Nhìn lại nông nghiệp năm 2018: Những con số kỷ lục
Dù gặp không ít khó khăn và rào cản, năm 2018 vẫn được đánh giá là năm thắng lợi rực rỡ của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng; thị phần xuất khẩu được duy trì, củng cố, mở rộng.
Khó khăn chất chồng
Theo Bộ NNPTNT, bối cảnh năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường nông sản lớn bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu. Thị trường nông sản thế giới năm 2018 ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu khiến cho nguồn cung tăng nhanh trong khi nhu cầu thế giới giảm hoặc tăng trưởng chậm.
Lọc cá phi lê xuất khẩu.
Không chỉ khó khăn về giá cả và nhu cầu, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với nông sản nhập khẩu. Cụ thể như: Thị trường Trung Quốc không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu mà còn tăng cường quản lý và siết chặt thương mại biên giới.
Thị trường EU vẫn giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời dự thảo các quy định mới về các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng.
Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam; tiếp tục chương trình thanh tra đối với cá da trơn theo Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill); đang triển khai mạnh mẽ việc áp dụng Đạo luật Lacey Act đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Ngoài ra, trong năm 2018, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra hàng nông, thủy sản nhập khẩu, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.
Video đang HOT
Những con số kỷ lục
Vượt lên khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung trong 11 tháng năm 2018 đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính cả năm con số này sẽ đạt trên 40 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).
Đại diện Bộ NNPTNT cho hay: Một trong những điểm nổi bật của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2018 là thị phần xuất khẩu đều duy trì, củng cố và mở rộng. 5 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (tăng 3,6% so với năm 2017); 17,9% (tăng 9,4%); 19,1% (tăng 7,1%); 10,64% (tăng 11,0%) và 6,9% (tăng 29,4%). Các thị trường mới nổi, thị trường ngách (Trung Đông, châu Phi, Đông Âu) đều được lực chọn phát triển bài bản, có tính bổ trợ cho các thị trường trọng điểm.
Bên cạnh đó, điểm nổi bật phải kể đến là giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng, điển hình là gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản. Cụ thể: Đối với mặt hàng gạo, khối lượng gạo XK 11 tháng năm 2018 ước đạt 5,7 triệu tấn và 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp đó là rau quả với giá trị XK 11 tháng năm 2018 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017…
Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Có được thành tích trên là nhờ cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, từ người nông dân tới doanh nghiệp, các hợp tác xã… Việt Nam đã chủ động từng bước nâng cao chất lượng nhiều mặt hàng nông sản theo các tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động trao đổi, đàm phán để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật lẫn thương mại đối với các thị trường lớn là EU, Mỹ, Trung Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Thời gian tới, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất gắn với chuỗi giá trị, theo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tập trung khuyến khích chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Trong đó, ngành cần tổ chức, xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm với nòng cốt, trung tâm là các chủ thể: Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng, quảng bá thương hiệu từng loại nông sản hàng hóa.
Theo Danviet
Xuất khẩu nông sản 2018: Cao su, tiêu, điều"ôm" nỗi buồn riêng
Năm 2018 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu (XK) nông sản với kim ngạch dự báo sẽ đạt 40 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực của mặt hàng lúa gạo, rau quả..., vẫn còn nhiều mặt hàng phải ngậm ngùi với nỗi buồn riêng.
Lượng tăng, giá trị giảm
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, 10 tháng năm 2018, XK nông, lâm, thủy sản ước đạt 32,6 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 16,4 tỷ USD (tăng 2,3%); thủy sản ước đạt 7,24 tỷ USD (tăng 6,2%) và chăn nuôi ước đạt 0,46 tỷ USD (tăng 9,5%)...
Diện tích hồ tiêu gấp 5 lần so với quy hoạch khiến giá xuất khẩu giảm đáng kể. Ảnh: T.L
Theo đánh giá, lúa gạo, rau quả... là những mặt hàng có sự tăng trưởng vượt bậc cả về sản lượng và kim ngạch XK. Thậm chí, rau quả còn đến được nhiều thị trường khó tính sau khi vượt qua những đợt kiểm tra nghiêm ngặt. Ở chiều ngược lại, hàng loạt mặt hàng cây công nghiệp như tiêu, điều, cao su... lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về kim ngạch XK dù sản lượng có tăng. Đây được cho là hệ quả tất yếu của một quá trình phát triển theo phong trào, không theo quy hoạch.
