Nhìn lứa 2K đi thi, 8X và 9X bồi hồi nhớ một thời ‘dùi mài kinh sử’
Mùa ôn thi đại học trong lòng nhiều 8X, 9X là những ngày đạp xe bở hơi tai, chen chúc nhau trong những “lò” luyện cả trăm người ngột ngạt để chạm tay vào cánh cổng đại học mơ ước.
Càng gần ngày thi THPT quốc gia, những dòng status bày tỏ tâm trạng lo lắng, hồi hộp hay “share” công thức ôn tập, mẹo làm bài trong phòng thi của hội sĩ tử 2K càng xuất hiện nhiều trên Facebook.
Nhìn vào đó, Nguyễn Tâm (23 tuổi) bật cười khi nhớ lại mình của 6 năm về trước.
Trong ký ức của cô và nhiều người thuộc thế hệ 8X, 9X, ngày tháng ôn tập miệt mài cho kỳ thi đại học có lẽ mang nhiều điểm chung: Những lò luyện thi đại học ngột ngạt, áp lực và cả niềm khát khao cháy bỏng.
Nắng nóng, “chạy show” và nỗi sợ
Mùa hè năm 2014, một ngày đi học của Tâm luôn bắt đầu lúc 7h và kết thúc lúc 21h. Cứ sau giờ học chính, Tâm lại ngồi xe buýt cả tiếng đồng hồ từ huyện Đông Anh (Hà Nội) để vào nội thành ôn thi.
Báo danh ở 3 lò luyện thi lớn tại Hà Nội cho 3 môn khối D gồm Toán, Văn, Anh, những ngày hè năm ấy thực sự là một “cuộc chiến” đối với Tâm khi di chuyển liên tục giữa các lớp học.
Ngày tháng ôn thi đại học là những lúc tranh thủ giải đề toán khi ra chơi, học thêm bài thơ trước khi đi ngủ hay những lần nghỉ trưa vội trước khi bắt đầu ca học mới. Ảnh: Liêu Lãm.
Khi được hỏi về hình ảnh đáng nhớ nhất trong quãng thời gian ấy, cựu sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền chẳng cần suy nghĩ trước khi trả lời: những giọt mồ hôi.
Không nóng, không toát mồ hôi sao được khi hàng trăm con người chen chúc trong hội trường hay giảng đường một trường đại học. Trời nắng nóng, người thì đông lại chẳng có điều hòa, chỉ có vài chiếc quạt trần quay mòng mòng trên cao, những giọt mồ hôi của lũ học trò cứ thế thi nhau rơi như dòng ghi chú thầy cô viết lên bảng.
Ngày ấy, lớp Tâm học có hơn trăm người, mỗi bàn ngồi khoảng 10 người, có hôm nhiều hơn. Ai mà đến muộn thì “xác định” hết chỗ, chỉ còn nước ngồi trên ghế nhựa con con, đặt sách vở lên cặp sách mà ghi bài.
Ngoài nỗi sợ “mất chỗ”, điều khiến Tâm ám ảnh không kém những ngày ôn thi là “tiết mục” kiểm tra bài cũ của lớp học Văn thầy Hưởng – giáo viên ôn thi đại học có tiếng ở Hà Nội.
“Thầy rất tốt và nhiệt huyết nhưng cũng có quy tắc riêng, đó là học bài trước khi đến lớp. Mỗi lần học, thầy dành 15 phút để kiểm tra bài cũ. Cứ ai không thuộc là bị đuổi ngay tại lớp, có lần thầy giận vì lớp không học bài, thầy cho cả lớp nghỉ một tháng để nghĩ lại bản thân. Nói chung là sợ lắm nhưng bây giờ nghĩ lại, nếu không nhờ thầy kiểm tra, chắc tôi không đỗ được đại học”, Tâm nhớ lại.
Trong tâm trí cô gái, buổi học tổng ôn một ngày cuối tháng 6/2014 là kỷ niệm khó quên. Vì thời gian gấp rút, trung tâm không thuê được mặt bằng, cả lớp Tâm phải đến học ở tầng hầm của rạp chiếu phim Kim Đồng.
“Ở tầng trên thì chiếu phim, nhạc xập xình, ở dưới là đám học sinh đang run cầm cập vì thầy sắp kiểm tra bài”, Tâm nói.
Mỗi lò luyện thi có tới hàng trăm học sinh trong một lớp. Ảnh: FB.
