Nhìn lại 1 tuần đầy nỗi đau của thị trường tiền ảo
Sự sụp đổ của một stablecoin từng được ca ngợi “hết lời” đã làm dấy lên những câu hỏi quan trọng về hiệu quả, tiềm năng của toàn bộ thị trường tiền ảo.
Vào tháng 1, Mike Novogratz – “ngôi sao” quỹ phòng hộ nay trở thành “nạn nhân” lớn của thị trường tiền số, đã chia sẻ hình ảnh về một hình xăm mới ở bắp tay trái của mình. Đó là hình ảnh một con sói đang tru lên khi mặt trăng lên cao và một banner có chữ “Luna” – đồng tiền số khi đó giao dịch ở mức 78 USD.
Nhà đầu tư của quỹ phòng hộ Fortress nói: “Tôi chính thức là một tín đồ của Luna”. Hiện tại, ông là nhà sáng lập và CEO của Galaxy Digital – một công ty quản lý đầu tư nuôi tham vọng trở thành “Goldman Sachs của giới tiền số”. Hồi đầu tháng 4, Luna đã đạt đỉnh ở mức 116 USD sau khi được nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ nhiệt tình “săn đón”.
Dẫu vậy, tuần này, Luna đã trở thành đồng tiền vô giá trị. Giá Luna giảm xuống dưới 0, sau khi TerraUSD cũng rớt giá dù được thiết kế để neo giá với USD.
Không rõ liệu Novogratz sẽ làm gì với hình xăm của mình. CEO của Galaxy hiện không đưa ra phản hồi. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Luna và Terra đã để lại “nỗi đau” lớn cho thị trường tiền số toàn cầu trị giá 1,3 nghìn tỷ USD. “Coin đến và coin lại đi” – hàng nghìn đồng tiền số đã “chết yểu” kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2009. Song, thất bại của Terra lại đánh dấu một sự kiện đáng nhớ, khi đây là một stablecoin chỉ đơn giản là theo dõi đồng USD.
“Cái chết” đột ngột của Luna diễn ra vào thời điểm giá tiền số nhìn chung đều đi xuống và đặt ra những câu hỏi quan trọng về hiệu quả của toàn bộ thị trường tiền số. Chỉ trong 1 tuần, định giá của Coinbase đã lao dốc, giá Bitcoin cũng lần đầu tiên thủng mốc 30.000 USD kể từ mà hè năm ngoái và Tether cũng vậy.
Nhiều thị thị trường tài chính toàn cầu cũng giảm giá mạnh trong những tuần gần đây, do nhà đầu tư lo ngại trước lạm phát và lãi suất tăng mạnh. Nhưng những gì diễn ra trên thị trường tiền số thậm chí còn căng thẳng hơn.
Diễn biến này đang làm lu mờ những lời khẳng định về việc tiền số là “hàng rào” chống lạm phát hay hoạt động như một loại vàng kỹ thuật số, chứ chưa nói đến việc nhiều tín đồ tiền số tự hào về tiềm năng các coin sẽ trở thành trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu mới.
Công ty nghiên cứu CryptoCompare cho biết Luna là “sự sụt giảm giá trị lớn nhất trong khoảng thời gian này khi nói về một dự án đơn lẻ trong lịch sử thị trường tiền số”.
Sự thất bại của Luna là “một trong những thảm hoạ lớn nhất trong giới tiền số mà tôi từng thấy”, Ran Neuner – trader tiền số nổi tiếng, nhận định. Ông nói rằng đây thực sự là một lời cảnh tỉnh.
Video đang HOT
Nhiều trong số những người theo đuổi các dự án tiền số vẫn luôn tin tưởng vào coin. Michael Sonnenshein – CEO của công ty đầu tư tiền số Grayscale phát biểu hồi tháng 4: “Trung bình, mỗi chính phủ sẽ gây biến động lớn cho đồng tiền tệ của họ mỗi 27 năm. Nhà đầu tư hay người dân thức dậy sẽ thấy sức mua của họ sụt giảm chỉ sau 1 đêm, đôi khi là 10%.”
Song, sự hỗn loạn trong những ngày gần đây càng cho thấy cách các nhà đầu tư kiếm tiền từ thị trường này như chơi xúc xắc. Mô hình của TerraUSD chỉ là thử nghiệm. Thông thường, các nhà khai thác stablecoin cho biết giá trị của token đó được neo với USD theo tỷ giá 1:1.
