Nhìn lại thương vụ Công ty Tân Thuận (IPC) bán rẻ 9 triệu cổ phần Sadeco cho Nguyễn Kim
Theo đề án tái cơ cấu được UBND Tp. HCM phê duyệt vào năm 2015, IPC sẽ giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 44% và không cần giảm thêm trong bối cảnh Sadeco đang có kết quả kinh doanh tích cực và còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, thực tế IPC đã không thực hiện đúng theo yêu cầu này của cơ quan chủ quản.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Như VietTimes đã đưa tin trước đó, ngày 14/5/2019, Công an TP.HCM đã khởi tố bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng – nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Ông Tề Trí Dũng bị khởi tố về hai tội danh: tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Được biết, ông Dũng đã được bổ nhiệm chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng Giám đốc của IPC từ tháng 5/2015 theo Quyết định số 138/QĐ-UBND-TC do ông Tất Thành Cang (khi đó là Phó Chủ tịch UBND Tp. HCM) ký ban hành. Thời gian đảm nhiệm chức vụ của ông Tề Trí Dũng theo quyết định này là 5 năm.
Sau khi được bổ nhiệm, ông Dũng nhanh chóng tiếp quản nhiều vị trí quan trọng khác tại các công ty thành viên mà IPC góp vốn, trong đó có CTCP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Và từ đây, ông Tề Trí Dũng được Thanh tra Tp. HCM xác định là có “can dự” trực tiếp tới nhiều sai phạm nghiêm trọng tại IPC và Sadeco.
Công ty Sadeco được thành lập vào tháng 6/1994, ban đầu có 15 cổ đông sáng lập với sự góp mặt của 2 cổ đông lớn là: IPC (chiếm 74,8% vốn) và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (chiếm 14,07%). Cổ phần Sadeco đáng giá như thế nào?
Trong quá trình phát triển, Sadeco nhiều năm liền hoạt động có hiệu quả, đều đặn trả cổ tức từ 10 – 15%/năm nhờ tận dụng được lợi thế nắm giữ nhiều quỹ đất với đơn giá bồi thường thấp trên địa bàn khu Nam (gần trung tâm Tp. HCM) và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, có hạ tầng kết nối ngày càng phát triển.
Năm 2017, Sadeco ghi nhận tổng doanh thu đạt 265,6 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch; mức lợi nhuận sau thuế đạt 111 tỷ đồng, vượt 24% so với kế hoạch và đã tiến hành trả cổ tức 10%.
Vào đầu năm 2014, nhằm thực hiện chủ trương thoái vốn, IPC tổ chức bán đấu giá 5.235.683 cổ phần của mình tại Sadeco với giá khởi điểm 17.400 đồng/cổ phần. Kết quả đấu giá cho thấy, CTCP Bất động sản E Xim (Eximland) là đơn vị trúng đấu giá với mức giá 26.100 đồng/cổ phần. Tổng số tiền mà Eximland bỏ ra trong thương vụ này là 136,6 tỷ đồng.
Sau thương vụ, tính đến ngày 5/3/2014, Sadeco có quy mô vốn điều lệ là 170 tỷ đồng, bao gồm 96 cổ đông. Trong đó, IPC chỉ còn sở hữu 44% vốn điều lệ, Eximland trở thành cổ đông lớn thứ hai với 30,8%, Văn phòng Thành ủy và Công ty TNHH MTV ĐT&XD Tân Thuận sở hữu 16,64%, các tổ chức và cá nhân khác sở hữu 8,56% vốn.
Tuy nhiên, Eximland cũng không gắn bó với Sadeco lâu dài. Bởi trong năm 2016, nhà đầu tư này được xác định đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần cho công ty “Nguyễn Kim” với mức giá lên tới 57.000 đồng/cổ phiếu.
Nhờ thương vụ “lướt sóng” này, Eximland đã thu về lợi nhuận ước tính lên tới 151,311 tỷ đồng.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Eximland cũng đàm phán thành công với đối tác để được quyền hưởng cổ tức năm 2016 đối với toàn bộ số cổ phần nêu trên (thời điểm đó Sadeco dự kiến chia cổ tức 20% trên vốn điều lệ, tương ứng 10,471 tỷ đồng).
Ngoài ra, Eximland cũng đã từng đem lô cổ phần đang sở hữu tại Sadeco thế chấp ngân hàng Sacombank để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trung dài hạn trị giá 90 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ riêng việc sở hữu hơn 5 triệu cổ phần của Sadeco đã đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho Eximland chỉ sau 2 năm nắm giữ.
Sadeco được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho IPC trong nhiều năm (Ảnh chụp màn hình)
Kế hoạch tăng vốn rồi bán rẻ cổ phần Sadeco
Theo đề án tái cơ cấu được UBND Tp. HCM phê duyệt vào năm 2015, IPC sẽ giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 44% và không cần giảm thêm trong bối cảnh Sadeco đang có kết quả kinh doanh tích cực và còn nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, thực tế IPC đã không thực hiện đúng theo yêu cầu này của cơ quan chủ quản. Điều này được thể hiện rõ trong kết luận thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại IPC tại văn bản số 33KL-TTTP-P6 của Thanh tra Tp. HCM vào tháng 10/2018.