Không học “lò” như Tâm song những ngày ôn thi đại học của Hoàng Thảo (24 tuổi, quê Lạng Sơn) cũng “dữ dội” không kém. Đó là những ngày “chạy” 3, thậm chí 4 ca tính cả học chính khóa.
Video đang HOT
Sáng học chính trên lớp, chiều theo lịch phụ đạo của trường, tối đi học thêm. Thậm chí vào giai đoạn nước rút, có nhiều ca bắt đầu học từ 5h sáng.
“Có ngày, bọn tôi học hai ca liền nhau, 17h-19h rồi lại 19h-21h nên chẳng có thời gian chạy về nhà ăn cơm tối. Tan lớp một cái là mấy đứa ra hàng bánh mì, mỗi đứa ăn vội một cái rồi lại lấy sức đi học tiếp”, Thảo kể.
Trong nhóm bạn chơi thân ngày ấy của Thảo, đứa muốn thi vào Đại học Luật Hà Nội, đứa quyết tâm đỗ Học viện An ninh, đứa thì đặt mục tiêu ngành sư phạm Văn của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Chẳng ai bảo ai, dù bên ngoài cười nói vô tư nhưng cả bọn đều hiểu nỗi áp lực đang lớn dần lên từng ngày.
Vất vả nhưng không thiếu kỷ niệm vui
Đã 18 năm kể từ khi bước chân qua cánh cổng trường thi đại học, Nguyễn Bắc (36 tuổi) vẫn ghi nhớ những ngày miệt mài đèn sách.
Thi khối V vào ngành kiến trúc của ĐH Xây dựng, lựa chọn của chàng trai sinh năm 1983 hồi đó vẫn còn có vẻ lạ lẫm ở miền quê nghèo xứ Nghệ. Sáng đi học trên trường, chiều anh lại lao vào ôn luyện tại trung tâm.
Ký ức ám ảnh nhất của anh về khoảng thời gian “dùi mài kinh sử” là những đồ thị hàm số như hòa với hình ảnh vòng quay của bánh xe đạp trên đường đi học dưới cái nắng oi ả trưa hè tháng 6.
“Hồi ấy tôi thích đi học ôn thi vì được nghe thầy kể chuyện cười và có mấy cô bạn xinh xắn ngồi gần. Dù chật chội, nóng bức và mệt mỏi, không có điều gì ở những ngày tháng đó tôi muốn quên đi cả, mọi thứ đều rất đẹp và vui”, Nguyễn Bắc nói.
Không có Facebook, Instagram hay thậm chí Internet cũng chưa phổ biến như bây giờ, những ngày ôn thi đại học của Nguyễn Quang Sắc (31 tuổi, quê Nghệ An) gắn liền với đống sách luyện đề, vở ghi trên lớp và những lần không dám đi vệ sinh ban đêm vì… sợ ma.
“Ngày ấy, sau giờ học ngoài, tôi chủ yếu tự ôn thêm ở nhà. Mẹ trước khi đi ngủ thường chuẩn bị đồ ăn đêm cho tôi, thường là bát mì trứng, có thêm ít rau thơm tự trồng trong vườn nhà”, Quang Sắc kể.
Những ngày tháng ôn thi đại học với thế hệ 8X, 9X luôn đem lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ảnh: Nguyễn Tâm.
Vì sống ở vùng quê, muốn đi vệ sinh phải ra căn chòi nhỏ phía sau nhà, cậu nam sinh thức khuya học bài ngày ấy mỗi khi “mót” đều dựng cậu em trai dậy để đi cùng cho đỡ sợ.
Gần ngày thi tốt nghiệp lớp 12, Quang Sắc còn bị sốt phát ban, khắp người nổi đỏ và không được ra ngoài. May mà tới sát ngày xem số báo danh, anh kịp bình phục để tiếp tục “cuộc chiến” cùng chúng bạn.
Phạm Thanh Hiền (33 tuổi) có chút bồi hồi khi nhớ lại những ngày đạp chiếc xe cọc cạch cả chục cây số đường đầy đá sỏi đến lò luyện thi ở nhà thầy giáo để học ôn.
Trong căn phòng nhỏ, mấy chiếc bàn xô vào với nhau, chiếc ghế dài phát ra tiếng kẽo kẹt vì có đến 9, 10 người ngồi lên. Cùng với cái nóng hầm hập là mùi mồ hôi, tiếng lầm rầm nói chuyện khiến không gian như càng bị co kéo lại.