Ngược lại, Terra được hỗ trợ bởi một thuật toán liên kết với Luna để giữ tỷ giá neo theo đồng USD của nó được kiểm soát. Tức là, nếu TerraUSD giảm giá, các bên trao đổi sẽ sử dụng Luna để huỷ bớt lượng TerraUSD đang lưu thông. Song, giá trị 1 USD của Terra bắt đầu giảm vào thứ Hai khi niềm tin vào mô hình này bị lung lay và kết thúc ngày ở mức 90 cent. Đến thứ Sáu, TerraUSD tiếp tục sụt giảm xuống dưới 15 cent. Nhiều nỗ lực giải cứu đồng tiền này đã thất bại và thứ Năm, blockchain Terra tạm thời ngừng hoạt động.
Đồng tiền số lâu đời và lớn nhất – Bitcoin, giảm 11% hôm thứ Hai và 12% từ đầu tuần đến nay. Kể từ tháng 11/2021, Bitcoin mất hơn 50% giá trị. Tình trạng bán tháo trên thị trường cũng là một nguyên nhân đằng sau đó. Nhưng sự thất bại của Terra – từng là 1 trong 5 đồng stablecoin top đầu, cũng gây hệ luỵ.
Quy mô của Terra tương đối nhỏ nên sự sụp đổ của đồng tiền này lại không tạo “hiệu ứng domino” đối với thị trường tiền ảo. Điều quan trọng hơn là sự kiện này làm dấy lên những lo ngại về những bất ổn tiềm ẩn trong các stablecoin khác, bao gồm cả những đồng lớn nhất như Tether. Hôm thứ Năm, đồng Tether đã mất chốt (peg) 1 USD, khi giá đồng tiền này giảm còn 95,11 cent.
Andrew Beer – thành viên ban quản trị tại công ty đầu tư Dynamic Beta, cho biết: “Đầu tư Terra giống như gửi tiền của bạn vào một ngân hàng ở Iran với lãi suất 20% rồi họ đột ngột đóng cửa. Chúc bạn may mắn nếu giành lại được số tiền của mình hoặc hiểu được điều gì đã xảy ra.”
CTO của Tether – Paolo Ardonio, cam kết sẽ bảo vệ chốt USD của đồng tiền này bằng mọi giá. Trong tuần này, ông cho biết đang chuẩn bị bán một số trái phiếu chính phủ Mỹ mà Tether đã tích luỹ được, với giá trị khoảng 40 tỷ USD. Song, sự thất bại khi Tether mất chốt có thể sẽ là thảm hoạ với thị trường tiền số. Nguyên nhân là bởi, một số ước tính cho thấy 70% giao dịch mua Bitcoin được thực hiện bằng cách sử dụng stablecoin này.
Ingo Fiedler – giáo sự tại Đại học Concordia ở Montreal, người vận hành Blockchain Research Lab, cho biết: “Nếu Tether không còn giao dịch ở mức 1 USD nữa, thì đồng tiền này sẽ mất chốt. Điều này sẽ tác động mạnh đến tất cả các thị trường giao dịch với Tether.”
Tuy nhiên, Ilan Solot – chủ tịch quỹ phòng hộ tiền số Tagus Capital, cho biết thị trường này đã phải đối mặt với những lời chỉ trích không đáng có trong tuần qua. Ông tin rằng Tether mạnh hơn những đồng tiền “đối thủ” đã từng thất bại và có rất nhiều tiềm năng. Hơn nữa, khả năng Tether rơi vào tình thế như Terra là rất khó xảy ra.
Sự hỗn loạn không chỉ ảnh hưởng đến giá của các token hay chốt neo giá của các stablecoin mà cả thị trường cũng bị ảnh hưởng.
Hôm thứ Ba, sàn giao dịch tiền số Coinbase cho biết trong báo cáo tài chính quý I rằng lượng người giao dịch và khối lượng giao dịch trên nền tảng này đã sụt giảm so với quý trước. Vốn hoá của Coinbase đã mất khoảng 3/4 kể từ khi IPO vào năm ngoái, cổ phiếu giảm 32% chỉ trong tuần này xuống còn 72 USD.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Nasdaq đã giảm 27% khi các cổ phiếu công nghệ từng được giới đầu tư cực kỳ ưa chuộng đều rớt giá mạnh.