Cụ thể, cơ quan thanh tra đã đưa ra kết luận đối với một loạt các vấn đề, bao gồm: (1) việc quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn và tài sản; (2) về công tác quản lý tài hính, tài sản và chế độ kế toán; (3) thực hiện dự án đầu tư; (4) việc giảm tỷ lệ sở hữu vốn của IPC tại các công ty thanh viên; và (5) về thoái vốn đầu tư theo đề án tái cơ cấu (giai đoạn 2016 – 2017). Đồng thời, Thanh tra Tp. HCM cũng đưa ra các kiến nghị biện pháp xử lý đối với các kết luận nêu trên.
Trong đó, Thanh tra Tp. HCM cho biết, ngày 16/6/2017, IPC báo cáo UBND Tp.HCM, bổ sung về vai trò, tác động của Sadeco đối với việc phát triển của Khu Nam Sài Gòn, có nêu: “…Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Thông báo số 495 ngày 18/5/2017…”.
Từ văn bản trên IPC đã đề nghị Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố chấp thuận và trình UBND Tp. HCM phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco xuống 28,8%.
Đối với vấn đề này, cơ quan thanh tra nhận định thông báo số 495/TB- VPTU ngày 18/5/2017 chỉ truyền đạt ý kiến của cá nhân ông Tất Thành Cang (Phó Bí thư Thường trực Thành ủy) chứ không phải Thường trực thành ủy.
Trên thực tế, mặc dù chưa trình UBND Tp. HCM chủ trương tăng vốn điều lệ, song Sadeco đã thực hiện các hoạt động để tăng vốn.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Sadeco ngày 29/6/2017, đại diện vốn góp nhà nước (do IPC cử) thời kỳ liên quan, gồm 4 thành viên: ông Tề Trí Dũng; ông Trần Đăng Linh (Phó tổng giám đốc IPC); bà Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc Sadeco) và ông Trần Mạnh Khôi, Phó trưởng ban Kiểm soát Sadeco, đã biểu quyết đồng ý 100% phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.
Mặc dù nội dung tờ trình tăng vốn đã chỉ rõ việc giảm tỷ lệ sở hữu của IPC không đúng với đề án tái cơ cấu đã được UBND Tp. HCM phê duyệt, nhưng người đại diện vốn nhà nước tại Sadeco vẫn bỏ phiếu thông qua (Nguồn: Sadeco)
Cụ thể, Sadeco sẽ thực hiện phát hành 9 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim). Thương vụ được hoàn tất vào tháng 6/2017, với mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu, Sadeco đã thu về số tiền là 360 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Tp. HCM, trong trường hợp xem xét, đánh giá thấu đáo phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là thiệt hại cho cổ đông hiện hữu, thì với tỷ lệ chi phối (62,8%), nhóm cổ đông nhà nước có đầy đủ quyền để không chấp nhận phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.
Nếu so với thương vụ mà Eximland đã bán cổ phần cho Nguyễn Kim, ngân sách đã bị thiệt hại từ thương vụ này số tiền lên tới 153 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đơn vị thanh tra cũng cho biết, đến thời điểm đầu năm 2017, mức giá nhà đất khu Nam thành phố (nơi Sadeco có nhiều dự án quan trọng với quy mô đất đai lớn) ảnh hưởng bởi cơn “sốt” đất, giá tăng nhiều nên thiệt hại trên thực tế là “rất lớn”.
Mặt khác, việc bán chỉ định cổ phiếu cho Nguyễn Kim cũng giúp cho nhà đầu tư này thâu tóm Sadeco khi chiếm tới 54% cổ phần, trong khi đó, IPC chỉ còn sở hữu 28,8% vốn.
Do đó, Thanh tra Tp. HCM kết luận việc chỉ định đối tác chiến lược và chỉ định bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp nên các việc làm này là “trái quy định pháp luật”.
Ngoài ra, theo quan điểm của đơn vị thanh tra, ông Tề Trí Dũng với vai trò là người quản lý vốn đầu tư của nhà nước, HĐTV, Tổng giám đốc IPC; nhóm đại diện vốn nhà nước của IPC và các cổ đông nhà nước khác, đã không phân tích, đánh giá đầy đủ bản chất, hiệu quả của từng phương án; chưa đảm bảo khách quan, chưa thực hiện hết trách nhiệm, nghĩa vụ của người đại diện vốn nhà nước, vi phạm quy chế quản lý của IPC.
Được biết, năm 2018, Sadeco lên kế hoạch doanh thu đạt 272 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 131,6 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2017) và thực hiện chia cổ tức 15%.
