Nhiều trường y Nhật Bản bị nghi ngờ hạ điểm để đánh trượt thí sinh nữ
Sau vụ bê bối của ĐH Y Tokyo, mới đây, nhiều trường y khác ở Nhật Bản bị nghi ngờ thao túng điểm thi đầu vào, gây bất lợi cho thí sinh nữ và người từng trượt nhiều lần.
Một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản được tiến hành vào đầu tháng 8 năm nay tại 81 trường, cơ sở đào tạo y tế, cho thấy 30 trường đại học có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ trúng tuyển giữa nam và nữ trong 6 năm qua.
Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 12/10, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Masahiko Shibayama nói rằng có nhiều bằng chứng cho thấy các trường đã thao túng điểm đầu vào theo hướng bất lợi cho ứng viên nữ và thí sinh từng thi trượt.
Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Masahiko Shibayama cho biết nhiều trường y có dấu hiệu thao túng điểm thi để đánh rớt ứng viên nữ và thí sinh từng thi trượt nhiều lần. Ảnh: ANN News.
“Các trường này có thể đã áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau cho nam giới, phụ nữ và ứng viên từng thi trượt trong quá khứ hoặc có sự ưu tiên đặc biệt cho các ứng viên cụ thể trong quá trình tuyển chọn”, ông Shibayama nói.
Bộ trưởng không cung cấp tên của các trường đại học bị nghi ngờ nhưng ông nói thêm những trường này nên “tự giác” nếu có sai phạm.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục Nhật Bản thu thập thêm bằng chứng và mở rộng cuộc điều tra tại tất cả trường đại học, sở y tế trên toàn quốc. Kết quả được dự kiến công bố vào cuối năm nay.
Hiện tại, ngoại trừ ĐH Y Tokyo, các trường khác đều phủ nhận việc can thiệp điểm thi, phân biệt đối xử với các thí sinh theo giới tính hoặc tuổi tác.
Hồi tháng 8 vừa qua, ĐH Y Tokyo thừa nhận đã thao túng điểm tuyển sinh vào trường trong hơn 10 năm nhằm hạn chế số lượng nữ sinh trúng tuyển.
Việc phân biệt đối xử này bắt nguồn từ quan điểm nữ sinh thường không trở thành bác sĩ sau khi tốt nghiệp hoặc sẽ từ bỏ công việc này, khi họ kết hôn và sinh con.
Theo truyền thông nước này, các trường y cũng không muốn nhận ứng viên nam từng thi trượt nhiều lần vì lo ngại nhóm này sẽ thất bại trong kỳ thi y khoa nếu muốn học cao hơn. Điều này làm giảm tỷ lệ ứng viên thành công và gây tổn hại danh tiếng của trường.
Lãnh đạo trường y Nhật Bản nhận lỗi vì bê bối sửa điểm Tại buổi họp báo ngày 7/8, các lãnh đạo Đại học Y Tokyo, đã cúi gập người xin lỗi người dân Nhật Bản vì bê bối chỉnh sửa điểm thi và kỳ thị nữ giới của nhà trường trong 12 năm qua.
Theo Zing
Giáo dục Nhật Bản với bê bối kỳ thị nữ bác sĩ
Nhà chức trách Nhật Bản ngày 10/8 đã mở cuộc điều tra chưa từng có về nạn phân biệt giới tính tại trường đại học Y khoa ở nước này, sau vụ bê bối khiến dư luận phẫn nộ tại Trường đại học Y Tokyo.
Phản đối hành vi sửa điểm thi tại Trường ĐH Y Tokyo.
Theo đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản yêu cầu tất cả 81 trường Y (cả công lập lẫn tư thục) kiểm tra thủ tục nhập học để xem có tình trạng phân biệt đối xử với nữ thí sinh hay không thông qua việc hạ thấp điểm trong bài thi của nữ sinh vào trường Y, vì cho rằng nữ giới không có điều kiện làm tốt nghề này sau khi ra trường, nhất là với công việc phẫu thuật. Đây là cuộc điều tra đầu tiên về vấn đề này trên phạm vi toàn quốc, sẽ kiểm tra tỉ lệ giới tính của các thí sinh đạt yêu cầu trong suốt 6 tháng qua. Hạn chót các trường đưa ra câu trả lời là ngày 24/8.