Có những ngày vừa bước ra khỏi cổng trường, những cô cậu học trò cuối cấp lại vội vàng đi đến lò luyện thi. Ảnh: Lê Hiếu.
Có mệt mỏi nhưng cũng có không ít niềm vui, những trò nghịch ngợm của tuổi “nhất quỷ nhì ma” không thể nào quên được. Chị Hiền vẫn thường kể cho chồng nghe kỷ niệm ngày ấy được bạn học cùng trung tâm tỏ tình.
“Hồi đó tôi thấp bé nên được xếp ngồi bàn 3. Đi học được mấy buổi đầu, lúc về nhà, mở cặp sách ra thấy có chiếc khăn mùi soa, bông hoa phượng cài trong vở kèm lá thư tay ghi: ‘Chào bạn, trông bạn nhỏ nhắn, xinh gái quá, cho mình làm quen nha. Mình ngồi bàn 6′”.
Hôm sau đến lớp tính trả lại cái khăn, nhìn xuống bàn 6 thấy tận 10 đứa con trai ngồi chen chúc với nhau, không biết là ai nên cô nữ sinh Hiền ngày ấy đành giữ lại.
Với chị, quãng thời gian chạy đua để giành tấm vé vào đại học còn gắn liền với những tháng ngày khó khăn, vất vả của gia đình.
“Những ngày ôn thi đúng vào mùa vụ, có những hôm tôi phải bỏ cả học ở lò luyện đi cắt cỏ cho trâu. Nhà làm đến 2 mẫu ruộng, cha mẹ đều ra đồng cày cấy, tôi không làm thì cũng không có ai làm giúp”, chị nhớ lại.
“Đỗ đại học ngày đó oách lắm”
Từng là một sĩ tử ở thế hệ trước, Nguyễn Bắc nhận xét ôn thi đại học mỗi thời mỗi khác. Khác về cách chúng ta đi học, cách chúng ta tiếp xúc với các cô thầy. Ngày xưa có quá ít thông tin để cập nhật, và hầu như chỉ có sách với vở chứ không có ôm điện thoại để tra cứu được như bây giờ.
Thế hệ của Bắc, người ta xem đại học là con đường đẹp nhất để tiến thân, lập nghiệp.
“Đỗ đại học ngày đó oách lắm. Đó là niềm tự hào lớn của gia đình, dòng họ và đáng để mở cỗ ăn mừng linh đình”, Bắc nói.
Nhưng sau gần 20 năm, người trẻ đã có cái nhìn cởi mở và có nhiều hướng đi hơn, đại học cũng chỉ là một lựa chọn.
Thế hệ 10X hiện nay có nhiều lựa chọn hơn trong việc thi đại học. Ảnh: Nguyễn Trường Sơn.
Nhưng dù ở thời điểm, thế hệ nào, những ngày tháng ôn thi tốt nghiệp THPT và đại học luôn là quãng đời khó quên trong lòng những ai từng trải qua.
Những tháng ngày ấy, nói ngắn thì không ngắn, dài cũng chẳng quá dài, nhưng đều chất chứa bao kỷ niệm, vui có, buồn có, cả những giọt mồ hôi, nước mắt.
Khoảng thời gian ấy, là những ngày gắng gượng học thêm một bài văn, giải thêm một đề Toán dù mắt đã díu cả lại, là những ngày thực sự mệt, chỉ muốn ngủ nhưng vẫn phải cố gắng học bài, làm bài để chạm tay vào ước mơ cánh cổng đại học.
Là những ngày vừa lo, vừa sợ nhưng cũng đầy háo hức của đám học trò chuẩn bị bước sang tuổi trưởng thành, nuôi mộng được vùng vẫy biển khơi.
Theo Zing
Lời nhắn nhủ của thủ khoa các khối A, B, C tới sĩ tử trước lúc bước vào phòng thi
"Hãy nhớ rằng trong phòng thi, đối thủ của mình là đề thi không phải các thí sinh trong phòng", là lời nhắn mà chàng thủ khoa khối B năm 2017 - Hồ Phi Khánh - hiện đang là sinh viên năm 2 của trường ĐH Y Hà Nội gửi tới các sĩ tử.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 chỉ được tính bằng giờ đồng hồ nữa thôi. Chính vì vậy, để động viên các thí sinh, Báo Công lý xin chia sẻ lời chúc của thủ khoa các khối A, B năm 2017 và khối C năm 2018 tới các em, chúc các có một kỳ thi thành công như mong đợi.
