Nhìn lại hai năm thích ứng giáo dục 4.0
2022 là năm được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định tập trung triển khai đề án về chuyển đổi số trong ngành.
Nhìn lại hai năm thích ứng giáo dục 4.0 trong tình hình dịch bệnh, nhiều vấn đề khó vẫn là thách thức không nhỏ.
Chuyển đổi số trong giáo dục cần mang lại tiện ích cho thầy và trò. (Ảnh minh họa) .
Áp lực “tạm dừng đến trường, không dừng học”
Phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” do đại dịch COVID-19 buộc phải áp dụng 2 năm qua vừa là áp lực, vừa là động lực thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm duy trì chất lượng giảng dạy – học tập, quản trị đối với học sinh, vừa đảm bảo an toàn, an ninh, kết nối nhà trường – phụ huynh. Đây là cơ hội để giáo viên, học sinh nhanh chóng chuyển đổi từ một mô hình dạy học truyền thống thuần túy sang mô hình dạy học trên nền tảng số; cơ sở giáo dục áp dụng chuyển đổi số trong quản lý và vận hành trường học theo định hướng thông minh.
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và đang diễn ra rất nhanh trên mọi lĩnh vực và ngành nghề. Chính phủ và Bộ GD-ĐT đã đặt mục tiêu giáo dục phải đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, thậm chí là cần phải đi trước cả y tế. Ứng dụng công nghệ phải mang lại hiệu quả, nâng cao năng suất cho giảng dạy và học tập, tránh việc sa đà vào việc trình diễn công nghệ mà không thiết thực…”.
Để thích ứng với giai đoạn đại dịch này, một số trường học triển khai thành công các giải pháp công nghệ vào giảng dạy. Trong năm học 2021 – 2022, Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring Hà Nội, Hệ thống giáo dục Sky-line Đà Nẵng và Trường THPT Võ Thành Trinh, tỉnh An Giang đã được nhận danh hiệu “Trường học điển hình Microsoft toàn cầu” nhờ việc chuyển đổi số và ứng dụng xuất sắc công nghệ để nâng cao kết quả học tập và giảng dạy.
Video đang HOT
Bà Tuệ Minh, Tổng Hiệu trưởng trường Wellspring, cho biết: “Trường học điển hình Microsoft” là danh hiệu đáng tự hào ghi nhận những nỗ lực của chúng tôi khi triển khai phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm và trang bị cho học sinh thành thạo các kỹ năng công nghệ cần thiết khi bước vào thời đại 4.0. Trong năm học nhiều thách thức vừa qua, Wellspring đã nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức học online mà không gặp gián đoạn nào, mang lại hiệu quả học tập ấn tượng cho học sinh. Đây là điểm khởi đầu cho chặng đường tiên phong chuyển đổi số giáo dục với những mục tiêu toàn cầu mới”.
Để có được hành động quyết liệt trong chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần phải thấy hết tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có hướng cho những tiện ích, lợi thế được thể hiện. Với giáo dục, đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn. “Nếu thực hiện tốt, đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học, hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề cập một số vấn đề “khó” khi triển khai chuyển đổi số giáo dục: cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; kết nối, chia sẻ dữ liệu; nhận thức, tư duy, năng lực, văn hóa số; sự chuẩn bị của thể chế, hệ thống văn bản quản lý điều hành; vấn đề tài chính. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là đột phá, vì vậy, sẽ phải từng bước khả thi hóa từng nội dung, mục tiêu đặt ra.
Không chỉ bậc học phổ thông, cả nước hiện đã có khoảng 150 cơ sở giáo dục đại học chuyển hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến để phòng chống dịch. Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho hay, từ khi dịch bệnh xuất hiện thì các trường đại học cũng bắt đầu thay đổi cách giảng dạy của mình, đặc biệt là giảng dạy trực tuyến. Các giảng viên trong trường đại học phải thay đổi cách soạn bài, giảng dạy…. Phương thức quản lý cũng thay đổi và trở thành một phần của quá trình chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số là khi tất cả các hoạt động đều làm từng bước, từng bước một. Hiện nay chúng ta đang làm từng phần nhỏ của nó như số hóa bài giảng điện tử, thư viện điện tử. Hình thức dạy và học trực tuyến cần có sự đầu tư đồng bộ về cả phần mềm, thiết bị, con người”, Thạc sĩ Phùng Quán nhấn mạnh.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng
Ông Tô Hồng Nam cho biết, trong 2 năm vừa qua, ngành GD-ĐT đã ghi nhận tỷ lệ HS học trực tuyến đạt 80% trên cả nước. Năng lực số của đội ngũ giáo viên đã gia tăng đáng kể thông qua việc sử dụng thành thạo, hiệu quả và sáng tạo các giải pháp công nghệ phục vụ giảng dạy. Nhiều trường học đã sớm đầu tư hệ sinh thái số từ việc dạy và học trực tuyến đến hệ thống quản trị không giấy tờ và tổ chức bài bản các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng số cho cán bộ nhân viên và thầy cô. Trong năm 2022, Bộ sẽ xây dựng một số chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục.