Trong đó, công ty định hướng tập trung hoạt động đầu tư vào một loạt các dự án như: Khu nhà ở và NNGT Tân Phong (15,49 ha); Khu định cư Phước Kiển (giai đoạn 2) – phân kỳ 1 (phía Nam đường Đào Sư Tích – quy mô: 25,3ha); Khu dân cư Sadeco Phước Kiển (17,39ha); Sadeco An Phú (4,6ha); Khu Sadeco Plaza – phường Tân Phong – Quận 7 (2,05ha); Khu định cư An Phú Tây (46,73ha); Khu định cư Phước Kiển (giai đoạn 1 – quy mô 22,29ha); Khu nhà ở Sông Ông Lớn (4,85ha); Khu định cư Tân Quy Đông (17,98ha).
Đối với các dự án hợp tác kinh doanh, Sadeco sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án như: Khu dân cư Ven Sông; Khu dân cư tái định cư Long Hậu; Khu du lịch Siva – Mũi Né.
Ngoài ra, trong năm 2018, Sadeco cũng cho biết sẽ thực hiện triển khai thực hiện hợp đồng hợp tác chiến lược đã ký kết với Nguyen Kim Group (NKG). Công ty này này cũng sẽ đẩy mạnh công tác tìm kiếm dự án mới, phát triển thêm quỹ đất./.
Theo viettimes.vn
Tp.HCM: Xử lý tình trạng chậm triển khai dự án
Mới đây, UBND Tp.HCM đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình về xử lý sau thanh tra về đất đai tại Tp.HCM liên quan đến Kết luận thanh tra số 2889/KL-TTCP ngày 27/10/2011 của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, UBND Tp.HCM cho biết, đã cơ bản xử lý chấm dứt tình trạng dự án chậm triển khai, các chủ đầu tư dự án đã có ý thức đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, quyền lợi của người dân được đảm bảo theo luật, tình trạng khiếu nại, bức xúc của người dân liên quan đến dự án giảm đáng kể.
Trước đó, từ năm 2001 đến 2011, UBND Tp.HCM đã ban hành quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho 790 dự án sử dụng vào mục đích phát triển nhà ở, sản xuất kinh doanh, phúc lợi công cộng, tổng diện tích 14.540ha. UBND TP đã thu hồi, huỷ bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 108 dự án, diện tích 1.552,4ha và đã điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích của 10 dự án (giảm 33,84ha).
Theo UBND thành phố, qua rà soát, một số vấn đề tồn tại khó khăn như: số lượng các dự án nhiều, pháp lý phức tạp, dự án trải qua thời kỳ của Luật Đất đai khác nhau nên chính sách bồi thường, hỗ trợ thường xuyên thay đổi. Bên cạnh đó, vấn đề khó nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm sao phải đảm bảo hài hòa quyền lợi hợp pháp của nhà nước và người dân.
Theo UBND Tp.HCM, đã cơ bản xử lý chấm dứt tình trạng dự án chậm triển khai, các chủ đầu tư dự án đã có ý thức đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, quyền lợi của người dân được đảm bảo. Ảnh: Hạ Vy
Thực tế diễn ra rất nhiều dự án người dân và chủ đầu tư không thống nhất được giá bồi thường. Có một số dự án có quy mô lớn chậm triển khai, chủ đầu tư dự án xin dãn tiến độ, phân kỳ đầu tư để tập trung đầu tư cuốn chiếu. Đối với công trình công cộng còn chậm bố trí vốn để tiến hành chi trả bồi thường cho người bị thu hồi đất...
Để thực hiện quyết định thanh tra, UBND quận, huyện tại Tp.HCM đã việc với các chủ đầu tư dự án để rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án; việc lập và phê duyệt dự án đầu tư, tiến độ thực hiện thu hồi đất, tình hình bồi thường giải phóng mặt bằng...
Kết quả rà soát đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tổng số các khu đất đã có quyết định giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2012-2017 là 1.497 khu đất với tổng diện tích 7.417ha. Trong đó, 5 khu đất diện tích 5,93ha đã xác định xong tiền sử dụng đất nhưng chưa nộp hoặc tạm nộp; có 73 khu đất diện tích 93ha sử dụng sai mục đích, cho thuê, cho thuê lại, chậm đưa đất vào sử dụng, đã có công trình nhưng để trống và chậm tiến độ xây dựng.
Đến tháng 12/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có báo cáo kiến nghị xử lý 180 dự án không thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm từ năm 2015-2018 của các quận, huyện với tổng diện tích 812,9ha, trong đó có 80 dự án thu hồi đất được HĐND thành phố quyết định thông qua với diện tích 281,7ha.
Hạ Vy (TH)
Theo Nhịp sống kinh tế
Đại gia BĐS chi hơn 2.000 tỷ đồng mua lại Dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp bị "treo" lâu năm tại Đà Nẵng Công ty CP Tập đoàn PGT công bố thông tin vừa hoàn tất thương vụ mua bán, sát nhập (M&A) đối với dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Central Coast với giá trị 2.000 tỷ đồng. Dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Central Coast do Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và...