Phan Trung Kiên - Thủ khoa khối C năm 2018 - Hiện sinh viên năm nhất Học viện An ninh
Phan Trung Kiên - Thủ khoa khối C năm 2018 - Học viện An ninh.
Thời gian từ giờ đến ngày thi không còn nhiều, các em không nên quá căng thẳng, ôn tập nhẹ nhàng, giữ tâm lý thật vững vàng. Đặc biệt, các em nên hạn chế lên mạng để tránh bị nhiễu. Ngoài kiến thức các em đã chuẩn bị thì sự tự tin là điều rất quan trọng. Các em phải tin bản thân sẽ làm được đã là thành công một nửa rồi.
Còn lúc bước vào làm bài thi, các em hãy làm những câu dễ trước, câu khó làm sau. Những câu khó ở đề môn Lịch sử và môn Địa lý các em đọc thật kỹ, tìm ra từ khóa quan trọng để có hướng giải quyết vấn đề.
Còn đối với đề Ngữ văn, anh có lời khuyên trước khi làm các em nên giành vài phút vạch ra bộ khung sợ lược bài làm của mình để tránh đi lan man, xa rời vấn đề. Và điều quan trọng là phải thật bình tĩnh khi đối diện với đề bài. Vì đây là đề thi THPT quốc gia, kiến thức phổ thông nếu các em đã ôn tập kỹ càng thì sẽ không có gì quá khó khăn.
Cuối cùng là anh chúc các em thật bình tĩnh, tự tin, đạt được ước mơ khi bước vào kỳ thi quan trọng nhất của đời học sinh.
Nguyễn Quang Dũng - Thủ khoa khối A năm 2017 - Hiện đang sinh viên năm 2 trường ĐH Y Hà Nội
Nguyễn Quang Dũng - Thủ khoa khối A năm 2017 - Hiện đang sinh viê năm 2 trường ĐH Y Hà Nội
"Bình tĩnh làm bài, đọc kỹ đề, làm các bài dễ trước để lấy tinh thần", là ba điểm mà được chàng thủ khoa Nguyễn Quang Dũng - Thủ khoa khối A năm 2017 nhấn mạnh khi chia sẻ với các sĩ tử năm 2001 trước khi bước vào phòng thi.
Dũng chia sẻ thêm, các bài đã làm được thì phải kiểm tra kỹ, làm đề thi ít nhất 2 lượt, đánh dấu các bài chưa làm được để làm lại, có thể lưu nháp các bài đang làm dở để quay lại làm tiếp.
Với các bạn học lực giỏi không nên đầu tư quá nhiều vào câu khó, khi chắc chắn phần dễ rồi thì mới làm những câu khó đúng sở trường của mình. Còn các bạn học lực khá thì nên tập trung làm chắc 6 đến 8 điểm đầu và kiểm tra thật cẩn thận.
Cuối cùng, anh chúc các em có một sức khỏe tốt nhất, tinh thần thoải mái và đầu óc minh mẫn nhất để bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019. Bình tĩnh tự tin làm bài, đạt được kết quả tốt nhất mà mình mong muốn.
Hồ Phi Khánh - Thủ khủ khoa khối B - Hiện sinh viên năm 2 trường ĐH Y Hà Nội
Hồ Phi Khánh - thủ khủ khoa khối B - hiện là sinh viên năm 2 trường ĐH Y Hà Nội.
Thời gian thi sắp đến gần, các em nên ăn ngủ nghỉ đúng giờ, không nên thức khuya. Các em cần chuẩn bị tâm lý tốt nhất để bước vào kỳ thi, hãy nhớ trong phòng thi, đối thủ của mình là đề thi chứ không phải thí sinh khác. Làm bài với tiêu chí: nhanh và chính xác. Đừng để thời gian trong phòng thi trôi qua vô nghĩa.
Thi xong là xong, quên môn thi đó, nghỉ ngơi để chuẩn bị buổi thi tiếp theo. Cuối cùng, anh chúc tất cả các em 2001 đạt điểm số cao nhất và đỗ vào trường đại học mình mơ ước.
Ngô Chuyên
Theo congly
Ngày mai, gần 900 nghìn sĩ tử bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2019 Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra trên cả nước từ ngày 24-27/6 với hơn 887.000 thí sinh, sẽ có nhiều thay đổi trong kỳ thi này. Lịch thi THPT Quốc gia 2019 Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra trên cả nước từ ngày 24-27/6 với quy mô hơn 887.000 thí sinh. Tính đến thời điểm...