Mới đây Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo về chuyển đổi số trong GD-ĐT với sự kết nối tại 63 Sở GD-ĐT và các cơ sở giáo dục, đào tạo trong cả nước. Đại diện các Sở GD-ĐT và các cơ sở giáo dục đều khẳng định chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT là nhu cầu cấp thiết. Hai năm qua nhiều cơ sở giáo dục, nhiều địa phương phải tạm dừng dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy trực tuyến, gặp nhiều khó khăn như: trình độ công nghệ thông tin của các giáo viên không đồng đều; hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều địa phương còn khó khăn để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số; các căn cứ pháp lý chưa đầy đủ, rõ ràng…
Chính vì thế, hầu hết lãnh đạo các trường cho rằng, việc xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá chuyển đổi số trong các cơ sở GD-ĐT là hết sức cần thiết. Các chỉ số này sẽ là căn cứ để thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục; đồng thời, chỉ ra điểm mạnh cần phát huy, điểm hạn chế cần khắc phục và cung cấp thông tin hỗ trợ các cơ sở giáo dục. Bộ chỉ số sẽ giúp các cơ sở GD-ĐT tiết kiệm được rất nhiều thời gian để thực hiện công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động của mình.
Xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, đào tạo là thước đo để các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục có định hướng để đầu tư, thúc đẩy giáo dục. Quan trọng nhất trong việc xây dựng chỉ số đánh giá chuyển đổi số trong giáo dục là phải mang lại được lợi ích cho người học.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trong dự thảo đề án cần cân nhắc thêm về chỉ tiêu hài lòng của người học, cơ sở giáo dục đối với việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong từng nhà trường; cần xác định khung thời gian hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể và đặc biệt cần coi trọng sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để bắt tay làm ngay, đảm bảo hành lang cho việc triển khai thực hiện.
Quan tâm tới sức khỏe tinh thần học sinh, sinh viên khi học trực tuyến kéo dài
Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất mà cả sức khỏe tinh thần của người dân.
Học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Thực tế cho thấy, bên cạnh lo lắng về sự an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, việc học tập trực tuyến kéo dài, thiếu sự tương tác với môi trường bên ngoài là những vấn đề mà học sinh, sinh viên cảm thấy áp lực nhất. Những tác động tiêu cực của dịch bệnh dễ tạo nên cho các em biểu hiện căng thẳng tâm lý.
Ảnh minh họa: TTXVN
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) chia sẻ, dù là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, việc học trực tuyến kéo dài gây nên nhiều tác hại về sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.
Những ảnh hưởng tiêu cực đối với mắt, cột sống, hô hấp... cho cả học sinh và giáo viên khi tiếp xúc liên tục với màn hình máy tính, điện thoại trong thời gian học trực tuyến đã được ghi nhận. Về mặt tinh thần, tâm lý, khả năng truyền cảm, kết nối giữa thầy và trò rất hạn chế. Qua khảo sát tại nhà trường, đa số các em mong muốn đến trường học trực tiếp. Phụ huynh mong muốn cho con em trở lại trường, tuy nhiên điều họ quan tâm nhất là việc đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học trở lại.
Về vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, do diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nên hoạt động tư vấn tâm lý, hỗ trợ về sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh là một trong những nội dung quan trọng mà ngành giáo dục tập trung trong năm học này. Ngành tập trung triển khai hoạt động này từ đầu năm học, trong đó chú trọng tập huấn cho đội ngũ giáo viên biện pháp hỗ trợ học sinh về mặt tâm lý. Các trường xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh, giúp các em vượt qua những sang chấn tâm lý nếu có.
Với sinh viên, việc học trực tuyến kéo dài cũng gây áp lực không nhỏ về mặt tâm lý của các em. Kết quả nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh mới đây về tác động của dịch COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên với sự tham gia của hơn 37.000 sinh viên cho thấy, trong các áp lực tâm lý mà sinh viên phải chịu, áp lực học tập trực tuyến cao nhất. Sinh viên có xu hướng lo lắng về vấn đề này, với nhiều lý do như trang thiết bị, căng thẳng liên quan đến đại dịch, mất đi nền nếp của trường học.
Mặt khác, sinh viên đặc biệt lo lắng về sự an toàn khi phải sống trong môi trường, hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. Ngoài ra, sinh viên còn có các áp lực, lo lắng về khả năng đóng học phí, mâu thuẫn với gia đình trong vấn đề thấu hiểu. Khảo sát này ghi nhận đa số sinh viên thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập, sinh hoạt. Đáng chú ý, 48% sinh viên được khảo sát thừa nhận đã cảm thấy bản thân có nhiều thiếu sót, tự ti và mơ hồ về mục đích sống của mình trong thời gian dịch bệnh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, thành viên nhóm nghiên cứu, dịch COVID-19 đã làm trầm trọng hơn những vấn đề và áp lực tâm thần ở sinh viên. Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu cho rằng, các cơ sở giáo dục nên có những biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có một cuộc sống tâm thần tốt.
Trong đó, cần khai thác tốt những dịch vụ chăm sóc đời sống tâm thần cho sinh viên; triển khai nhanh chính sách hỗ trợ tài chính, gia hạn và tặng học bổng nhằm tạo điều kiện cho sinh viên gặp khó khăn; tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến, chương trình học thuật để sinh viên có điều kiện giao lưu, học tập, rèn luyện. Mặt khác, cần tuyên truyền, khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động cộng đồng để khắc phục và giảm thiểu hậu quả tâm thần do đại dịch gây ra.
Dịch COVID-19 phức tạp, nhiều địa phương thay đổi kế hoạch năm học Trong khi các vùng có dịch diễn biến phức tạp quyết định lùi thời điểm bắt đầu năm học thì ở các vùng đang kiểm soát tốt dịch bệnh lại đẩy lịch tựu trường sớm hơn so với lịch chung của cả nước. Học sinh thực hiện sát khuẩn tay trước khi vào trường. (Ảnh: TTXVN) Trước diễn biến phức tạp của dịch...