Đơn cử như mặt hàng hồ tiêu, thống kê mới nhất cho thấy, sản lượng XK 10 tháng năm 2018 ước đạt 207.000 tấn, kim ngạch 676 triệu USD, tăng 7,9% về khối lượng nhưng giảm tới 33,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Các thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam trong 9 tháng đầu năm tiếp tục là Mỹ, Ấn Độ, Pakistan. Điều đáng lo ngại là giá XK tiêu bình quân 10 tháng chỉ đạt 3.266 USD/tấn, giảm tới 38,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Có vẻ như sau thời kỳ hoàng kim, hồ tiêu đã lâm vào "cơn bĩ cực" với những đợt giảm giá sâu chưa từng có. Đây là hệ quả tất yếu của sự phát triển quá "nóng" sau khi giá tiêu có thời điểm tăng "như lên đồng". Theo thống kê của Bộ NNPTNT, diện tích hồ tiêu đã vượt gấp 5 lần so với quy hoạch (mục tiêu đến năm 2020, diện tích hồ tiêu cả nước là 50.000ha, nhưng hiện đã đạt 152.000ha), khiến giá hồ tiêu đang ở đỉnh cao 200.000 đồng/kg, đột ngột giảm sâu chỉ còn 60.000 - 70.000 đồng/kg.
XK hạt điều cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về giá trị. Theo đó, 10 tháng năm 2018, XK hạt điều ước đạt 301.000 tấn, kim ngạch 2,78 tỷ USD, tăng 3,39% về lượng nhưng giảm 3,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam. Giá XK bình quân hạt điều đạt khoảng 9.303 USD/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Với hạt điều, khó khăn lại nằm ở khâu sản xuất và chế biến khi cho đến thời điểm này dù có nhiều tiềm năng nhưng chúng ta vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phải phụ thuộc vào nhập khẩu; trong khi đó, nông dân không còn mặn mà với loại cây này do dịch bệnh tăng nhưng giá bán lại bấp bênh.
Cùng chung tình cảnh với hồ tiêu, hạt điều là mặt hàng cao su. Ước tính khối lượng XK cao su 10 tháng đạt 1,21 triệu tấn và 1,66 tỷ USD, tăng 13,4% về khối lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cao su XK bình quân tháng 10 của Việt Nam ước đạt 1.293 USD/tấn, giảm tới 15,7% so với mức giá 1.535 USD/tấn của cùng kỳ năm 2017.
Hóa giải điểm yếu
Có thể nhận thấy, một trong những điểm yếu cố hữu của nông sản Việt Nam là sản xuất nhỏ lẻ nhưng lại theo phong trào, thiếu sự liên kết. Ông Ngô Văn Tiên ở xã Nam Giang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai (chủ trang trại trồng hồ tiêu, cà phê, mỗi năm thu lãi 5 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí) cho hay: Thực tế, việc tiêu thụ nông sản có khá nhiều bấp bênh, thường bị thương lái ép giá. Nông sản làm ra có chất lượng cao nhưng giá bán không được như mong muốn.
Xung quanh câu chuyện XK nông sản, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: Năm nay, toàn ngành có thể đạt mục tiêu tăng trưởng và XK cao. Tuy nhiên, kết quả không được trọn vẹn, vì riêng khu vực cây công nghiệp năm nay giá thấp, thậm chí có một vài sản phẩm rất thấp, không phải chỉ có cao su, tiêu, điều mà kể cả mía.
Theo Bộ trưởng Cường, trên thực tế, Bộ NNPTNT đã nhìn thấy từng cây, từng đối tượng, ngành hàng có những điểm yếu gì để trong chương trình tái cơ cấu từng bước khắc phục. Điển hình như với riêng cây điều, điểm yếu có thể kể đến là Việt Nam phải nhập khẩu tới 70% nguyên liệu cho chế biến; năng suất cây điều Việt Nam mặc dù so với thế giới cao gấp đôi, nhưng so với cây trồng khác và so với yêu cầu người nông dân thì còn phải nâng lên nữa; cần tận dụng hơn nữa các phế liệu khác từ quả cây điều...
Theo Danviet
"Dọn đường" xuất khẩu sữa sang Trung Quốc vào năm 2019 Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã hoàn tất báo cáo đánh giá rủi ro mở cửa thị trường sữa cho Việt Nam. Năm 2019, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể xuất khẩu (XK) sữa sang quốc gia này. Dọn đường để xuất khẩu sữa sang Trung Quốc Mới đây, tại buổi...