Edouard Hindi – CIO của công ty quản lý tài sản số Tyr Capital cho hay: “Rất nhiều người nắm giữ cổ phiếu công nghệ và tiền số đã mất tiền. Họ đang bán ra trong hoảng loạn và đó là lý do khiến cả thị trường đi xuống.”
Thị trường tiền số trượt giá cũng đang gây ảnh hưởng đến những nhà đầu tư lớn. Có lẽ, trường hợp đáng chú ý nhất là chính phủ El Salvador – quốc gia sử dụng Bitcoin làm đồng tiền pháp danh vào năm ngoái. Dù Bitcoin rớt giá, Tổng thống Nayib Bukele của nước này đã chi thêm tiền để mua đồng tiền số này. Từ năm ngoái đến nay, El Salvador đã chi hơn 100 triệu USD để mua Bitcoin và giá trị Bitcoin mà quốc gia này đã tích luỹ giảm còn 72 triệu USD trong tuần này.
Hector Torres – chủ tịch tại công ty luật Torres ở El Salvador bình luận: “Vụ đặt cược này liệu có xứng đáng hay không? Chúng tôi cũng không biết. Tại sao lại đầu tư vào Bitcoin trong khi chúng tôi cần được sửa sang đường xá hay bờ tường?”
Thị trường tiền số đã thể hiện “sức mạnh phi thường” và sống sót sau những lần “cận kề” cái chết. Ví dụ, năm ngoái, thị trường này mất 30% giá trị chỉ trong 1 ngày khi Trung Quốc cấm hoạt động khai thác Bitcoin.
Dẫu vậy, sự biến động trong tuần này lại rất khó để thuyết phục nhà đầu tư tổ chức – vốn đã nghi ngờ về thị trường này. Hơn nữa, xu hướng này cũng cho thấy rằng thay vì tạo ra con đường hướng đến việc xây dựng hệ thống tài chính mới, phi tập trung thì tiền số vẫn có khả năng là “trò cá cược” để một số nhà đầu tư ưa thích rủi ro làm giàu nhanh chóng.
Do Kwon sau thảm họa tiền số LUNA: 'Tôi rất đau lòng'
Đồng sáng lập kiêm CEO Terra thừa nhận thất bại của mô hình stablecoin thuật toán.
"Tôi đã dành vài ngày qua để liên lạc đến những người xây dựng, thành viên cộng đồng, bạn bè và gia đình các cá nhân bị tác động bởi việc phụ thuộc vào UST. Tôi rất đau lòng vì vấn đề từ phát minh của mình gây ra cho các bạn", Do Kwon mở đầu bài viết của mình trên Twitter, sáng 14/5.
Đồng thời, CEO TerraForms Lab thừa nhận đã thất bại trong việc xây dựng UST thành một loại stablecoin thuật toán, có thể ổn định lâu dài. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định đồng stablecoin phi tập trung là cần thiết cho hệ sinh thái DeFi. Đồng sáng lập Terra phủ nhận toàn bộ các cáo buộc về việc bản thân bán tháo UST, LUNA và Bitcoin từ Luna Foundation Guard để trục lợi.
Do Kwon thừa nhận sai lầm và xin lỗi vì những tổn thất đã gây ra
Đồng thời, Do Kwon đưa ra đề xuất "hồi sinh" dự án bằng kỹ thuật "hard fork", tua ngược thời gian về điểm bắt đầu de-peg của UST và giới hạn số lượng LUNA. Tuy nhiên, lượng vốn hóa đã bốc hơi không thể lấy lại. Lượng tiền số mới sau khi nâng cấp sẽ được phân bổ cho người nắm giữ LUNA, UST theo một tỉ lệ nhất định. Tuy nhiên, kiến nghị này của Do Kwon mới chỉ ở dạng đề xuất, cần được thông qua bởi ban quản trị và chưa rõ thời gian áp dụng.
Trước đó, Terra đã tìm đến giải pháp tăng tốc độ đốt UST để cứu đồng stablecoin này. Lượng UST bị đốt tạo ra nguồn cung LUNA khổng lồ, tăng từ khoảng 300 triệu đồng lên hơn 6.000 tỷ token. Lượng LUNA bị pha loãng khiến giá đồng tiền số này chia hơn 100 triệu lần so với đỉnh. Tuy nhiên, giải pháp này đã thất bại, UST không tăng, còn giá LUNA gần về 0.