Vụ việc bắt đầu khi ban lãnh đạo Trường đại học Y Tokyo- một trong những trường Y khoa uy tín nhất Nhật Bản, công khai xin lỗi về vụ sửa điểm thi đầu vào để hạn chế số nữ sinh viên ở mức 30% hoặc thấp hơn. Một ý kiến không công khai danh tính cho rằng trường này đã "chính thức áp dụng chính sách loại bỏ nữ" kể từ năm 2006.
Giám đốc điều hành Tetsuo Yukioka của Trường ĐH Y Tokyo thừa nhận hành vi sai phạm nghiêm trọng này trong một cuộc họp báo vào ngày 9/8 vừa qua, tuy rằng vẫn khẳng định phụ nữ không bị đối xử khác biệt một khi được nhận vào học.
Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản, ông Yoshimasa Hayashi, đánh giá vụ bê bối là cực kỳ đáng tiếc và hối thúc các trường Y hợp tác điều tra. "Dù tình hình có thế nào đi nữa, phụ nữ không nên bị phân biệt đối xử"- hãng tin Jiji Press trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa.
Theo tờ The Guardian, hành vi chỉnh sửa điểm bị phanh phui trong cuộc điều tra vụ chỉnh sửa điểm cho con trai một quan chức Bộ Giáo dục. Đổi lấy việc để người này vào học, nhà trường gặp thuận lợi hơn trong vấn đề được cấp kinh phí nghiên cứu. Thí sinh này - từng thi rớt 3 lần - được cộng thêm 20 điểm và đã lọt vào danh sách đậu. Vị quan chức và cựu giám đốc nhà trường đã bị buộc tội hối lộ.
Cuộc điều tra nêu trên phát hiện trong kỳ thi tuyển năm nay, nhà trường đã giảm 20% điểm thi giai đoạn đầu của tất cả thí sinh rồi cộng thêm ít nhất 20 điểm cho nam thí sinh, trừ những người trước đây từng thi rớt ít nhất 4 lần. Luật sư Kenji Nakai nhận định hành vi thao túng điểm thi là "một phần của nền văn hóa thiếu công bằng và thiếu minh bạch".
Thực tế là thời gian làm việc kéo dài và nền văn hóa doanh nghiệp chịu sự thống trị của nam giới ở Nhật Bản buộc nhiều phụ nữ phải nghỉ việc khi họ bắt đầu có gia đình riêng.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, khi quan sát xã hội Nhật Bản hiện đại, người ta lại nhận thấy một điều rằng bản thân phụ nữ Nhật cũng không quá phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, kể cả công việc. Số phụ nữ chọn lối sống đơn thân ngày càng nhiều cho thấy họ có cuộc sống độc lập mà không lệ thuộc vào đàn ông. "Vấn đề nữ quyền hầu như không còn được đặt ra, và phụ nữ đất nước này hài lòng về điều đó"- nhận xét của tờ The Guardian.
Tuy nhiên, không vì thế mà người ta bỏ qua việc cố tình tìm cách hạn chế nữ giới vào trường Y, vì không chấp nhận sự thiếu minh bạch và lừa dối.
Thế Tuấn
Theo daidoanket.vn
Nhật Bản điều tra toàn quốc sau bê bối hạ điểm của nữ sinh ĐH Y Tokyo Sau khi ĐH Y Tokyo thừa nhận thay đổi kết quả thi tuyển để loại bớt thí sinh nữ, Nhật Bản công bố sẽ điều tra về sự phân biệt giới ở tất cả trường đại học y khoa toàn quốc. Bộ Giáo dục Nhật Bản đã yêu cầu kiểm tra thủ tục nhập học của sinh viên tại 81 trường đào tạo...