng chết lại với nhau. Nghệ sĩ Cedric Laquieze ở Amsterdam tạo ra những tác phẩm điêu khắc kỳ lạ nhưng vô cùng hấp dẫn bằng cách sử dụng các bộ phận côn trùng chết. Trong 20 năm qua,...