Ngay sau bài đăng thông báo của Do Kwon, Algod, người đang có khoản cược 2 triệu USD về giá năm tới của LUNA đã nhắn đồng sáng lập Terra đòi nợ. "Này Do Kwon, vì tôi thấy bạn đã đăng bài trở lại trên Twitter nên tôi cần sự xác nhận của bên đó về khoản cược. Rõ ràng là LUNA sẽ không thể đạt 88 USD. Token mới được thay thế có nghĩa tôi đã thắng", Algod viết trên Twitter và gắn thẻ tài khoản của Do Kwon.
Bên cạnh đó, khi giá LUNA và hệ sinh thái Terra gần như sụp đổ chỉ trong 3 ngày, nhiều người bị thiệt hại nặng nề vì khoản đầu tư thua lỗ. Trước áp lực, một số nhà đầu tư có suy nghĩ tiêu cực. Trong chủ đề r/terraluna trên Reddit, những câu chuyện người tham gia phải tự sát vì thua lỗ do mua LUNA trở thành tâm điểm bàn luận.
Nhà đầu tư LUNA mất trắng tài sản, lâm vào đường cùng là chủ đề được quan tâm trên sub Reddit của dự án gần đây.
"Tôi mất hơn 450.000 USD và không có khả năng chi trả khoản vay cho ngân hàng. Tôi sẽ mất nhà và thành người vô gia cư. Tự tử sẽ là lối thoát duy nhất cho bản thân", tài khoản Cat-Evening viết trên Reddit.
Một số thành viên lên tiếng trấn an cộng đồng vì sự thiệt hại nặng nề của dự án. "Xin đừng làm gì ngu ngốc, sức khỏe và tính mạng là ưu tiên hàng đầu. Trong đời có nhiều thăng trầm, nhưng phải mạnh mẽ để đối mặt", tài khoản @SatFlipper lên tiếng.
Trang tin MT của Hàn Quốc đưa tin sau khi LUNA sụp đổ, một người đàn ông không rõ danh tính đã lén lút đến nhà của Do Kwon. "Chồng chị có nhà không?", người này bấm chuông cửa rồi bỏ chạy.
Ngày 13/5, thông qua Twitter, Changpeng Zhao, ông chủ Binance lên tiếng chê trách phía dự án Terra đã làm việc kém hiệu quả khi sự cố xảy ra, dẫn đến cú sập LUNA, kéo theo nhiều hệ lụy.
Cùng ngày, sàn tiền số thế giới hủy niêm yết đồng LUNA vì lượng cung tăng đột biến, nhưng đã kích hoạt giao dịch trở lại sau đó. "Lỗ hổng trong thiết kế là đúc và đốt token chẳng có giá trị, nó chỉ làm loãng nguồn cung của những người đang nắm giữ. Nó chẳng tạo ra giá trị. Hãy làm sản phẩm để mọi người dùng được", Chanpeng Zhao đăng trên Twitter.
Giá đồng LUNA và UST tăng nhẹ sau thông báo của Do Kwon, nhưng vẫn chia nhiều lần từ đỉnh. Hiện tổng vốn hóa của LUNA và UST vào khoảng hơn 3 tỷ USD. Ở giai đoạn cao điểm, hai đồng tiền số này có tổng giá trị vốn hóa khoảng 50 tỷ USD. Đồng LUNA đã bị đánh bật khỏi nhóm 200 đồng tiền số lớn nhất. Tổng lượng tài sản khóa trên hệ sinh thái trên hệ sinh thái Terra có giá trị khoảng 500 triệu USD. Trước đó một tháng, con số này là hơn 30 tỷ USD, theo dữ liệu từ Defi Llama.
Do Kwon đề xuất 'đập đi làm lại' dự án Terra Đồng sáng lập Terra đưa ra đề xuất "tua ngược thời gian", phân bổ lại đồng LUNA và "bỏ rơi" UST. Đêm 13/5, Do Kwon, đồng sáng lập kiêm CEO của TerraForm Lab, đơn vị tạo ra dự án LUNA đăng tải bài viết trong cộng đồng quản trị, đưa đề xuất "hồi sinh hệ sinh thái Terra". Mấu chốt của sáng kiến...